Trà Vigia & Inrasara đối thoại xung quanh Tagalau

Inrasara ghi.

Rã cả thể xác lẫn tinh thần, oải từ tâm hồn ta cho đến hình hài xã hội Chăm. Chuyện Chăm không muốn nghe vẫn phải nghe, không muốn nói buộc phải nói

Trà than thở, một chiều kia tại cà phê vỉa hè đường sá Sài Gòn ồn ào dòng người, dòng xe cộ.
Hôm nọ lai rai với Phăng, nó đã cảnh giác mình “anh Tư chắc chắn tai biến có ngày, nhậu đi, quên đời đi, nghĩ làm gì cho mệt”. Trà tiếp: – Nó không khích lệ mình chớ nó còn bảo mình thôi suy nghĩ. Nhưng được vậy là may, bởi định phận của trí thức là… suy nghĩ.

– Ờ, định phận của trí thức là thức, là ưu tư. Hết ưu tư là chết lâm sàng rồi còn gì…
– Tagalau là một cách ưu tư, một ưu tư lưu truyền qua các thế hệ. Từ Panrang, sang Ước Vọng… Từ mười số Tagalau đầu đến các số Tagalau tiếp theo – Trà chuyển đề tài. – Mình mỏi thì chuyển cây gậy ma-ra-tông cho thế hệ đi tới… Đôi khi mình chưa mỏi, nhưng mình cũng cần chuyển gậy cho đàn em, đàn con cháu. Để họ tự tin hơn. Thế hệ mình cắt khẩu theo ông bà lúc nào, ai mà biết được…

– Vừa qua có vài bạn trẻ nhận định Tagalau 11 hơi yếu, nhiều bài còn mang tính phong trào… Bạn nghĩ sao?
Bạn trẻ à? Trà nhạc nhiên, hỏi.

– Ừa, chính xác. Trẻ. Trên Inrasara.com và thư điện tử gởi Sara. Cả trực tiếp với Sara nữa… Vui là các bạn thật lòng.
Lạ đấy! Thế hệ trẻ không biết đó là trách nhiệm của họ sao? Hay họ không muốn nhận cây gậy tiếp sức? Không hay, chưa xuất sắc – đồng ý. Hỏi đó là trách nhiệm của ai? Thế tại sao ta không gắng làm hay hơn, nỗ lực viết cho xuất sắc hơn?

– Mình cũng đã thử phân tích cái hay với chưa hay, được và chưa được của Tagalau 11. Anh em động viên nhau, đã lên tinh thần vài tác giả trẻ khi tác phẩm mình bị phê bình ở mục “Phản hồi” trên Inrasara.com… Cả Sara cũng vào cuộc, nhận định, mổ xẻ và khích lệ. Không ít người còn cho Sara quá ưu ái “bọn trẻ”…
Sara chẳng những làm phần việc mình, mà còn biết tạo sân chơi cho người khác, cho thế hệ sắp tới. Không phải bạn bè khen nhau, bởi mình có khen ai bao giờ đâu. Nhưng đó là sự thực, cần nói ra. Im lặng giây lâu, Trà tiếp: – Thế các bạn trẻ muốn thế nào?

– Không hiểu! Vài ý kiến cho là Tagalau nặng về văn chương quá, mà xem nhẹ nghiên cứu văn hóa Chăm…
Thì tôn chỉ của Tagalau ngay từ số đầu tiên đấy thôi. “Sáng tác – Sưu tầm – Nghiên cứu“. Chăm đâu phải ai cũng nghiên cứu được; đấy là nói nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Mà một tác phẩm nghiên cứu có nói được nhiều điều, phổ quát bằng một tác phẩm văn chương không? Nếu chúng ta làm thật hay. Tác phẩm văn chương đâu phải chỉ có văn chương! Trong văn có sử, chứ không phải ngược lại. Một tác phẩm văn chương đúng nghĩa có thể chứa đựng được tất cả: sử học, triết học, ngôn ngữ, phong tục tập quán, tình tự dân tộc… Cứ đọc Ariya Glơng Anak đi rồi sẽ hiểu. Cứ đọc Chiến tranh và Hòa bình đi

– Ừa, tầm bao quát và tính phổ quát của nó thì hẳn rồi…
Khả năng đọc thủng văn bản văn chương, là khó, nói chi hiểu thật sâu thẳm nó. Trà thêm: – Ai có khả năng đó? Và thấy tầm quan trọng của văn chương?

– Không nên nghiêng lệch về phân mục nào cả, mà Tagalau đòi hỏi sự cân đối: sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu. Trở lại vấn đề chúng ta, thế bồ nghĩ sao về Tagalau sắp tới?
Thế ý kiến của Sara? – Trà không trả lời ngay mà hỏi ngược lại.

– Không chủ biên đích thực nào muốn đăng nhiều bài của mình cả. Đơn giản, bởi tạp chí muốn sống thì cần sự ủng hộ của đông đảo cộng tác viên, độc giả, mạnh thường quân… Tâm lí chung của chủ biên luôn chờ đợi nhận được nhiều bài hay, từ nhiều tác giả, trẻ và mới càng tốt. Ngay cả các bài viết trung bình, để động viên, chủ biên cũng cần trao đổi và biên tập để chúng khá hơn.
Bao giờ mình vẫn tâm trạng chờ đợi… Chờ đợi cả những cây bút quen thuộc, cả các tên tuổi từng góp phần mang nặng đẻ đau Tagalau. Trà Vigia nữa…
(Im lặng).
Nếu thế hệ con cháu không chịu nai lưng ra cùng gánh, nếu thế hệ Chăm tương lai không nhận cây gậy tiếp sức mà mình vừa buông ra, thì Trà Vigia, Jaya Hamu Tanran với Trầm Ngọc Lan này đành phải cúi xuống lượm lại, rồi lê lết đi tiếp. Phải nai lưng còng này ra tiếp tục gánh thôi, chứ để cho Tagalau chết thì không đành rồi. Thà mình chết. Gánh chết bỏ… Trà Vigia tiếp: – Sara hãy nói rõ với các bạn trẻ chính xác câu nói này của mình, xem các bạn nghĩ thế nào?

– Haiy!
“Haiy” chỉ là “hứa” thôi. Mình đã tìm ra một chữ thay cho OK rất ngon lành: “HAIK!“.

Vậy thì HAIK! Các bạn trẻ cùng HAIK nhé?!

Sài Gòn, 5-12-2010.

2 thoughts on “Trà Vigia & Inrasara đối thoại xung quanh Tagalau

  1. Dù dại khờ thế nào tôi cũng biết đâu phải đâu trái. Ví dụ 2 ông bạn thân là anh Trà với anh Inra đi, Trà làm chủ biên không được vì tính khí Trà mạnh. Cần đập là đập. Tánh Inra ôn hòa biết “điều tiết nhịp độ” Tagalau hơn. Các bạn trẻ hãy phấn đấu lên chớ. Phê thì cứ phê nhau, nhưng hãy TỰ LỰC CÁNH SINH. Chớ để cho anh Trà chê tụi mình, các bạn nhé.
    Haik!!!

  2. Tôi đọc thấy đoạn này:
    “Đối thoại ngắn với một bạn thân ở Sài Gòn:
    – Mầy chớ tưởng mình ngon, Tagalau chẳng có gì là ghê gớm lắm đâu.
    – Không có gì ghê gớm còn đỡ, mình thấy nó chả là gì cả.
    – Chả gì cả à? Mầy nghĩ thế thật à?
    – Ừ… thì mình có nghĩ hay nói giả bao giờ đâu!
    – Tao không hiểu quái mầy cả! Chả là gì sao mầy bỏ công sức hay tiền bạc ra làm?
    – Đấy, mâu thuẫn và phi lí vậy đó. Cứ sống trọn vẹn với sự phi lí ấy đi, thì sẽ hiểu!”

    Một lối suy nghĩ cao cường!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *