Trà Vigia: Văn xuôi 28 – Hậu kỳ Làng Chăm

Đây là một tiếng cảm ơn chân tình, một lời than vãn trối trăn, một tâm sự đau đớn hay chỉ là một bức thư tâm tình của thế hệ trước (TV) gởi cho người đi sau (CKT)? Hay là gì khác nữa?… Đọc nó, bà con anh chị em sẽ tìm câu trả lời cho mình. Vì đó có thể chỉ là những tâm tình của một người gởi cho một người, nó không đòi hỏi phản hồi. Bởi dẫu sao, CKT là nhân vật chính của “sự cố” đã không có tiếng nói chính thức, dù có rất nhiều bà con (tên thật lẫn nickname) yêu cầu. Hơn nữa đó cũng chỉ là quan điểm riêng của tác giả. Trà đã có bài mở màn cho thảo luận, cũng cần dành cho anh tiếng nói cuối. Inrasara.com mong bà con anh chị em xem đây là bài viết cuối cùng khép lại vấn đề.
Inrasara.

*
Trước hết, tôi xin cảm ơn nhà thơ Inrasara đã trình làng bài viết của tôi trên trang web anh để bà con Chăm gần xa có thể đọc và nghĩ. Bởi vì trước đó hơn một tháng, tôi có gửi bài này cho tạp chí của Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam nhưng không thấy đăng hầu phục vụ kịp thời tính thời sự của vấn đề. Thiết nghĩ, tạp chí Hội là nơi để trao đổi những thông tin cần thiết; là cầu nối của tất cả anh chị em hội viên với nhau và là bộ mặt văn hoá để mọi người hướng đến nhằm xây dựng và phát triển. Rất tiếc, Hội đã không màng tới! Tôi chỉ là tép riu nên bị xem thường như đã từng với Amư Nhân… như theo nhiều người nhận định. Cũng chẳng sao cả, nên coi là chuyện bình thường. Đó là con bệnh trầm kha của xã hội hiện đại và là à la mode thời thượng! Nếu một người nào đó không tôn trọng mình, thì chẳng có lý do gì để mình phải tôn trọng người đó. Văn hoá Chăm nói rằng: thôi thì Bha thei thei dauk, nghĩa là phần ai nấy ở cho yên thân, mặc cho ai đó kêu gào đại đoàn kết!
Tiếp đến, tôi xin cảm ơn các bạn đọc đã có nhiều ý kiến phản hồi bổ ích. Đó là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ rằng vẫn còn nhiều người quan tâm đến văn hoá dân tộc mình. Biết vui những niềm vui trần tục, biết đau những nỗi đau kêu trời không thấu! Có cái mừng nhưng cũng có cái lo với một chút buồn. Mừng vì các bạn ý thức được rằng: phải tự cứu mình trước khi trời cứu. Nếu người Chăm không biết cảm thông san sẻ giúp đỡ lẫn nhau thì không ai rỗi hơi cưỡi ngựa ra roi đến cứu giúp chúng ta. Nói như Inrasara: Không ai có thể hát thay chúng ta! Nếu để người hát thay mình hoài thì có ngày mình muốn thử giọng thôi cũng không được. Lúc đó Po Yang có linh thiêng mấy cũng đành bótay.com! Lo vì thế hệ sau dường như ngày càng xa rời văn hoá gốc dẫn đến đánh mất bản năng gốc. Cá biệt lại có đột biến làm hoại tử tế bào văn hoá Chăm với những di căn dẫn đến lai căng mất gốc lúc nào không biết. Cần cảnh giác với hệ quả: tích cực cộng với lơ mơ thành ra phá hoại. Chăm đã mất mát quá nhiều rồi, không cần phải mất thêm nữa nếu chúng ta không vun đắp được gì. Ông bà mình có dạy: Urang jiong di mik saung wa/ Drei mư-aum cangwa kauh gai patauk là một hệ luỵ ám ảnh khôn nguôi!

Tiếp nữa tôi xin cảm ơn nhạc sĩ Amư Nhân, người đã cho tôi thông tin cụ thể về bức tranh có giải của hoạ sĩ Chế Kim Trung. Thú nhận với bạn đọc rằng, tôi chỉ nhìn tháp là tháp, không để ý nên không nhìn thấy hai câu chữ được trùng tu lên tháp. Cho đến khi AMN dẫn giải một hồi lâu tôi mới ngộ ra và một hồi lâu sau mới ngớ người bừng tỉnh.
Thật ngoài sức tưởng tưởng tượng đối với một người giàu tưởng tượng và nhạy cảm như tôi. Như là bị tạt vào mặt một gáo nước lạnh, lại như bị giội vào ngực một xô nước nóng. Một cảm giác đau đớn tận cùng len lỏi đến từng mạch máu sợi thần kinh như sắp đứt lìa. Dạo này tôi hơi yếu bóng vía, với lại sức khoẻ kém hẳn nên sức chịu đựng giảm sút là chuyện bình thường. Có xây xẩm choáng váng đôi chút cũng chẳng sao, có đi chầu ông bà sớm cũng chẳng có gì phải hối tiếc. AMN có nhờ tôi viết bài phản hồi vì anh nói viết không đạt. Thật tình là lúc đầu tôi hơi lưỡng lự. Cộng đồng Chăm quá nhỏ và mỏng manh, những góp ý xây dựng chân tình hay bị hiểu nhầm ngộ nhận theo chiều hướng xấu. Nhưng nếu mình không viết thì ai viết, ý thức công dân và trách nhiệm trí thức để nơi nào?! Cho dù tôi biết rõ sinh hoạt đời thường Chăm: Thei trun ia thei pathah!

Tiếp theo tôi xin cảm ơn hoạ sĩ Chế Kim Trung đã bỏ thời gian quý báu gọi điện cho tôi để phân trần những việc cô cho là mình đúng và oán trách những cái mà cô cho là tôi sai. Dĩ nhiên nhân vô thập toàn! Có khi cái mình cho là đúng thì người khác lại thấy sai và ngược lại. Thấy cái sai của người thì dễ, thấy cái sai của mình mới khó và sửa sai lại càng khó hơn! Nếu tôi không trân trọng tài năng của CKT thì tôi đã không phí thời gian để viết những dòng này. Bởi dưới con mắt tôi, CKT là một người em hiền thục dễ thương không có gì đáng trách. Đây là lần đầu tiên cô phạm sai lầm, nhưng nghiêm trọng! Tôi là một người anh đồng tộc có hiểu biết chút ít nên phải có trách nhiệm nhắc nhở cảnh báo, không chỉ cho riêng cô mà cho cả một thế hệ đang chờ chuyển giao trong một bối cảnh xã hội quá nhiều thử thách. Nếu cô cứ khăng khăng cho rằng tôi sai lầm để cô trắng án thì vì tình cảm, tôi sẵn sàng chấp nhận. Thà phạm sai lầm để đóng góp được nhiều cho xã hội còn hơn không phạm sai lầm mà không đóng góp được gì! Dĩ nhiên tình cảm anh em mình không có gì để hiềm khích. Cô còn nhớ chuyến đi dự hội nghị ở Hà Nội, thấy cô lủi thủi một mình xách hành trang nặng mà chẳng có ma nào quan tâm, tôi phải cứu hộ dẫn cô lên tận phòng. Cô còn hỏi ý kiến tôi về những lời mời của ban này ngành nọ, tôi có khuyên cô: là một phụ nữ Chăm không nên mạo hiểm, nơi nào cũng đầy rẫy gươm giáo dao găm và cô đã nghe lời khiến tôi cũng thấy rất vui.

Cô còn trẻ, tiền đồ tương lai thênh thang xán lạn nên phải cẩn trọng trong từng bước đi dáng đứng. Những người trẻ thường nông nổi háo thắng và đôi khi bốc đồng không cần thiết nhưng dễ gây tai hoạ không đáng có. Ví dụ: cô bảo rằng việc cô lấy tựa đề Làng Chăm ơn Bác và hai câu ruột tâm huyết nhất của AMN vào tác phẩm của mình là chuyện bình thường sau khi đã hỏi ý kiến của các chuyên gia hàng đầu có uy tín nhất hiện nay thì tôi e rằng không ổn. Thời thế dù có đảo điên cách mấy thì chuyện thật như đùa này không thể xảy ra nếu cô không xin phép tác giả. Chuyện đạo văn đã xảy ra quá nhiều trong vô vàn tình huống và luôn bị xã hội lên án nên đã có luật sở hữu bản quyền hẳn hoi. Nếu AMN khiếu kiện thì tôi tin rằng cô sẽ thất thố! Đây cũng không phải đơn thuần là chuyện riêng giữa hai người mà còn là bộ mặt văn hoá Chăm đương đại nên không thể xem thường như nhiều người đã nghĩ. Còn việc cô bảo chuyện vẽ vời lên tháp là chuyện nhỏ như con thỏ thì tôi phải bái lạy đầu hàng van xin tha mạng!

Tháp Chăm luôn là biểu tượng thiêng liêng nhất của người Chăm trong sinh hoạt đời thường cũng như trong các lễ nghi tôn giáo. Là nơi bất khả xâm phạm đối với người trần tục mà chỉ dành riêng cho những bậc chân tu đắc đạo. Thời nay có nhiều cải biên theo thời thế nhưng biểu tượng Tháp Chàm vẫn luôn bất biến. Nhớ chuyện xưa hồi còn đi học ở trường An Phước gần làng Phú Nhuận, tôi thường lên tháp Po Klong Girai chơi với nhiều bồi hồi thời thơ trẻ. Thấy nhiều hình vẽ bậy nguệch ngoặc lên tháp với đủ kiểu chữ, màu sắc, nội dung làm tôi rất buồn. Ngày nay, những tàn tích ngày nào giờ đây đã được xoá sạch trả lại sự tôn nghiêm thuần khiết cho tháp làm tôi rất đỗi tự hào. Nào ngờ hôm nay, cô em yêu quý của tôi lại đột hứng sáng tạo theo thời trung cổ, ngày cô chưa sinh ra đời để mục kích cảnh cũ người xưa thì loài người ơi lòng tôi không đau sao đươc?! Cô còn bảo mình được đào tạo chính quy và đã nghiên cứu nhiều sách báo đa ngành. Hỡi ôi, thà cô không học không đọc thì tôi còn dễ thở. Đã không ít bằng dỏm bằng giả giá cả đàng hoàng, bằng cấp thật nhưng tri thức lại giả gây nhiều tai ương trì trệ cho xã hội mà báo chí la làng rát họng ngày cùng tháng tận mà vẫn đâu vào đấy. Muốn thành lập trường đại học theo tiêu chuẩn quốc tế mà kiếm chẳng ra thầy, giáo sư tiến sĩ giấy nhan nhản đầy đường nhưng không xài được chưa kể trường hợp trù dập ô dù chạy quyền chạy chức… Có lẽ mươi năm sau thấm đòn, cô mới cảm và hiểu được! Còn cô bảo những trí thức và chức sắc đồng tình với quan điểm của cô thì tôi hơi hoang mang với một chút hoài nghi… Nhưng cần tôn trọng ý kiến quan điểm của từng cá nhân, điều đó giúp ta xác định được phẩm chất tư cách và nhận thức của mỗi con người.

Cô trách tôi sao không góp ý với cô trước khi đăng bài lên báo hoặc trang web thì xin thưa rằng: đó là chuyện đã rồi, không còn là chuyện của cô nữa mà đã trở thành thời sự văn hoá xã hội Chăm và cần được giải quyết theo cách khác. Nếu cô có nhã ý mời tôi góp ý trước đó thì đã là một chuyện khác. Đây là một hoạ phẩm xứng đáng được giải nếu cô mang hai câu trong ca khúc của AMN để một chỗ nào đó trong bức tranh thì phù hợp hơn. Và cần thiết phải xin phép nhạc sĩ AMN cho đúng luật cũng như không gây mất lòng anh em. Lập trường của cô là không trả lại giải thưởng và không vứt bỏ bức tranh như nhiều người yêu cầu tôi cũng rất cảm thông. Đầu tư biết bao sức người sức của để rồi mất cả chì lẫn chài thì quả là xót xa, với lại cô là đàn bà đầy nữ tính. Không ai lại vứt bỏ đứa con của mình dù đó là đứa con tinh thần được kết tinh trong một mối tình tội lỗi. Nhưng sự nghiệp cô còn dài, còn lắm chông gai và nhiều hứa hẹn. Những thành quả của một người nghệ sĩ trước hết phải phục vụ cho cộng đồng dân tộc mình, được sự đồng thuận hoan nghênh của mọi người thì mới đủ sức thuyết phục đến cộng đồng dân tộc anh em để rồi lan toả đến năm châu bốn biển.

Cô bảo mình bị tổn thương, mất danh dự trầm trọng. Thế còn tôi, nhiều trí thức Chăm tâm huyết khác thì sao? Ai sẽ trả lại danh dự cho ngôi Tháp Chàm đang rên rỉ? Và tổ tiên ta đang trú ngụ trong ngôi tháp kia sẽ nghĩ gì về đám hậu sinh khả uý chúng ta?! Đứng trước ngôi tháp, nếu bản thân ta không nghe thấy âm vang từ ngàn xưa vọng lại thì không hiểu được hồn Chăm cho dù ta có đọc ngàn cuốn sách và lận lưng bằng tiến sĩ đầy mình. Thế đấy, thật không đơn giản chút nào! Những điều mà tôi tích luỹ, suy ngẫm và chiêm nghiệm mấy mươi năm nay không thể vài ngày để nói cho cô hiểu thủng. Có những cái vấp ngã cần thiết để mình trưởng thành. Mong cô bình tâm tỉnh ngộ, bằng không tôi cũng chẳng còn biết phải nói như thế nào?! Tôi đã cố gắng hết sức trong phạm vi có thể, chưa nhận được một lời cảm ơn hay xin lỗi của cô. Chỉ nhận được lời oán trách, cứ trách đi nếu điều đó làm cô nhẹ lòng. Đó là tất cả những gì mà tôi gửi lại!

Nhân đây, tôi cũng xin cảm ơn tổ tiên đã để lại cho con cháu những ngôi Tháp Chăm để con cháu còn lên cúng bái vào ngày Katê, đi hành hương ngày đầu năm Rija Nưgar và tạo điều kiện cho tham quan du lịch phát triển. Xin cảm ơn tiền nhân đã gửi lại những dòng ariya tuyệt bích để con cháu có cơ hội được đóng góp vào kho tàng VHNTCDTTS Việt Nam để có cơ may trở thành nhà thơ nhà văn nhạc sĩ hoạ sĩ… Và cuối cùng tôi xin chia buồn với bản thân tôi đã lỡ lầm ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng để người đời chê trách oán than! Tôi chẳng đỡ đần gì cho mẹ cha, vợ con… cũng không đóng góp được gì cho cộng đồng Chăm này. Với người thì không nói, với một cô em tôi kỳ vọng mà góp ý cũng không xong. Tốt hơn tôi nên gác bút treo giày, giã từ sân cỏ văn hoá Chăm, bỏ làng bỏ người mà đi lang thang như ông Wơr Palei năm xưa. Hay tôi tìm một gò mối nào lủi đầu vào đọc sách để tân trang mớ kiến thức đã thành cổ tích. Hoặc tôi về nhà bán nốt mấy giạ lúa giống cuối cùng để lên thành phố tầm sư học đạo vi tính cập nhật thông tin về tâm sinh lý thời đại @ để thức thời. Đang suy nghĩ mông lung thì may quá, có thằng cháu gọi điện mời uống rượu. Nó mới thành lập “Hội những người thích rượu”. Đúng ra nó khoái uống bia, nhưng không có tiền nên đành phải thích rượu. Tôi bảo mệt và không hứng, hẹn khi khác. Nó an ủi tôi: không mợ thì chợ cũng đông, không có CKT thì có Chế khác, không có TVG thì có Trà khác, rầu rĩ mà làm chi cho tổn thọ. Có lý quá! Có lẽ nay mai tôi sẽ gia nhập giáo phái “Sống chết mặc bây”, Ta cứ phây phây uống rượu chờ ngày vô Kut. Lời đã dài dòng, tôi xin chấm dứt như một lời cầu siêu cho chính mình!

5 thoughts on “Trà Vigia: Văn xuôi 28 – Hậu kỳ Làng Chăm

  1. Một con sâu chưa chắc đã làm rầu nồi canh. Nhưng nếu TV không viết nữa, Chăm sẽ mất đi một tiếng nói đáng nể.
    Chú TV ạ, cháu thật sự thông cảm nỗi đau của chú. Chú hãy tin tưởng rằng, còn thế hệ trẻ chúng cháu, chắc chắn sẽ có “TV” thứ 2,3 có sức khoẻ và cường tráng hơn. Chú mãi là thần tượng của cháu!

  2. Tiếng kêu than van của Trà Vigia vang tận trời cao. Hỏi trời xanh ơi có thấu lòng ta!!???

  3. Trà Vigia sẽ còn viết nữa, đương nhiên là còn viết nhiều nữa. Ở xã hội này, lúc nào cũng có chuyện để viết. Những câu chuyện như thế này càng làm cho thế hệ trẻ Chăm hôm nay có thời gian suy ngẫm về những thay đổi của xã hội Chăm hôm nay!

  4. Trà Vigia không có gì ghê gớm lắm đâu! Các bạn cứ nói cho lắm vào. Anh cũng có tài văn, nhưng anh chưa làm nhiều việc gì lớn. Trả lại cho Trà đúng vị trí của Trà. Không thì Trà nổ thì mệt lắm các bạn trẻ à. Mong lắm thay.

  5. Hôm nay đọc chuyện thầy giáo Khoa chống tiêu cực trong ngành giáo dục, và liên tưởng đến câu chuyện Trà Vagia thấy na ná giống nhau. Cứ thấy buồn buồn thế nào. Ngày trước, cứ nghĩ nhân câu chuyện của thầy giáo Khoa, ngành giáo dục sẽ có những cải tổ lớn để chấn chỉnh việc tiêu cực trong thi cử hiện nay. Xã hội ủng hộ, báo chí lên tiếng, người đương thời vinh danh… Đến bây giờ câu chuyện thấy giáo Khoa cũng dần dần im hơi, lặng tiếng. Bao nhiêu ngày tháng tranh cãi sự cố CKT, cuối cùng Trà Vigia cũng đành biết gia nhập vào giáo phái “sống chết mặc bây”. Phải chăng trong thời đại này, chẳng có gì là ghê gớm cả, như vậy chúng ta có vô cảm với chính cuộc sống của chúng ta!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *