Từ 15 năm trước tôi đã cảnh báo và gợi ý, vậy mà Cham đến hôm nay vẫn chưa có nhà báo. Một nhà bậc trung thôi, cũng chưa.
Chúng ta có lắm nhà kí sinh phê phán xã hội mà không có lấy một nhà tiểu luận; có nhiều thi sĩ, mà không có nhà tiểu thuyết; nhất là nhiều nhà nghiên cứu mà thiếu hẳn một nhà báo có nghề.
Là một thiệt thòi lớn.
1. Vụ mới nhất: 4 sinh linh Cham bị thương. Ngày 19-1 xảy ra sự cố, mãi 3 ngày sau Inrawira Indrajaya mới cho tôi hay tin qua “chat”, lại là tin chưa được kiểm chứng: không cụ thể, không hình ảnh. Tôi hứa vào cuộc.
Phon hỏi 4 bạn ở vùng lân cận, chuyện to thế mà chả ai hay ai biết.
Phần bận Đại lễ Kut Gaup Gađak, phần Tết Nguyên đán, dù nghi tin thất thiệt, tôi vẫn dò la – vắng ngắt. Mãi sau mới có người cho link FB Ngân Thanh. Lại phon, thì được trả lời:
– Cei tin con đi, không dối đâu.
– Nhưng cei muốn có hình ảnh cụ thể để làm việc mà!
Rồi khi biết chắc đó là sự thật, tin từ bà con vẫn cứ mơ hồ. Đăng tin và hình ảnh lên FB, tôi phải cho ẩn phần chuyển khoản, để sau hai tiếng đồng hồ liên lạc được với người nhà nạn nhân, tôi mới cho hiện trở lại.
Mất đúng một tuần, tội không! Rồi ngay hôm nay diễn biến vụ việc thế nào cũng không cho bà con biết.
Nếu cộng đồng ta có 1-2 nhà báo thì hay biết bao.
2. Vụ “Bằng tiến sĩ Thành Đài”, anh Karim cho mình “nhà báo”, là nói hơi to. Một nhà báo đúng nghĩa cần hội đủ mấy tiêu chí:
– Về điểm nóng của cộng đồng, bạn biết sớm hơn thiên hạ;
– Bạn, hoặc người của bạn có mặt ở hiện trường để lấy thông tin;
– Đưa tin kịp thời, khách quan, cùng bình luận sắc sảo;
– Vào cuộc đến nơi đến chốn, cuối cùng lập hồ sơ bố cáo bà con.
Chỉ khi bạn hội đủ 4 yếu tố ấy, dân [ở đây là bà con Cham] mới đặt niềm tin vào bạn, sẵn sàng cung cấp thông tin cần thiết, để bạn hành sự.
3. Inrasara sáng lập và chủ biên đặc san Tagalau, nhưng không tự nhận nhà báo! May [hay rủi] điều, là mọi mọi sự vụ từ to đến nhí, bà con Cham đều kêu tới Sara, cung cấp thông tin cho cei Sara (nhiều Cham nghĩ tôi làm to lắm tận Trung ương).
Kê qua các vụ cộm của cộng đồng 15 năm qua, tôi vào cuộc và lập Hồ sơ cuối cùng:
Vụ Kiều Minh Vũ, Sự cố Văn hóa Nguyễn Thành Thống, Vụ Đất đai Văn Lâm, Cô gái Cham lao động ở Malaysia, Sự cố Chế Kim Trung, Vụ “Đàng đào tạo các nhà văn Cham”, Dự án Điện hạt nhân, Chiến trường Akhar thrah, Vụ Đàng Ngọc Thủy, Kut Boh Dana, Trường Nội Trú Dân tộc Ninh Phước, Vụ Ghur Raneh, Biểu tình ở Trường THCS Mai Thúc Loan, Cháu Nghĩa mất tích, Vụ CMND từ Bà-ni thành Hồi giáo, Vụ thầy Tỷ-Thành Phần, Vụ Acar Nguyễn Ngọc Quỳnh, Vụ tên Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà-ni, Hiện tượng các báo viết sai về Cham, cùng chục vụ nhỏ lẻ khác.
4. Mới đây, nếu Cham có nhà báo, thì việc Đổng Trọng Nghĩa cậu bé Cham Ninh Thuận đạt giải nhì Cuộc thi Toán trí tuệ Quốc tế tại Thái Lan có sự tham gia của hơn 1.000 thí sinh đến từ 22 quốc gia trên thế giới, vào tháng 12-2019 thì chính nhà báo Cham đưa tin, đâu phải chờ ai khác.
Hay sự kiện ông Inrasara diễn ở Nhật, Đài vừa qua, nếu Cham có nhà báo xịn thì chính Chàm mình sắm vai người phỏng vấn, đâu phải chờ đến đương sự viết và đăng “32 Đối thoại Fukushima” lên FB, tạo cớ cho bà chị Fatimah Amin [và các anti-FAN Inrasara] có cơ hội bổ sung “Hồ sơ Inrasara khoe khoang”. Chớ báo Đài, Nhật khoe [bạo] về Sara, bà con ta có hay đâu!
Và vô số sự cố sự kiện khác nữa, ở những ngày tới.
P.S. Gợi ý cho các bạn trẻ.
Nếu bạn là nhà báo, hay tự luyện để trở thành nhà báo chuyên, bạn lập một web, đưa thông tin như Sara chỉ dẫn, chắc chắn web sẽ được nhiều người biết đến. Báo chí Việt Nam và quốc tế lấy nhiều tin về Cham từ web bạn. Bạn vừa giúp ích được cho cộng đồng, vừa nổi tiếng, vừa có tiền xài chánh đáng. Không tuyệt sao?!