09. Di Li, Thủy Anna &… tôi
Festival Thơ Châu Á-Thái Bình Dương năm 2010, tôi có kỉ niệm đẹp với hai người đẹp Hà Nội: Di Li và Thủy Anna.
Sau ngày khai mạc ở thủ đô, ngày thứ hai, cả đoàn đi xe xuống Tuần Châu làm cái đêm thơ [hứa hẹn] tầm khu vực.
[Xin mở ngoặc nói xấu phe ta xíu: Đoàn đi luôn có xe an ninh hụ còi, đằng trước đằng sau. Đụng đèn xanh nhân dân cũng phải nhường đường. Gặp khúc ngã tư đợi hơi lâu, nhân dân ngó lên xe thấy vài cái đầu thò ra, chợt mở to mắt, quay lại nói với nhân dân bên dưới: Tưởng gì, đ.m. đám… nhà văn].
Tầm khu vực mà sân khấu thấp lè tè, ngồi hàng ghế thứ 7-8 thôi mà thấy có mỗi cái đầu thi sĩ đang diễn lúc lắc qua lại, thêm MC đực rựa xém tuối thất thập nói dài, thì còn ham cái nỗi gì.
Cơm chiều, chúng tôi hẹn nhau đi chơi, chớ không dự chi cả. Kẹt nỗi, Di Li phải làm dịch giả cho đoàn, muốn thoát cũng không được, đành ở lại chịu trận. Có mỗi tôi với Thủy Anna đi lòng vòng khu du lịch vàng đất Bắc, tán chuyện văn chương trên trời dưới đất. À, có ông bạn thơ già nữa, nhưng được vài vòng thì ông kêu mỏi cẳng.
Tuần Châu đẹp, đi bên cạnh là người đẹp, được thoái mái tán thơ với người đẹp [viết văn] ít hiểu về thơ, thì sướng bằng tiên.
Riêng Di Li, tôi có thêm chuyện hơi buồn [cười] nữa.
Năm 2016, bàn chuyện Formosa, tôi link bài viết của bạn văn qua tường tôi, kéo tên: “Một cách nhìn khác về Formosa”, bị một tiến sĩ giật cái tít Stt mỉa tôi [và nàng]: “Khi nhà thơ bàn về kinh tế”. Trước đó, năm 2015, một tiến sĩ Chàm hải ngoại cũng mỉa tôi kiểu tương tự: “Inrasara nghiên cứu theo kiểu một nhà thơ làm nghiên cứu”.
Cái dân dạy đại học quen đọc sinh viên chép nên sanh tâm chủ quan, chả bàn trực tiếp về luận điểm đưa ra, mà chỉ cần: “đúng là nhà thơ”, vẫn tự tin đánh sập ý kiến đối phương! Đơn giản, bởi nhà thơ là nhà… tào lao.
Càng không them lục hồ sơ hai sinh linh chữ này ra ngó qua nữa.
Ngẫu hứng rủ bồ qua nhà chơi, để bị chưởi “ngu”, nên mình xắn tay áo nhào vô đỡ đòn cho bồ. Tôi kêu, Di Li cực thông minh, bạn FB ơi, thì bị lãnh đạn tiếp. Kẹt thế chứ!
Trời biển! Người nữ viết truyện trinh thám kinh dị, cũng đủ kinh dị rồi. Thêm, Di Li tiếng Anh như gió, đi Tây đi Đông như chuyện thiền sư mặc áo ăn cơm; nữa: nhà văn đồng thời là chuyên viên tư vấn quảng cáo & PR, và là giảng viên môn Quan hệ công chúng, nó còn nghĩ chuyện kinh thiên [động địa] chứ, kinh tế mà nhằm nhò gì.
Đâu phải tào lao như nhà thơ… Inrasara.
Mà tui đâu phải có mỗi trị món tào lao. Về chữ nghĩa, ngoài nhà tào lao này, tôi còn kiêm nhiều nhà khác, ngon lành chả kém chi danh vị [hão] mà tôi đang mang vác.
Bổ sung hồ sơ: Trước khi là ‘nhà’ các thứ, tôi đã dày mặt với kinh tế: 2 năm kế toán trưởng HTX [cấp làng], 4 năm kế toán cơ quan [cấp Tỉnh], rồi 10 năm điều hành Cty trụ ngay trung tâm Sài Gòn có cả đống đối tác nước ngoài [cấp quốc tế], thì cũng có thể bàn về kinh tế sòng phẳng lắm chứ.
Sao lại không!?
10. Tố Hữu &… tôi
Sau “giải phóng” tôi mê thơ Tố Hữu phải biết, mê với niềm say thơ của tuổi trẻ. Phải mãi sau này – qua cánh dân chủ – tôi mới biết ông có mấy câu/ bài thơ tào lao; hay vụ ông xử Nhân văn – Giai phẩm, mới tệ, chứ lúc đó tôi vẫn trắng.
Thơ tuyên truyền cho lí tưởng cỡ đó, công nhận là siêu.
Tố Hữu mất lâu rồi, trong khi chuyện kể là kể kỉ niệm về người đang sống, để bạn văn còn giúp nhau chỉnh sửa. Bởi cho dù tôi có thói quen ghi chép và chưa từng mang tiếng kể oan cho ai, biết đâu đấy đôi lúc kí ức vẫn có thể xộc tới đánh lừa mình. Và mình trật.
Câu chuyện có dính dáng đến người trong ảnh, nên kể để biết thế sự.
Đầu năm 1998, ra Hà Nội nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ đầu tay Tháp Nắng, sẵn dắt bà xã theo để qua Hà Đông thăm làng dệt, còn lên Mai Châu coi người Thái làm thổ cẩm.
Hai ông bà đến đúng giờ. Tác phẩm của các tác giả đoạt giải bày trên bàn ở hành lang đầy ra, mình thì chả có cuốn nào góp mặt. Chị Tuyên kêu, tụi này phải mang thơ bạn đi photo để Hội đồng xét đó.
Hội trường đã ních người. Hai ông bà tôi tự xử. Sự kiện mấy năm sau nhà văn đoạt giải Nguyễn Ngọc Tư không có ghế ngồi bị nhà báo kêu, là chuyện thường ngày ở Hội Nhà văn, chưa qua cầu thì chưa hay.
Tôi lạ huơ hoắc, ai biết đâu là đâu. Ông bạn già ngồi bên ghé hỏi:
– Xin lỗi cậu đâu nhỉ?
– Dạ, Phan Rang, – tôi nói.
Ông không hỏi thêm. Tôi không nói thêm.
Tên Inrasara được hô lên: lại là tên lạ hoắc. Mãi khi tôi ưỡn ngực bước lên, mọi con mắt người lẫn camera mới dồn tới. Tan hội, mọi người vào tiệc, còn tôi bị đẩy ra hành lang. Có đến chục nhà báo đài cả thảy, trong khi bụng dạ tôi đúng giờ giấc là cồn cào.
Đến khi nhà thơ lớn Tố Hữu đi tới, họ mới tản ra.
Người trong ảnh kèm sát Tố Hữu là Mai Quốc Liên.
Nhắc bà xã vào tiệc trước, tôi đứng lại tiếp hai nhà. Tố Hữu thèm biết đủ chuyện về Cham, cuối cuộc gặp, ông hỏi:
– Cậu có biết trường ca Cham không?
– Sara là tác giả bộ Văn học Cham khái luận văn tuyển 3 tập, ở trỏng có mươi trường ca Cham bằng tiếng Việt, bác à.
Ông kêu: Hay quá, cậu gửi cho mình mới được.
Thế là Mai Quốc Liên cũng tát theo: Vào thành phố, ông đưa cho tôi luôn thể. Tôi lấy giấy bút ra ghi địa chỉ ông.
Chuyện xong thì tiệc cũng tan. Đang cùng bà xã lang thang phố Hà Nội tìm quán ăn, thì chiếc bốn bánh xịch ngay trước mặt. Xe công an! Một đàn ông tầm thước bước xuống xe, mở nụ cười thật tươi, và tự giới thiệu “nhà văn Văn Phan”.
– Lên đây, mình đưa hai ông bà về khách sạn.
Lên xe, hỏi thăm nhau râm ran, cũng vui vẻ đáo để. Bắt tay giã từ nhà văn đại tá công an, tôi quay sang nổ với bà xã: “Mẹ nó thấy chưa, giải Hội Nhà văn to thế đó”.
Vào Sài Gòn, tôi ra bưu điện gửi ngay Văn học Cham II – Trường ca cho Tố Hữu theo địa chỉ báo Văn nghệ, rồi cầm một bản đạp xe từ Đại học qua Mai Quốc Liên ở đường Nguyễn Hồi Thủ, “Kính tặng Giáo sư Mai Quốc Liên”.
Ông rót cho tôi chén trà nguội, lơ là cầm quà tặng, lơ là đặt nó lên bàn, và lơ là thốt:
– Chẳng biết tôi có thời giờ đọc không nữa.
Trời biển! Tôi lầm lui lặng lẽ ra về. Giá có iPad như bây giờ ghi ảnh tôi giây phút trời ơi ấy, nó đi vào văn học sử là cái chắc.
Ra Hà Nội, tôi mang chuyện hót lại với Đăng Bẩy đang ở báo, anh nói:
– Tố Hữu còn đánh xe đến tận đây nhận quà Sara đó.
Hú hồn!
[1. Bài học có thể rút ở đây: “Chẳng phải thi nhân chớ tặng thơ”.
2. … Sau đó Đăng Bẩy mời cơm vợ chồng tôi – ảnh2, rồi còn phân công ông bạn trẻ đưa ông bà thăm Bảo tang Thủ đô để chụp cái ảnh Bia Võ Cạnh nữa – ảnh3.
3. Ai có năng khiếu phân tích ảnh này cũng hay:
– Tôi nổ về Cham, đưa nhà thơ Tố Hữu từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác [ánh mắt Tố Hữu]. Sara còn dám đưa tay chỉ chỏ bác ấy nữa, dĩ nhiên khá khiêm tốn: ngón tay trỏ đưa thấp xuống.
– Bà xã gặp được nhà thơ lớn, đang ăn cũng chạy lại hóng chuyện tiếp, cười cực tươi.
– Giáo sư Mai Quốc Liên cũng cười, nhưng không biết cười về điều gì].