NGƯỜI CHAM VẪN CÓ THỂ LÀM GIÀU 17

17. Làm giàu bằng sáng tạo-2

Ở Stt trước: “Làm giàu bằng sáng tạo-1”, tôi có viết: Chớ cho Cham viết văn làm thơ bằng tiếng Việt là không sáng tạo. Việt kiều Mỹ có thể viết bằng tiếng Việt, viết song ngữ, hay viết thuần tiếng Anh, họ vẫn là kẻ Sáng tạo.
Tại sao không?
Ngay đầu thiên kỉ thứ 3 sau Công nguyên, để hòa nhập vào cộng đồng các dân tộc trên đất nước chữ S này, thế hệ thơ trẻ Cham đã nhập cuộc.

1. Xuất hiện rải rác và khá hiếm trên các mạng văn chương, thơ Jalau Anưk Jalau có sắc thái riêng. Đến nay, nếu gom chúng lại thành tập, tôi nghĩ thơ ấy sẽ tạo được dấu ấn trong dòng chảy thơ Việt đương đại. Jalau Anưk chưa in tập, là một cá tính, và là lối nghĩ hơi ngược đời. Như người cha Jalau, khi chúng tôi mời anh tham gia viết cho Tagalau, anh nói: Thế hệ anh đã qua rồi, nhường sân cho các bạn thôi. Thái độ đó dù nhỏ, đã thể hiện một nhân cách lớn: Hiểu mình, và biết dừng lại đúng lúc.
Đồng Chuông Tử và Tuệ Nguyên thì khác. Xuất hiện gần như đồng thời, và có tác phẩm. Tử: 3 tập thơ; Nguyên: 4 tập. Riêng Nguyên còn lập và điều hành Ciet – một nhà xuất bản vỉa hè nữa. Năm 2009, Mùi Thơm của Im lặng của Đồng Chuông Tử và Những Giấc mơ Đa chiều của Tuệ Nguyên là 2 trong 3 tác phẩm vào chung khảo Giải thưởng thơ Bách Việt, cũng là hiện tượng nhỏ. Dù giải thưởng nào đó không phải là tất cả, dẫu sao 2 cây bút Cham vào chung khảo đã nói lên sự chú ý của dư luận văn học về sáng tạo mới của Cham.
Kiều Kiều Maily với tập thơ đầu tay Giữa hai Khoảng trống đoạt giải cao của Hội VHNT các DTTS Việt Nam năm 2013, được đánh giá là sự kiện văn học dân tộc trong năm. Hơn mươi bài báo về tập thơ cũng là ghi nhận đáng kể. Hai năm sau, tập bản thảo thơ của nữ thi sĩ này còn được Hội này đầu tư hạng A nữa.
Điểm sơ qua 4 khuôn mặt vua biết mặt chúa biết tên, cạnh đó cộng đồng Cham còn nảy ra vài cây bút không phải không có nét riêng của nó.

2. Các thi sĩ SÁNG TẠO này có tri thức về văn hóa dân tộc mình không?
Khác đi: Họ có TRUYỀN THỐNG không?
Theo tôi biết, cả 4 khuôn mặt trên biết tự trang bị tri thức khá căn bản về văn hóa truyền thống dân tộc. Ngoài một Kiều Maily đã thể hiện qua 2 tác phẩm nghiên cứu [nguy cơ thành một nhà nghiên cứu], còn lại họ đọc để biết, nghiên cứu để hiểu, nhập cuộc xã hội để lên tiếng khi cần thiết.
Lặn sâu vào văn hóa dân tộc để thấm đẫm nó, từ đó họ sáng tạo. Chứ không/ chưa ý đồ làm chuyên gia [một lĩnh vực nào đó về] văn hóa dân tộc.
Sáng tác của họ – có mặt qua chữ viết – thể hiện đủ đầy tâm thức và tri thức đó.
Sáng tạo để làm giàu kho truyền thống, không là cần thiết ư?
Độc giả một nước có nhiều bộ phận, vài cộng đồng khác nhau. Việt Nam không khác. Hơn mươi năm qua, những Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên và Kiều Maily đã góp phần mình vào việc gióng lên tiếng nói để thế giới bên ngoài ngoảnh về Cham, và theo cách thế riêng – giúp họ hiểu biết về dân tộc mình hơn.
Không sáng giá sao?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *