VỀ CHỦ NGHĨA AO LÀNG.10 – ARIYA GLANG ANAK & HẬU HIỆN ĐẠI 1-2

Khi vui ngất trời hay buồn nát mật, tôi đọc Ariya Glang Anak; những mùa yêu Cham nhất hay mấy bận chán Chàm nhất, trong ánh sáng vỡ òa của con đường hay giữa đêm đen tối mò của thời cuộc, tôi đều tìm đến Ariya Glang Anak.
Ariya Glang Anak như kinh nhật tụng cứu vớt, nâng đỡ và soi sáng tâm hồn, tinh thần và tư tưởng tôi.
Nói về Ariya Glang Anak thì bạt ngàn chuyện, ở loạt “Chủ nghĩa Ao làng” này, tôi chỉ đề cập hai điều liên quan trực tiếp đến thế sự hôm nay, như thiên hạ nói: hiện trạng & giải pháp. Cả hai bó gọn trong 3 câu thơ đầu của thi phẩm, thiên tài là vậy.

[1] Glang anak linhe likūk jāng ôh hu
Bhian drap ngak ralô piơh hapak khing ka thrōng

Nhìn trước, ngoảnh sau cũng không có [được]
Của cải làm ra nhiều, cất nơi đâu cho ổn [vẹn toàn]

Xưa, văn minh Champa với mênh mông của cải quý giá [nổi và chìm] trải dài suốt giải đất miền Trung Việt Nam hiện nay, qua định mệnh lịch sử dân tộc, ông bà chẳng biết “CẤT NƠI ĐÂU cho vẹn toàn”. Để rồi nó còn gì? – Không gì cả, ngoài những mảnh vụn thất tán đây đó.
Và hôm nay, con cháu LÀM GÌ, cho nó vẹn toàn trở lại, dù chỉ một phẩn? – Chưa gì cả!
“Nhìn trước ngó sau”, ai kẻ để Cham có thể nương nhờ? Và đâu là tiếng nói mong đợi? – Cô đơn, trí thức! “Đây với đó chỉ dựng chòi cô độc” (Huy Cận).

[2] Panrāng Krōng Parīk Pajai halei gilōng
Kiêm bathei khing ka rōng, kacôic tabiak jiơng darah

Phan Rang, Phan Rí, Lòng Sông, Phú Hài đâu là nẻo đường?
Ăn ghém sắt cho kì nát, nhổ ra thành máu

Bốn vùng bị bao vây, đâu là lối thoát – xưa? Đâu là con đường – nay?
Trước, ta đã quyết “ăn ghém sắt” (duy ý chí), và ta “đổ máu” (thất bại), với Tôn Pho, Thak Wa… Sau đó, ta cũng mấy bận thử lại, rồi cũng nhận về bao khốn đốn, nát tan.
Cả khối người bỏ đi, thoát đi, ai đã/ hay còn có ý định trở về đất thánh Pangdurangga?
Xưa, từ Hải Nam, Thái Lan, Cambodia, Malaysia? – Không, hay chưa ai cả! Đó là thực tế buồn.
Ở thời hiện đại, từ Mỹ, Tây Âu? – May có những sinh linh Cham còn giữ được tinh thần Pangdurangga.

[3] Grām xaravān duix di haget bloh ô thah
Bbai tapuh di graup nưrah tagrāng kađōng pak halei

Đất nước [quê hương] tội lỗi gì mà không thoát [khỏi]
Đã dâng chuộc khắp thế giới, (vẫn còn) vướng mắc nơi đâu?

Cham đã khổ, hiện chưa thoát khổ, và vẫn chưa thấy đường sáng – ngày mai. Tội lỗi ở đâu!? Ta đã dâng hiến, đã cúng dường mọi tháp thần khắp đất nước, khắp thế gian, đâu là nơi tội còn vướng mắc?
Ai kẻ Cham có thể nương cậy? Và đâu là tiếng nói để Chàm mong đợi? Để mỗi sinh linh Cham hết còn là thế giới cô đơn. Để tiếng nói thành tâm thôi còn là âm thanh lạc lõng vọng vào sa mạc.
Glang anak linhe likūk jāng ôh hu: Nhìn trước, ngoảnh sau đâu ai người…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *