20. YÊU CÁI MỚI

Có vị quan văn khá to kêu: Inrasara tập trung vào nghiên cứu văn hóa Cham đi, bõ bèn gì mà thơ với thẩn; một bạn văn thân mến thì: Phải chi Sara làm thơ đi, dấn vào chốn phê bình chi cho rắc rối; và quan to có viết lách: Sara dừng lại chuyện chữ nghĩa là được rồi, nỗi gì mà phải lên tiếng này nọ cho rách việc.
Nỗi gì, phải chi… nhưng có thể không?
Từ trong bụng mẹ, tôi được Bà Trời cấu trúc gien yêu cái mới.
Yêu cái mới, ngay từ ý thức về học, tôi luôn học những thứ không được dạy trong chương trình. Kì gian ở ĐH Sư phạm Anh văn, tôi học triết là chính; còn ở Trung học, tôi học làm thơ với chữ Cham.
Bước chân vào đời, tình yêu kia cứ đeo bám tôi, không rời bỏ được.

1. Ở lĩnh vực thơ ca, thúc đẩy bởi tình yêu cái mới, tôi chấp nhận cái mới ngay khi nó vừa ló mặt. Không phải là “cách tân” các thứ, mà cái mới như là cái mới, mới từ thẳm sâu tâm thức mới ra.
Yêu cái mới, thôi thám hiểm vào sáng tác ngoại vi, để tự mình phát hiện tên tuổi mới lạ, tiếng thơ mới lạ. Cả hiện tượng có vẻ quái dị nhất, Nhóm Mở Miệng chẳng hạn. Tôi chấp nhận nó ngay khi nó vừa mở mắt chào đời, còn chập chững, còn vô danh. Chấp nhận, yêu, tìm hiểu để viết về, và sẵn sàng bảo vệ nó khi nó bị mỉa mai, bị bôi nhọ, bị bạo động gạt ra ngoài lề.
Sau đó, thái độ tôi với phong trào tân hình thức, hay hậu hiện đại cũng hệt.

2. Yêu cái mới, ở lĩnh vực văn học – dù tôi khởi đầu với thơ, qua đó thiên hạ đóng dấu bằng danh vị “nhà thơ”, tuy nhiên tôi không dừng tại đây, mà dấn mình vào và thử nghiệm nhiều thể loại khác nhau. Từ truyện ngắn, bút kí đến tiểu thuyết; từ tiểu luận, nghiên cứu cho đến phê bình. Thuyết trình, và tranh luận về văn học nữa cũng không chừa.

3. Cả ở văn hóa Cham, từ tình yêu cái mới, tôi không trú ẩn ở ngôn ngữ học và nghiên cứu văn học dân tộc như thuở ban đầu lưu luyến ấy, mà còn khai phá nhiều lối đi khác nhau. Hải sử và văn hóa biển Cham, tư tưởng và minh triết Cham; đi vào lòng xã hội để lên tiếng về/ cho cộng đồng Cham. Để qua đó, hiểu sâu hơn tâm hồn dân tộc mình.
Chối từ đi theo lối mòn, con đường vạch sẵn, để phải đạp cứt jwak eh thiên hạ.

4. Yêu cái mới, tôi [và Phan Thị Vàng Anh] lập Bàn tròn Văn chương [thuộc vùng ngoại vi Hội Nhà văn Việt Nam], để mình cùng các bạn văn được tự do bàn về văn chương đương đại mà không phải bị ai áp đặt. Về mọi vấn đề và đề tài, mọi khuynh hướng và thử nghiệm. Cởi mở, và dân chủ.
Yêu cái mới, để mỗi bước đi là một thách thức. Để mỗi phát hiện, là một niềm vui.
Sống và vui, sống là vui – tại sao không?!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *