Nổi trôi phận Cham cùng Trà Vigia – kì 3. TRÀ & INRASARA.COM

Tôi là kẻ đốt lửa, giữ lửa và truyền lửa.

Ngay từ Inrasara.com ra đời đầu năm 2007, Trà Vigia đã nhập cuộc. Đầy hứng thú.

Trà từng vài bận tuyên không bao giờ viết văn nếu không có thúc đẩy từ Sara, và chỉ viết cho Tagalau. Nên có thể nói, hầu hết chữ nghĩa yut đều xuất hiện trên web của tôi. Mãi khi Tagalau có trang riêng, để mạng bớt gánh nặng, tôi mới xóa bớt bài Trà đã có trên web Tagalau.

Thời đoạn này, web Inrasara.com thu hút vài trăm tác giả tham gia, cùng một lượng lớn độc giả theo dõi. Hơn triệu lượt đọc mỗi năm, thậm chí có thời điểm lên đến triệu lượt chỉ trong 4 tháng. Mãi khi FB xuất hiện nó mới giảm tốc, rồi giảm mạnh.

Tại đây, Trà kí 3 bút danh khác nhau: Yamy (thơ), Guga (nghiên cứu), Trà Vigia (văn, trao đổi). Trong khi thơ ít được chú ý, nghiên cứu được nhiều người đọc hơn xíu, thì truyện ngắn và bút kí Trà thể hiện thế mạnh của ngòi bút anh. Tuy nhiên, chính mục trao đổi với ý tưởng sắc sảo, lối viết thẳng thừng của Trà mới tạo không khí nóng bỏng trên Inrasara.com.

2 bài tôi viết về Trà cũng xuất hiện ở web này.

Trước đó Trà vẫn vô tư với thời cuộc Cham, như Vụ Trường Pô-Klong & TT Văn hóa Chàm, Vụ 23 nhà Khoa bảng, Vụ Kiều Minh Vũ, hay Vụ Tranh chấp đất Văn Lâm, vân vân, ở đó tôi hoặc cùng thầy Tỷ, hoặc đã chiến một mình.

Trà chỉ thực sự nhập cuộc khi WEB RA ĐỜI: 2007, qua 3 SỰ KIỆN sau.

 

  1. 1. Trước tiên là Sự cố Văn hóa Nguyễn Thành Thống. Sau bài gợi mở của tôi, Trà là người công phá, sau đó mới tới Nguyễn Văn Tỷ, và… để cuối rốt tôi làm sơ kết. Từ tiếng nói của ba yếu nhân trên, anh chị em Cham và ngoài Cham vào cuộc tranh luận, để cuối cùng, Nguyễn Thành Thống buộc phải “chỉnh sửa” lại bài viết không đâu vào đâu rất không hay, về Cham và đại đa số trí thức Cham.

 

  1. 2. Sự cố họa phẩm “Làng Chăm ơn Bác” của Chế Kim Trung, Trà là người lên tiếng đầu tiên; tiếp đến các bạn trẻ Cham nhập cuộc, để sau rốt tôi làm tổng kết. Vụ này, tại văn phòng Hội DTTS ở Hà Nội, tôi có hỏi nhà văn Cao Duy Sơn đương kim tổng biên tập tạp chí của Hội, nguyên do không đăng bài phản biện của Trà. Anh nói:

– 64 người đâu có thể “đại diện” cho cộng đồng Cham mà phản bác tác phẩm đoạt giải.

Trà buộc phải viết tiếp bài “giải minh”: “Hậu kì ‘Làng Chăm ơn Bác’”.

[Vụ này, khoảng 70 người tham gia bình luận, trong đó 64 anh chị em Cham đồng tình với lập luận của Trà, chỉ có 3 người Việt ủng hộ nữ họa sĩ].

 

  1. 3. Về Dự án Nhà máy Điện Hạt nhận Ninh Thuận, Trà cũng là người nhập cuộc ngay sau tôi. Sau bài nghiên cứu dài: “Cham Pangdurangga, ngang bướng, đau khổ và kiêu hãnh” đăng trang Ba Sàm, Bô-xit và nhiều web link lại sau đó; và sau trả lời phỏng vấn trên BBC, tôi cung cấp cho Trà ý kiến của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới về ĐHN, để anh có cơ sở viết: “Chăm trong lò hạt nhân”.

Bài viết tạo tác động dây chuyền, với rất nhiều ý kiến đồng tình.

Đó là đợt thảo luận lần 1 trên Inrasara.com: “Người Cham hiểu gì về ĐHN?” Qua lần 2: “Trí thức Cham nghĩ gì về ĐHN?” Trà viết tiếp bài: “Tôi kí tên”.

 

Về thái độ đối với Dự án lớn này, tôi tuyệt không truyên truyền với Cham, không khéo Chính quyền chụp cho tôi cái mũ “xách động” thì nguy. Tôi thể hiện chính kiến của minh trên mạng cá nhân, trả lời phỏng vấn đài, báo lớn trên thế giới, viết tiểu thuyết, vân vân và tôi chịu trách nhiệm về chúng. Thế nên ngay cả với Nguyễn Văn Tỷ, tôi vẫn không nói cho thầy biết. Riêng Trà, được thông tin, anh nhờ tôi kí tên vào Thỉnh nguyện thư.

Sau đó tôi còn giới thiệu nhiều chuyên gia và trí thức ngoài Cham quan tâm về ĐHN đến gặp trực tiếp Trà.

 

Kỉ niệm vui

Tháng 12-2013, tôi giới thiệu giáo sư Bùi Dương Chi về Ninh Thuận. Qua gợi ý của tôi, ông mời ông bà Nguyễn Văn Tỷ [là bạn thân của ông] và ông bà Trà Vigia xuống Phan Rang dùng cơm chiều.

Điều muôn thuở lặp lại, Trà chỉ có uống mà không đụng vào bất kì món nào. Ông Chi vô cùng kinh ngạc. Đã vậy, Trà còn nổ: “Tôi ăn không khí cũng đủ, còn uống thì tôi lọc bằng gan, anh lo cho mình đi”, khiến ông giáo sư Việt kiều Mỹ… tắt đài.

Vào Sài Gòn, kể lại với tôi, giọng ông còn nghe hãi.

 

Kết.

Trà, ở 3 vấn đề cộm trên, đã đứng cạnh tôi. Hai anh em cùng chiến hào, tiếp đạn và chiến! Có thể gọi đồng chí, không sai.

Sau 2013, do một “sự cố tâm linh”, Trà không còn đồng hành với tôi nữa. Các vụ Trường Nội trú Dân tộc Ninh Phước, Vụ Kut Boh Dana, Ghur Darak Neh, hay Vụ chuyển hệ tôn giáo từ Bà-ni thành Hồi giáo, vân vân, Trà không dự cuộc.

Tôi chiến cô độc, và tìm đồng chí khác, cùng chiến.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *