Nổi trôi phận Cham cùng Trà Vigia – kì 4. TRÀ & SARA CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG

Cái tôi khoái nhất ở Trà là không tham lam, và nhất là KHÔNG ĐI BẰNG LƯNG trước thế lực.

 

1.

Hai người cùng tuổi, cùng làng, là anh em họ (bà nội Trà và ông nội tôi anh em ruột). Vậy mà hai tôi xa lạ nhau tận… “giải phóng”. Chakleng bé tí, chỉ hơn ngàn dân lại nẩy nòi mươi mống cá biệt. Tôi và Trà thuộc nhóm máu ấy. Nhóm này, hoặc đóng cửa nằm, hoặc đơn độc trôi giạt ngày qua ngày, sống trên mây.

Những chiều hết việc, tôi hay ngồi tường thành Trường Tiểu học Mỹ Nghiệp, ngó lung người thiên hạ qua lại. Một hôm Trà lù lù bước tới, nhảy lên, ngồi cạnh. Sau vài câu bâng quơ, yut bắt đầu thuyết, về triết và thơ. Tôi im lặng nghe, nghĩ bụng: Chakleng lại lòi thêm tay cá biệt nữa rồi!

Hai tôi kéo nhau qua anh Trăng, rồi cả ba thân thiết, từ đó.

Trích Hàng Mã Kí Ức (2011):

“1975. Nghỉ học nguyên một năm để chờ học lớp cuối Trung học niên khóa mới, tôi với Trăng, Tiến có những ngày thật thơ mộng ở quê nhà. Ngày mùa, chúng tôi vác bó cạm, xoong chảo ra đồng bẫy chuột và ăn ngủ luôn ngoài đồng. Mỗi người một thế giới riêng tưởng tượng và giao cảm. Trăng chuyên nói tếu, cái tếu rất Chăm nghĩa là cực kì tục. Tiến đọc thơ và thao thao về thiên tiểu thuyết dự án. Còn tôi mơ mộng về chữ nghĩa đang nằm rũ dưới lớp bụi.”

 

Hậu kì Fulro, anh Trăng vào tù, tôi vào Đại học, Trà lấy vợ.

Hôm Trà “lên xe hoa”, tôi cố ý đến chậm, để thoát. Trà nhìn ra cổng, ra dáng chờ. Tôi đến, cố tình lên sau cùng, hi vọng được bỏ lại. Xe nhét 30 sinh linh chật ních, Trà từ khoang trước bước mạnh xuống, gạt mọi người, làm trống một chỗ: “Trạm ngồi đây đi”, và đẩy tôi lên.

Bỏ học, tôi lang thang như ma Hời dật dờ, làng này qua làng khác. Nửa tháng mươi ngày là tạt qua Trà ở Hamu Tanran, từ chòi tranh cho đến năm yut nhà xây nơi đất mới [là món hiếm thời buổi ấy]. Trà vẽ vời bao viễn tượng, tôi im lặng nghe, và mơ mộng tương lai bất định riêng mình. Ngủ lại 1-2 tối, tôi tiếp tục làm lang thang.

Có lần tôi rủ Đàng Năng Thọ cuốc bộ qua các palei Cham, miệt Bắc. Nửa tháng quành lại Chakleng. Tính nghỉ vài ngày thì tiếp tục hành trình các palei miệt Nam, khởi đầu từ nhà Trà, tuy nhiên lúc này Thọ đã nghe oải, tôi chơ cô độc.

Năm 1984 tôi lấy vợ dựng chòi ở palei Cok, hai năm sau chuyển về Chakleng, Trà trở thành con ma thường xuyên trôi qua nhà tôi, đậu 3-4 ngày thì biến. Nhà tôi “là chốn tha hồ muôn khách đến”, liên tục đón nhận “khách”. Khác với Trà, khách luôn xôm tụ đông vui, khách tôi là các sinh linh đơn lẻ, đâu đâu giạt tới, ăn ở dăm ngày nửa tháng, rồi đi. Ăn sáng xong, tôi đặt vào tay họ vài cuốn sách, đạp xe qua cơ quan BBS ở Phan Rang, chiều về chuyện râm ran tiếp.

 

2.

Năm 1991, Trà vượt biên nằm trại Thái Lan, năm sau tôi vào Đại học làm việc.

Hè 1994, World Cup, Trà kêu tôi gửi cho yut báo bóng đá. Do Bưu điện không chịu các tờ báo xé lẻ, tôi phải mua nguyên bộ Thể thao & Văn hóaThể thao TPHCM gửi qua cho yut nguôi khuây qua ngày.

 

Tháng 3-1995, Trà bị trả về nước. Yut muốn học nhạc, tôi nhét vào tay yut tiền học phí và khoản xe đạp. Mươi ngày sau tôi hỏi “đã chưa?” Trà kêu bà nhạc vào Sài Gòn chữa bệnh, đưa hết rồi! Một hành xử rất… Trà.

Từ điển Cham Việt xong, Trung tâm chuẩn bị làm Từ điển Việt Cham, tôi giới thiệu Trà cùng góp sức, bên cạnh giải quyết nỗi thất nghiệp kinh niên cho yut. Dẫn Trà đến cửa [tánh tôi vậy, chỉ “đến cửa”, còn thì hai bên tùy duyên với nhau], yut vào gặp Bùi Khánh Thế mươi phút, thì ra. Qua điệu bước, tôi biết sự vụ hỏng không thuốc chữa. Quang Cẩn nhập vai, sau đó.

Tháng 10-1996, Hani tham dự Hội chợ Quang Trung – TPHCM, cuộc đó Thổ cẩm Cham được ưu tiên làm “nhân”, tôi lánh mặt ở Đại học, soạn “diễn văn” cho Trà lên bục đọc [ảnh Trà đóng thùng thắt cà-vạt, oách phải biết!].

 

Tháng 5-1998, tôi tổ chức làm Âm nhạc dân gian Cham, mời hơn mươi nghệ sĩ khắp nơi về Chakleng, quay phim, thu băng suốt tuần. Thầy Đàng Năng Quạ, Mưdôn Hán Phải, cha con anh Đồn, Hani, Trà sắm vai diễn xuất sắc. Trà nổi hứng đến làm một lèo 3 ca khúc cho Đêm nhạc Dân gian Cham ở Chakleng Katê sắp tới, trong đó bài “Ginong” khá thịnh hành.

Cuối thế kỉ XX, Trà vẫn còn đạp xe cà tàng. Về quê, tôi nói: Mình có đây, yut sắm cái mới đi. Trà: Thủng thẳng. Cuối tuần, tôi qua yut cà phê chào từ biệt để vào Sài Gòn, yut “đòi”, tôi kêu: Ui, tối qua bà xã nạo vét hết trọi rồi còn gì.

Sự vụ chứng tỏ Trà không phải dân tham.

Rồi Trà cần xe máy, tôi hỏi: Có nhiêu rồi? Yut bảo: Một nửa. Tôi đưa phần thiếu. Tháng sau về quê, hỏi xe đâu, yut kêu tiêu biến rồi! Lần nữa, tôi bù vào, mới ổn.

Mùa Xuân năm ấy, tôi hú Trà, Phăng vào Sài Gòn ăn ở nhà tôi, chuẩn bị cho Tagalau mùa Katê đầu thiên niên kỉ. Hai bạn chấp hành, báo hiệu một khởi đầu đầy hứa hẹn.

 

Năm 2001-2002, là giai đoạn tôi-Trà-thầyQuạ quan hệ thâm tình nhất, hai tôi thường qua lại Danao Ji đất chòi thầy, lai rai. Trước đó tôi lo, thúc và giúp thầy hoàn chỉnh bản thảo tập ca khúc; xong, tôi với Trà lên kế hoạch cho “Đêm nhạc Đàng Năng Quạ”. Trà hứng hết chỗ nói.

Tôi điều hành từ xa, Trà trực tiếp với thầy, kế hoạch và chương trình đã đâu vào đấy đến 95%, thì giờ chót – hỏng, bởi nguyên do rất ất ơ! Bản thảo cuối tôi đưa cho Sáng mang đi Mỹ. Vài năm sau, cầm tập ca khúc ra đời, tôi nghe hẫng, Trà buồn não [lần đầu tiên tôi thấy yut không phản ứng bằng giận dữ, mà buồn], vài bạn trẻ biết chuyện thì giận. Nhưng rồi chuyện cũng qua [vụ này tôi đã kể chi tiết trên web các bạn trẻ Cham ở Mỹ: Chamyouth.com, 2004]

 

Đầu năm 2005, biết tôi nghỉ bên Đại học, Đài Tiếng nói Việt Nam tại TPHCM – Ban tiếng Cham mời cộng tác. Tôi chuyển qua 3 sinh linh Cham: Anh Quảng Đại Tựu, yut Lưu Văn Đảo và Trà. Tantu bảo già rồi, dành đất cho bọn trẻ, Đảo thì bận ở BBS. Tôi cầm máy gọi ngay cho Trà đang quê nói chuyện trực tiếp cô Phượng đại diện Đài, yut nhận. Nhận, vào làm đến Katê năm ấy thì… chán, nghỉ.

 

Đầu năm 2006, từ Giải ASEAN về, tiếng tăm rền vang, tôi sắm vai Trại trưởng Trại Sáng tác DTTS ở Đải Lải, kéo Trà ra Bắc. Là chuyện chưa từng, bởi yut chưa là hội viên không có tiêu chuẩn hưởng chế độ. Mọi người trố mắt nhìn kẻ lạ, tôi nói:

– Một tài năng văn học của Cham đó!

20 ngày ở Trại, tôi “đóng cửa phòng văn hì hục viết” [tập thơ Chuyện 40 Năm… hoàn thành ở đó], thả cửa cho Trà đi với anh chị em. Và yut nhanh chóng nhập bọn. Sau đó tôi đi vài thành phố lân cận Hà Nội, thuyết, làm khách VIP các nơi, và luôn có Trà bên cạnh. Trà cực giỏi ở muc uống, nói, và hát – là 3 thứ tôi khuyết. Bạn bè đỡ đần, và bổ khuyết cho nhau!

Vào Hội DTTS, tôi lánh mặt, cho các bạn văn DTTS khác giới thiệu Trà. Từ đó, yut – do rảnh, thường xuyên đi Trại.

 

  1. 3.

Trà là sinh linh ưa NỔ, vô tư nổ. Nổ ngoài đời. Nổ to, nổ thoải mái về mình, và về tác phẩm mình. Chả ngán! Trà thu hút bạn hữu vì đặc tính ấy, lại chính món đó khiến nhiều người dị ứng, biến Trà thành “bộ mặt khó ưa”. Ngược với tôi, chuyên gia nổ trong chữ nghĩa [PQT kêu Sara nghiên cứu mình], chớ ngoài đời, tôi cực “khiêm tốn” (!). Sự vụ gây dị ứng và tạo sự khó ưa ở hướng khác. Kệ! (xem thêm: “Nổi tiếng để làm gì?”).

 

Trà hiếm khi khen tôi, ngoài 3 câu [hay nội dung]: “Mình không bao giờ viết văn nếu không có Sara khích và thúc”, “Không biết bộ mặt văn học Cham ra sao nếu không có Sara mở màn”, và “Chúng mình có mỗi mạng tham gia Tagalau, riêng Sara cuốn cả nhà vào làm”. Còn lại, CHÊ. Cả trước mặt lẫn sau lưng.

Tôi ngược lại, tôi hiểu Trà như hiểu lòng bàn tay mình, và luôn khen Trà, ca tụng Trà cả khi yut còn nằm trong tối. Và – Sara mà – luôn khen “phải”.

“Người khen ta mà khen phải là bạn ta, chê ta mà chê phải là thầy ta, còn kẻ luôn nịnh nọt ta là kẻ thù ta vậy”, ai nói thế! Nhìn theo cách đó, Sara là BẠN của Trà đúng nghĩa.

Luôn khen, và khen trúng. Còn chê thì tuyệt không, cả ngoài đời lẫn trong chữ nghĩa, trước mặt hay sau lưng. Đơn giản, bởi tôi không muốn làm… thầy.

 

Tôi thích mọi người nghĩ KHÁC, NGƯỢC tôi, và dám nói ra ý nghĩ ấy, trước mặt tôi. Trà bát ngát lần làm được điều ấy, tôi khoái yut là vậy. Bởi, từ và qua “phản biện” kia, ta mới học được. Trên diễn đàn, tôi luôn mở hay khơi mào cho thảo và tranh luận, và không sợ sai. Khác với các “giáo sư” Việt Nam, là thế.

Dĩ nhiên phải là chê trước mặt, hoặc phê bình công khai.

Còn lén lút đâm sau lưng, hay xuyên tạc bằng hữu – thì dứt khoát: KHÔNG!

 

Kết.

“Hơn nửa đời hư”, tôi và Trà làm nên câu chuyện dài tập, còn nhiều chuyện đáng kể lại truyền cho người muôn sau. Dẫu sao, qua 4 kì cóp nhặt, cũng tạm đủ.

Trà mất, dù đang ở cách yut chỉ hơn 30km, tôi không về đưa tiễn. Như trước đây, tôi không về với Xoài, để mãi sau mới sang gặp vợ con yut. Cả hôm thầy Quạ mất, tôi-Trà-Truyền đang vườn nhà Truyền cách đó dăm cây số, hai tôi vẫn không về, mà tiễn người bạn vong niên kiểu khác: Rót chung rượu đầu cho đất, xin Thần Đất tạm dung xác phàm thầy, và cầu linh hồn thầy sớm Tom Muk Tom Kei.

 

Tôi năng khiếu GIẢI QUYẾT ĐAU KHỔ hơn là CHIA SẺ BUỒN RẦU. Tôi đắc và hành Đạo kiểu ấy, ngay từ tuổi tìm học: tuổi 15. Tệ thế! Nhưng tánh trời đã định, phận người đã lập, chịu. Hay tin người thân quen gặp nạn, tôi đến sớm nhất có thể; riêng sự đã rồi, tôi coi nó như là “đã rồi”.

 

Tạm dùng 2 câu thơ cũ làm kết cho câu chuyện mới:

Văn hóa Champa là văn hóa đùa vui

chịu chơi cả trong đau khổ

(Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)

 

Kajap karô & Thug siam cho tất cả!

 

Sài Gòn, 9-3-2019

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *