Trà Vigia: Đôi điều với Nguyễn Thành Thống

Cuộc sống luôn là sự đấu tranh khốc liệt giữa thiện và ác, tốt và xấu, đúng và sai, sự thăng hoa về tâm hồn và đắm chìm trong vật chất. Trong nhân sinh quan Chăm qua Ariya Nau Ikak, kiếp đầu thai làm người chỉ là một chuyến đi nghĩa vụ để mỗi người tự thể hiện bản thân mình nơi cộng đồng nhân loại. Sự hơn thua được mất chỉ là bước khởi đầu cũng là đấu trường thử thách và chỉ kết thúc khi chúng ta chết đi, mang theo những gì mà hậu thế ghi nhận. Đôi khi, tôi muốn tìm một ai đó để tâm tình về một phần đời trong cuộc người để biết rằng cuộc sống này tươi đẹp biết bao. Nhưng xem ra, đó không phải là chuyện dễ dàng nói chi đến vấn đề nghiên cứu văn hoá Chăm! Một nền văn hoá một thời huy hoàng nay đang lụi tàn hấp hối trong tro bụi nhân gian vô thường khổ ải…
Đọc bài viết “Vấn đề nghiên cứu văn hoá Chàm” của Thiên Hựu Nguyễn Thành Thống trên Web Sky.vn trong một ngày oi bức, có lẽ một người Chăm nào cũng bức xúc với nhiều suy nghĩ khác nhau. Tôi không phải là nhà nghiên cứu để quan tâm lắm đến lĩnh vực này, nhưng luôn trân trọng những thành quả của nhiều người đi trước. Trong cách nhìn của tôi, đây là một tiểu luận gợi mở được nhiều vấn đề, hay và bổ ích. Dù không phải là người trong cuộc, tôi cũng muốn góp phần tìm hiểu văn hoá Chăm từ hướng nhìn tích cực. Có nghĩa là, chúng ta cùng lắng nghe và thấu hiểu để cùng đi trên một con đường vốn nhiều chông gai ngã rẽ. Có như thế, cuộc hành trình của chúng ta không đến nỗi vô ích. Trước hết: nhiều từ, nhiều câu, nhiều ý… cần được giải mã!

1. Người ta “nói trạng” nhiều quá!
Như ông viết:

“Trong nghiên cứu, kế thừa là điều tối cần thiết nếu không muốn nói là tất yếu. Vì có đứng trên vai người đi trước thì mới thấy được vấn đề đã được nghiên cứu chưa, nghiên cứu tới đâu và còn lại điều gì”.

Ông nói rất đúng, nhưng câu nói ấy có được ứng dụng hay không mới là vấn đề để đánh giá và nhìn nhận. Vì một lý do nào đó, nhiều người đã đứng trên đầu người khác chỉ để cao hơn, nhanh hơn, xa hơn… vô tình hay cố ý xúc phạm đến nhiều người để tôn vinh bản thân mình. Đó là điều tối kỵ của một người có văn hoá và có ý định nghiên cứu văn hoá! Để thẩm định về chuyên môn, ông dùng nhiều từ rất “bốc”. Vừa bốc khói bốc lửa lại vừa có hơi hướm bốc xing: Người ta nói trạng nhiều quá! Không biết vẫn nói. Biết một nói mười. Và rồi rơi vào tình trạng nhiễu thông tin… Nói chung, những công trình nghiên cứu về văn hoá Chăm không nhiều và dĩ nhiên không thể tránh sai sót. Như ông nói:

“Từ khi đất nước rơi vào tay người Việt, họ chẳng còn tài liệu sách vở gì, chỉ còn một số tháp cùng với một số bia ký và tượng điêu khắc chủ yếu bằng đá và đất nung. Phần văn hoá phi vật thể chỉ còn lưu lại dưới hình thức truyền miệng có nguy cơ bị mai một, thất truyền vì không có cơ may phổ biến”.

Cho nên, những công trình nghiên cứu của những người đi trước là vốn liếng quý giá không thể phủ nhận và luôn là nền tảng cho những công trình kế tục. Không thể vì những hạn chế hay nhầm lẫn đáng tiếc mà chúng ta vội vàng lên án họ “nói trạng” hay “nói leo, lộn chuồng”. Có những chân lý tưởng chừng bất biến nhưng lại thay đổi theo thời gian và không gian cùng với sự nhận thức và khám phá mới. Ông đã liệt kê và đúc kết rõ nét những công trình nghiên cứu văn hoá Chăm qua các thời kỳ. Điều đó giúp cho độc giả khái quát được tình hình và thực trạng nghiên cứu. Những gì cần điều chỉnh và bổ sung để phát huy đúng tầm vóc. Rất tiếc, ông chỉ nêu lên hiện tượng mà không đi sâu vào bản chất dẫn đến những ngộ nhận không đáng có cho dù điều đó phát xuất từ tâm huyết. Chúng ta mãi chăm chút nhìn vào lưng người khác vì không thể nhìn thấy sau lưng mình!
Thật ra, “nói trạng” chỉ mới thập thò trong nghiên cứu chứ không đến nỗi công khai tung hoành như trong nhiều lĩnh vực khác. Đó là căn bệnh xã hội của những người ăn theo nói theo rất khó chẩn đoán và không có thuốc chữa! Nguy hại hơn, có những lời nói gian nói dối kinh niên đến một ngày nào đó biến thành sự thật để thế hệ sau tiếp tục phát huy. Miệng mình nói trạng mà không biết, cứ tưởng từ cửa miệng người khác. Cảnh giác là điều tốt, nhưng nếu cứ bới lông tìm vết để phê phán đạp đổ thì e rằng căn bệnh “nói trạng” có nguy cơ bùng phát mạnh. Không những chẳng giúp ích gì mà còn tung thêm hoả mù làm trở ngại cho những ai muốn tìm hiểu văn hoá Chăm!

2. Văn hoá Chăm đang ở đâu?
Đó là một câu hỏi khó xác định bởi nhiều lý do. Để đánh giá văn hoá của một con người còn sống đã khó nói chi đến văn hoá của một dân tộc đã chết! Phần văn hoá vật thể chỉ còn lại một số tháp cùng một số bia ký… Người Chăm đã xây tháp như thế nào cũng chỉ mới là những giả định còn phải tiếp tục nghiên cứu. May thay có ông Tây Parmentier thành lập Viện Bảo Tàng Chăm ở Đà Nẵng để lưu giữ những di vật để chúng ta còn có cơ may chiêm ngưỡng. Việc trùng tu một tháp Bàlamôn thành một ngôi chùa Phật đã từng xảy ra hay một sáng tác nhạc đương đại đã tụng Nam mô a di đà trước thần Shiva chỉ là một tai nạn với những ai không hiểu văn hoá Chăm. Còn những bia ký có nội dung ra sao, được bảo quản và xử lý như thế nào thì có trời mới biết! Nói như thế để thấy rằng: đa số người Chăm không được tiếp cận và có điều kiện tìm hiểu văn hoá dân tộc mình nói chi người ngoại đạo. Để khôi phục và khắc phục tình trạng đó, ông Thống đã mổ xẻ, phân tích những ưu khuyết điểm và đề xuất những biện pháp khả thi bằng việc: Gom tất cả các bài viết về bia ký Chàm để in thành sách. Thiện chí ấy đáng được hoan nghênh và mong được cơ quan có thẩm quyền chức năng nghiên cứu. Tuy nhiên, phần văn hoá phi vật thể mới là phần chìm của tảng băng để đánh giá khối lượng và giá trị của nền văn hoá Chăm đang trôi nổi không dễ nắm bắt! Nó bao trùm phần hồn trong văn hoá vật thể và âm thầm dòng chảy trong từng mạch máu Chăm mà người khác không thể nào hiểu được. Nó ẩn mình trong phong tục tập quán, những lễ nghi cúng tế, vũ nhạc, thi ca, kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, ngôn ngữ chữ viết, niềm vui nỗi buồn… Ai có thể tự cho mình là hiểu biết tất cả? Cho nên cần thận trọng, cân nhắc trong việc phán định! Mỗi người mỗi việc và có những khó khăn riêng nên đôi khi có những trường hợp tréo ngoe: Những vị có khả năng lại không có môi trường và cơ hội tốt để làm việc, còn những người có chức năng lại chẳng làm được việc gì. Cũng là chuyện thường tình, bởi nếu phân công đúng người đúng việc thì đất nước này đã đi lên từ lâu, đâu phải ì ạch như thế này! Nhắc lại câu hỏi văn hoá Chăm đang ở đâu? Chỉ có thể trả lời rằng: nó đang ở trong tâm huyết của những ai yêu vẻ đẹp Văn hoá Chăm một cách chân thành và đang đi truy tìm đứa con đi hoang trở về. Hy vọng trong số người ít ỏi đó có cả ông Thiên Hựu Nguyễn Thành Thống?!

3. Các ông Tiến sĩ Chăm
Người Chăm có học vị tiến sĩ không nhiều và thực học hay sự đóng góp của họ cho dân tộc mình đến đâu thì thế hệ sau mới đủ thẩm quyền tổng kết. Có những vị lúc này không biết làm gì, nhưng biết đâu nay mai lại công bố những công trình tầm cỡ thế giới. Biết đâu đấy! Nói chung, người Chăm rất quý trọng người có học thức và luôn hy vọng vào các vị ấy với những việc làm cụ thể thiết thực tương xứng với bằng cấp của mình. Không phải ai cũng có điều kiện học đến nơi đến chốn, còn hiểu biết đến đâu thì đó lại là chuyện khác! Ngày xưa, một trí thức Chăm được mọi người trọng vọng trên cơ sở tư cách đạo đức và vốn hiểu biết về văn hoá Chăm, là điều kiện tiên quyết để hỗ trợ và hướng dẫn cách đối nhân xử thế, tuân thủ lễ nghi phong tục tập quán… Và rốt ráo, để xác định Chăm là thế nào trong thế giới loài người. Ngày nay, thời thế đổi thay nên cách nhìn nhận có khác dẫn đến khoa ngôn lộng ngữ không hay trên con đường tìm chữ. Ông Thống nhận định:

“Thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp có một ông tiến sĩ người Chàm chính hiệu một trăm phần trăm, nhưng không chuyên về ngôn ngữ Chàm, chuyên môn của ông ta là về sử. Tuy sử với ngôn ngữ có vẻ gần nhau, cũng là văn hoá cả thôi, nhưng thực tế vẫn khác xa nhau, cho nên việc” lộn chuồng”, “nói leo” thường dẫn đến nhiều sai lầm tai hại. Biết thế cho nên có lần trong một hội nghị đang bàn về một vấn đề có liên hệ đến ngôn ngữ Chàm, người ta đã yêu cầu ông ta cho ý kiến để giải quyết một vấn nạn, ông đã khôn khéo từ chối ngay với lý do là ông không chuyên về ngôn ngữ Chàm. Đúng là một nhà khoa học!”.

Một phán quyết rất “bốc” làm kẻ yếu bóng vía như tôi phải ngã đầu bái phục! Nếu có một ông tiến sĩ người Chàm chính hiệu ắt phải có những ông tiến sĩ người Chàm giả hiệu. Có ‘thứ thiệt” thì phải có “thứ dỏm” mà ông đã phân tích rất lôgic để đưa đến kết luận:

“Thệ hệ trẻ người Chàm ngày nay không thiếu những người đỗ đạt thạc sĩ, tiến sĩ (thuộc lãnh vực khoa học xã hội nhân văn), nhưng” tiền đồ văn hoá Chàm” vẫn không phát triển được vì những ông khoa bảng này có kiến thức rất sơ sài về nền văn hoá của cha ông mình, đa số có trình độ “bình dân học vụ” về chữ Chàm”.

Đọc xong tôi cứ ngỡ ông Thống là bạn của ông Tây B.F.Lafont, đã từng là thầy dạy của Po Dharma nên hiểu học trò của mình kỹ đến thế! Mà dường như ông cũng là bạn của cụ Thiên Sanh Cảnh, đã từng đào tạo thạc sĩ tiến sĩ Chăm nên người nhưng xem ra còn phải học hỏi nhiều để tiến bộ. Chết một lẽ là những “người ngoại đạo” không biết có ông “tổ sư” ở đây, một nhà văn hoá Chàm chính tông thuộc con nhà nòi sẵn sàng mở rộng vòng tay cho những ai: “tìm thì sẽ gặp, gõ thì sẽ mở cho”. Thực hư trúng trật ra sao nên để hạ hồi phân giải. Theo thiển kiến của tôi: sử và ngôn ngữ không thể tách rời nhau, nhất là trong văn hoá Chăm. Bản văn khắc trên bia ký chính là những tư liệu sử, mà muốn nghiên cứu sử thì phải nắm được ngôn ngữ, không thể nào khác hơn! Cho nên ông nói Po Dharma lộn chuồng và nói leo là không ổn chưa nói cách ông dùng từ. Bằng chứng là có hai cuộc hội thảo, một tại Osaka Nhật Bản và một tại Kuala Lumpur Mã Lai đều về đề tài Ngôn ngữ và Chữ viết Chăm. Hai cuộc hội thảo này không nhắm một mục đích nào khác ngoài việc đưa ngôn ngữ chữ viết Chàm trở lại như thời trước 1975. Thành quả tới đâu, sẽ tiếp tục như thế nào còn phụ thuộc nhiều vào sức người sức của và thời gian. Ông Thống lên lớp các vị tiến sĩ Chăm là chưa đủ, ít ra ông cũng phải đóng góp một cái gì đó cụ thể có ích cho cộng đồng Chăm hơn là kích động gây mất đoàn kết. Thú thật, ông làm bà con Chăm chúng tôi hoang mang quá. Kẻ học hành lơ mơ như tôi nghe đến uy danh thạc sĩ tiến sĩ là ngã mũ chào và luôn kỳ vọng nơi cây cao bóng cả ấy đâm chồi nẩy lộc xanh tươi. Thế mà… thôi rồi còn chi đâu em ơi!

4. Nhân sĩ trí thức Chăm
Nếu bằng cấp chứng chỉ là để đo lường trình độ phổ thông thì nhân sĩ trí thức là từ ước lệ để biểu thị khả năng hiểu biết về văn hoá Chăm. Đề cập đến giới này ông Thống có nêu tên một số nhân sĩ trí thức Chăm vốn là cộng tác viên với G.Moussay để soạn cuốn từ điển Dictionnaire Căm-Vietnamien-Francais xuất bản năm 1971. Cụ thể là những vị: Nại Thành Bô, Thiên Sanh Cảnh, Lưu Ngọc Hiến, Đàng Năng Phương, Lưu Quang Sang, Lâm Gia Tịnh, Trượng Văn Tốn. Ông Thống nhận xét:

“Chưa có cuốn sách nào mà lực lượng cộng tác người Chăm được nêu tên công khai, đông đảo như vậy. Đây có thể nói là một sự tiến bộ vượt bực”.

Và rồi đi đến kết luận:

“Nếu cụ Thiên Sanh Cảnh có tham gia từ đầu đến cuối công việc biên soạn cuốn từ điển này thì cụ sẽ không để nhiều sai sót về từ nghĩa Chàm trong cuốn từ điển đó như vậy”.

Chỉ vì:

“Hầu hết những người cộng tác khác trình độ chỉ là các giáo viên tiểu học (chữ Việt chứ không phải chữ Chàm), chỉ trừ Lưu quang Sang là giáo sư đệ nhị cấp (tức giáo viên cấp 3 nếu nói theo ngôn ngữ bây giờ) môn tiếng Pháp, nhưng trình độ chữ Chàm chỉ sơ sài mà thôi”.

Không biết ông nhân danh ai và đứng trên tư cách nào để phán xử như thế cho dù đó là một học giả uyên thâm nhất về văn hoá Chăm hay một vị cao niên có uy tín nhất trong cộng đồng Chăm cũng không khi nào có những phát biểu hàm hồ vô lối như vậy! Không hiểu ông đã tiếp xúc với những ai, tiếp thu và cảm thụ được những gì trong văn hoá Chăm, hoàn cảnh đặc thù trong sinh hoạt xã hội Chăm… mà ngay tôi, một người Chăm cũng không dám nói là biết hết. Đúng là một tuyên bố đầy chủ quan, mang tính cực đoan theo kiểu “ôm bom liều chết” rất không nên và không cần thiết, chưa từng xảy ra trong lịch sử nghiên cứu văn hoá Chăm. Yêu cầu nhân sự cho việc soạn từ điển là: biết tiếng Chăm, rành tiếng Việt, có vốn liếng tiếng Pháp tương đối cộng với nhiệt tình vun bồi văn hoá dân tộc. Xét theo tiêu chí ấy thì các vị trên là trí thức hàng đầu lúc bấy giờ. Không biết ông dựa vào đâu và suy nghĩ như thế nào khi mạo phạm trí thức Chăm một cách không bình thường như thế. Tìm ở đâu một tú tài chuyên tiếng Chăm nói chi đến tiến sĩ. Mà học ở đâu, thi nơi nào, ai dạy và cấp bằng?! Càng không thể đòi hỏi chủ biên và cộng tác viên có chuyên môn trong việc làm sách và viết sách, được tài trợ hay không tài trợ. Ông Thống bồi thêm: G.Moussay là một linh mục người Pháp mới học tiếng Chăm, mục đích là để giảng đạo”. Chắc ông nghĩ Chúa Phật đã bỏ loài người nên muốn nói gì cũng được, không cần nhân nghĩa đạo lý làm gì cho rách việc. Tôi chưa thấy Cha Moussay giảng đạo cho một người Chăm nào, cũng không thấy một người Chăm nào theo đạo. Chỉ thấy Cha mở Ký Túc Xá cho học sinh nghèo ở miễn phí, tạo sân chơi văn nghệ thể thao cho các em sinh hoạt lành mạnh, mở khoá bồi dưỡng tiếng Chăm cho các giáo viên vào những dịp hè… không kể công trình biên soạn từ điển như đã nói ở trên. Cho nên người Chăm rất yêu quý và biết ơn ông, chứ không đến độ hễ đụng đến văn hoá ngôn ngữ chữ viết Chàm thì người ta cứ bảo “để hỏi ý kiến Cha Moussay” như ông nói. Đến năm 2006, G.Moussay còn xuất bản một cuốn Ngữ Pháp Tiếng Chàm rất “hoành tráng và bắt mắt”, Grammaire de la langue Cam dày 285 trang. Không biết lần này mục đích có là giảng đạo hay không, hay để có “tác phẩm làm bằng chứng dễ xin tiền tài trợ của nước ngoài”. Thật hết biết!

5. Những công trình sau 1975
Đó là cuốn Từ Điển Chăm Việt do Bùi Khánh Thế làm chủ biên nhưng cũng không đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngôn ngữ vì khả năng hạn chế của các tác giả.

Đúng là “điếc không sợ súng”! Để hiểu về từ nghĩa, thành ngữ và những cách nói đặc thù của tiếng Chàm không phải là điều dễ dàng một khi ngôn ngữ này đang trên đà bị bào mòn và rơi rụng theo thời gian và không gian, trong chủ quan và khách quan lịch sử dẫn đến lai căng biến gốc. Cũng giống như ngôn ngữ các nước láng giềng Kampuchea, Malaysia… Có những từ dùng nôm na cho giới bình dân trong sinh hoạt đời thường và từ bác học cho giới quý tộc dùng trong văn chương khoa học. Nếu trong tiếng Việt có 70% là từ Hán Việt thì trong tiếng Chăm, tỷ lệ từ Phạn Chăm chắc cũng ngần ấy. Kho tàng văn học viết Chăm đã hoá thành tro bụi nên một số lượng lớn từ Phạn Chăm cũng mất theo, cho nên việc phục hồi và điền chế những từ mới thật không đơn giản chút nào! Mỗi từ Chăm là một đơn vị độc lập tự biến nghĩa theo từng văn cảnh và ngữ cảnh hay vị trí đứng trong câu giống như từng viên gạch Chăm tự điều chỉnh và liên kết với những viên gạch khác tạo nên hình dáng và phong cách tháp Chăm. Học tiếng Chăm không phải để đọc thông viết thạo mà mục đích cuối cùng là để hiểu một tác phẩm muốn nói điều gì. Hiểu văn hoá Chăm không phải để chê bai miệt thị người khác mà là cảm thông san sẻ những nụ cười nỗi đau nhân thế cho ngày mai tốt đẹp hơn. Hiểu những khó khăn của họ và sẵn sàng chung tay vào phụ giúp hơn là đứng ngoài quát tháo chỉ đạo ra dáng quan thầy. Đúng là chuyện “đội đá vá trời” quá sức và luôn ở tư thế “lực bất tòng tâm” như ông nói vì cái sự học hành tiếng Chàm của họ quá “lôm côm”. Rồi ông than thở:

“Khó mà kiếm được những người như cụ Thiên Sanh Cảnh trước đây và ông Sử Văn Ngọc hiện nay”.

Cụ Thiên thì đã mất, ông Sử thì còn đó, mong ông Thống quan tâm tạo môi trường và cơ hội tốt để làm việc và phát huy đúng khả năng. Chỉ có điều ông giao trách nhiệm nặng quá, một người dù tài giỏi đến đâu nhưng không có sự hợp lực của toàn xã hội và sự đồng thuận của đông đảo quần chúng thì e rằng ông lại vô tình cô lập ông Sử với giới trí thức Chăm có khác chi ông đẩy ông Sử đến đường cùng. Lợi bất cập hai, ông nên suy nghĩ lại và đề xướng một phương án khác khả thi hơn! Kế tiếp là Ban Biên Soạn Sách Chữ Chăm ở Phan Rang Ninh Thuận được thành lập vào năm 1978 là sự nỗ lực rất lớn của Nhà nước và giới trí thức Chăm. Ông Thống kiểm tra và thấy rằng: “nhân sự của Ban này từ trước đến nay không có đủ trình độ để làm một công việc hết sức khó khăn và trọng đại là nghiên cứu ngôn ngữ và chữ viết Chăm; làm sao có thể bắt những người vốn là những giáo viên tiểu học hay cùng lắm là những giáo viên cơ sở (của các môn học thông thường chứ không phải chuyên về tiếng Chàm) làm công tác ngôn ngữ chữ viết Chàm được. Và từ trước đến nay họ “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Ai thẩm định đánh giá những công việc họ làm?”. Trời đất! Bắt ai nữa bây giờ? Nếu có bắt cụ Thiên và ông Sử thì cùng lắm cũng là giáo viên, chứ những người có cấp bậc cao hơn họ thì công tác ở trung ương, đâu có ai hạ cố làm ở Ban Biên Soạn chỉ là một bộ phận trực thuộc Sở Giáo Dục: quyền hạn chức năng cũng như mọi kế hoạch, kinh phí của một phòng ban của một sở trực thuộc tỉnh mà thôi. Mà bắt giáo viên tiểu học, trung học soạn sách cho học sinh tiểu học là hợp lý: xu hướng bây giờ là như thế trong cải cách giáo dục. Chưa nói đến những hy sinh đóng góp của những người đi trước để Ban Biên Soạn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Không biết vì lý do gì ông Thống đã phủ nhận tất cả:

“vì trình độ tiếng Chăm của Ban Biên Soạn ấy quá hạn chế cho nên con em người Chăm chưa có được diễm phúc học một bộ sách tiếng Chăm đạt yêu cầu”.

Bản thân tôi cũng có đôi điều không nhất trí lắm với Ban, nhưng thiết nghĩ: nếu mình không giúp được gì khả thi thì cũng không nên làm cho vụ việc rối rắm thêm. Chỉ nên vun vào cho đầy chứ đừng hất đổ theo kiểu “ăn cháo đá bát”. Chỉ xin kiến nghị tha thiết: vì trình độ tiếng Chăm cao siêu của ông Thống, Ban Biên Soạn nên mời ông làm cố vấn để con em người Chăm có được diễm phúc học một bộ sách tiếng Chăm đạt yêu cầu! Có một cơ quan cũng quan trọng không kém: đó là Trung Tâm Văn Hoá Chăm không thấy ông Thống nhắc đến hay kiểm điểm gì. Có lẽ ông không quan tâm lắm hay không có gì để đánh giá, hoặc không gì sai trái nghiêm trọng. Nếu thế, ông cũng nên có lời khen để động viên và góp sức một tay! Còn nhiều điều lẻ tẻ khác nhưng nói đi nói lại cũng thế, công trình nào cũng sai sót và sai lầm. Hy vọng ông Thống sẽ cho công bố nay mai những công trình hoàn chỉnh hơn cho người Chăm được nhờ và đôi chút an ủi, chứ ông cứ mạt sát thế này tội lỗi quá! Có khi nào ông đặt vấn đề:

“Tại sao một nền văn hoá, văn minh Chăm xưa kia huy hoàng rực rỡ đến thế mà hôm nay ngay cả những ông khoa bảng người Chăm lại có kiến thức rất sơ sài về nền văn hoá của cha ông mình, đa số có trình độ “bình dân học vụ” về chữ Chàm”.

Nếu hiểu được, chắc ông đã không nhìn nhận vấn đề một cách phiến diện và cục bộ như thế!

6. Văn học Chăm khái luận
Năm 1994, Inrasara (Phú Trạm) cho xuất bản cuốn Văn Học Chăm 1 – Khái luận. Quả thật đó là lần đầu tiên Văn Học Chăm được trình bày một cách nghiêm túc chững chạc, thậm chí còn được in thành một cuốn sách dày trang khổ. Sau đó vào năm 1995, hai đầu sách khác được xuất bản: Văn học dân gian – Tục ngữ – Câu đố Văn học Chăm 2 – Trường ca, Sưu tầm, Nghiên cứu. Rồi năm 2006 hai tác phẩm khác ra đời: Ca dao, Tục ngữ, Thành ngữ, Câu đố ChămAriya Cam – Trường ca Chăm. Như thế ông Thống đã thống kê tạm đầy đủ những công trình Nghiên cứu của Inrasara về Văn học Chăm. Để đánh giá về những công trình này, ông Thống nhận xét:

“Vì nội dung của cuốn sách đó và những cuốn sách sau nó còn quá nhiều không những thiếu sót mà còn sai trật nữa. Những thiếu sót và sai trật này là chuyện đương nhiên và bình thường vì hai lý do. Thứ nhất, Tác giả không có và không đọc được nhiều tài liệu về Văn học Chăm; có đâu mà đọc. Thứ hai, tác giả đã hoàn toàn tự học về Văn học Chăm; hình như tác giả không có duyên gặp được những bậc thầy am tường lĩnh vực này”.

Ông Thống đã “nói trạng” quá nhiều đến nỗi tôi cứ tưởng ông nói thật nên lại phải tốn công giải thích. Không biết đây là bệnh lý hay bệnh tưởng và có cần chữa trị hay không?! Theo ngu ý của tôi, đây là công trình quan trọng đặt nền tảng cho những nghiên cứu kế tục. Để tìm và đọc một ariya Chăm không phải là chuyện dễ trong bối cảnh sinh hoạt Chăm hiện nay, chưa nói đến chuyện phổ biến đại trà để mọi người ai ai cũng có cơ hội tiếp cận. Inrasara đã sưu tầm, san định và khái quát được bộ mặt Văn học Chăm tương đối đầy đủ quả là một đóng góp to lớn trong việc đi tiên phong giới thiệu Văn học Chăm với các dân tộc anh em. Dĩ nhiên phải có những va vấp sơ suất vì phải cáng đáng nhiều việc mà lẽ ra phải có nhiều người cùng gánh vác. Có thể tôi cũng bất đồng về nhiều điểm nhưng đấy chỉ là những lỗi nhỏ, không đến nỗi phải phê phán gay gắt hay tị nạnh không đúng chỗ. Nhưng nếu tôi phủ nhận công sức của Inrasara thì chắc hẳn đầu óc tôi có vấn đề và bụng dạ tôi quá hẹp hòi. Tài liệu Văn học Chăm ở đâu? Còn phải tiếp tục truy tìm và đó là trách nhiệm của nhiều người. Còn những bậc thầy am tường về lĩnh vực này chắc đã bỏ mạng từ đâu thời Minh Mạng mà những hậu duệ sau này chỉ là những mảnh ghép rời rạc. Chúng ta học từ quần chúng nhân dân và trả lại cho nhân dân quyền thẩm định đúng sai. Không ai có thể áp đặt được một chuẩn mực nào đó cho Văn học Chăm nếu không phải do chính người Chăm mong muốn. Còn những giải thưởng của Inrasara, tôi không quan tâm lắm nhưng cũng mừng chứ không phải ai cũng hùa theo tán thưởng tác phẩm được giải như ông nghĩ. Ông bị ám ảnh nhiều điều không có lợi cho sức khoẻ khi gắng gượng:

“Cũng xin nói thêm về CHCPI. Đó là một Trung tâm nghe ra thì rất thế giá vì gồm toàn các nhà nghiên cứu có dính dáng đến Đại học Sorbonne, nhưng thực tế Trung tâm đó có giá trị văn chương học thuật thì ít mà chính trị thì nhiều”.

Giải thưởng của nước ngoài còn như thế, không biết giải thưởng ở trong nước có diễn biến hoà bình như thế nào chắc cũng chỉ một mình ông Thống biết. Dường như chưa đủ đô nên ông bổ sung thêm:

“Nhóm này ngoài P.B.Lafont, G.Moussay và C.Jacques là ba người Pháp còn có hai người Chàm gốc gác là người của phong trào Fulro trước đó là Po Dharma (Quảng Đại Đủ, người làng Chất Thường) và Nara Vija (Nguỵ Văn Nhuận, người làng Như Ngọc)”.

Ông mang các từ “chính trị, Fulro” vào nghiên cứu tạo nên những mũ chụp vô hình rất nguy hiểm, tôi mạo muội xin can nếu ông còn khao khát nghiên cứu văn hoá Chăm. Còn không thì ông cứ việc! Còn 8 số Tập san Panrang và 10 số Tagalau chắc rằng ông không đọc kỹ nên có những phán định mơ hồ lệch lạc không có cơ sở. Cũng thông cảm thôi vì có lẽ ông đang mải mê đọc và dịch những bia ký Chăm cho hậu thế tỏ tường. Tuy nhiên, ông lại tiên tri rằng:

“Và có thể nói mà không sợ sai là chỉ có cổ văn mà thôi; văn học hiện đại coi như không có gì”.

Với lý do: “Không ai có đủ khả năng viết những chuyện mới”. Cho dù ông rất cảm thông những khó khăn mà người Chăm phải đương đầu:

“Thực tế là người Chăm hiện nay chỉ viết tiếng Việt. Ở nước ngoài thì những Chàm kiều có thể viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Nhưng tuyệt đối họ không viết tiếng Chàm. Phần nhiều là do không thể viết được; vì có đủ từ và thuật ngữ hiện đại đâu mà viết. Mà có viết được đi nữa thì cũng có mấy người đọc được. Đó là chưa nói đến chuyện in ấn xuất bản; nhiêu khê vô cùng.”

Một là ông chưa phân biệt được đâu là cổ văn, đâu là kim văn. Hai là ông không phải là người trong cuộc, đứng trong lực lượng sáng tác Chăm hiện đại nên không thể trách ông được. Chỉ muốn nhắc ông thêm: cho dù người Chăm có sáng tác bằng tiếng Việt là tiếng phổ thông hay bất kỳ thứ tiếng nào khác; nhưng nếu họ viết với tâm cảm Chăm, tâm thức Chăm, tâm thế Chăm… thì đó là những sáng tác mang âm hưởng Chăm hiện đại. Ai bảo những sáng tác của Kundera, R.Tagore, Cao hành Kiện bằng tiếng nước ngoài không mang tính chất Tiệp, Ấn Độ, Trung Quốc?! Mỗi người có một tư thế và sự đóng góp riêng, không ai có thể tự hào mình là đại biểu đại diện cho một dân tộc cho dù ai đó có sự cống hiến nhiều hơn người khác. Nên tự hỏi mình còn làm được gì thêm nữa thì hơn!

Để kết thúc, tôi xin chân thành cảm ơn ông Thống và cộng sự đã viết một bài gợi mở rất nhiều vấn đề. Đây thật sự là một tâm huyết mà thiết nghĩ: mỗi một người Chăm cần nhìn lại mình, lắng nghe và thấu hiểu! Có thể vì quá bức xúc nên ông Thống có hơi nặng lời và chủ quan trong nhận định nhưng nhầm lỗi luôn là thuộc tính của con người. Cho nên tôi có gì không phải mong ông cũng bỏ quá cho. Vấn đề Nghiên cứu văn hoá Chăm có những cái được và chưa được cần nhiều thời gian và công sức tô bồi vun đắp. Người Chăm bị mất mát quá nhiều nên rất cần sự cảm thông san sẻ hơn là phê phán chê bai hoặc ban ơn bố thí ra vẻ kẻ cả. Một lời nói không sai chưa hẳn đã đúng nếu cách nói trịch thượng và không thuyết phục được người nghe. Tôi ghi nhận và đánh giá cao bài viết của ông, nếu không tôi đã không có ý kiến phản hồi. Và hy vọng trong tương lai, ông sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa trong duyên nghiệp của mình đối với Văn hoá Chăm. Với tôi thì đơn giản như thế, còn đối với những người Chăm khác thì có lẽ cũng hơi khác. Mỗi người mỗi ý và có những góc nhìn khác nhau. Tôi chỉ muốn gửi đến ông lời chúc: Ông nên giữ gìn sức khoẻ và hãy bảo trọng!

Hamu Tanran, 12-9-2009

3 thoughts on “Trà Vigia: Đôi điều với Nguyễn Thành Thống

  1. Bài viết nhẹ mà đích đáng, lịch sự nhưng điểm huyệt. Rât đúng giọng đàn anh, đúng chất của Trà Vigia.
    Anh đã chỉ ra cả khối sai lầm nghiêm trọng nhất của ông Thống. Nhưng vẫn có thể xoa đầu vỗ vai dạy bảo. Hoan hô Trà Vigia!
    HT

  2. Chắc bữa nào mời ông Thống ghé BV tôi chơi quá. Hiện tôi đang công tác tại Bệnh viện Biên Hòa – Đồng Nai. Làm việc được 18 năm, đủ trình độ chẩn bệnh cho ổng. Cảm ơn anh Trà Vigia viết bài này và tôi có ân huệ được đọc.

  3. Toi la nguoi Kinh, cung hay doc trang nay. Chac co may nguoi Kinh o lang ben cua Cham/Khome… voi phan biet chung toc chu con binh thuong cung ko ai coi thuong qua dau. Chac toi o nuoc ngoai nen nghi thoang vay chang? Hay la nguoi o Sai gon/Ha noi.. cung thoang vay? Nhung tri thuc thi khac, nguoi hieu biet thuong nguoi ta nghi nhe nhang hon

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *