HIỂU THÌ CÀNG YÊU HƠN 09. Tinh thần phiêu lưu Cham 6. Cham nay buôn bán

Nghĩa là, người Cham đi đến đâu buôn bán ở đó.
Xưa đã vậy, nay chẳng có chi khác. Làng khuất hay phố xa từ Bắc chí Nam, dân palei Pabblap – Ninh Thuận đều rành. Thời Pháp thuộc, người Pabblap còn sang tận Thái Lan, Cam Bốt bán thuốc. Anh Tài Rài kể bà nội của chị Dượt vợ anh ở Phước Nhơn, mất tại Cam Bốt, 4 năm sau làng mới qua đất Khmer lấy cốt về.
Sau 1975, bà con vào Sài Gòn lập cả khu phố Cham ở đường Hùng Vương, quận 5. Sau đó, Đồng Nai, Trà Vinh, Đà Nẵng hay tận Bắc Giang… đều xuất hiện khu phố Cham. Đó là loại khu phố tạm bợ, như thể địa điểm tập kết, để bà còn có nơi đi và chốn về.
Dân Chakleng đội ciet thổ cẩm lên đất Tây Nguyên đi Churu, xưa gọi là đi buôn Thượng. Đó là vào những năm 50-60 của thế kỉ trước, đường sá hiểm trở với phương tiện giao thông thô sơ, các chú các bác đã phải trèo đèo lội suối, vào các buôn palei xa xôi và lạ lẫm nhất, để bán. Trong những chuyến đi ấy, không ít người đã “hi sinh” vì… sự nghiệp:
Nau ikak nau kaiy mưtai yer laiy tuh thraiy ka gơp
Đi bán đi buôn, chết thẳng cẳng đổ nợ cho họ hàng
.
Vậy mà cứ đi. Đầu thập niên 70 thế kỉ XX, người Mỹ đến, bà con Cham tiếp tục tìm vào các “Sở Mỹ” để bán thổ cẩm. Rồi khi đất nước mở cửa, thổ cẩm Cham đã kịp tràn ngập thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Hà Nội…
Dân An Giang còn hơn thế, không những anh chị em có mặt khắp đất nước Việt Nam thôi, mà còn mở chuyến đi sang cả Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc. Mà hành trang của những chuyến đi ấy có nhiều nhặn gì cho cam! Vốn nhỏ, đến đâu bà con linh hoạt đến đấy.
Buôn bán, không chỉ thuần giải quyết sinh nhai, mà ở tận sâu thẳm họ – thỏa mãn nhu cầu phiêu lưu ẩn tàng trong máu.
Không phải không nguyên do, khi nhà báo Nguyễn Hoàng Sông Hậu viết đoạn văn mang ít nhiều phát hiện (“Người Cham An Giang và những cuộc ra đi”, báo Tiền phong, 6-2001):
[Họ] … sống đời Digan (…) Trong kí ức của dân tộc Chăm là những cuộc ra đi… Nay vẫn thế, mặc dù người Chăm đa số đã định cư, nhưng cái tính chất kiểu như Digan ấy vẫn cứ chảy trong đời sống người Chăm. Có đến khoảng 70% người Chăm An Giang sống bằng nghề buôn bán. Cứ sau tháng lễ ăn chay Ramadan, những gia đình Cham lại khăn gói lên đường đi tứ xứ mua bán đủ thứ để mưu sinh.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *