19. YÊU CÁI BIẾT 02
Từ tuổi biết đọc, tôi đã ghét báo chí. Tôi không hề cầm đến tờ [nhật, tuần] báo, mãi đến 1991, là năm tôi mở quán. Quán tạp hóa bán đủ loại, hiếm thời giờ rỗi, thế nên các khoảng hở khá thích hợp cho báo: Thể thao & Văn hóa, và Tuổi trẻ, còn Công an Thành phố, thì: non!
Báo chí bày ra trước mặt ta đủ thứ tin, trăm cái mỗi ngày, mà không cho ta cái BIẾT. Ta tưởng ta biết tất cả, nhưng thật ra chả biết gì cả. Nó cho ta thứ để ba hoa chích chòe, chứ Tri thức thì không.
Tôi khuyên bạn: Chớ ham báo chí, FB với mấy Stt ngắn [& nhảm] tránh càng xa càng tốt. Mà cần đọc sách, cùng bài viết dài với những phân tích, chứng cứ và lập luận cần thiết.
Thử dấn sâu hơn xíu…
1. Việt Nam không có văn hóa tranh luận, không biết mình không có để mà học, mà sửa. Do truyền thống nền nếp trên dưới, ta càng không ưa, không khuyến khích tranh luận. Tranh luận ở ta là tranh luận kiểu “dân hỏi Bộ trưởng trả lời”, chứ không trực diện, và đến nơi đến chốn.
Tệ nhất là chốn ấy, thứ đến là ở nhà trường – ngay cấp cần tạo điều kiện cho tinh thần phản biện (critical thinking), không khí tranh luận nhất: Đại học. Giáo sư – tiến sĩ là thứ dữ rồi, sinh viên đố ai mon men phản biện, chứ đừng nói tranh luận. Cả khi ra trường làm nghiên cứu sinh, ta cũng mang tâm lí ấy. Sợ bị đì, bị điểm kém, ta ngán. Ngán quá thành HÈN.
Không phản biện, khó mà đi đến cái BIẾT khả dĩ.
2. Tôi đã từng chơi trò ngược đời: cãi thầy. Lớp cuối Trung học ở Nguyễn Trãi – Phan Rang, tôi với Du cãi ông thầy dạy văn, sợ bị đì, Du chạy thoát thân qua ban D, tôi ở lại. Và cãi tiếp… [nhớ, đó là năm 1976]. Lên Đại học [1977] tôi cũng không chừa cái tật: Cãi, và tự chạy từ ban Văn qua ban Anh ngữ.
Vì yêu cái BIẾT, tôi thích người nghe chỉ ra cái sai của mình. 3 chuyện:
– Năm 1987, Hội Bảo thọ Chakleng tổ chức tôi nói chuyện về “Từ Vựng Học Tiếng Cham” cho khoảng 30 trí thức palei và làng khác. Hết bài thuyết, tôi nói: “Tôi mong chú bác, anh em chỉ ra cái sai của mình”. Sau cuộc, ông Châu Văn Mỗ [là Hội trưởng] nhắc tôi: Trạm nói vậy, người ta sẽ cho cháu ngạo mạn đó.
Lời chân tình ấy khiến tôi ngạc nhiên không ít. Là kinh nghiệm đầu đời.
– Năm 1994, Hội nghị Góp ý Từ điển ở Phan Rang, khoảng 200 trí thức Cham các nơi đến dự. Ở đầu buổi sáng, tôi gợi ý: “Đây là dịp hiếm có, xin quý vị đừng khen, mà hãy chỉ ra những cái sai càng nhiều càng tốt, để ta còn chỉnh sửa trước khi in”.
Phát biểu làm nhiều đại biểu bất ngờ, nhưng rồi bà con cũng vâng theo, làm thiệt!
– Hai buổi thuyết trình do Hội đồng LLPB VHNT Trung ương tổ chức, một ở Ninh Bình một ở Đồng Nai, trước khoảng 300 “học viên”, thay vì làm hệt các “nhà” trước đó: Thuyết xong, cho email [để hỏi-trả lời], rồi lững thững đi xuống, mỗi tôi làm ngược lại: Dành nửa thời gian cho “thuyết”, nửa còn lại đề nghị học viên trao đổi, cần thiết – tranh luận. Hậu quả: Cái ông Inrasara lập dị kia không còn được Hội đồng ưu ái ở những năm sau đó nữa!
Khác:
Thèm không khí dân chủ trong học thuật, tôi chủ trì Bàn tròn Văn chương, để mọi người cùng trao đổi/ tranh luận về văn học. Ở Sài Gòn chúng tôi đã làm được. Dân chủ phải biết.
Mới nhất, tại Hội thảo Đại học Nha Trang, xong 15 phút thuyết, tôi khuyến/ khiêu khích cử toạ đặt câu hỏi. Không lạ, khi tham luận của tôi dành được bộn “hỏi-trả lời” trực tiếp. Qua đó cứu gỡ được cơn buồn ngủ tập thể tại hội trường.
Tôi cho đó do tình yêu CÁI BIẾT mà ra. Có ai chỉ ra cái sai của mình, tôi nói tiếng “karun”, và sửa. Chớ ai đi xấu hổ về điều mình không biết.
Khác với giáo sư-tiến sĩ nhà ta, rất sợ bị hố; sợ hơn nữa bị thiên hạ thấy cái “dốt” [cả khối] của mình ngay giữa chợ đông. Mèng!