11. Buôn bán & 4 nguyên tắc-04: Là làm việc với những con số
Một sự thật nhỏ: Thường ở quê, người có tiền ưa xem thường kẻ nghèo khó, từ đó bà con mặc cảm, và tránh. Tôi ngược lại, đã xử ngang bằng. Tinh thần “Khách hàng là thượng đế – tôi vận dụng khi còn chưa biết đến nó. Trước đó, tôi “nhà quê” lắm. Hơn 32 tuổi đầu: bia rượu, không; thuốc lá, cà phê không. Cũng cầm điếu thuốc như ai, cầm – để cho có vậy thôi. Mở quán, tôi học tất. Biết để ngồi với khách. Thế là khách đến quán tôi [cà phê, lai rai] một lần, thì hiếm khi bái bai nó. 10 giờ tối, thiếu đá, tôi sẵn sàng đạp xe lên Phú Quý mua để phục vụ ba khách nông dân lai rai. Cánh nữ dắt con qua mua chục cân phân, thế nào tôi cũng kiếm vài miếng bánh cho bé…
Tại sao bán chịu mà không sập tiệm? Dễ lắm…
Ví dụ ba ông khách nhậu cuộc 1 trăm ngàn, mình lời 30.000đ, 2 cuộc là mình đã bỏ túi 60.000đ; nếu cuộc 3 họ thiếu 30.000đ, thì mình có thể chấp nhận, bởi lần 4 họ ít khi thiếu chịu… cho đến cuộc 10 nếu họ có thiếu 100 ngàn, tổng cộng mình đã lãi 200.000 rồi còn gì! Số nợ đó mình vẫn cho nó đứng, và xóa – nếu khó đòi. Cho dù bán bia, tôi không khuyến khích dân nhậu chơi tới bến. Ở đây, bia bọt chỉ là trong ngàn ví dụ…
Kiểm kê. Rút kinh nghiệm người thuê trước đó [và nhiều quán ở nơi khác], thấy bán có lời là tiêu, không biết “hiện trạng” buôn bán thế nào, riết rồi thâm vốn sập tiệm. Dù bán quán ở nhà quê, việc “kiểm kê” định kì quan trọng không thua gì lối làm ăn lớn ở Cty. Không kiểm kê, nếu có ăn nên làm ra, cũng chỉ là thứ ăn may.
Bạn phải học điều khiển hàng hóa, tiền bạc như điều binh khiển tướng. Kiểm kể, và đặt câu hỏi ráo riết: Lãi hay lỗ bao nhiêu, từ đâu và tại sao… vân vân. Nắm số liệu chính xác để mà điều tiết. Phải học bắt đầu từ bạc lẻ, – tôi tiếp.
Hay nói như Chân Dung Cát sau này, đó chính là: “Triết lí tiền lẻ” mà Cham cần học tập và, siêng năng ôn tập. Chân lí đầu tiên đơn giản thế thôi.
Tiết kiệm.
Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện.
Nhà quê có tiền lắm đâu, mong có của ăn của để, cần vận dung tối đa “Triết lí tiền lẻ”.
Bà họ tôi giàu nhất làng, chỉ vì một đời (30 năm) biết áp dụng triết lí đó. Từ bàn tay trắng, bà có được 20 mẫu ruộng xịn, để “giải phóng” về, bà “hiến” tất cho Nhà nước. Ở đây tôi học từ sách một tỉ phú Hàn. Nhớ mang máng thế này: Bạn làm được 10 đồng, nên tiêu 3 đồng thôi. Tiêu 5 đồng thì cần xem lại, tiêu 6 đồng là có vấn đề, còn tiêu 7-8 đồng thì nguy tới nơi.
Và biết dùng sức.
Từ 2-1991 đến 8-1992: tôi đạp xe xuống Phan Rang cách làng 10km, chứ không phải Phú Quý gần đó để lấy hàng. Vào Sài Gòn, dù thừa tiền, tôi vẫn xe đạp mà đi. Mỗi ngày trung bình 50km: Sáng chở bà xã qua TAX mới ghé ĐH làm việc; trưa chạy loanh quanh tìm đầu ra cho thổ cẩm; chiều ngược về. Bà xã: 60kg, ôm hàng 20kg, thêm một gói tranh thủ đặt trên ghi-đông nữa. Miệt mài 2 năm như thế, tôi mới chịu mua HondaCup81.
Yut tôi dạy [có ý chê dân nhà quê]: Phải biết làm ăn bằng đầu, chớ có khờ mà dùng sức. Tôi đùa: Mình thì dùng cả “đầu, mình và tứ chi” mà làm, them: Thần Yang nữa. Mà đúng như thế. Tôi dùng vừa sức, vừa trí vừa cầu Pô Yang cho tôi thừa lực và sáng trí để tôi thừa chút đỉnh mà làm cái gì đó cho đời.
Cuối năm 2001, khi đã tạm được, tôi quyết:
MI KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN LÀM RA TIỀN NỮA,
từ đó tôi mới hết mình cho văn chương chữ nghĩa…
Và – như Trường ca Đi Buôn Ariya Nao Ikak dạy – trở lại tay trắng…