ĐÁM TANG ĐAM CUH CHAM AHIÊR & CÁC BƯỚC CẢI CÁCH

[có tham khảo ý của Đạt Chữ, Lộ Minh Trại, Quảng Đại Thính, Đạt Ngọc Quận]

1. CHAM TIẾP NHẬN & LÀM KHÁC ẤN ĐỘ, TẠI SAO?
Con người là “sinh vật” biết chôn nhau, nói khác đi và ở một bậc cao hơn: biết làm đám tang cho nhau. Đám tang qua nhiều hình thức: Địa táng, thiên táng, thủy táng, hỏa táng… Cham ahiêr, theo hệ văn minh Ấn Độ, hỏa táng.
Người Ấn Độ theo Ấn giáo hỏa táng thế nào? Người mất được làm lễ thiêu, sau đó tất cả di cốt gồm xương, tro, than được cho xuống sông Hằng là con sông linh thiêng. Hết! Rất nhẹ nhàng.
Cham ahiêr nhận ảnh hưởng Ấn Độ chắc chắn vẫn giữ “nguyên bản” Ấn; nhưng sau đó nhận thấy làm theo kiểu Ấn Độ thì HƯ VÔ quá, trong khi dân Đông Nam Á vẫn tục thờ cùng tổ tiên, mà ta cho trôi xuống sông tất tần tật thế thì còn gì để thờ cúng.
Thế là Cham ahiêr nghĩ ra cái KUT.

2. KUT CHAM CÓ TỪ BAO GIỜ?
Thời Pô Klōng Halau (1567-1591) có Bia Kut ở Hamu Tanran, nghĩa là Bia Kut có mặt trước thời Pô Rômê (1627-1651). Bia Kut Pô Danōk [còn gọi là Kut Raglai] ở Chakleng, hay Bia Kut ở Bình Quý (Ninh Phước, Ninh Thuận) cùng phong cách có lẽ cũng xuất hiện cùng thời kì.
Khác với tháp được dựng lên để thờ phượng các vị vua vĩ đại, Bia Kut dành cho vua có công trạng khiêm tốn hơn [Pô Klōng Halau] hay chỉ dành cho quan đại thần [Pô Danōk]. Thế quần chúng vô danh thì sao? – Họ cần có chỗ để con cháu thờ cúng ông bà tổ tiên. Kut Cham ahiêr ra đời vì lẽ đó, nó xuất hiện trong hay sau triều đại Pô Rômê, chứ không thể sớm hơn.
Kut là một sáng tạo tuyệt hay của Cham ahiêr!

3. ĐOẠN ĐƯỜNG TỪ KHI MẤT ĐẾN NGÀY VÀO KUT: HAY & DỞ
Hay thì hay rồi, ta không cần tán thêm, ở đây chỉ nói về cái DỞ của Kut. Bởi dở tệ, nên sự thể gây nhiều bức xúc: Từ mọi giới, mọi tầng lớp, và bức xúc lâu dài, thế mà nó chưa bao giờ được mang ra thảo luận để giải quyết rốt ráo. 4 điều DỞ:
Cham ahiêr mất được làm đám tươi Đam That ngay. Ngày xưa “nhà vua mất để tang đúng một tuần là phải làm lễ thiêu” (Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam, Từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XX, NXB Thế giới, 2014, tr. 122). Vua là vậy, thì thứ dân không thể kéo dài hơn.
Vậy, tại sao thời trước 1982, trong khi đợi có ngày lành, thời gian từ ngày mất đến ngày thiêu có khi kéo dài gần tháng? Hệ lụy của nó thì vô vàn.
Là DỞ 01.
– Do đó mới có cải cách. Cải cách thế nào? Chakleng tổ chức hội thảo chuyên đề, rồi quyết làm đám khô Đam Thu: Mất – chôn ngay – qua hơn năm đợi ngày lành cải táng làm đám thiêu. Đám thiêu chỉ kéo dài 3 ngày rưỡi: rất tiện.
Tiện này sau đó không lâu trở thành bất tiện: Chôn rồi giở lên cũng mất vệ sinh không kém, rồi thành 2 lần đám tốn kém không ít, trong khi thời hiện đại vấn đề vệ sinh khi quàn xác đã được đảm bảo.
Là DỞ 02.
– Trở lại làm đám tươi Đam That là cần. Nhưng tại sao phải “chặt đầu”, rồi “chẻ sọ” lấy 9 miếng xương trán, để khi “nhập Kut” chức sắc dùng chân đạp “tinh cốt” vào khuôn mộ chung? Ông bà ta thương mến, các vị có công trạng ta kính trọng, ta lại tiễn họ “về nhà” theo cách tệ hại thế, thì có nên không?
Là DỞ 03.
– Vì nguyên do bất khả kháng, người mất “không lành” khi làm lễ Nhập Kut, ta đã từng đưa ra nằm ở Kut Lihin (không lành) như thể kẻ có tội, đơn côi và buồn tủi, thì có nên không?
Là DỞ 04 [vụ này Adhya Hán Bằng ở Chakleng đã có cuộc cải cách rất tuyệt].
Chú ý: các thao tác và lễ tục này không có trong “nguyên bản” Ấn Độ, cũng không được ghi trong kinh sách cấp Paxêh nào của Cham. Nghĩa là nó rất TÙY TIỆN.
Nguyên do: Ai bày ra các hủ tục kia? Và tại sao? Đã có rất nhiều suy diễn khác nhau được đưa ra, có cách lí giải thuyết phục bên cạnh có những ý kiến tùy tiện. Tạm cho chúng vào ngoặc. Ở đây ta chỉ biết các hiện tượng kia đang diễn ra, gây bức xúc chung. Và cần đến cách giải quyết.

4. ĐỂ GIẢI QUYẾT, LÀM GÌ?
Thử đưa ra vài đề xuất:
– Đam That là đương nhiên rồi, nhất là ở thời hiện tại: Không mất vệ sinh, đỡ tốn thời gian cho tang gia và cả người thân thích, bằng hữu gần xa đến viếng.
– Thời gian. Người mất được thiêu trong ngày, sau đó về làm đám tang [như bên Cham Awal sau khi chôn về làm Padhi]. Và thay vì đám tang kéo dài 3 ngày rưỡi, cần rút lại còn 2 ngày, cũng đủ lễ: Tagôk, Brei bbang, Tak Kayau, Cuh (Lên – Cho ăn – Đốn gỗ – Thiêu).
– Thiêu. Có thể làm như người Khmer Nam Bộ: Có chỗ thiêu kín đáo, chỉ có Thầy [Paxêh] và Thợ [Ragei] đứng ra thực hiện các thao tác hỏa táng, người đưa tiễn đứng cách xa 10-20 thước. Hoặc Cham đệ đơn xin Chính phủ cấp cho một Lò Thiêu hiện đại dùng chung cho cả khu vực.
– Lễ Nhập Kut cần phải loại bỏ các thao tác mang tính “xúc phạm” người mất.

5. CÁC BƯỚC
Để công cuộc cải cách mang tính toàn diện này diễn ra, cần đến sự cộng tác đắc lực từ 3 bộ phận: Chức sắc Cham Ahiêr + Trí thức + Chính quyền.
Yêu cầu trước tiên: Cần có Hội thảo chuyên đề khởi động tại một palei trung tâm, sau đó Hội thảo mở rộng do Tỉnh đứng ra tố chức.
[Tham khảo: Cải cách làm Đam Thu, chính Chakleng tổ chức hội thảo chuyên đề, từ đó công cuộc thành công lớn].

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *