Khám phá lớn nhất của tôi là khám phá về Tình Yêu 07. YÊU MỚI NÓI

[giải minh về 3 ý kiến trên FB Cham. Lưu ý thêm: trong trao đổi học thuật, tôi luôn công khai: tên tác giả, tên bài viết và ngày tháng đăng. Riêng tại đây vắng mặt cả 3, do đây ko là trao đổi học thuật mà là giải minh giúp người đọc [nhất là Cham] nắm được vài vấn đề]. Karun!.]AT-D Pp 01n,
AT-D Pp 02
Chúng ta vẫn chưa biết tranh luận, chưa học để biết tranh luận, chưa biết mình không biết – để học. Hệ quả, thứ nhất cuộc tranh luận lơ lửng không đi tới đâu, thứ hai tranh luận dẫn đến cãi cọ, từ đó bế tắc, cuối rốt là đôi ngả chia li. Nguyên nhân: Về chuyên môn, do thiếu thông tin, thiếu kiến thức, thiếu lí thuyết; còn về tâm thế là – thiếu thiện chí, và nhất là thiếu sự bình tĩnh cần thiết.
Trong văn giới Việt, cả với Cham cũng hệt. Riêng với Cham, tôi hiếm khi tranh luận, mà “giải minh”, “đính chính”. Nói là nói cho, nói giúp. 1-2 lần không nghe thì thôi. Thử nêu 3 trường hợp tiêu biểu chưa nguội, và hơi nóng.

1. Năm 2016, tôi viết phê bình “lời nói đầu” ở một tập thơ bạn thơ trẻ, chỉ ra 4 cái sai rất căn bản về kiến thức thơ. Ngay tháng sau, tôi nhận bài phản hồi tấn công tôi của bạn trẻ ấy đăng trên mạng Cham hải ngoại: Lạc đề, cả xâm phạm đời tư tôi. Tôi nhắc bạn ấy qua một lần, rồi thôi.
Tôi cho đó là lỗi về tâm thế: non trẻ và nóng vội.

2. Tháng 4-2017, Stt của một vị Cham nội dung đại ý chê thế hệ cha chú Cham [từ Lưu Quý Tân, Thiên Sanh Cảnh… đến Bạch Thanh Chạy] thiếu chuyên môn ngôn ngữ, nên phạm sai lầm. Đây là nhận định hầu như bị 99% Cham phản đối.
Lướt qua, có thể tóm các phản đối kia vào 2 ý chính:
– Họ là những người có uy tín xã hội, có công lớn trong truyền bá ngôn ngữ văn hóa Cham. Phê phán như thế là hỗn với bậc tiền bối.
– Ông đã làm được gì cho văn hóa Cham mà dám xúc phạm các vị đáng kính đó?
Cả 2 ý không sai, nhưng thiếu thuyết phục. Theo tôi, chỉ cần đặt câu hỏi:
Xưa, [sự thể biểu hiện ngay trong Từ điển Aymonier, xem ảnh], các cặp chữ cái Akhar thrah được viết giống nhau: PP/ D, DH/ B, G/ L, KH/ NHƯK, P/ S… Chúng chỉ được chuẩn hóa tách bạch vào giữa thập niên 1960, từ đó cộng đồng Cham [có cả ông] chấp nhận sử dụng. Công đó CỦA AI? Đó không là “chế biến” đầy sáng tạo của Lưu Quý Tân sao?! Một người “thiếu chuyên môn” có thể làm được chuyện đó?
Một câu hỏi thôi cũng đủ đẩy vị ấy vào thế không thể chống đỡ.
Kết. Kẻ phát ngôn ra câu đó là con người vô ơn, là không thể chối!
Tôi cho đó do lỗi thiếu thông tin, nói càn.
Một phản biện ngắn, mang tính điểm huyệt như thế làm cho người bị phản biện tâm phục khẩu phục.

3. Mới nhất, một Stt được nhiều người cho là đúng, và like. Đại ý: Các nhà nghiên cứu Pháp là những người mở cánh cửa đi vào văn hóa-văn minh Cham, nếu không có họ thì hôm nay Cham không biết nhận diện mình ra sao.
Là ý hay, đúng nhưng ĐẦY BẤT CẬP, HỚ HÊNH.
Có ít nhất 10 cánh cửa đi vào văn hóa-văn minh Cham, ở đó Pháp đã mở bao nhiêu cánh cửa, và mở tới đâu? Bao nhiêu cánh cửa nữa còn im ỉm đóng? Các nhà nghiên cứu thế hệ sau đó đã làm được gì ở những bước tiếp theo, để CHAM HIỂU MÌNH?
Tạm phân thành tựu về nghiên cứu văn hóa-văn minh Cham là 3 giai đoạn: Thời Pháp thuộc [GĐ1] – Thời Cộng Hòa [GĐ2] – và Thời XHCN [cả trong lẫn ngoài nước [GĐ3].

Người Pháp đã khai phá tốt 3 lĩnh vực: lịch sử, ngôn ngữ và kiến trúc-điêu khắc; còn lại thì rất sơ sài, hoặc chưa làm được gì cả. Thử lướt qua mấy thành tựu:
– Lịch sử: [GĐ1] Các công trình của Maspéro và J. Leuba là rất đáng nể; ở [GĐ2] anh em Dohamide-Dorôhiêm tiếp bước, sau đó [GĐ3] Po Dharma có thành tựu nổi bật.
– Ngôn ngữ: [GĐ1] Aymonier và Cabaton đặt nền móng; [GĐ2] Moussay, Blood, rồi Lưu Quý Tân và Thiên Sanh Cảnh kế tục; [GĐ3] Bùi Khánh Thế, Moussay và nhiều tác giả Cham khác hoạt động rầm rộ.
– Kiến trúc-điêu khắc: [GĐ1] Parmentier và… có công lớn; ở [GĐ2] ít thành tựu hơn, có lẽ do chiến tranh; sang [GĐ3] Trần Kỳ Phương cùng nhiều tác giả khác có đóng góp lớn.

Các lĩnh vực [cánh cửa] khác Pháp chưa làm, hay làm còn sơ sài, có thể kể:
– Văn hóa Cham tổng quát: Ở [GĐ3] nhóm Phan Xuân Biên… làm được tác phẩm căn bản với nhiều gợi mở quan trọng.
– Dân tộc học: Trong khi về các dân tộc Cao Nguyên người Pháp viết nhiều tác phẩm thuộc hàng kinh điển, thì về Cham chưa có gì đáng kể; sang [GĐ2] Nghiêm Thẩm mới đặt chân khai phá vùng đất này.
– Sinh hoạt đời sống: Nông nghiệp, ngư nghiệp, ẩm thực, gốm, thổ cẩm… là các mảnh đất vẫn còn bỏ hoang.
– Tôn giáo, phong tục tập quán: Người Pháp chi lướt qua, sang [GĐ2] các nhà nghiên cứu Việt và Cham có vài đóng góp khiêm tốn, phải bước sang [GĐ3], chủ đề này mới được giới nghiên cứu khai thác triệt để. Ở đó Sakaya là người có công đầu.
– Văn học: Ở [GĐ1] Pháp mới có vài truyện kể nhỏ, và gần như họ không cho Cham có văn học. Đến nỗi P. Mus quyết rằng văn học Cham chỉ tóm trong vài chục trang sách là hết. Qua [GĐ2] Trung tâm Văn hóa Chàm in 3 tác phẩm cổ điển bằng Akhar thrah, rồi Thiên Sanh Cảnh dịch nguyên 2 tác phẩm, và một phần sử thi Dewa Mưno. Chính việc này gợi hứng cho Inrasara hoàn thành bộ Văn học Cham: Cả khái luận, văn bản Cham, Việt dịch, đối chiếu dị bản, chú thích, Index – nghĩa là đảm bảo tính toàn cảnh và tính khoa học. Ở giai đoạn này, nhóm Cham ở Malaysia cũng có xuất bản được gần chục tác phẩm văn học cổ điển Cham.

*
Ghi nhận, CẢM ƠN và tiếp bước, nhưng không thể không phê bình.
Dharma đã phê bình việc sử gia Pháp cho lịch sử Champa kết thúc ở năm 1471; phê bình đúng, và ông làm việc để chứng minh cho lí lẽ trên.
Trần Kỳ Phương phê bình vài nhà khảo cổ Pháp phác họa thiết kế khu vực tháp sai, ông đã điều chỉnh lại, sau đó làm phần việc của mình.
Sakaya phê bình các nhà nghiên cứu Việt lâu nay mãi đi vào thực tế Cham, mà thiếu tầm mắt nhìn về khoảng xa rộng hơn: thế giới Mã Lai. Từ đó anh làm cuộc đối sánh để bật lên cái mới lạ phong tục tập quán Cham.
Cá nhân tôi phê phán Paul Mus, rồi hành động để bày ra cho thế giới thấy văn học Cham là nền văn học lớn.

Tạm khái quát như thế, để thấy rằng: Nhận diện và ghi công [cùng biết ơn] các vị tiền bối Pháp, Việt, và Cham… là cần; còn nếu cứ đổ mọi công lao cho Pháp, là rất bất cập: E họ không gánh nổi.
Nhận định bất cập trên có nguyên do của nó: thiếu kiến thức. Không có căn bản tiếng Pháp nên không thể đọc các văn bản Pháp [mới dịch rất ít], thiếu kiến thức về thành tựu kế tiếp ở [GĐ2], và nhất là không bao quát được các đóng góp quan trọng ở giai đoạn hiện tại.
Không quán xuyến được vấn đề, THIẾU THẨM QUYỀN CHUYÊN MÔN nên nhận định [dựa hơi thiếu nền tảng] ấy chỉ là một nhận định mang tính tham khảo.

Yêu hay ghét, chống hay thuận theo ai đó, mọi phản biện cần đặt trên nền tảng vững chắc, qua đó mới mong người bị/ được phản biện tự nhìn lại mình, mà sửa. Chứ một mực chê, vô tình ta đẩy đối tượng về phía đối nghịch; còn nếu chỉ có khen là khen dễ dẫn người thuộc “phe” mình vào chỗ chết [khen cho nó chết].
Câu châm ngôn của Trang Tử không phải là không đáng nhắc lại: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta; còn kẻ cứ khen bừa ta là kẻ thù của ta vậy”.

Yêu, có nghĩa là dám/ biết phản biện, là thế.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *