Inrasara: HÀNH HƯƠNG CABBUR MƯLI-BUMI LÀNG CHĂM NƠI TẬN CÙNG MIỀN TRUNG

Ghi chép
[Chuyện kể về mảnh đất cham cuối cùng: MƯLI & BUMI: Chuyện 1]
DSC_7827
Khác Ninh Thuận với hơn 30 làng người Chăm sống tập trung ở hai huyện Ninh Phước, Ninh Hải, sau đó là Thuận Nam; ở Bình Thuận ngược lại – nhất là càng xuôi miệt nam, lác đác kì lạ. Trên quốc lộ 55 từ thị xã La Gi đi vào Vũng Tàu là làng Bumi [tiếng Việt phiên âm: Phò Trì) thuộc xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân. Làng Phò Trì cách La Gi 17 cây số, và nằm ngay hai bên lộ. Từ thị xã La Gi đi xe khoảng 20 cây số ra hướng thành phố Phan Thiết là làng Mưli Hiệp Nghĩa thuộc xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam. Vào nam xa hơn nữa hướng lên Bảo Lộc là làng Pacham thuộc thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh.
Xa bà con Chăm Phan Rang đã đành, với huyện Bắc Bình là nơi người Chăm ở tỉnh Bình Thuận tập trung đông hơn cả, cả ba làng này cũng nghe xa xôi. Rồi ngay họ với nhau thôi cũng đã xa, ở đó palei Pacham xa nhất: 100 cây số cách Phan Thiết. Xa, dân số lại ít (Pacham: khoảng 300 hộ với gần 2.000 khẩu; Bumi: 365 hộ Chăm với 1.800 khẩu; còn Mưli: chỉ bằng 2/3 Bumi), thêm đời sống khó khăn kéo theo sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng khó khăn bội phần. Từ sự ít giao lưu dẫn đến bao nỗi khác biệt, đặc trưng mang tính vùng miền.

Nghe Phò Trì tổ chức lễ Chabbur vào mồng 10 Âm lịch, “nhất định phải là ngày này, dù Panrang hay Parik thế nào chăng nữa” – như một vị chức sắc tôn giáo ở đây cho biết, tôi háo hức đi xe đò ra. Cảnh quang thay đổi nhanh như giấc mộng, khác hẳn những gì tôi có thể tưởng tượng được. Tưởng tượng sau ba thập niên tôi được quay trở lại miền đất đồng tộc ở nơi tận cùng miền Trung đất nước.
Năm 1983, tôi cùng hai đồng nghiệp ở Ban Biên soạn sách Chữ Chăm đi xe than vào Phò Trì để nghiên cứu tổ chức lớp tiếng Chăm, khi ấy Bumi như lọt thỏm giữa miền đất hoang với bên là biển cùng rừng nguyên sơ, bên là cánh đồng trắng nắng sau mùa gặt khô hạn. Đường đất với lối mòn, thỉnh thoảng có vài ngôi nhà ngói nhô lên giữa mái nhà lợp lá buông (Chăm gọi là hala hlum) lác đác. Hôm nay, dù vẫn còn tồn tại vài mươi “lán trại” của thởi chưa xa, còn lại hầu như đã “ngói hóa”. Đời sống bà con đa phần vẫn cơ khổ, khác điều, màu áo tươi hơn, nụ cười thắm hơn, nhất là lúc gặp mùa người Chăm vào lễ hội.
Mà ở Phò Trì, ngoài lễ Rija Nưgar bà con ở đây gọi là Ngap Palau (Lễ Đưa Tiễn), lễ Chabbur được xem là lớn nhất. Đó là điều lạ, lạ nữa là dù bà con Chăm Bumi đạo Bà-ni, nhưng hoàn toàn vắng bóng lễ Ramưwan – từ hồi nào không còn ai nhớ.
– Chúng tôi không lệ thuộc vào lịch Chăm, cả Chăm Ahier lẫn Chăm Awal. – Ông Acar Đào Ngọc Sơn cho biết, – Ramưwan các nơi thì mỗi năm mỗi thay đổi ngày tháng, chứ Chabbur ở đây thì không.
Người Chăm có câu tục ngữ:
Kate di bingun, Cabbur di klơm
Katê vào thường tuần, Cabbur vào hạ tuần.
Đầu tháng Bảy Chăm lịch là Katê, là lễ thờ phụng các vị thần thuộc nam; còn đầu hạ tuần tháng Chín là Chabbur thì ngược lại: các vị thần thuộc nữ. Với Chăm Bà-la-môn và phần lớn cộng đồng Chăm khác, Katê được xem là lễ lớn nhất; còn bà con Chăm Bà-ni là: Ramưwan. Khi tôi hỏi tại sao không hành lễ Ramưwan, ông Chamưnei (ông Từ giữ “tháp”) cho rằng ngày xưa làng có Sang Mưgik, cũng có Po Gru, Po Imưm nhưng sau đó các vị mất không ai nối nghiệp, riêng Sang Mưgik thì không có điều kiện dựng lại, thế nên đến mùa Ramưwan, dân làng phải qua Pajai (Ma Lâm) thỉnh các vị chức sắc ở đó về hành lễ, sau đó gia đình nào có điều kiện thi qua Sang Mưgik ở đó dâng lễ cầu nguyện.
Còn tại sao Chabbur là lớn nhất mà không phải Katê, thì dường chưa có lời giải thích thỏa đáng.
– Từ xa xưa ông bà truyền lại như vậy.
Trăm năm trước, làng Phò Trì cũng có một vài hộ gia đình Chăm Bà-la-môn, sau đó họ chuyển di về đâu không còn ai nhớ. Còn lại hiện nay bà con Chăm Phò Trì theo tôn giáo Bà-ni. Dù vẫn biết Ramưwan và Katê, tuy thế Chabbur mới là lễ hội chính ở đây. Lễ kéo dài đến mươi ngày, với tên gọi là Lễ hội Kỳ Yên, nói nôm na là lễ cầu an. Ý nghĩa thì không khác mấy so với lễ Chabbur ở các cộng đồng Chăm khác, khác chăng – và khác xa với nhiều nơi – chính là cách thức hành lễ.
Tối mồng 9 tháng Chạp (nhằm ngày 26-1-2018), các vị đi “nằm rừng” cạnh biển để tẩy uế mọi xấu xa, nhơ nhớp của năm cũ. Sáng hôm sau, Ông Bbac dẫn đoàn người đi vào Bimong Po Klaung Biluw (dịch: Tháp Pô Klong Râu). Kêu là bimông (“tháp”), nhưng nó có cấu trúc giống ngôi nhà chỉ che một mặt, còn lại ba phía để trống, chứ không như tháp kiến trúc cổ của các tháp Chàm. Trung tâm “tháp” được nâng nền cao hơn để đặt lễ vật.
Vẫn có cặp trống Ginang, kèn Xaranai hòa theo tiếng hát của ông thầy Mưdwơn vừa hát các bài tụng ca (damnưy) vừa vỗ trống Baranưng. Câu đầu tiên thường là:
Klaung khwai likuw da-a
Hơc ong Dhag yơc Ong mai… likuw mưrai
Con quỳ gối xin mời
Hỡi Ông Thật ơi Ông về… cầu xin Ông đi về
Hay:
Siam nai lo siam lo klaung ni nai anưk dunya
Klaung anưk dunya klaung khwai da-a Kanai
Phước lành lắm Cô con đây con trần gian
Con người trần xin quỳ lạy khấn mời Cô
Có đến 18 Po, Cei và Nai (Ngài, Câu và Cô) cả thảy được thỉnh mời về hưởng lễ vật và nghe lời cầu khấn của người dân. Có thể kể: Trước hết là Po Inư Nưgar (Bà Chúa Xứ), rồi đến Po Klaung, Po Klaung Biluw, Po Halim Cơk, Po Dhag, Po Tang, Po Gihluw, Po Thar, Po Ong, Po War Palei đến Cei Riyak, Cei Dalim, Cei Kraung, Cei Takhauk, Cei Mưh Bingu, Cei Rah Nưgar…
Nhưng có thể nói nhân vật trung tâm lại là nữ: Muk Pajuw (Bà Bóng). Mọi nhịp trống, lễ vật dâng, bài tụng ca hay phiên quỳ khấn đều theo điệu múa qua các lần thay áo của Bà. Từ áo đỏ tương trưng cho tục thờ cúng tiền tôn giao, sang áo trắng thuộc Chăm Bà-la-môn đến áo trắng có kadung rabai (túi của thầy Acar) tượng trưng cho Chăm Awal. Nên có thể nói Chabbur ở Phò Trì là tổng hòa ba tôn giáo Chăm hiện đang có mặt tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Ở đó lễ này còn nói lên dấu hiệu của mất mát và chuyển đổi vai trò. Chăm có câu tục ngữ:
Mưtai Kadhar dauk Pajuw
Mất Ông Kadhar [hát và kéo đàn Kanhi] còn Bà Pajau [múa]
Nghĩa là khi làng chẳng may không còn Ông Kadhar, Bà Bóng vẫn có thể thay thể ông đảm nhiệm việc hành lễ và điều hành cuộc lễ. Do đó có thể nói, Chabbur Phò Trì còn thuần và bản nguyên hơn nhiều nơi khác. Không khó hiểu, cộng đồng càng đi xa – để tự bảo vệ, họ càng chịu giữ bản sắc hơn. Trong tín ngưỡng Chăm, cấp Kadhar-Pajuw được cho là đại diện cho hệ phái tiền tôn giáo dân tộc. Ngay cả cách thức quyên góp để tổ chức lễ ở đây cũng rất bình đẳng. Như năm nay, mỗi gia đình góp 5 kí nếp, 5 kí gạo, một trái dừa khô, nửa kí đường; thanh niêm thì mỗi người 150 ngàn đồng; bà giá trăm ngàn; ngoài ra mỗi gia đình tùy lời “hứa” với Thần (bbon Yang) mà đội mâm lễ riêng lên “tháp” dâng.
DSC_7951
Trong khi lễ Chabbur ở Ninh Thuận bị chìm khuất sau cái bóng to lớn và ngày càng được/ bị lễ hội hóa theo văn hóa du lịch của Lễ hội Katê, lễ Chabbur ở Phò Trì vẫn còn khá nguyên bản. Sau 4 ngày đêm các vị chức sắc cùng những người có vai vế trong làng ngủ chay tịnh (đih kayơm) tại Bimong Po Klaung Biluw, chủ lễ dẫn bà con đi qua Bimong Po Dhag hành lễ Chọi Gà (Mưtrơm Mưnuk).
Đến Phò Trì không thể bỏ qua sự bất trắc phận người qua mỏng manh và bất trắc phận “tháp” Chăm. Phò Trì có 4 “tháp” cả thảy: Bimong Po Klaung Biluw, Bimong Po Dhag, Bimong Po Nai và Bimong Po Bhum. Bimong Po Nai ở Đảo Hòn Bà cách thị xã La Gi khoảng 2 cây số; ở đó có giếng nước ngọt, có tượng Bà mọc tự nhiên từ lòng núi, và tuyệt đẹp. Trước đây mỗi năm bà con đi ghe ra đảo hành lễ, cực nhưng linh thánh. Thế rồi Bà cũng bị kẻ cắp cắt mất đầu đánh cắp xâu chuỗi bằng vàng, bấp bênh chẳng biết đâu mà lần. Đến năm 2015, thêm vấn đề an ninh biển nẩy sinh, chính quyền địa phương cho dời Bà vào nằm chung khuôn viên Bimong Po Klaung Biluw. “Bimông” được làm lễ khánh thành tháng 9-2017, nghĩa là nó rất trẻ so với Bimong Po Klaung Biluw đã có mặt non ba thế kỉ. “Tháp” có mặt ở dạng đầu tiên bằng nhà lá đơn sơ, đơn sơ đến sơ sài, nên phải cất đi cất lại nhiều lần. Tuy thế, sau bao biến thiên của sự thế và lòng người, nó vẫn cứ thế mà tồn tại, để đến năm 1998 “bimông” mới lên đời thành ngôi nhà tạm gọi là được bằng mái tôn xi măng, để rồi sau hai thập niên nó đang xuống cấp nhanh và nặng.
Thứ đến là Bimong Po Bhum nằm chếch về phía biển, còn Bimong Po Dhag nằm ngay quốc lộ 55. Chính tại đây, bà con Phò Trì hành lễ Chọi Gà. Đại diện cho Miền Núi (Cơk) và Miền Biển (Tathik) mỗi bên có 3 lính chiến vào cuộc đấu trước sự chứng kiến của bà con và khách phương xa. Chúng nhập cuộc hết mình trong sự cổ vũ vui nhộn của đông đảo quần chúng. Bên nào thắng theo tỉ lệ 2/3 thì người dân tập trung hành nghề bên đó, bởi họ tin công việc làm ăn khấm khá hơn trong năm tới. Bà con cho biết, ba năm qua chú Gà đại diện miền Núi luôn thắng thế.
Khi đã được Thần Yang báo cho biết trước qua lễ Chọi Gà hướng làm ăn buôn bán trong 365 ngày sắp tới, Lễ Chabbur dần đi vào buổi lễ cuối cùng là lễ cúng Làng. Bởi Phò Trì mãi đến hôm nay vẫn chưa có “nhà làng” nên tạm thời tư gia Ong Bbac được dùng để làm địa điểm tổ chức. Tại đây dân làng sau khi nghe báo cáo tổng kết công việc của năm cũ, sẽ tiến hành bầu Ban chấp hành phong tục mới, hoặc lưu lại có bổ sung thành viên mới, tùy sự biến ở năm ngoái.

Hành hương Bumi chưa tới ba ngày mà chúng tôi nhận được bao nhiêu bài học thú vị. Từ việc “góp nhặt cát đá” những mảnh vụn lịch sử còn rơi rớt cho đến lối diễn ngôn bao yếu tố mang tính dân tộc học, từ hiểu biết đời sống kinh tế cho đến sự chuyển động tinh thần của bà con Bumi Phò Trì. Với chúng tôi là những đứa con Cham Panrang, nó lạ mà quen, khác biệt mà vẫn nhất thống ở tinh thần văn hóa chung.
Sáng sớm lên xe vào Sài Gòn, bà con đưa tiễn chúng tôi cũng bằng sự lưu luyến khác lạ. Lạ mà quen, và luôn tràn sức sống và đầy tình yêu thương.

Bumi, 30-1-2018

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *