NGƯỜI CHAM VẪN CÓ THỂ LÀM GIÀU (dừng lại suy nghĩ) 07

7. Buôn bán cũng phải… HỌC, hay CÁI TÔI CỦA NGƯỜI CHAM
[nhại/ đối chứng với “Cái TÔI của người Việt” của Từ Thức]

VIỆT: “Một lần ngồi nhậu với 5 ông, có cảm tưởng ngồi với 5 giải Nobel văn chương. In một hai cuốn sách tào lao, nghĩ mình đã ngồi chung chiếu với Marcel Proust, Victor Hugo. Làm vài bài thơ, nghĩ mình là Baudelaire, Nguyễn Du tái sinh”
CHAM: Cũng hệt. Tôi nghe kể bạn trẻ Cham mới in 1 tập thơ, bạn nữa đang tập tò ráp vần, đã nghĩ mình là… Inrasara thứ hai!
Cũng được đi, nếu họ chịu HỌC làm… thơ. Đằng này: không!
Một anh mới vượt biên 5 năm, còn chưa có giấy định cư Malaysia, nghe tin Tháp Nắng có giải Hội Nhà văn VN, liền viết thư cho tôi anh sẽ thành lập Hội Nhà văn Champa. – Nhảm!

VIỆT: “Lập một cái đảng có ba đảng viên, kể cả em gái và mẹ vợ, nghĩ mình là lãnh tụ, ăn nói như lãnh tụ…”
CHAM: Những con tương cận có cả khối. Còn hơn thế, bởi sau cái chữ “hội, đoàn, đảng” ấy, Cham luôn đính kèm chữ quốc tế INTERNATIONAL đằng sau đuôi. Hội Bảo tồn văn hóa Champa quốc tế… Hội thảo ngôn ngữ Champa quốc tế… Vân vân quốc tế.
Ở đó ta ăn nói với giọng điệu rất ư là… quốc tế.

VIỆT: “Viết vài bài lăng nhăng, nghĩ mình là trí thức, sẵn sàng dẫn dân tộc đi lên”.
CHAM: Chẳng thua chị kém anh, mới tập tọng viết dăm ba Stt đăng FB, hóng tin báo chí để viết chống đối này nọ, mà nói năng như thể sắp lên hàng lãnh tụ tới nơi.

VIỆT: “Thảo luận với người Việt rất khó, vì ai cũng nghĩ là mình nắm chân lý trong tay. Nghĩ khác là xúc phạm ông ta, bôi nhọ sự thật. Phải triệt hạ, phải tố cáo, chụp mũ”.
CHAM: Món này thì Cham ăn đứt. Chả ai bầu, vài sinh linh Cham cứ nhận bừa đại diện dân tộc, nhân danh Cham mà ăn nói. Ai khác ý ta, là kẻ đó chống [đất nước] Cham; kẻ nào đi ngược ta, hắn là đồng lõa với chế độ CS, phản bội nhân dân.

VIỆT: “Nói chuyện với người Nhật, trong những cơ hội hơi chính thức, chưa gì họ đã mang giấy bút ra ghi chép. Làm như những điều bạn nói là khuôn vàng, thước ngọc”.
CHAM: Cham chả khác. Tìm người biết hỏi là cực hiếm, nói chi cầm bút ghi chép. Hoặc ta đây biết cả rồi, hoặc kẻ đối thoại kia có gì đáng cho ta học đâu mà ghi với chép!

VIỆT: “Những người có thực tài không so sánh với người khác. Họ so sánh mình với mình, so sánh mình hôm nay với mình hôm qua, so sánh tác phẩm mới với tác phẩm cũ của chính mình”.
CHAM: Khác cái, là ưa so sánh với kẻ khác, và kẻ khác phải là Cham cạnh ta, so đo kèn cựa. Rằng tao giỏi hơn mầy, bằng cấp tao cao hơn mầy, xe con tao ngon hơn của mầy. Chỉ thế thôi, chứ không học biết ngó ra xa hơn, cao hơn: nhìn lên đỉnh Dostoievski, hay Heidegger… mà đọ sức.

BUÔN BÁN, Cham càng ít chịu… học.
Nhắc lại chuyện ông bạn nhờ tôi qua góp ý để vực dậy quán tạp hóa khi xưa, ông bạn cứ tưởng mình đã Đại học mà mở quán ở quê thì không cần phải học.
Tôi nói: LÀM GÌ CŨNG PHẢI HỌC. Ông biết, trước khi mở quán, mình đã nhảy xe đò vào Sài Gòn ôm về cả trăm cuốn sách kinh doanh: đọc, nghiên cứu, tóm tắt vào cuốn vở trăm trang cho mình và vợ con HỌC đấy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *