14. Cwah Patih về đâu? Suy nghĩ 01
Quê hương tôi gắn bó dĩ nhiên là Chakleng quê tôi, nhưng palei Cham mà tôi dành nhiều ưu tư hơn chắc chắn là Cwah Patih Thành Tín. Ở đó tôi có rất nhiều người bạn, từ thuở Tiểu học sang thời Pô-Klong cho đến tận hôm nay.
Chakleng là làng trung tâm, đã ổn định, tôi dành suy nghĩ về Chakleng là làm sao cho đẹp hơn, thu hút nhiều khách thập phương về hơn. Với palei Pabblāp là cảm giác tiếc, tiếc vì làng có nhiều tiềm năng, nhưng lại đang khá bất ốn.
Cwah Patih rất khác. Nếu palei Cang hay Bal Riya tách biệt với khu trung tâm các palei Cham Ninh Thuận, là ở khoảng cách không gian, thì tách biệt của Cwah Patih hơi khác. Khác, nên đây là palei tôi ưu tư nhiều và sớm nhất.
Đây là trích đoạn bút kí viết đầu năm 1994: “Ấn tượng Ramưwan”, sau đó in lại trong tiểu tuyết Chân Dung Cát (2006):
(…) Buổi chiều, chúng tôi đi xuống Thành Tín. Đây là một làng nghèo. Bên là đồng ruộng, còn lại chỉ rừng thưa với đụn cát trắng không cỏ (nên gọi là Cwah Patih). Cát, nắng và gió. Ngột ngạt và khó thở. Vài cây dừa khẳng khiu, thưa thớt. Mấy đứa trẻ bụng ỏng phơi trần dưới nắng. Ba bà già đầu đội thúng đi dọc triền mương. Từ đồi xa, một nhóm cô gái đội bó củi khô hối hả về làng. Ngày mai, bó củi kia được đưa xuống thị xã Phan Rang cách palei hai nồi cơm chín.
Đàn dê, đàn bò gầy còm kiên trì gặm cỏ khô…
Vẫn cảnh ấy từ ngàn năm qua. Thời gian đứng lại và ánh sáng văn minh như không chịu len lỏi tới xó xỉnh này, ít ra là với đại bộ phận dân làng. Không ít người hiểu biết trách họ và cả trách mình sao không chịu dời đến vùng đất mới, mầu mỡ hơn, dễ thở hơn? Khi ở đây họ phải chịu đựng bụi và cát. Xa rừng, cách biển để có thể cậy nhờ bà mẹ thiên nhiên.
“Khẩu phần tăng mà ruộng đất thì teo” (Tháp Nắng).
Trong khi họ không được nuôi heo, nguồn phụ thu quan trọng như các palei Chăm Bà-la-môn khác…
Nhưng làm sao họ có thể bỏ Ghur mà đi? Nỡ nào họ tự cắt đứt cuống rốn dưỡng nuôi tâm linh họ? Thiên tai, địch họa. Bao lần họ chạy đi rồi lại trở về. Khổ đau, hao mất. Rồi lại bỏ đi. Nhưng không bao giờ rời đi vĩnh viễn. Tinh thần Ghur là vậy!
Có lẽ đây là một trong ít palei có khu nghĩa trang tầm cỡ nhất. Từng dãy, từng dãy hòn đá xếp hàng thẳng tắp nằm trên một bãi cát trắng. Phía đông và phía nam là những đụn cát trắng tạo cho khung cảnh vừa trang nghiêm vừa thơ mộng.
Các cô cậu học viên Nhật, Nga của tôi lia lịa bấm máy. Một cậu còn đi tìm “người mẫu” cho bức ảnh nghệ thuật vào buổi tảo mộ sáng mai.
Buổi tối, chúng tôi cuốc bộ qua làng Tuấn Tú (…)
15. Cwah Patih về đâu? Suy nghĩ 02
Sau mấy năm lang thang khảo sát các palei Cham, tôi phát hiện một thực tế buồn: Sự chuyển di không ngưng nghỉ của chúng. Không chừa palei nào bất kì. Từ palei lớn tầm cỡ như Hamu Tanran, Ram cho đến tận các palei nhỏ như Palao, Hamu Crōk; cả palei được cho là ổn định nhất như Chakleng quê tôi cũng không thoát khỏi định mệnh này.
Và nó ám ảnh kì lạ.
Giữa những cuộc chuyển di vô tận ấy, Cwah Patih Thành Tín có một định mệnh rất riêng chả giống ai của mình.
1. Từ PALEI CŨ chuyển về Cwah Patih Mới, ở đây lại nẩy thêm hai palei: cũ và mới. Palei cũ ở vùng Giếng Tre thuộc khu vực sân bóng đá hiện nay. Giữa thập niên 1940, Việt minh nổi dậy mất an ninh, quân Pháp đuổi dân làng về palei mới hiện tại.
Tiếp đến Việt minh đốt nhà mẹ ông Thôm [nguyên là thư kí Ông Huyện Dương Tấn Phát] làm cháy nguyên cả dãy nhà. Pháp cho dân di tản về palei Ram bên Hòa Trinh.
Ramưwan năm ấy, làng Ram cũng bị đốt. Quân Pháp lần nữa cho dời dân Thành Tín qua palei Katuh. Mãi tháng sau khi tạm ổn định, họ lập đồn Eh Pabui gần Hòa Thủy, mới cho chuyển người Cwah Patih về.
Palei Cwah Patih khi ấy ách Việt nhiều vô số. Cham đến ở đã khá lâu nhưng không có sổ bộ, thế nên khi Pháp đi, thời kì đầu chế độ mới, năm 1955, chủ đất người Việt Hòa Thủy kiện palei Cwah Patih đến tòa án Tỉnh, rồi Trung ương do lấn đất của mình.
Sự thể cho ta thấy. thời cuộc biến người CŨ thành người MỚI, đến phải chịu hầu tòa.
[Khi có đủ hình ảnh và tài liệu, tôi sẽ có bài riêng về thời kì này].
2. Chuyện cũ là vậy, còn hôm nay?
Palei Cwah Patih nằm khuất trong “lũng”, sát cạnh làng Việt Hòa Thủy; đi lên Chakleng thì “đụng” làng Từ Tâm. Răng-lưỡi xảy ra bao va chạm. Mỗi bận lũ heo bên làng Việt qua kiếm ăn là có chuyện; rồi lắm lúc nữ sinh Cwah Patih đi học ngang qua rẫy Việt cũng bị “ghẹo” [Chửi cha không bằng pha tiếng]. Va chạm thì từ chết đến bị thương, không thể tránh. Lớn nhất, mãi hôm nay chưa mờ phai trong kí ức dân làng là “Sự cố Kiều Minh Vũ” suýt dẫn tới đổ vỡ to.
Cwah Patih trước 75 sở hữu mênh mông đất: đất ở các miền xa, tận Lầu Ông Cố cũng không chừa; sau 75 Hợp tác hóa nông nghiệp, chúng bị quy vào “đất xâm canh”: làm ăn phải đi xa cơ cực đủ đường. Nói đâu xa, ngay Chakleng thôi, “ruộng” của người Cwah Patih chiếm đến 20ha ở 4 đồng khác nhau.
Quy hoạch đợt hai, đất xâm canh kia gần như mất trắng. Sự thể đánh mạnh vào nồi cơm bà con Cwah Patih. Tội không!
[Rija Nưgar 2016, 5 hộ bà con Thành Tín đưa đơn thư kiện phần việc này lên trên, và nhờ tôi can thiệp. Không hiểu sao bà con lan truyền tin đồn chuyện gì đến tay cei Sara cũng xong tất! Kẹt thế chứ. Tôi bảo: Giúp đưa thì được, chứ vụ đất đai cá thể nhiêu khê lắm, chỉ có thể dựa vào chính quyền địa phương thôi].
3. Mở xuống biển, đất chả có là bao. Mở ra hướng Phan Rang bị chặn ngay thành phố đang lấn tới. Nghề truyền thống: không. Một thời dân Cwah Patih nhắm mắt học theo người Phước Nhơn đi bán thuốc nam, nhưng ngay dân bản địa kinh nghiệm đầy mình còn lận đận, huống chi ta học trò.
Về đâu?
16. Cwah Patih về đâu? Suy nghĩ 03
Với Chakleng hay Pabblāp, tôi bàn trực tiếp, riêng Cwah Patih tôi chỉ có thể “suy nghĩ”. Cũng cần nói chúng đó ra, để mọi người cùng góp lời suy nghĩ. Rất mong nhận phản hồi từ bà con, anh chị em. Karun, Sara.
1. Stt về Cwah Patih, có 2 “còm” đáng chú ý:
+ Bạn FB Thanh Minh Hieu cho rằng về đất, Thành Tín vô số. Rất đúng! Đất Cwah Patih nhiều đến nỗi hồi HTX Mỹ Nghiệp, chúng tôi phải ghen tị, bởi cả Mỹ Nghiệp chưa tới 100ha ruộng, còn rẫy thì chỉ tính bằng xwet (mảnh nhỏ)! Cwah Patih: mênh mông.
Nhưng rồi đất ruộng Cwah Patih chia tách do “xâm canh”, sau đó Nhà nước quy hoạch: mất trắng! Đất rẫy cũng vậy: Vừa do bị chia tách, vừa lỗi do ta không biết khai thác, rồi dân tự bán: đất mất dần.
Đây là điểm cần bàn nhất, liên quân đến còm sau.
+ Anh Ysa Cosiem viết:
“Để tránh và bớt đi tình trạng bị hà hiếp, lấn áp bởi người Việt, ngày xưa người Chàm thường hay tạo làng Chàm sống co cụm với nhau từ Kampuchea đến Châu Đốc, lên Saigon, sang Tây Ninh, và qua Long Khánh, Long Thành. Đâu đâu họ cũng lập làng Chăm, thánh đường Chăm. May mắn thì gặp chổ đất tốt phì nhiêu hay có công ăn việc làm, còn đất xấu hay không công ăn việc làm nhiều thì họ cũng đành chịu đi làm xa chứ không muốn sống riêng rẽ. Một phần nữa là để tiện việc hành lễ theo nghi thức tôn giáo vì người trong làng luôn cùng một tôn giáo. Tới đâu người Chàm Islam cũng thành lập Thánh đường tới đó”.
2. Hai năm trước, trong serie bài viết: “Bạn có yêu palei bạn không?”, tôi có nêu ra mấy cái đầu tiên của Cham:
– Trong khi dân Chakleng còn gùi thổ cẩm nao Cru, người Hamu Tanran còn xách giỏ quần áo lên Tây nguyên bán, thì bà con Ram đã biết buôn bán vào Sài Gòn. Đây là cái “đầu tiên”, gợi ý cho cách làm ăn lớn.
– Trong khi Chakleng còn cho nhau mượn xe trâu [rất to], Hữu Đức đã hái lá me làm thành bó nhỏ, lên rừng hái trái keo mang ra ngồi chợ. Đây chính là khởi động cho tâm thức “phố chợ”.
– Còn palei Cwah Patih? Đây là làng đầu tiên có nhóm thanh niên nông thôn vào Đồng Nai làm công nhân, rồi lập khu Tạm trú. Nó khác với các “phố tạm” của người Phước Nhơn tại đường Hùng Vương Sài Gòn; càng khác với “phố tạm” ở các tỉnh thành sau đó: Hải Phòng, Bắc Giang, Trà Vinh… Khác, bởi các phố tạm này chỉ là nơi bà con trọ 6-10 tháng rồi đi. Riêng “công nhân” Cwah Patih ở lại.
Tại sao ta không “định cư” luôn, như bà con Cham từ An Giang, Cambodia vào Sài Gòn ở nửa đầu thế kỉ trước, như Ysa Cosiem cho biết? – là CÂU HỎI LỚN.
3. Từ phong trào “chuyển cư” của người Cwah Patih vào Đồng Nai, và qua 2 chuyến đi “khảo sát” thực tế, tôi thấy bà con vẫn cư trú tản mác, và nhất là nghề nghiệp còn bấp bênh.
Vậy làm sao Cham Pangdurangga có mảnh đất an cư, để lập nghiệp tại đất Sài Gòn? Câu hỏi ám ảnh tôi mãi [trong bài: “Cham Pangdurangga ở TP Hồ Chí Minh” – 1999, tôi từng nêu vấn đề này].
Cuối tk XX [chính xác là vào 1999], khi đã có ít vốn, tôi quyết định mua 3 lô đất ở Tân Phú cất 3 tầng thu hút công nhân [chủ yếu là Cham] để chế biến sản phẩm thổ cẩm sản xuất từ quê mang vào. Lúc đó, Kiều Tuyến [người Cwah Patih] 3 năm phụ trách chạy hàng cho Cty, rất đáng tin cậy.
Tôi còn bày bà xã mua 3+3 lô đất hai bên để cất trọ cho “công nhân” Cham ở nữa.
Cuối cùng, Bà Trời không chiều lòng người.
Một hiểu lầm nhỏ từ bà xã, Tiến xin nghỉ việc về nhà lấy vợ, 6 lô đất bên cạnh đã có chủ [do đó tôi mới mua 7 lô ở Ngã 4 Bốn Xã], công nhân và nhân viên Cham về dần; về phần tôi cũng giao toàn quyền cho bà xã quản lí Cty để dành toàn tâm cho chữ nghĩa.
Ước mơ nhỏ bị thất bại và đổ vỡ toàn phần!
4. Làm gì?
Tôi cứ mãi tiếc, tại sao Cwah Patih không thành lập Cty ngay tại quê, nơi vài chục năm trước mình đang sở hữu mênh mông đất? Đâu cần phải có ngành nghề riêng như Bàu Trúc hay Chakleng, mà là khác – nghĩ ra cái mới hơn. Ta chưa nghĩ, hay đã nghĩ tới mà không có kinh phí đầu tư? Bây giờ còn kịp không?
Dự án Nhà máy ĐHN sạt cạnh palei Cwah Patih [khiếp!] đã ngưng. Dăm năm qua, Nhiệt điện Vĩnh Tân [đầy nguy cơ] thu hút không ít người từ Pabhan, Palao, Chakleng, Ram… vào làm. Còn Cwah Patih vẫn tiếp tục đi vô Đồng Nai, Sài Gòn… Chiếm tỉ lệ cao nhất trong các palei Cham. Và theo chỗ tôi biết, hiện đang rất TẢN MÁC.
Vậy làm gì?
Có nhà đầu tư nào thương Cham lập 1-2 KHU ĐỊNH CƯ để GOM bà con lại, từ đó họ vào các khu công nghiệp tìm sinh nhai? Mong thay!
Kết. Trước khi đi Mỹ, thầy Thành Phú Bá ước mơ có tiền xây một khu cư xá cho riêng sinh viên Cham – là ước mơ đẹp! 20 năm qua, sinh viên Cham xét về phong trào, cũng tạm ổn. Ở đó nhiều Mạnh thường quân đã quan tâm sâu sắc.
Tôi thì khác. Ngay từ tuổi 20 khi làm sinh viên, tôi từ chối dạy chữ Cham cho anh chị em ở Sài Gòn, là vậy. Nguyên do, 2 đối tượng tôi dành ưu tư nhiều nhất chính là: Lứa thiếu nhi, và “quần chúng”.
– Về Thiếu nhi: Sách [5 tác phẩm đã in, và tặng], trò chơi, quà Trung thu…
– Về Quần chúng: Những lần về quê, tôi ít khi gặp “trí thức”, mà “ba cùng” để tìm hiểu mảnh đời những sinh linh bé nhỏ, và tập thể rộng lớn – lên tiếng giúp họ, và gợi các suy nghĩ cho họ.