Chuyện chữ 3/3. Đám tang chữ

J.Brodsky làm thơ, vì yêu tiếng Nga.
M.Heidegger: nhà thơ là kẻ phụng sự ngôn ngữ. Hay Lê Đạt tự nhận mình là “phu chữ”. Làm thơ không nhân danh này nọ, không vì cái ni cái nớ mà là: “phu chữ”!
Tôi làm thơ vì yêu âm vang của lời. Vài tiếng Chăm có sức ám ảnh kì lạ. Nhất là các tiếng đang giẫy chết, sắp nhập kho hay, đang bị vùi trong cát bụi. Làm thơ để phục vụ chúng.

Mùa hè 2002, nói chuyện trước cử tọa gồm 300 giáo viên dạy tiếng Chăm tại Ninh Thuận, tôi đã thử đưa ra 10 từ và hỏi anh chị em: – Adei xa-ai/anh chị em có biết các từ này không? – Có! – Vậy mà chúng không có mặt trong Từ điển tiếng Chăm đấy, cả từ điển mới nhất! – Mik wa/bà con có dùng nó hằng ngày không? Rải rác: người nói có, kẻ bảo ít hay không.
Thử dẫn 3 từ khác, một từ giản đơn rất đời thường, một hàm nghĩa văn hóa và một đầy chất thơ.

KƠY. Ciim đơm biak kơy: con chim đậu rất “nổi bật” (để bắn).
Dơng maung biak kơy: (Dáng) đứng nhìn rất nổi bật.
Từ này không có trong từ điển. Và, lạ hơn: rất ít Chăm dùng trong sinh hoạt nữa, dù không hiếm người còn nhớ nó. Có lẽ hôm nay, quê không còn chim, bọn trẻ Chăm hết dùng ná cao su làm dụng cụ bắn chim chăng?! Theo tôi nếu còn, thế hệ trẻ Chăm vẫn thích nói “nổi” hơn. Vì “bệnh” đâu có bị triệt tiêu, nhưng ta cứ vô tư xài “bệnh” thay vì “rwak” đấy thôi.

RIƠNG JAI, cũng vậy. Đây là từ hàm nghĩa văn hóa rất cao. Hai anh em trai trong nhà không nên lấy vợ cùng talei paga/liên gia, hoặc ba anh em không được lấy vợ chung làng. Nếu thế: riơng jai! Tối kị, theo quan niệm của Chăm về hôn nhân. Nhưng vài chục năm nay, quan niệm bất thành văn đã mất, và từ vựng này cũng đi đời nhà ma luôn.

NGUT NGUT. có nghĩa là vòi või. Từ rất hay, đầy thi tính.
Maung akauk ngut ngut: ngóng trông vòi või.
Tuổi hai mươi ở quê, mỗi chiều ra thăm ruộng tôi cũng thấy, vẫn con chim ấy đậu trên cành tre ấy và, kêu chiêm chiếp. Có lẽ nó đang chờ ai đó, mẹ nó hay bạn nó đi xa không bao giờ trở lại. Bất chợt tôi nhớ cái từ mẹ tôi hay dùng: ngut ngut. Vào học Sài Gòn, dáng con chim ấy và tiếng kêu ấy thỉnh thoảng bất chợt trở lại trong tâm thức tôi. Tháng sau về quê, tôi không còn thấy cành tre đó nữa. Con chim mất hút. Tôi hỏi, cha nói: cành đó oằn xuống vướng lối đi, cha đã chặt bỏ rồi. Tôi nghĩ mình cần lưu trữ hình ảnh ấy trong kỉ niệm, nhất là lưu trữ tiếng ấy. Nó sắp mất. Đúng! Hôm nay nó đã mất rồi…
Đây là câu đầu bài thơ viết vào khoảng 1977:

Blauh ciim ghơh dơng cang ai ngut ngut
Ngauk dhan krưm ai si kauh mưng nan…

Một đoạn thơ trong Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ Tân hình thức:
Làng tôi vừa dựng lên một ngọn đồi
Làm nghĩa trang chôn xác chữ
Ngày mai
.

Mùa thu năm 2006, VTV3 làm phim 24 phút về tôi: Inrasara đi giữa truyền thống và hiện đại. Nhớ, đây phim thứ chín – khiếp! Tôi nói: còn món gì để các bạn “khai thác” nữa đâu? – Có, anh à, anh tin em đi.
Szymborska nói đại ý làm phim về nhà thơ chỉ cần 10 phút là đủ, chả có gì hấp dẫn ở đây, quanh đi quẩn lại ông/bà ta viết câu này xóa câu kia; hôm nay bỏ dấu phẩy mai lại thấy tẩy nó,…Vậy thôi, hết ngày. Tôi còn có cái may mắn ăn theo tháp Chàm, đồi cát, dệt thổ cẩm, làm gốm, sông Lu,…Nhưng cùng lắm qua 20 phút là hết trọi chớ ai mãi đi tận phim bộ thứ chín rồi còn thứ bao nhiêu nữa, ma mà biết được!
– Em có ngón độc chưa đạo diễn nào thấy. Mà qua phim ảnh Sara còn cho người xem biết thêm về văn hóa – xã hội Chăm nữa mà. Anh tiếp thị cho đồng bào Chăm đáng kể đấy chứ.
Dù không tin thế, nhưng rồi tôi cũng ậm ừ cho qua và … tiếp tục làm diễn viên. Trên xe về quê, tôi lướt qua kịch bản phim, bấm bụng nhịn cười. Khi cô đạo diễn đòi dẫn đi quay cảnh “nghĩa trang chữ”. – Đây là cao trào, cô nàng nói. Tôi mới cười to: – Em cứ chĩa máy lên trời hay xuống đất bất kì đâu thì ở đấy là nghĩa trang chữ. Cô đạo diễn trố mắt nhìn tôi, cuối cùng mới hiểu ra, kêu lên: trời đất!

*
Chữ Chăm đang chết, hàng ngày. Hàng ngày, tôi làm đám tang đưa chúng vào nghĩa trang chữ. Có vài giọt nước mắt. Không, đúng hơn đã có nỗi buồn, nỗi buồn còn to hơn trái đồi.
Hoelderlin: Và để làm gì, thi sĩ, trong thời đại bần nhược, điêu linh?
Thi sĩ không làm gì cả, ngoài định phận mà hắn tự ban cho mình: Canh giữ nỗi buồn kia.

Sài Gòn, 2000-2005.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *