Tư duy mở-16. HỌC, YÊU CÁI CHƯA BIẾT

  1. Đoạn đầu bài thơ “Khởi động của khởi động” (Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002):

Trong khởi đầu khó nhọc này

chỉ có vẫy gọi khác lạ

hơn cả vẫy gọi của loài hổ mang biển

hoặc loài ma trơi nhiệt đới

hoặc oan hồn nhà tu khổ hạnh bị chối từ

mới mong một lần đánh thức linh hồn hoang hóa chúng ta

Bạn văn HVT bình: “Tôi từng sống 20 năm ở Rạch Giá, là bạn của dân chài nhậu khô đẻn, uống rượu rắn biển nhưng chưa biết hổ mang biển là loài rắn nào mà lại biết vẫy gọi?”

Một tưởng tượng văn chương bị chính bạn văn chương phủi tay chối từ. Văn học Việt Nam khó tiếp nhận cái mới, cái khác lạ, là thế.

Cham hôm nay cũng hệt. Cứ quanh quẩn Poh Gak mà cãi nhau, hoang phí hết thời gian và tinh lực cho cái quen thuộc, mà quên đi thế giới xa lạ ngoài kia, những khoảng trống cần đến trí tưởng tượng vượt thoát, để khám phá, để sáng tạo.

  1. Trong khi khoa học cũng cần tưởng tượng, yêu cái không biết, mê cái xa lạ.

Các nhà khoa học và kẻ chinh phục châu Âu bắt đầu hành trình khai phá bằng thừa nhận sự ngu dốt, rằng: ‘Tôi không biết có những gì ở ngoài kia’. Không biết, họ làm cuộc phiêu lưu, để qua đó, họ thành tựu:

“Thế giới Viễn Đông và Hồi giáo cũng sinh ra những trí tuệ thông minh và ham hiểu biết không kém người châu Âu. Tuy nhiên, giữa những năm 1500 và 1950, họ đã không đưa ra được bất cứ thứ gì có thể so sánh với vật lí học của Newton và sinh vật học của Darwin” (Y.N. Harari, tr. 353)

Từ đó, họ chinh phục.

  1. Lĩnh vực chính trị xã hội cũng không khác.

Đóng là tụt hậu:

“Các Đế quốc vĩ đại của châu Á – Ottoman, Safavid, Moghal, và Trung Hoa – rất nhanh chóng hay tin rằng người châu Âu đã tìm ra thứ gì đó to lớn. Tuy nhiên, họ chẳng mấy quan tâm đến những khám phá này. Họ tiếp tục tin rằng thế giới chỉ quay quanh châu Á…” (tr. 370)

Đóng, còn đồng nghĩa với cái chết.

“Người Aztec đã tự cho rằng họ đã hiểu biết toàn thể thế giới, và rằng họ cai trị hầu hết thế giới đó” (tr. 365). Chủ quan và tự mãn, họ không biết những gì xảy ra ở ngoài kia, để rồi khi người Tây Ban Nha đến vào năm 1517, họ không biết đường phản ứng để cuối cùng, bị tiêu diệt.

Đế chế Inca 10 năm sau cũng bị tiêu diệt theo cách tương tự.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *