Bài học 3. Không nóng vội, vượt bỏ tâm sân hận
Lạ lùng không?! Ba câu thơ đầu tiên của thi phẩm lại là câu hỏi, ba câu hỏi tối hậu, quyết liệt. Ở đó.
Glang Anak [câu 3]
‘Gram xarawan duix di haget bloh ô thah
Bbai tabuh di graup nưrah tagraang kađoong pak halei’
Đất nước tội tình gì mà chưa thoát nạn
Đã dâng chuộc khắp thế giới, còn vướng mắc nơi đâu?
Đã dâng, đã hiến [bbai], và đã chuộc [tabuh], sao mãi hôm nay vẫn chưa thoát khỏi tội lỗi? Glang Anak trả lời: MỌI SỰ TẠI TÂM!
1. Glang Anak
[câu 60]
‘Padơh tak nan ưn ka, jôi bilei ka uraang’
Hãy dừng nơi đó nhân nhượng đã, chớ chùng lén hay tố cáo người
Câu 85” lặp lại:
‘Padơh tak nan ưn ka’: Hãy dừng nơi đó nhịn đã.
‘Dơh tanan’ dừng lại, hãy dừng lại! Nóng vội là hỏng việc. NHẪN ‘ƯN’, là đức tính Glang Anak đòi hỏi đầu tiên.
Vụ YEAH1 vừa qua, sinh linh Cham kí nick Emy Champa không hiểu sự tình, đã tố cáo Inrasara “ghét Islam, nên tìm cách kết tội Islam”. Khi tôi hỏi: Inrasara “ghét Islam” ở đâu?, “kết tội Islam” nơi nào? bạn này lẩn mất, không tiếng lục lạc ngựa ‘lihik yawa grông‘.
2. Nóng vội, háo hức muốn làm theo ý mình, ‘uraang’ “họ” ban tặng cho ta ngay!
Glang Anak [câu 66]
‘Ra pa-ôn drei dahlau thumu thong tian drei takrư’
Người ta tặng ta cho kịp với lòng ta muốn
Câu 73:
‘Yah mưxak pathumu tian drei’
Nếu hỗn xược cho kịp với lòng, cho thỏa tâm sân hận [nóng giận] cũng vậy, “họ” sẽ ban phát cho ta tức thì!
Vụ Ghur Raneh, chưởi ư? Thì cứ chưởi, chưởi thoái mái, ông bà quay lưng đi, ở đây tôi tiếp tục lấn.
Vụ Trường Mai Thúc Loan, cứ tự mãn với suy nghĩ nhỏ lẻ đi, cuối cùng là đại bại.
Kut Boh Dana cũng hệt, nhắm mắt làm tới, rồi phần thiệt thuộc về ông bà thôi. Vân vân.
3. Hãy biết bao dung ‘palai tung tian’.
Bao dung với mình. Bao dung và tha thứ. Bao dung cả với “kẻ thù”.
Họ đã sai, đã lỡ, không cố ý, không tái phạm; họ đã nhận sai lầm, đã biết xin lỗi, đã chấp nhận chịu phạt – ta bao dung. Không cần thiết làm nhục họ, bắt họ phải quỳ gối, cúi đầu. Bởi “họ” cũng là sinh linh.
Trích từ bài cũ 2008:
“Cham hầu như không biết căm thù. Giận thì có, nhưng thù, hận, căm thù, hận thù – không, có lẽ. Lạ! Trong văn chương Cham không có dấu vết căm thù. Tiếng Cham:
– “căm” là janưưk; “thù” là mưbai. Hai từ này hay đi chung với nhau thành cặp đôi mưbai janưưk hay janưưk mưbai: thù hận, hận thù.
– ở cấp độ khác, hanauh là “hờn”; nặng hơn xíu thành ginoong: “giận”.
Thế tại sao Ariya Glang Anak, tác phẩm được cho là nhân bản nhất suốt lịch sử văn học Cham, chữ janưưk, mưbai, janưk mưbai lại có mặt dày đặc?
– janưưk (hận; xấu ác, không lành) 6 lần xuất hiện ở các câu: 11, 37, 50, 57, 58, 65; mưbai (thù) 2 lần: câu 11 và câu 57.
– ngoài ra, mưbai janưưk (thù hận) còn quàng vai đi kèm 3 bận: câu 46, 75, 115; hay janưưk haniim (thiện ác) đi cặp 2 lần ở câu 51, 115 nữa!
Nhớ, Ariya Glang Anak xuất hiện đầu thế kỉ XIX, khi Champa đã tan rã. Biến thiên cuộc thế và thay đổi của lòng người gây ra đại khủng hoảng, mang tính quyết định sự tồn vong [không phải đất nước nữa – đã mất rồi, mà] của sinh mệnh dân tộc.
Hận thù có mặt khắp xung quanh, trong không gian, do người ngoài mang đến “tặng” ta, nó có mặt giữa anh em bà con bè bạn ta, và ngay nơi thẳm sâu lòng ta nữa.
Glang Anak viết để cảnh giác, để cảnh báo. Viết như là trối trăn (thơ Inrasara). Đó là thông điệp cuối cùng của thức giả lớn cuối cùng trong ngày tàn cuộc cuối cùng của vương quốc.
Dẫu sao bên cạnh mưbai, janưưk, janưưk mưbai, Glang Anak không quên haniim (phúc, lành, thiện – 6 lần) hay haniim ayuh (phúc thọ) hay haniim phôl (thiện lành). Nhiều lần lặp lại. Không phải như một đối kháng nhị nguyên mà, như mở lối thoát, một khai thông hướng đi.”