NGƯỜI CHAM VẪN CÓ THỂ LÀM GIÀU 06

06. Giải định kiến: “Chớ buôn bán với Cham”

Mùa mưa 1990, thất bại te tua từ miền Tây, tôi gồng gánh cả gia đình qui hồi cố hương. Trắng! Dù chẳng ưa buôn bán, không việc làm, tôi đành chiều lòng bà xã đấu thầu đất Chợ HTX để mở quán tạp hóa đầu làng.
Rồi chỉ qua năm, Tạp Hóa Haly’s lên như gió, tiếng như cồn.
Bạn học cũ Hamu Tanran mời tôi qua nhà, đãi chầu nhậu, nhờ tôi tư vấn. Quán mình 3-4 năm qua cứ trồi sụt như ma ám ấy, bồ bày cách vực dậy cho nó xôm cái. Tôi bảo bạn đưa sổ kết toán hàng tháng cho xem. Bạn bảo, có đâu. Tôi kêu: Bồ chết tại đó.

Đời kinh doanh 10 năm chẳn, ngoảnh lại thấy mình có đóng góp 2 chuyện cho cộng đồng: thay đổi 1 chân lí to và phát hiện 4 chân lí nhỏ về buôn bán với/ cho Cham. Xin kể góp vui bà con.
Năm Đệ Tứ, thầy Nguyễn Văn Tỷ [ở giờ Pháp văn] nổi hứng nói một câu ám tôi mãi: “Cham chớ dại mở quán ở Phan Rang. Dân Việt không mua đành rồi, người Cham thì càng lánh xa. Nếu có mua, họ mua chịu đấy. Phá sản là cái chắc”. Ramưwan 2016, nghĩa là sau non nửa thế kỉ, gặp – thầy vẫn lập trường đó, lặp lại.
Từ bé ý tưởng buôn bán chưa một lần thoáng qua đầu tôi: “Chân lí” ông thầy + đất Chợ Chakleng càng nên tránh. Bởi trước đó đã có ba người làm lỗ nặng bỏ chạy. Can không đặng, tôi miễn cưỡng chiều. Thế rồi tôi thủ vai chính lúc nào không hay.
Tôi bán tất tần tật những gì dân nhà quê cần. Sỉ và lẻ. Bán giá thấp nhất, để bán được nhiều nhất. Tôi lần mò qua từng chủ quán bán lẻ, thuyết phục họ lấy hàng của tôi: Bác lợi, tôi lợi, và nhất là bà con được lợi. Đầu tiên có nhiều cái xua tay từ chối, không ít ánh mắt chần chừ, cuối cùng 2/3 thuận theo cách làm của tôi. Từ đó, quán Tạp hóa HALY không còn phải phục vụ riêng dân làng Chakleng, mà thu hút cả khu vực rộng lớn. Việt lẫn Cham.
Bà con cũng mua chịu [không thể tránh], tuy nhiên theo luật bù trừ, tôi chả thấy có gì to tát ở đó. Tôi vẫn lãi chán. Thế là, chỉ qua một năm rưỡi, qua cuộc đấu thầu công khai – tôi thắng và tậu luôn lô đất ấy, “đốt” sổ nợ cho bà con hơn mươi cây vàng, thừa cũng chứng ấy, để vào Sài Gòn lập nghiệp.
Từ đó đến nay, một phần tư thế kỉ đi qua – ngoảnh lại, có không ít Cham buôn bán với/ cho Cham, và họ đã thành công.
Vậy, tại sao sợ buôn bán với người đồng tộc?
Dẫu không cố ý, tôi đã khiến “chân lí” ông thầy [sau đó là bạn vong niên của tôi] rơi tự do lúc nào không biết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *