Hiện tượng Cham phân hóa, tranh cãi không lối thoát, tôi dự cảm nó từ năm tôi 34 tuổi, qua tiểu thuyết Chân Dung Cát (viết năm 1990-91). Bộ tiểu thuyết sử thi 9 tập Con Đường Vô Tận, đang viết ngon trớn thì Hani mở quán nhà quê, tôi ra tay giúp bà xã, đã phải ngưng.
Vào Sài Gòn giải quyết xong chuyện Từ điển và Văn học Cham, năm 2000, tôi sử dụng tâp 3 dang dở viết thành Chân Dung Cát, in năm 2006.
Cụm từ “chiến sĩ bảo vệ văn hóa Champa” do tôi bày ra để chỉ nhóm sinh linh Cham này. Nhiệt huyết có thừa, căm thù đã sẵn – bất cần tìm hiểu văn hóa Cham, thậm chí một chữ K bẻ đôi không biết, cũng chả phải trang bị tri thức nền tảng cần thiết, vẫn sẵn sàng ôm bom lao vào trận chiến, quyết liệt đấu để “bảo vệ” văn hóa Cham.
Năm 1990 khi dự cảm nó, tôi vẫn chưa hình dung được họ là ai, nhân vật nào lĩnh xướng; tuy nhiên điều tôi biết chắc là, chính họ có công khiến thế giới ngoảnh về Cham hơn chút chút, và làm cho Cham nát bét nhiều nhiều hơn.
Dự cảm kia lộ diện và thành một hiện tượng xã hội đang diễn ra, từ mươi năm qua… thì ai cũng thấy rồi.
Buồn không!
Trích Chân Dung Cát (2006), nguyên văn:
Đoạn1. Chân dung chiến sĩ.
“Không phải yêu thiết tha gì tiếng mẹ đẻ mà hắn cho là thiếu logic trầm trọng, cũng chả thương mến đầm ấm gì nền văn hóa hắn gọi đích danh là tập hợp mớ vay mượn vụng về, càng không phải nặng trách nhiệm với xã hội Cham hôm nay cùng vô thiên lủng tranh chấp vụn vặt, ích kỉ nhỏ bé mà hắn ngấy tận cổ, thế nhưng Jaklan đã tự sung vào đội quân chiến sĩ bảo vệ văn hóa Cham nhiệt liệt như một người lính trung kiên bất thối chuyển”.
Đoạn 2. Thất vọng về chiến sĩ.
“Năm 1997, ngài giáo sư Trần Hùng than phiền bọn chiến sĩ bảo vệ văn hóa Champa gây phiền hết sức hết sức…
Ngài nghe ê chề. Ê chề với cả tiểu đội “chiến sĩ bảo vệ văn hóa Champa” trung kiên ngu xuẩn trước thầy sau tớ lao xao luôn mồm nghiên cứu mà sai viết một biên bản khoa học cũng không nên hồn.”
Đoạn 3. Thái độ với chiến sĩ.
“Nhưng ông nhà văn này vốn máu điên Chakleng, nghĩa là thư thả ngồi kiết già e hèm suy nghiệm về sự cố dù nguy cấp đến đâu để truy nguyên mũi tên xuất phát. Ngay tức thì chúng ló ra: không đâu cả mà chính từ cái loa của những “chiến sĩ bảo vệ văn hóa Champa” trung thành trung kiên, trong đó không ít vị tự nhận đồ đệ trung tín của ngài giáo sư Trần Hùng. Có chiến sĩ còn dọa viết trao đổi nữa! Mò ơi, ông ta kể hôm đó đã kí giấy tự cho phép mình cười trận nứt bụng”.