CHUYỆN KỂ VỀ MẢNH ĐẤT CHAM CUỐI CÙNG: MƯLI-BUMI. TRUYỀN THUYẾT LÀNG MALI

(Bút kí dân tộc học của ngài giáo sư Trần Hùng) – trích tiểu thuyết Chân Dung Cát, 2006.
DSC_7745 Photo Kiều Maily.
[Ở đây xin mở ngoặc nói thêm về tiểu thuyết đầu tay này.
Tôi khởi động viết Chân Dung Cát vào năm 1990, 33 tuổi, nghĩa là còn rất trẻ với một nhà tiểu thuyết. Sửa, xóa, vứt, làm lại suốt 15 năm, mới đưa cho nhà xuất bản Hội Nhà văn và Cty Phương Nam in năm 2006. Trẻ, nên có nhiều dự cảm táo bạo ở đó, và lạ – đến hôm nay xem lại: gần như các dự cảm ấy đều gần… đúng!
Hôm nay, nhân “Chuyện kể về mảnh đất Cham cuối cùng: MƯLI-BUMI”, truyền thuyết ấy cần góp mặt. Lần đầu tiên sau 12 năm xuất bản, nó được lên mặt báo. Nên hiểu Mali ở đây bao gồm cả BUMI.]
DSC_8014

*
“Mùa thu 1997, sau khi thất bại toàn diện với Hà Vân lẫn tôi ở Hội thảo khoa học lần hai về Chăm, và khi bị Chế Khan bỏ rơi năm sau đó, ngài giáo sư Trần Hùng đã có quyết định mới, gần như là cú gẫy: gác ý định xây dựng bộ văn minh, dành thời gian ra Mali. Có lẽ chuyển hướng quan trọng này được gợi hứng từ quen biết Chế Khan. Dù ngài giáo sư coi đó như nỗi quật khởi mới, nhưng tôi nghĩ nó chỉ là một phiêu lưu lãng mạn của nhà nghiên cứu đang buổi xế chiều. Tôi hiểu ngài, nên xem ngài là nghệ sĩ-trí thức hơn là nhà khoa học-nghệ sĩ, như ngài từng nghĩ mình thế và muốn thiên hạ coi mình là thế. Cũng như Chakleng – làng Chăm cổ được lập nên và đứng vững với thời gian, như thiên hạ nói, không dưới ngàn năm – Mali, làng cuối cùng nơi vùng đất cuối cùng của Champa được dựng lên để chờ đợi cuộc ra đi mới, nghĩa là trong nỗi tạm bợ bấp bênh của kiếp người, đã lôi cuốn ngài. Với Chakleng ngài coi như xong phận sự. Dù món nợ chưa hẳn được thanh lí, nhưng ngài quyết dứt áo, bỏ lại sau lưng bao kỉ niệm vui, buồn, ngọt ngào lẫn đắng chát có lẽ suốt phần đời còn lại không thôi hành hạ con tim ngài.
Khi tôi đang vào những trang cuối tiểu thuyết, tôi nhận được bức thư ngắn của ngài giáo sư:

“Quận 3, ngày… tháng…
J’Man!
Chiều nay, cậu ghé tôi đi!
Bản phác thảo Bút kí dân tộc học mới nhất của tôi.
Đảm bảo với cậu là rất lí thú.
Giáo sư Trần Hùng.”

Dù không hài lòng nhưng ngài luôn cần tôi, trong trường hợp chơi vơi như thế này.
– Một tinh thần khác, cậu tin tôi đi: tinh thần tạm bợ. Nó ngự trị và quy định tâm hồn và cuộc sống Chăm còn hơn cả tinh thần vĩnh cửu nữa.
Đó là câu nói cuối cùng của ngài giáo sư mà tôi nghe được. Nửa năm sau ngài mất, trong sự thanh thản đến kì lạ. Tôi chỉ nghe Hà Vân tin cho hay thế, bởi mùa thu năm đó tôi mải lang thang qua các làng người Thái tận Mai Châu, không về kịp với ngài.

Tôi đọc một mạch tư liệu, nghe rất lí thú và khá khoái ngài. Ở nguồn tư liệu quý hiếm thì ít, mà chính ở phơi mở gần như đầy đủ nhất tâm hồn ngài: một nghệ sĩ trí thức, nhiều hơn.”

*
Năm 1847
Mali chính thức được thành lập sau mấy cuộc thiên di ngắn. Đoàn dân di tản do Kuthan cầm đầu, sau khi tấn công kho thóc quan tổng Sanar thất bại, đã đi sâu vào rừng, lập ấp. Nỗi nhớ biển vẫn chưa nguôi. Họ kéo nhau xuống núi trở lại, dân số lúc này còn 45. May mắn có một đám dân di tản khác gồm 34 nhân khẩu từ Phanrí kéo tới sáp nhập lập làng tạm cách làng bây giờ khoảng 8 cây số chếch về hướng bắc. Chưa đầy hai năm sau, tin đồn kinh hoàng không biết từ đâu ra khiến chỉ qua đêm sáng mở mắt, cả làng trống không: họ lại lên núi. Để rồi 7 năm sau, khi không chịu đựng nổi dịch sốt rét lan tràn, họ quyết định xuống đồng. Làng Mali được thành lập, từ đó.

Năm 1862
Nạn dịch tả hoành hành dọc duyên hải Thuận Thành trấn, trong đó có Mali, cướp sạch lứa trẻ trong làng ra đời ba, bốn năm trở lại. Rồi đến cuối mùa, nó không quên lấy đi sinh mạng các cụ trên 70 trong đó có thủ lĩnh Kuthan lẫy lừng ngày nào. Cả làng hai lần chạy dịch lập chòi sống tạm trong rừng cách làng hơn cây số. Mãi 4 tháng sau mới lục tục dắt díu nhau về. Còn vài gia đình không chịu về, ở lại chăm sóc rẫy bắp, đậu. Ba cụm chòi tồn tại như thế đã hỗ trợ dân làng tích cực và hiệu quả trong lần chạy dịch 1882, 1898, 1903… và cả những năm sau này vào thời kì đầu đệ nhất Cộng hòa nữa, mãi đến chế độ Ngô Đình Diệm lập ấp chiến lược, các cụm chòi như thứ hậu phương chạy dịch của làng Mali mới chấm dứt sự có mặt của mình. Vĩnh viễn.

Năm 1880
Dân Mali đổ ra đầu làng háo hức lẫn sợ hãi xem tiểu đội lính Pháp đen lẫn trắng, mắt xanh mũi lõ với các thứ súng ống hành quân qua làng. Hai anh thanh niên có mặt lúc đó, sau này oang oang rằng chính ba thằng đen vừa đứng gác vừa nhai ngồm ngoàm miếng bánh mì chiều hôm ấy, hai tháng sau bị phục kích chết giẫy đành đạch trên đám ruộng gò góc rừng. Lời huênh hoang ngu ngốc bị trả giá: tuần sau hai anh bị bắt giải đi đánh đập cho đến chết. Đó là lần đầu tiên dân làng được khiêng lên giàn lửa không phải bởi giặc trời nên đau đến mấy chục năm sau vẫn chưa nguôi được.

Năm 1882
Nhà Yơ đầu tiên được dựng như là cái kiên cố đơn độc thách thức nỗi tạm bợ đoàn thể, lâu dài và sâu thẳm của Mali.

Năm 1889
Người phụ nữ Chăm nhan sắc tiên nữ chửa hoang tên Jaman (không hiểu sao nàng mang tên đàn ông) – Nguyễn Thị Loan đến từ Phan Rí xin nhập cư Mali và được dân làng chấp thuận. Đây là trường hợp nhập cư đầu tiên và duy nhất trong tình trạng trớ trêu như thế với lai lịch mơ hồ như vậy. Chị mang vào làng không gì cả ngoại trừ Ciet đầy sách cổ, một cái bụng chờ ngày sinh với thứ làn hương kì lạ toát ra từ thân thể nàng. Chính hương thơm này chị truyền lại cho đứa cháu gái là Mưgauk cũng sinh ra từ bà mẹ chửa hoang là Mưsa và sau đó là Mưhuê sinh vào mùa thu năm 1962 để cuối cùng biến mất khỏi làng năm 1993, năm dòng họ chuyên chửa hoang con một này vĩnh viễn mất dấu tích tại Mali.
Hathaw ở Chakleng thuộc hệ tộc này chăng?

Ciet sách trong đó có bản trường ca bỏ hoang không hiểu lí do gì đã lưu lạc tận Tuy Tịnh để cuối cùng chỉ mình nó làm cuộc trở về Mali vào năm 1960 bởi một người đàn ông sau này là cha Mưhuê, ông cha đi biệt vô âm tín khi đứa con gái lọt lòng đúng 3 tháng. Người nông dân Chăm chạy giặc cầm lấy rựa với dắt theo mấy con trâu tốt nhất, còn trí thức mang theo mình cây trượng cùng Ciet sách. Cứ thế họ chạy tìm mảnh đất an lành lập làng, phát rẫy và… đọc sách. Cả làng có mỗi Ariya Bini – Cam nàng đang giữ là sách gốc, còn lại chép từ kí ức các cụ già. Nhu cầu hướng nguồn trong Chăm rất mãnh liệt. Sách vở mất, khoa học không còn, họ tìm đến huyền sử: Biên niên sử Hoàng gia Chàm xuất hiện trên nền tảng đó. Cùng có mặt với nó là địa danh huyền sử được đem gán lên chiều dài vùng đất suốt lịch sử Champa: Bal Hanguw – thủ đô ở Quảng Nam, Bal Angwei ở Bình Định, Bal Huh Bal Lai – Phú Yên, Bal Canar – Bình Thuận, còn Harơk Kah Harơk Dhei ở tận Quảng Bình nơi cực bắc Vương quốc. Họ được dạy từ tấm bé bởi huyền sử đó (cùng truyện cổ, truyền thuyết và huyền thoại khác…). Đã hai trăm năm đi qua, họ tin thế. Chúng nuôi sống tâm linh, an ủi tâm hồn họ, là chỗ dựa không thể lấy đi được của cuộc sống tinh thần họ.
Nên khi nhà chuyên gia vĩ đại Yang Angin phát kiến rồi tuyên bố rằng Harơk Kah Dhei không đâu xa mà chỉ là một địa danh ở Phú Yên, Bal Angwei là tên khu vực nhỏ bé thuộc vùng đất Panduranga. Tệ hại hơn Bal Batthinưng mà Chăm nghĩ là thủ đô lớn lắm chỉ là tên làng Việt Từ Tâm thuộc xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận của hôm nay! Thì Cao Xuân Hoang ba lần giập đầu xuống đất than trời sập rồi, lớp hậu sinh mất gốc phủi tay chối bỏ tinh thần cha ông rồi. Anh thề sẽ tìm đến tận kẻ phát minh học thuyết này một lần trong đời để thảo luận cho ra nhẽ.
Giai thoại hay huyền sử quan trọng hơn lịch sử là thế. Nó chính là “dòng suối tiềm ẩn bên trong” mang đầy ý nghĩa sử tính mà “chối đi con người cảm thấy thiếu cái gì và dân tộc sẽ thiếu mối dây ràng buộc thiêng liêng rồi đi tới chỗ băng hoại”. Nói như thế không phải chúng ta từ chối truy tìm mang tính lịch sử-sự kiện mà chỉ chối bỏ “óc duy sử chỉ chấp nhận hiện tượng bên ngoài” mà không nhìn nhận những gì tồn tại ngoài nó.

Năm 1932
Ba thanh niên làng không biết nghe tin đồn từ đâu rằng đất Bal Riya ở Panduranga vẫn còn Chăm sinh sống, đã làm cuộc tìm về. Bal Riya luôn được nhắc đến bởi người Mali như một miền đất thánh xa xăm, mơ hồ. Cuộc đi tưởng vô thưởng vô phạt lại trở thành biến cố trọng đại bẻ ngoặt (dẫu trong thời gian ngắn) suy nghĩ của dân Mali. Khi sau đó bốn năm, không phải ba mà đến bảy gia đình lên đường tìm về cố quận, vượt qua hơn 200 cây số đường rừng trên hai chiếc xe trâu lỉnh kỉnh nồi niêu gà vịt trong bảy ngày đêm liên tục.
Cuống rốn đã được nối, Mali hết cảm thấy cô đôc tha hương ngay chính đất tổ của mình. Ý tưởng định cư được thắp sáng trong vài tâm hồn đã quá mệt mỏi vì chờ đợi và chờ đợi vô vọng.

Tại sao ở đây không có dẫu chỉ một căn nhà kiên cố như loại sang Mưyuw của Phanrang? Dù họ không thiếu trâu kéo còn rừng thì thừa gỗ? Vì làng chỉ là tạm bợ chăng? Nhưng sao họ không xẻ gỗ đóng thuyền để đi? Đi đâu? Ai sẽ dung chứa họ? Hơn nữa kỹ thuật đóng tàu đã thất truyền như đột ngột bay hơi. Mali không còn nghệ nhân đánh Ginang, thổi Xaranai, không có đoàn vũ nữ, riêng lễ nghi được thực hiện vô cùng đơn giản và vội vàng như làm cho có, không rình rang rườm rà như Phanrang. Tại sao? Họ chờ đợi, chờ đợi cái gì đó họ không hiểu được trong chung tâm trạng, lo âu và kham nhẫn.
Sự cố ba thanh niên phiêu lưu về miền đất thánh có làm họ bàng hoàng và chuyển đổi chút đỉnh, nhưng đâu lại vào đấy. 60 năm sau, tinh thần tạm bợ vẫn là tinh thần chủ đạo của Mali và của cộng đồng Chăm.

Năm 1947
Mùa đông, Jaman Nguyễn Thị Loan mất, thọ đúng 100 tuổi. Chính người phụ nữ Kinh cựu này suốt gần 60 năm có mặt ở Mali không một lần rời bỏ làng dù dịch tả, đậu mùa, hạn hán. Yêu đất, yêu làng, chịu đựng và giúp đỡ con người ở lại, những đứa con ra đi và trở lại để sống và tiếp tục chịu đựng đau khổ, mất mát hầu như bất tận. Người đàn bà duy nhất của Mali không làm ruộng rẫy, suốt ngày đan khăn, ba tháng một lần có người từ Phan Thiết xuống đổi lấy gói áo quần đem phân phát cho dân làng không chừa một ai già trẻ lớn bé. Đồn rằng mẹ bà lấy ông quan lớn trên hụyện không muốn thấy mặt bà thay vào đó bà được chu cấp tiền nong tiêu pha suốt đời. Nhưng khi ông Huyện với bà mẹ mất thì ai đã chu cấp cho bà? Có phải kẻ làm cho bà mang thai rồi đi biệt? Ông ta là ai thì dân làng không bao giờ thấy mặt mũi dù bà chưa nửa bước ra khỏi làng gần như tách biệt với thế giới bên ngoài này. Dẫu sao bà cũng sống tròn thế kỉ, sau hai năm được nhìn ngôi nhà ngói đầu tiên dựng lên như cột mốc tiếp theo đánh dấu sự tồn tại của làng, chống lại cái bấp bênh của định mệnh con người và mặt đất.

Năm 1957
Đinh Dậu, năm bồ câu mổ trứng. Sau hai năm đại hạn hán, hai phần dân làng đi tha phương trở về chỉ còn đúng 150 nhân khẩu trong đó hầu như không nóc nhà nào trong 60 nóc còn đủ đầy thành viên cũ. Để rồi hai năm sau, dịch đậu mùa dắt đi sạch sành sanh lứa trẻ sinh cùng năm ấy. Bù lại dân Mali đã mở mắt nhìn ra ngoài, hiểu rằng vẫn còn nhiều palei Chăm có mặt trên đất nước Việt Nam chứ không chỉ mình Mali với vài làng tương cận cứ mãi bị đe dọa bởi giặc trời toan quét sạch nòi giống Chăm ra khỏi trần gian.

Năm 1960
Vài con kên kên đầu tiên lại xuất hiện trên bầu trời Mali báo hiệu trận đại dịch trâu mới. Nhớ đến đại dịch những năm trước, dân làng hoảng hốt nhìn đàn trâu đang nhơi cỏ vô tư trong chuồng mà lắc đầu ngán ngẩm. Nhiều gia đình bày nhau đuổi trâu sang làng khác trốn dịch. Nhưng không kịp nữa rồi. Trước tiên vài chú quạ đen bay tới, rồi đến lũ kên kên, trăm con, ngàn con như đám mây tối ám làm mù trời. Chúng không có vẻ gì ngán con người cả. Song có chúng cũng hay, bằng không thì mùi hôi thối mấy trăm con trâu làng chết sình ai mà chịu thấu. Dân làng chỉ được cái da, đống dây da đám trâu chết dịch năm ấy để lại dùng 20 năm sau chưa hết.

Năm 1962
Không biết từ đâu chạy tới ba xe nhà binh chở cả tiểu đội lính chất đầy cuộn dây thép gai đổ xuống quanh làng. Rồi sau nửa tháng tập huấn lính làng bắt dân đào hào vót chông tưởng làm cái gì té ra rào nhốt chính mình lại. 6 giờ chiều kiểng đánh là bất kì ai làm ăn ở đâu xa cũng phải về đóng cổng để đúng 6 giờ sáng hôm sau dân làng chờ chực cổng mở mới đi làm trở lại. Ấp trưởng bảo đấy là ấp chiến lược chống Việt cộng. Chống cộng đâu không hiểu, chỉ thấy hai năm sau khi ấp chiến lược bị giở đi thay bằng ấp tân sinh, cây chông tre năm cũ sót lại đâm bị thương mấy đứa trẻ nghịch ngợm và làm chết anh thanh niên vật tay khỏe nhất làng.
Chiến tranh không tha thứ bất kì ai bất kì ở đâu bất kì sống thế nào.

Năm 1967
Trong lúc đám trẻ con, thanh niên vừa chạy núp dưới mái lá lụp xụp vừa dỏng tai nghe tin tức từ cha mẹ chú bác thì người lớn không chừa một ai vội vã buộc khăn vào thắt lưng ùa ra sân khấn vái thần hỡi thần hai ông Yang đen giữa ban mặt ban ngày bay ngang vùng trời Mali nhả sáu vệt khói trắng to dài đằng sau đuôi, cho đến khi khói kia tan hết họ mới hoàn hồn biết rằng mình vừa thoát nạn. Sự việc lặp đi lặp lại suốt gần cả năm, dù mức độ sợ hãi có giảm đi nhưng niềm kính tín vẫn không đổi, cho đến khi một con dân Mali đi lính xa trở về nói cho biết đó chỉ là máy bay B52 tối tân nhất của Mỹ thì mọi người mới ngó nhau kêu lên: thần thật! Đã không ai nghĩ mình mắc lỡm cả. Nó tựa vụ lứa trẻ chăn trâu Mali trong những năm 50 tranh nhau chạy đón đầu để được trầm trồ xe đạp ông quan Tây mỗi tháng đạp từ đồn xuống làng thị sát.
Có thể dùng hình ảnh để ví rằng Mali giống tập thể bị mắc kẹt ở một góc khuất thế giới mà nhân loại trong cuộc hành trình tiến bộ đã bỏ rơi đến 200 năm của thời gian. Không ai nghĩ nó có mặt. Nó cũng chẳng biết nhân loại gồm những ai, đã đi tới đâu. Hai sự vụ trên chỉ là hai cơn mơ ú ớ trong giấc ngủ dài mê mệt. Ai trách nhiệm, hôm nay?

Năm 1969
Khi tôi hỏi đến người học cao nhất làng ngày xưa thì ông trưởng thôn vội nói lảng sang chuyện khác. Tôi vặn hỏi lần nữa, ông bảo dân Mali muốn quên chuyện đau lòng đó từ lâu rồi. Ngày cậu học sinh đầu tiên ra Phanrang học lớp Đệ Thất tại trường trung học nội trú Pô-Klong lại nhằm vào ngày con dân Mali đầu tiên chết trận trở về trên chiếc xe GMC của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Anh bỏ làng đi lúc mười bảy tuổi, khi cha mẹ cản không cho lấy người yêu cùng họ để năm năm sau trở về trong cái hòm phủ cờ quốc gia là chuyện tối kị. Tay trung sĩ đưa thẻ căn cước ra trong lúc hai binh nhì khác mở nắp hòm cho ấp trưởng nhận mặt, cái mặt đã mất đi nguyên phần sau ót lại sình trương lên khiến ông chú ruột cũng phải lắc đầu. Đến khi bà mẹ chạy tới liếc nhìn ngón tay con, vội òa lên khóc thì bà con mới tin đúng thật thằng Jaklai thẹo. Bên kia thi thể là cô vợ Kinh vật vã khóc. Chỉ có hai người phụ nữ xa lạ nhau khóc than cho một thân xác đã hoàn toàn xa lạ với dân làng Mali đau hơn cái đau do cái chết của hai thanh niên ngày xưa mang lại. Bởi Jaklai tự đi tìm cái chết. Thêm cái cô vợ trẻ vừa xong thủ tục lĩnh tiền tử vội vã ôm con ra đi không một lần quay lại thăm bà mẹ chồng côi cút tuổi già. Đứa con mang dòng máu Mali này hiện trôi giạt nơi đâu? Bà mẹ có lần nào nói cho nó biết nguyên quán, nguồn cội?

Năm 1975
Giải phóng.
Mali cũng có biết giải phóng. Qua vài cái máy phát thanh, họ nghe tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, tổng thống mới tuyên bố đầu hàng. Vài đứa con học trường huyện trở về làng không muốn đi đâu nữa (hiện tượng cho con em đi học ở Mali manh nha vài năm đã bị đứt mạch đến hơn 5 năm sau mới được nối lại). Vài đứa con đi lính xa không thấy trở về. Giải phóng, với họ chỉ có thế. Chuyện đáng kể nhất là năm sau, dân thành phố không hiểu ma quỷ nào xui khiến đổ về Mali thuê dân làng cất giấu xăng dầu, chỉ lối ra biển nơi có những chiếc tàu đang chờ trong tối… vân vân. Vượt biên!
Nhưng không phải họ, cũng không phải như cha ông họ mấy đời nay đã chờ chiếc tàu. Mà là người khác. Họ chỉ biết vậy, chấm hết. Cuộc sống ngày mai lại tiếp tục. Đau khổ và kham nhẫn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *