TINH THẦN PHIÊU LƯU CHAM

TINH THẦN PHIÊU LƯU CHAM 1. Phần mở-a

Phiêu lưu, để khai phá cái Mới lạ, để đạt điều Lớn hơn, đồng thời phiêu lưu như là Trò chơi. 3 yếu tố đó gộp lại: Phiêu lưu đồng nghĩa với Sáng tạo.

Trả lời báo Thể thao & Văn hóa cuối tuần do Văn Bảy thực hiện (23-5-2014):
– Văn hóa biển và hải sử có một khoảng trống quá rộng với người Việt, đã đến lúc cần thay đổi tâm thế và tâm thức này. Anh thử cắt nghĩa vì sao người Việt lại có tâm lý sợ, hay lơ là biển đến như vậy?
Inrasara: Lơ là thì không khó nhận ra. Người Việt quen nhìn bề mặt và không hướng bề sâu, bề sau. Bề mặt núi ta thấy núi có củi, có gỗ, có trái cây, có muông thú, vân vân; còn bề mặt biển thì chỉ có mênh mông… sóng. Còn bề sâu, ở tầng cạn hay thậm chí lộ thiên, trước mắt ta bao nhiêu là mỏ, cứ cúi xuống nhặt hay cần vài nhát cuốc đào là dùng ngay được; ngược lại dưới đáy biển thì mù mịt!
Còn sợ, có mấy yếu tố khiến người Việt sợ biển. Văn minh lúa nước gia cố tâm thế làng xã, quanh đi quẩn lại bà con láng diềng tối lửa tắt đèn có nhau; cho nên tinh thần phiêu lưu ở người Việt rất yếu. Cùng lắm, đi khơi về lộng là đã ghê lắm rồi. Mà khơi chỉ là 7km, lộng 3km; nghĩa là người Việt vẫn mang tâm lí hợp quần.
Còn tinh thần phiêu lưu cần đến cá nhân có cá tính mạnh, ham làm giàu hay thậm chí chỉ cần đi để thỏa mãn sự hiểu biết. Nghĩa là ở đó, cá nhân thường trực đối mặt với cô đơn và cái chết.
Cạnh đó, viễn dương thì không thể không tính đến yếu tố khoa học kĩ thuật, như kĩ thuật đóng tàu lớn có sức chịu đựng đường dài và dài hạn. Rồi trong các hành trình xuyên đại dương kia, hàng loạt vấn đề đặt ra cần giải quyết, đó là: thiên văn học, y học, ngôn ngữ… Theo tôi, trong quá khứ, cụ thể hơn – đầu thế kỉ XIX trở về trước, người Việt không tỏ ra có ưu thế về khoa học kĩ thuật; còn học hỏi, tổ tiên người Việt chỉ biết đi bộ qua Trung Quốc tiếp nhận văn hóa họ, và chỉ giỏi mỗi… tiếng Hán!

Cham thì khác: phiêu lưu. Về “Tinh thần Phiêu lưu Cham”, tôi đã bàn qua một lần, và đã tổng hợp in trong Minh Triết Cham (2014). Bà con & các bạn có thể đọc ở các chương sau:
II. Tinh thần phiêu lưu
1. Tư duy biển lớn
2. Trời biển ơi!
3. Thuyền Pô 37 sải…
Câu chuyện thầy Cham làm lễ hạ thuyền cho ngư dân Việt
4. Cham xưa buôn bán
5. Cham nay buôn bán
III. Tinh thần sáng tạo & phái sinh: Tinh thần tùy tiện
1. Haumkar [Cham làm mới hoặc làm khác, chứ ít khi để nguyên – khi mượn]
2. Akhar thrah [Tinh thần Shiva: phá hủy là sáng tạo]
3. Ngôn ngữ
4. Tháp Chàm & sự phong phú của phong cách
5. Xakawi Lịch Cham
V. Tinh thần lễ hội: chơi
1. Lễ và múa
2. Lễ và huyền sử

TINH THẦN PHIÊU LƯU CHAM 2. Phần mở-b

1. Phiêu lưu, ông bà Cham đã đạt được những gì?
Thứ nhất, có nền Hải sử sớm và sâu, cạnh đó là Văn hóa Biển, một bổ khuyết quan trọng vào lịch sử và văn hóa đa dân tộc Việt Nam.
Thứ hai rõ nhất, là tháp Chàm với 7 phong cách lớn – niềm hãnh diện cho cả Việt Nam.
Thứ ba, ở tầng ẩn và khó nhận biết cái thâm sâu của nó: Tôn giáo Ahiêr-Awal, là độc nhất vô nhị của loài người. Cùng nhiều thành tố khác ăn theo nó…
Mươi năm trước, tôi có viết:
ÔNG BÀ TA ĐÃ CÓ ĐÓNG GÓP ĐÁNG KỂ CHO NHÂN LOẠI
CHÚNG TA HÃNH DIỆN VỀ NÓ
CÒN HÔM NAY, TA CẦN CÓ ĐÓNG GÓP PHẦN MÌNH.

2. Từ điểm nhìn đó, điều tôi đặt trọng tâm,
Không phải nghiên cứu [dù tôi từng thành tựu về nghiên cứu], bởi nghiên cứu [thuần túy] không gì hơn lối sống co mình lại như loài tôm;
Cũng không phải cải biến: Chỉ là cách ăn mòn vào củ khoai quá khứ;
Mà là PHIÊU LƯU SÁNG TẠO.

3 điểm quan yếu chiếm suy nghĩ và việc làm của tôi:
– TIẾNG NÓI, chứ không phải chữ viết.
– Đi tìm sinh lộ cho Ahiêr-Awal, không phải để nghiên cứu viết sách, mà là đi vào thực tế cuộc sống. Đây chính là NỀN TẢNG của xã hội Cham hôm qua và hôm nay.
– Cuối cùng là SÁNG TẠO, mọi lĩnh vực mọi khía cạnh, cho ngày mai.

Về văn hóa dân tộc, Cham nghiên cứu nhiều [dù cần], trong khi sáng tạo quá ít.
Sáng tạo, chúng ta làm thơ nhiều [dù hay], văn xuôi và khác thì quá ít.
Do đó, tinh thần Phiêu lưu Sáng tạo từ nay sẽ được tôi thể hiện qua tiểu thuyết, ghi chép và tiểu luận.

TINH THẦN PHIÊU LƯU CHAM 3. Phần mở-c
[hai đoạn trích chuẩn bị tư thế]

1. “Những dự án mang tham vọng quá trớn có thể bị chối từ trong nhiều lĩnh vực nhưng không thể bị chối từ trong lĩnh vực văn chương. Văn chương chỉ còn sức sống nếu chúng ta tự đặt ra cho chính mình những mục tiêu bất khả lượng đạt, vượt quá tất cả những hi vọng về sự thành tựu. Chỉ chừng nào các nhà thơ và nhà văn tự đề ra cho chính mình những công tác không có bất cứ ai dám tưởng tượng đến, thì văn chương mới đạt được tác dụng của nó…” (Italo Calvino, “Tính cách bội trương trong văn chương tương lai”, trong Six Memos for the Next Millennium, bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn).

2. Kyosera, chủ tịch hãng đồ sứ lớn nhất của Nhật: người Nhật đã sử dụng những tiến bộ kỹ thuật của thế giới cho sự phát triển của nước Nhật, và đã đến lúc nước Nhật phải trả lại cho thế giới những gì mà nước Nhật đã lấy.
… với tư cách là một nhà khoa học, người ta phải biết vượt qua các giới hạn. Người Nhật khiêm tốn nhưng họ đi hết từ giới hạn này đến giới hạn khác, họ phá vỡ mọi giới hạn để có những mặt vượt trên cả nước Mỹ, mặc dù họ ngoan ngoãn nằm dưới cái ô bảo hộ chính trị của nước Mỹ. Và người Mỹ kính trọng người Nhật vì họ biết rằng, ngoan ngoãn nấp dưới cái ô chính trị của nước Mỹ là một sự kiên nhẫn khổng lồ của một dân tộc có niềm tự hào ghê gớm. Học người Nhật chúng ta phải học cái tỷ trọng của lòng tự trọng dân tộc và cách thể hiện cơ bản là sự táo bạo trong ý nghĩ, sự kiên nhẫn và chăm chỉ trong làm việc (Nguyễn Trần Bạt).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *