Cà-phê Văn học thứ Bảy 16-11-2019 vừa qua thu hút vỏn vẹn 10 người dự. Con số thấp vô địch ở các buổi nói chuyện của tôi (32 là con số thấp nhất hồi nói về Tân hình thức). Trong khi đề tài khá nóng, và người thuyết đang được coi là hot man!
Tại sao? Hãy bỏ lửng câu hỏi…
Dẫu sao, nhỏ mà có võ: Nó hấp dẫn và vui. Nhiều câu hỏi tới tấp đặt ra [trong đó có 4 câu cực xịn, tôi sẽ minh giải sau], nhiều ý kiến thú vị. Đến xong cuộc, hai bạn trẻ còn níu Sara lại trao đổi riêng.
Nay ‘tuổi già sức yếu’ (khiêm tốn đáo để!), nên tôi hơi biếng ‘lập biên bản’. Xin tóm bài nói chuyện hầu bà con và bạn FB.
1. Thế kỉ qua, phê bình văn học trên thế giới đã tiến những bước dài, phát triển đa dạng với nhiều trào lưu lớn ảnh hưởng đến sáng tác và thưởng ngoạn văn chương.
Phê bình đa dạng ở đối tượng, ở hình thức, ở góc nhìn. Phê bình không chỉ đi sau sáng tác, nó còn song hành để song thoại với sáng tác, thậm chí khả năng dẫn đạo sáng tác.
2. Ở Việt Nam thì khác, phân loại thường thấy là: Phê bình nghệ sĩ và phê bình hàn lầm. Nếu cái trước ưa bình tán ngoài văn bản, thì cái sau chọn an toàn là trên hết.
Ngoài phê bình truyền thống, phê bình mới có: Phê bình thi pháp học, phê bình kí hiệu học, phê bình sinh thái, phê bình thơ Tân hình thức, và phê bình hậu hiện đại.
Nhận diên và phê bình sáng tác ngoài luồng, nổi lên có: Trần Ngọc Hiếu (2012), Lí thuyết trò chơi và một số hiện tượng thơ Việt Nam đương đại, Luận án Tiến sĩ.
Luận văn Thạc sĩ của Nhã Thuyên Đỗ Thị Thoan (2010): “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”. Luận văn bị Phan Trọng Thưởng cho là “nguy hiểm” tạo nên xì-căng-đan, qua đó kéo theo bao hệ lụy.
3. Từ đó phê bình né tránh.
Ngay công trình phê bình sinh thái Rừng khô, Suối cạn, Biển độc… và Văn chương (2017) của Nguyễn Thị Tịnh Thy, dù tên tác phẩm rất ghê, vẫn cứ là… né tránh. Rừng khô, suối cạn, biển độc ở đẩu đâu, chứ không đang xảy ra nơi cánh đồng HTX văn chương Việt Nam.
Phê bình né tránh Văn học miền Nam trước 1975, Văn học Việt hải ngoại, Văn học ngoài luồng (của các nhà xuất bản ngoài Nhà nước), Văn học mạng.
Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa, giới sáng tác tránh né đã đành, ngay khi phong trào sáng tác rộ lên ở 2 kì sự kiện, nhà phê bình Việt Nam vẫn hạ quyết tâm… né.
Xem: Inrasara, “Cảm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa”, BBC, 9-7-2011 và Tienve.org, 7-2011.
4. Cuối rốt phê bình văn học Việt Nam đi vào tử huyệt.
Chưa đề cập phê bình học thuật xa xôi, ngay các bài điểm sách tại trang chuyên mục ở một tờ báo để người đọc có thể tin cậy tìm đến tác phẩm, ta cũng chưa. Phê bình, ta luôn mang theo bao thói tật. Thử điểm mặt…
– Phê bình chỉ thấy hàng rào nhà mình. Nguyễn Hòa nhận định về hậu hiện đại, là một. Tại đó ông phạm ba không: Không ngó ra ngoài văn chương HTX nhà nên không thấy gì khác, không biết lí thuyết mĩ học nào khác ngoài hiện thực XHCN, từ đó không thể thẩm định văn chương dòng khác để hiểu nó hay dở thế nào.
– Phê bình ngồi ở ao nhà xét nét văn chương thiên hạ. Vũ Quần Phương cho “Bùi Giáng “không có bài thơ hoàn chỉnh”. Mã Giang Lân kêu thơ Bùi Giáng “ở dạng thứ hai là ngôn ngữ của bệnh nhân tâm thần không đáng khảo sát”, là hai.
Sara bình: Chỉ có nhà phê bình ngoại khổ mới có thể đọc vỡ thứ văn chương ngoại khổ!Phê bình nói mò. Đặng Văn Sinh và Mai Quốc Liên bàn về hậu hiện đại là điển hình tiên tiến.
– Phê bình nói mò, ở đất này Đặng Văn Sinh và Mai Quốc Liên bàn về hậu hiện đại là điển hình tiên tiến.
Và còn nhiều món đông vui nữa…
Làm gì?
Phê bình văn học của Inrasara (trích Thông cáo Báo chí):
3 giai đoạn Phê bình Lập biên bản.
“Nếu bước 1, “Ba hình thức Phê bình Lập biên bản” như là cách lập biên bản hiện trạng văn học ở nhiều góc cạnh khác nhau, có lợi cho văn học sử;
thì ở bước thứ 2, tôi triển khai “Hồ sơ Biên bản so sánh”để làm bật lên tâm thế và tinh thần sáng tạo khác nhau của các tác giả ở các thế hệ, vùng miền, trào lưu… khác nhau. Cạnh đó, phê bình bước đầu mở ra cho người đọc nhận diện các khai phá mang tính kĩ thuật của nó”
Cuối cùng, giai đoạn thứ ba mang tính quyết định là, phê bình hướng đến tự do. Phê bình văn học lúc này chỉ quan tâm tác phẩm văn học mang tính khai phóng: cho văn học, cho tinh thần và cuộc sống con người.