Tồn tại hôm nay-2. GIẢI TÁN MỘT SUY NGHĨ-1

Nhà thơ Lệ Thu viết [thơ] trên báo Văn Nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam (1998), về tập thơ Sinh Nhật Cây Xương Rồng, rằng: “Có nhà thơ mang trái tim của một vương triều/ Khát vọng phục thù, ước mơ đảo ngược”, và tôi đáp lại bằng… bài thơ khác: “Tụng ca của Nước” đăng trên tạp chí Văn TPHCM – dịu dàng, mà rất oách!

Với Cham, một bộ phận người Việt mang hai tâm lí lạ đời:

– Khi chưa biết, nghĩ Cham là một bộ lạc man di nào đó, hay sang “cướp phá”, “quấy nhiễu” biên giới Đại Việt, buộc nhà vua ta phải mang quân “chinh phạt” (chữ của sử gia Trần Trọng Kim).

– Rồi khi đã hiểu ấy không phải thế mà là một đất nước ngon lành hẳn hoi, thì mang mặc cảm “thôn tính” một vương quốc. Từ đó hôm nay, hễ sinh linh Cham nào có phát ngôn rục rịch, thì nghĩ nó từ chuyện cũ mà sanh tâm “căm thù”.

*

Noel 2019, về quê ghé Phan Rang, tám với người mới quen. Một nhận xét ấy đưa ra khiến tôi hơn cả bất ngờ, rằng:

– Em tỉnh ngoài Bắc vào, mới 9 tháng nay thôi nhưng cũng đi nhiều làng Cham. Qua gặp gỡ và quan sát – nói anh đừng buồn vì chuyện hơi nhạy cảm – là em thấy tâm lí Cham vẫn còn thù hận về người Việt thôn tính nước mình.

Nhập cuộc thế giới Việt Nam [và cả ngoài Việt Nam], tôi chưa hề nghe được “nhận định” như thế, mà 2 câu hỏi tôi đụng nhiều nhất. là:

Cham có bị chính quyền Việt Nam phân biệt đối xử không? và Cham có còn nuôi ý định phục quốc không?

Cả 2 câu hỏi, tôi đều trả lời: KHÔNG!

Tại sao tôi dám mạnh miệng thế?

Tinh thần dân tộc cực đoan, thái độ quá khích đâu mà chả, Cham cũng hệt. Mươi năm trước tôi từng có bài “Cham không biết căm thù”. Căm giận thì có, căm thù, hận thù, thù dai thù đậm, thù truyền đời – không.

Giải sân hận, tôi đã triển khai tinh thần này ở rất nhiều bài, xin không nhắc lại. Tôi nói với anh bạn mới quen ấy:

– Nhập cuộc văn chương chữ nghĩa Sài Gòn và Việt Nam hơn một phần tư đời người, ngoài hiện tượng siêu cá biệt như nhà thơ Đỗ Hoàng, còn thì tuyệt không ai phân biệt đối xử với ông Inrasara cả! Thậm chí có người còn không cho Sara là dân tộc thiểu số nữa là, dù tôi luôn vỗ ngực tôi thi sĩ Cham…

Cham lo làm ăn, lo ‘làm văn hóa’, và lo nổ chứ căm thù thì cực hiếm; căm thù đòi phục quốc thì càng hiếm hơn nữa. Hiếm như… Đỗ Hoàng vậy!

Căm giận, uất ức – có. Là từ ĐỜI THƯỜNG. Liệt kê vài chuyện…

Trường Pô-Klong được Cham xây dựng, đa số là thầy Cham [thầy cô Việt do hiệu trưởng Cham mời] dạy cho [đại đa số] học sinh Cham. Pô-Klong trở thành biểu tượng, cả cộng đồng Cham hãnh diện về nó. Và chính thế hệ học sinh ấy ngày nay đang phục vụ đất nước đầy hiệu quả. Thế rồi sau 75 nó cứ bị rút ruột dần dần, để hôm nay ngay cả cái bảng hiệu: TRƯỜNG TRUNG HỌC PÔ-KLONG cũng mất tiêu! Không giận sao được, căm thù đâu mà căm thù!

Ừ thì chuyện chuyên môn, đằng này ngày xưa Cham có hai quận riêng, quận trưởng quận phó cho đến nhân viên quèn đều là sinh linh Cham do Cham quản, Cham có trách nhiệm với trên, đâu đó vui vẻ. Vậy mà, sau 75 nó cứ bị rút dần mất dần, rồi chả còn gì cả. Chớ muốn tôi kêu bằng từ gì cho xứng danh anh hào đây!?

Và rồi hòa cùng dòng chảy đất nước, các vụ lấn chiếm đất đai, xử ép, xung đột nhỏ lẻ đời thường mà ta lơ là hay xử lí chậm và kém, dân [không riêng gì Cham] oán là điều hơn cả bình thường.

Kết.

Vụ đất đai ở Hữu Đức Hamu Tanran vừa qua, bà nhà quê Cham giận quá đã kêu trời biển: “Cướp nước người ta chưa hả sao mà còn cướp đất cướp nhà người ta nữa!”

Đó dứt khoát không là căm thù.

Cần phân biệt rạch ròi: Căm Hận và Oán Giận, CĂM THÙ với căm giận. Cần rạch ròi hơn nữa: Xung đột cá nhân và dân tộc, đời thường với ý hệ chính trị.

Chưa phân biệt được, là ta chưa thể LỚN.

________

Tài liệu tham khảo. Blog Dohoang, 22-12-2014:

“… ba lần trao giải cao [cho Inrasara] là Hội Nhà văn Việt Nam tát vào Đại Việt ông cha ta!

… Dân tộc chưa quá một phường trung bình của một thành phố loại 2 (trên dưới 100 000 người [sic]). Quanh năm suốt tháng Nhà nước phải trợ cấp lương thực nhu yếu phẩm kể cả bút giấy sách vở để con em đi học (16 tỉnh miền núi Nhà nước phải trợ cấp ngân sách)”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *