Inrasara: NỔI TRÔI MỆNH CHAM CÙNG TRÀ VIGIA

I.

MỞ. NHÌN LẠI NHẬN ĐỊNH

 

P.Dharma mất, có vài Cham nhắn tôi viết bài, tôi nói:

P.Dharma là một nhân vật quan trọng, cực kì quan trọng trong xã hội Cham hôm nay. Vì thế, nhà phê bình cần có cái nhìn đầy đủ và khách quan nhất mới có thể quán xuyến về nhân vật để nhận định mà không bị chủ quan, đảm bảo sự công bằng.

Một sinh linh mất là đã kết toán sổ đời. Văn chương chữ nghĩa cần sự xúc động, cần hơn nữa là biết nén nỗi xúc động kia, để viết. Bởi viết là viết cho con người hôm nay và thế hệ đi tới, để – vừa kích thích vừa làm bài học. Còn vội vã với những: “anh hùng”, “số một”, hay “nhất” gì đó, chẳng những không nói được gì, mà còn làm ô nhiễm môi trường chữ nghĩa, lẫn xã hội.

Phê bình một người ở thời đoạn tang chế là rất không nên.

Tôi với PD ít thân, ít gặp; có gặp lại rất ngắn. Tôi biết rõ anh qua văn bản, và chỉ văn bản. Sau ngày anh mất, tôi có viết một bài “tổng luận” về anh, nhưng có lẽ phải lâu lắm mới công bố.

 

Tôi với Trà Vigia (Trà) thì khác. Rất thân. Gần gũi còn hơn anh em, còn hơn bạn bè.

Với cuộc chữ nghĩa, từ khởi động, tôi luôn tìm bạn đồng hành. Cộng đồng Cham hôm nay, Trà là bạn đồng hành xứng đáng, chắc chắn thế.

Có được bạn đồng hành chữ nghĩa như Nguyễn Văn Tỷ, Trà Vigia là đặc ân lớn với tôi.

Với Trà, tôi luôn dành cho anh lời khen tặng. Ca ngợi cả khi anh chưa xuất lộ trong giới chữ nghĩa. Đến nỗi, hai ông thầy danh giá của Cham kêu: “Tiến có gì mà Trạm mãi ca tụng”.

Tôi có cái nhìn khác. Ngay buổi đầu, tôi hiểu Trà. Rồi hơn nửa đời hư “nổi trôi” phận Cham cùng Trà, tôi hiểu Trà như hiểu lòng bàn tay mình.

 

“Nổi trôi” ở đây là những câu chuyện về Trà, đa phần đã được kể lác đác trên Inrasara.com từ năm 2007. Nay gom lại, để các bạn văn và bà con Cham có cơ sở nhận diện một tài năng vừa tắt. Ở đây, nếu tôi vị tình mà “cộng thêm điểm sắc tộc”, xin bà con anh chị em bỏ quá giùm.

“Nổi trôi” ngoài phần MỞ, gồm 3 phần chính: – Trà & Tagalau – Trà & Inrasara.com – Tôi & Trà, chuyện đời thường.

 

Vừa qua, có hai nhận định về Trà đáng bàn:

Đồng Chuông Tử (FB, 3-3-2019): “Trà Vigia là một nhà văn lặng lẽ, không bon chen ham mê tên tuổi… Tác phẩm của ông xuất bản chính thức không nhiều, song mỗi tác phẩm công bố thu hút lượng lớn độc giả quan tâm, đón nhận nồng nhiệt… tập thơ 1 ngày 5 in photocopy đã bị Sở GD-ĐT Ninh Thuận ra văn bản tịch thu”

Lý Đợi (FB, 3-3-2019): “Trà Vigia nghiên cứu, viết văn, viết thơ… từ khá sớm, viết liên tục, lĩnh vực nào cũng cho thấy sự tài hoa, sâu sắc, nhưng lại rất lặng lẽ.” Hôm sau, Lý Đợi (FB, 4-3-2019) viết: “Trà Vigia, thi sĩ toàn tòng”

 

Ý kiến Inrasara:

– Trà “tài hoa, sâu sắc” là chuẩn, riêng “lặng lẽ” thì không. Câu chuyện sẽ cho ta nhìn Trà không phải theo hướng ngược lại, mà theo hướng KHÁC.

– Trà “không bon chen” cũng không sai. Dẫu sao cần nhìn đúng vấn đề.

Ví dụ có bản thảo chạy đủ kiểu để nó ra đời có thể gọi là bon chen, riêng bản thảo được nhà xuất bản tìm đến thì không. Chơi đủ trò để vào Hội Nhà văn là bon chen, chứ được mời vào Hội thì không. Hội nghị, hội thảo giành ngồi ghế cao hay phát biểu linh tinh là bon chen, được mời thì không. BV Nam Sơn chắng hạn, được nhiều nơi mời và anh nhận, không ai dám cho anh bon chen hay ham mê tên tuổi cả.

– Trà không phải nhà nghiên cứu [chú ý: LĐ không dùng từ “nhà”]. Nghiên cứu đúng nghĩa đòi hỏi hai điều cực kì quan trọng là: thao tác văn bản, riêng với Cham cần tới sự đi-hỏi-khảo tả. Trà thiếu 2 khoản đó. Bù lại, Trà viết những gì mình biết, mình nghĩ và cảm nhận – trong đó có những cái biết, cái nghĩ lạ biệt rất đáng suy gẫm.

– Tác phẩm Trà thể hiện “sự tài hoa, sâu sắc”. Tiếc là Hạt Buồn in ở Amazon rất ít độc giả Cham biết. Trước đó Chăm H’ri được Nhà nước tài trợ in, hoàn toàn vắng mặt ở hiệu sách cả Bắc lẫn Nam. Riêng tác giả chỉ nhận được 30 bản gửi bán ở Hiệu sách Bạch Đẳng – Phú Quý quê nhà cả năm không hết, Trà đành thu về tặng bạn bè.

Còn tập thơ 1 Ngày 5 do Ciet in photocopy phát hành hạn chế, đã vậy còn bị tịch thu.

Cả hai tác phẩm này chỉ nhận được mỗi cuốn một bài điểm sách của Inrasara in trong Nhập cuộc về hướng Mở (2014) và Tagalau 19. Ngoài ra tôi không thấy có bài nào của ai khác. Thế nên nói rằng tác phẩm của Trà “gây nhiều dư luận đa chiều” thì hơi quá; còn “thu hút lượng lớn độc giả quan tâm, đón nhận nồng nhiệt” càng không. Đây là điều rất đáng tiếc trong cộng đồng độc giả Cham, tôi lặp lại.

Biết thêm: Tiểu thuyết Chân Dung Cát xuất bản và phát hành rộng rãi trên toàn quốc, tôi rất kì vọng, tuy thế hiếm độc giả Cham tìm đọc. Ngay Hàng Mã Kí Ức được nhà xuất bản tổ chức ra mắt rềnh rang cũng ít Cham tìm mua, trong khi nó được một nghiên cứu sinh làm luận văn Thạc sĩ.

Tập thơ 1 Ngày 5 tạo sự cố nhỏ trong cộng đồng Cham có chăng là do “bị Sở GD-ĐT Ninh Thuận ra văn bản tịch thu” như Đồng Chuông Tử cho biết.

– Theo tôi, Lý Đợi định danh Trà là “thi sĩ toàn tòng”, là chính xác 100%. Và còn hơn thế: CON NGƯỜI CHỊU CHƠI. Bài thơ “Trà Vigia” (bài 2 đã đăng) trong tập Chuyện 40 Năm… của tôi in năm 2006 cũng phác họa chân dung Trà theo hướng ấy.

Trà viết về Chàm tui: “Chàm tui/ Làm là làm chơi/ Chơi thì chơi thiệt” chính là viết về mình. Bởi Sara rất khác: Chơi & làm là MỘT.

 

TFN, 4-3-2019

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *