Inrasara: Âm nhạc Phạm Duy cùng mệnh nước nổi trôi

Thế kỉ XX, chắc chắn không nhạc sĩ nào của Việt Nam có tuổi sáng tác kéo dài như thế, sáng tạo nên khối lượng nhạc phẩm đồ sộ và phức tạp với nhiều thể loại đa dạng như thế, đã chịu nhiều thăng trầm như thế, từ đó đã gây nên nhiều nhận định trái chiều và đa chiều như thế.

Phạm Duy là người nhạc sĩ ấy.

Từ khi bước lên sân khấu hát một bài thơ do chính mình phổ nhạc: “Cô hái mơ” vào năm 1942 cho đến khi ông từ biệt trần gian nhiều buồn vui này vào lúc 14g30 ngày 27-1-2013 (Phạm Duy sinh ngày 5-10-1921), ông đã trải qua hơn 70 năm gắn bó với âm nhạc Việt Nam hiện đại. Như chính cuộc đời sôi động đầy thăng trầm của ông, âm nhạc Phạm Duy khóc cười cùng mệnh nước Việt Nam nổi trôi, nổi trôi đầy bi tráng suốt thế kỉ XX.

Để mưu sinh và để nuôi một gia đình đông con, Phạm Duy cũng làm ra các ca khúc than thở hợp thời trang đúng tâm trạng chán chường của thế hệ thanh niên đô thị miền Nam “hiện sinh” và lạc lõng; ông cũng từng đến các phòng trà, tụ điểm ca nhạc hát mua vui cho khách du hí; cũng không ít lần ông viết ca khúc theo đơn đặt hàng. Vân vân. Nghĩa là vẫn làm ăn sinh sống như một người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực của mình. Ngoài ra không gì khác.

 

Thế nhưng, tất cả chỉ là chuyện phụ, rất ngoài lề. Cái đồ sộ, phức đạp, đa dạng và lớn của Phạm Duy nằm ở sức sáng tạo dồi dào của ông. Là sự nghiệp của ông.

Phổ thơ, khó có ai bì nổi với ông. “Ngậm ngùi”, “Mùa thu chết”, “Còn chút gì để nhớ”, “Ngày xưa Hoàng thị”… chẳng những không phá thơ, mà đa phần ông đã chắp cánh cho lời thơ hãy còn vô danh bay khắp thôn cùng ngõ hẽm đất nước.

Song hành với chúng là hàng ngàn ca khúc: Tình ca , Du ca, Tâm ca, Đạo ca, Nhục tình ca… đủ cả.

Hết mình cho âm nhạc, hành trình âm nhạc Phạm Duy là cuộc hành trình của phiêu lưu khai phá, sáng tạo. Với Mười Bài Tâm Ca (1965), sau đó là Mười bài Đạo Ca (1972), “Phạm Duy là người mở đường cho hình thức những tập hợp nhiều ca khúc xoay quanh một chủ đề để làm những tập ca khúc đầu tiên tại Sài Gòn vào những năm 1960“.

Theo Phố Tịnh, người viết nhiều về âm nhạc Phạm Duy (“Hành trình âm nhạc Phạm Duy”), thể loại trường ca Việt Nam hiện đại (xin chỉ đề cập khu vực miền Nam), Lê Thương của Hòn Vọng phu hay Phạm Đình Chương của Hội Trùng dương chỉ là một tổ hợp các ca khúc. Chỉ khi Phạm Duy qua trường ca Con đường Cái quan ra đời năm 1960 và trường ca Mẹ Việt Nam xuất hiện 4 năm sau đó, thể loại đòi hỏi nhiều công sức và tài năng này mới có thành tựu. Ông “đã đẩy những ca khúc phát triển từ dân ca lên thành những tổ khúc nhiều chương đoạn kết với nhau thành một chỉnh thể những biến tấu theo quy tắc kí âm phương Tây nhưng vẫn đậm nét nhạc dân tộc”.

 

Thuở năm cuối Trung học Đệ nhất cấp (lớp 9 bây giờ), tham gia dự thi văn nghệ toàn tỉnh, để trình diễn trường ca Con đường Cái quan, chúng tôi phải huy động đến nửa lớp và phân nhiều tốp bè, rồi phải tập đi tập lại mất cả tháng, mới tạm ổn. Từ nốt nhạc đầu tiên Tôi đi từ Ải Nam Quan sau vài ngàn năm lẻ… cho đến câu hát cuối cùng Thuận vợ chồng ta cùng tát biển Đông, nhạc sĩ đã đưa người nghe đi suốt lịch sử dài dặc của dân tộc.

Để làm được việc đó, người nhạc sĩ tài hoa này phải là người am hiểu nhiều về âm nhạc Tây phương, và đương nhiên dân nhạc truyền thống Việt Nam. Cả dân nhạc của người dân tộc thiểu số. Thế hệ cha chú chúng tôi còn kể, một thời Phạm Duy đã từng nằm vùng dân tộc Chăm đến cả tháng, để tìm hiểu về âm nhạc Chăm. Âm nhạc mà theo ông có âm điệu buồn ở tự thân. Thế nhưng ở mảng này, ông đã sớm dừng lại. Dừng, không phải mất đi, mà là thu vào nhiều hơn, làm dày hơn kiến thức âm nhạc của mình.

 

Từng học nghề ở Trường Kĩ nghệ thực hành, học vẽ tại trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương, nhưng rồi chính âm nhạc đã cuốn hút ông “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”. Đang hát tình ca Văn Cao ở Hà Nội, đùng cái Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông có hàng loạt ca khúc cách mạng: “Xuất quân”, “Chiến sĩ vô danh”, “Thu chiến trường”… Lên chiến khu Việt Bắc, ông viết “Việt Bắc”, “Tiếng hát trên sông Lô”, “Bên cầu biên giới”… Vào Quảng Trị, ông có ngay “Bà mẹ Gio Linh”, “Về miền Trung”… phục vụ kịp thời cho kháng chiến. Rồi khi vào Sài Gòn, hoạt động âm nhạc của ông sôi động thế nào, miễn bàn. Cả khi một phần ba đời người ông lang bạt hải ngoại rồi về lại đất nước làm live show Ngày trở về, Pham Duy vẫn có sức hấp dẫn khó cưỡng.

Ông đã nhắm đôi mắt trần gian, “sắp về gặp Duy Quang” – như ông nói; và cả những bạn văn nghệ một thời chưa hề gặp lại: Văn Cao, Hoàng Cầm…

Dăm năm qua, từng đợt, từng đợt sáng tác của ông trở lại với khán thính giả Việt Nam. Khuôn mặt Pham Duy sẽ lộ ra, lớn dần dần, như mặt trời nhô lên khỏi đại dương vẫn còn nhiều sương mù. Ai có thể đón nhận mặt trời âm nhạc kia?

 

One thought on “Inrasara: Âm nhạc Phạm Duy cùng mệnh nước nổi trôi

  1. Mình đọc nhiều bài viết về Phạm Duy, nhưng bài Sara “thoáng” nhất. Và cũng “đã” nhất 😀

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *