NGƯỜI CHAM VẪN CÓ THỂ LÀM GIÀU 10

10. Buôn bán & 4 nguyên tắc-03. Buôn bán với người giàu

1. Đây là chuyện buồn, cực buồn, và là kinh nghiệm đau lòng, – của tôi, và cho Cham.
“Buôn Mọi lỏi xương”, là tiếng cửa miệng bà con. Tục ngữ muốn nói rằng, người ta đã nghèo mà mình còn đi móc túi họ nữa, thì thế nào mà phước có thể dài.
“… Chàm mình nghèo mà Thượng có giàu đâu
Nhưng đã đi thì phải quến nhau
Có kịp không với vòng xoay công nợ?”
Pabblāp, Bàu Trúc, hay Chakleng cũng hệt. Từ năm 25 tuổi tôi đã thể hiện đủ đầy hiện thực này trong trường ca “Quê Hương”. Không có gì gọi là chủ nghĩa lãng mạn ở đây cả!
Thực tế, dân Chakleng trước 75 đi Cru đã xảy ra nhiều chuyện đau lòng: Tiền thì rủng rỉnh, nhưng không ít trường hợp mang thứ bệnh lạ rồi chết, mất tích…
“Nao ikak nao ke mưtai yêr le tuh thre ka gaup:
Đi bán đi buôn, chết thẳng cẳng, đổ nợ cho họ hàng” (tục ngữ).
Dẫu vậy, sau 75, Cham vẫn cứ đi. Pabblāp, Bàu Trúc, hay Chakleng đi về phía… nghèo.

2. Đói, mà phải nuôi đến 5 miệng ăn. Năm 1986, tôi rời BBS; 2 năm sau, bà xã bỏ biên chế Phòng Giáo dục – quyết kiếm tiền.
Không hiểu sao bà xã quen được chị người Việt nhà gần Chợ Đầm Nha Trang. Chị cho bà xã lấy quần áo chịu, lại thêm tiền mượn đỡ [và cả cho út Lành ăn ở thời làm sinh viên Nha Trang nữa – Ơn chị, và cầu an lành!].
Bà xã nhận hàng, và đi buôn… Thượng. Lúc đầu thì bán như ải như ai, cũng có lãi chút đỉnh, sau đó số hàng thừa, thấy mấy em mấy chị Thượng tội quá, bả cho luôn. Cho 2-3 bận “tình cho không biếu không” vậy, hệ quả là cụt vốn. Đành khất chị người đàng quê. Hẹn lần một, lần hai tôi ôm nguyên giàn 1 heo nái + 12 con [là tài sản duy nhất của gia đình khi ấy] bán trả nợ. Quyết làm lại cuộc đời.
(Sau này nghe tin, chi gởi lời trách tôi: “Từ từ cũng được mà, sao nóng vội thế”. Tôi thì nghĩ khác, phải dứt khoát với NỢ, vừa bảo toàn danh dự vừa nhẹ người, để công phá vào cuộc mới).

3. Lại đi buôn.
Rút kinh nghiệm người đi trước, chúng tôi phiêu vào đất miền Tây. Lâu nay Cham cứ gùi Thổ cẩm Nao Cru chứ có ma nào làm ngược đời kiểu đó đâu. Đây là lần “đầu tiên”…
Nhận thổ cẩm bà con ở quê, đón xe đò chở vào Trà Vinh, Cà Mau… bán. Thêm, đùm đuề cả nhà 6 miệng ăn đi theo. Lại bán cho dân Miên. Ngốc thế chứ! Bà con Miên thích thổ cẩm Cham, mua – nhưng mua chịu, đến kì không tiền trả, sang bầy heo con cho chúng tôi. Thế là hai vợ chồng thành lái buôn heo mỗi sáng lên chiếc ghe nhỏ vượt Hậu Giang mênh mông nước qua Kế Sách – Sóc Trăng bán.
Chưa trọn năm, ba cây vàng bán nhà cha mẹ để lại ở quê bay biến mất tiêu. Về, hoàn tay trắng. Tôi mới rút bài học: Thổ cẩm là hàng mĩ nghệ, chỉ có thể bán cho dân giàu, càng giàu càng tốt. Thế nên mới có chuyện sang quầy Thương xá TAX. Đây là quầy Thổ cẩm đầu tiên của Cham mở ra ngay trung tâm Sài Gòn.
Từ đó Thổ cẩm Inrahani lên vùn vụt!

Năm 2009, Chakleng tôi lên đời thành Làng Nghề Thổ Cẩm Mỹ Nghiệp, hứa hẹn tấp nập khách trong ngoài. Bà xã đòi nâng cấp khu nhà ở quê để cùng bà con đón cơ hội, cơ hội vàng. Dù ừ, nhưng tôi nghĩ khác:
– Nâng cấp để làm đẹp bộ mặt làng, chớ không buôn bán gì cả.
Từ chân lí “chỉ buôn bán với người giàu”, hệ quả tôi rút ra là: Tiền thu từ phố về quê tiêu, đừng ngược lại. Thế là tôi biến khu nhà kia thành: NHÀ TRƯNG BÀY VĂN HÓA CHAM INRAHANI, miễn phí.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *