Cham cần gì hôm nay?-3. THĀNG HARUNG NHÀ CỘNG ĐỒNG CHAM

[Đặt Nền Triết Học Đạo AHIÊR-AWAL.V: LUẬN]

Từ khởi động “Đi tìm sinh lộ cho Cham Ahiêr-Awal” vào đầu năm 2017, tôi nghĩ nhiều về LUẬN Xakarai; mà muốn có luận thì cần có nơi để tranh luận Pacoh Xakarai.
NHÀ CỘNG ĐỒNG phải có, là vậy.
Chua Nhat Phattriet VII-02
THĀNG HARUNG NHÀ CỘNG ĐỒNG CHAM Ở ĐÂU?
1. Cham ưa tranh luận, có lẽ do dư hưởng từ truyền thống Ấn Độ. Tranh luận thiếu người cầm chịch tầm cỡ thành suy thoái, để ngày nay làm cãi cọ.
Chức sắc Awal sở hữu tháng Ramưwān cùng những dịp Xug yơng, còn Cham Ahiêr là những buổi đám, là khoảng không thời gian tốt cho tranh luận. Ở đó chư vị chỉ bàn về ADAT LUẬT – đúng chức năng. LUẬN là công việc dành cho Gahêh là trí thức khuynh hướng triết học và tư tưởng.
Thời hiện đại, thập niên 1960 ông Châu Văn Mỗ lập Hội Bảo trợ ở Thị xã Phan Rang lo cho thanh niên Cham đi học, đồng thời cơ sở Hội là nơi trí thức Cham gặp mặt bàn chuyện xã hội.
Thập niên 1970 ở Phan Rang, Cham có Trường Trung học [& Kí túc xá Pô-Klong] cùng Trung tâm Văn hóa Chàm là hai địa điểm thu hút trí thức Cham Panrang-Krong-Parik-Pajai đến.
Nhưng rồi sau 75, hai “trung tâm” ấy không còn; Ban Biên soạn sách chữ Chăm dù không vai trò đáng kể vẫn là điểm thu hút bà con và trí thức Cham đến tụ hội, nhưng rồi nó cũng bị xóa sổ. Bên tôn giáo, các buổi đám để pacoh xakarai luận đàm triết học cũng đã mất đi không khí “sinh hoạt trí thức” như đã.
Cham cô đơn. “Đây với đó chỉ dựng chòi cô độc” (Huy Cận). Từ xa mặt đến cách lòng chỉ một bước chân. Thế nên hôm nay đòi hỏi những cái “chòi” kia đả thông nhau là điều bất khả.

2. Nhìn ra thế giới
Bên Công giáo có Nhà chung, nơi ở và làm việc của giáo sĩ, đồng thời cũng là trụ sở của một giáo phận Công giáo. Còn Tu viện, lớn hay nhỏ tùy tầm vóc sinh hoạt, là chốn dành cho các nhà tu hành (tu sĩ, ẩn sĩ, nữ tu…) ở, nghỉ ngơi, sinh hoạt, hành lễ và tu đạo.
Bên Phật giáo, tồn tại 4 loại “chùa”:
– Chùa từ 20 vị tăng tu tập trở lên gọi là Tu Viện.
– Chùa dành cho hệ phái khất sĩ gọi là Tịnh Xá.
– Những nơi tu tập có khu tăng, khu ni, có nhiều khu, nhiều chùa gọi là Đại Tùng Lâm.
– Thiền viện thường là những ngôi chùa lớn, chuyên tu theo thiền định.

3. Cham hôm nay có gì? – Không gì cả!
Bên Cham Ahiêr có Danōk Pô Klōng Girai ở làng Bblāng Kacak, chỉ là cái nhà khiêm cung nằm trong khuôn viên hẹp, ngoài ra không gì hơn, không gì khác. Mỗi tháng Halau janưng Ahiêr đến sinh hoạt một lần, rồi cửa đóng then cài. Bên Awal là “trụ sở” Hội đồng Sư cả Bà-ni Ninh Thuận nằm trong khuôn viên Thāng Mưgīk palei Cwah Patih, cũng hệt.
Tôn nghiêm và… đìu hiu. Tôn nghiêm quá thành đìu hiu.
Giới trí thức không bén mảng tới, nói chi tín đồ hay người ngoài.
Trong khi cộng đồng cần một nơi chốn MỞ & THƯỜNG TRỰC hơn, cho sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng và nhiều thứ khác.

THĀNG HARUNG NHÀ CỘNG ĐỒNG CHAM LÀM GÌ?

1. Nhìn từ “4 loại chùa Phật”, thử xét 2 cấp độ.
Cấp độ 1.
– Chùa cần, để có NƠI cho sư, tăng ni sinh hoạt, tu hành, và thuyết giảng.
– Từ chùa, sau khi tu hành đắc đạo, khi thân ta là chùa, nói cách khác: Chùa tại tâm, người hành đạo trở về nhà, thành CƯ SĨ.
– Hay bậc sư đã đắc đạo, dù không cần chùa nữa [chùa đã tại tâm] nhưng vẫn ở lại chùa để hành đạo cứu độ chúng sinh – là hành động của BỒ TÁT.
Cấp độ 2.
– Ở cấp độ thấp hơn, chùa là nơi Phật tử hay khách đến vãng cảnh thư giãn, nghe giảng kinh hay thực hành các nghi lễ tôn giáo.
– Thấp hơn nữa, chùa dành cho vô số sinh linh yếu đuối: Chán người và trốn đời nương thân tạm thời, sau đó hoặc “tu” luôn hoặc trở lại làm con người bình thường.
– Ngoài ra chùa con là nơi cho “trí thức” lánh đời làm công việc của mình.

2. Thử hình dung Thāng Harung Cham
Trong một khuôn viên MỞ,
– Một ngôi nhà tôn nghiêm để cầu nguyện, nơi có tượng giáo chủ Pô Rômê;
– Một tịnh thất để hành đạo, tu tập dành cho thành phần có khuynh hướng thiền, Yoga;
– Một phòng khách dành cho luận sư và trí thức luận bàn kinh sách;
– Một phòng sách [ưu tiên cho loại sách Đạo & sáng tác, nghiên cứu về Cham] và phòng đọc;
– Quán cà-phê & quán ăn, quầy bán hàng lưu niệm: gốm, thổ cẩm.
– Khu vãng cảnh, dĩ nhiên.
Thāng Harung Cham mời gọi và dung chứa mọi tầng lớp sinh linh Cham, từ hàng Halau janưng cho đến trí thức lẫn dân thường.
Những sinh thể yếu đuối cần Thāng Harung. Vô số con người yếu đuối, đủ loại. Yếu đuối và tuyệt vọng. Ở tuổi trẻ – họ có khả năng làm cái gì đó nếu vượt qua khủng hoảng ban đầu; ở tuổi già: Thāng Harung cho họ chốn yên tĩnh để ngẫm lại những trải nghiệm vừa qua; hay với kẻ không thích chung đụng với đời, muốn lánh đời để theo đuổi điều mà họ cho là có ý nghĩa.
Ngoài ra Thāng Harung không chối từ khách thập phương đến viếng, hoặc cùng trí thức Cham tham gia bàn luận.

3. Thāng Harung Cham thế nào?
– Để thực hiện mấy hạng mục thiết yếu trên, Thāng Harung cần từ khoảng 1ha đất.
– Thāng Harung nên đặt ở đâu? – Ở khu vực trung tâm cộng đồng Cham Pangdurangga, đương nhiên.
– Tiền đâu?
Cộng đồng Cham hải ngoại đã có nhà cộng đồng: Mua đất, xây dựng từ tiền mạnh thường quân và tín đồ các nơi. Ta nghĩ Cham xa quê mới cần “Nhà Cộng đồng”, chứ ở cố quận thì không, là lầm to! Ngược lại, Cham nội địa hôm nay cần hơn bao giờ hết.
Vì CHAM PHUN DARANG chính là điểm KẾT NỐI Cham Pangdurangga: Panrang-Krong-Parik-Pajai với Cham Tây, kết nối Cham nội địa lẫn Cham hải ngoại.
Như là nền của các nền đất.

THĀNG HARUNG HOẠT ĐỘNG THẾ NÀO?

1. Nhà nước ta có cho Cham xây dựng Thāng Harung không? – Có, và không.
Có, nếu là chính quyền nhãn quan rộng để hiểu rằng, một cộng đồng nào bất kì trong đất nước tiến bộ mà vẫn bản sắc là góp phần vào tiến bộ và bản sắc chung cho đất nước Việt Nam đa dân tộc, làm GIÀU đất nước Việt Nam. Nhà nước chẳng những cho, mà còn ủng hộ.
Không, bởi nhìn từ phía cạn hẹp và ngắn rằng,
[1] “để Chàm tiến bộ nó sẽ hơn ta”; hoặc
[2] “tụi Chàm nó ý đồ làm chính trị”.
Điển hình nhất [1]: Trường Trung học Pô-Klong, đất là đất công, Cham bỏ công sức xây dựng, chỉ qua 7 năm đào tạo, Cham vừa bản sắc đồng thời tiến bộ thấy rõ, rồi chính thế hệ đó hôm nay đang cống hiến tài lực cho đất nước. Vậy mà sau “giải phóng”, nó bị dẹp gọn.
Còn [2], Thāng Harung, nếu khép vào “chính trị”, chắc chắn nó không phải thứ chính trị cơ hội, càng không chính trị xôi thịt giành ghế, mà là chính trị cao cấp [như bột giặt cao cấp, rau muống cao cấp, loa kẹo kéo cao cấp…], nghĩa là đầy tính nhân văn.
Một Nhà nước tiến bộ do dân vì dân mà không cấp phép cho Thāng Harung, mới lạ!

2. Hãy tưởng tượng, sau khi xong công trình…
Sẽ có một luận sư TRỤ TRÌ
Ở Ấn Độ, luận sư vừa ra ràng đã có bộ phận cộng đồng chu cấp vật chất và phương tiện, cá biệt luận sư nổi tiếng nguy cơ thành triệu phú; họ chỉ lo suy tư và thuyết giảng. Cham thì không. Tôi không nói về các chức sắc tôn giáo, mà là luận sư.
Cham nghèo, luận sư Cham cần học biết chấp nhận tình trạng nghèo đó, để làm việc. Mơ theo chân Ấn thì còn khuya.
Cá nhân tôi chẳng hạn, cần rất ít, và có thể nói: không cần gì cả.
Nói như Henri Miller: Một nghệ sĩ thực thụ ăn ít, ngủ ít, sở hữu ít, hoặc không có gì cả!
Một luận sư trụ trì Thāng Harung, cần THÁO VÁT khoản tổ chức, bên cạnh VÔ ƯU chuyện nỗi đời. Hắn phải thoát khỏi mọi hỉ nộ ai lạc của cuộc người.

3. Quản lí và điều hành
Mọi người, mọi thành phần đến với Thāng Harung theo tinh thần tự nguyện.
Họ tự tổ chức, để có khả năng trang trải cho Thāng Harung.
Tôi tin thu nhập từ quán cà-phê & quán ăn, quầy bán hàng lưu niệm có thể chu cấp đầy đủ cho bộ phận quản lí, vệ sinh và bảo quản các khoản trong khuôn viên Thāng Harung.

“Mùa hạ nhất định sẽ đến. Nhưng mùa hạ chỉ đến với những kẻ biết chờ đợi, chờ đợi một cách trầm lặng, tín thành và cởi mở, như là mình đã có cả vĩnh cửu trước mắt mình” (R-M. Rilke).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *