TÔI & VĂN NGHỆ SĨ 7-8

07. Trần Anh Thái &… tôi

Anh bộ đội đúng nghĩa bộ đội, xong nghĩa vụ trở về làm chữ nghĩa, thì văn chương ấy luôn tràn ý nghĩa. Và hay. Tôi biết vài nhà văn bộ đội như thế: Nguyễn Bình Phương, Bảo Ninh, Trần Anh Thái… Ở phía bên kia: Cao Xuân Huy là một.
Ra trận, họ cầm súng xông vào lửa đạn. Họ bắn thật, chứ không bắn bổng. Xong, họ về, họ dằn vặt về cái bắn của mình. Ngẫm thân phận con người, thân phận chiến tranh. Và viết.
Khác hẳn một anh bạn thơ, dự Trại Sáng tác Vũng Tàu năm 2002, anh kể sau một trận ác chiến giáp lá cà, đại đội anh bắt sống hơn chục lính Cộng hòa, cho xếp hàng, và xử luôn. Xử, do đồng đội mình chết nhiều, đau và căm giận – không sao cả, nhưng cái giọng anh kể sau 25 năm, nó mới khoái đến ác.
Anh làm thơ dở thì phải, – tôi nói.

Trần Anh Thái chắc chắn không thuộc típ bộ đội đó rồi.
Anh kén bạn, với tôi anh thân như anh em, vậy mà tôi không nhớ hai đứa quen nhau hồi nào nữa. Đại hội Hội Nhà văn 2005, anh thúc tôi: Vào BCH đi, bạn có đủ khả năng và bản lĩnh kiềm chúng nó, – anh kêu. Ghê vậy đó. Nghe lời, tôi cho người ta bầu. Hạng 7, nhưng số phiếu lại không được quá bán. Nên rớt!
Đại biểu Dân tộc thiểu số, không; miền Nam cũng không. Tin đồn Sara với Lê Chí sắp được bầu bổ sung cứ lan ra. Buồn cười!
À, có lẽ chúng tôi thâm tình qua vụ bút danh Mã Pí Lèng tôi hùn vào viết cho trang Văn hóa Văn nghệ báo Quân đội Nhân dân do anh phụ trách.

Ra Hà Nội, không lần nào tôi không ghé anh. Vẫn quán nhỏ khiêm cung mà sang mà ấm áp ấy, vẫn loại bia cao cấp ấy, mỗi đứa hai chai, tán thơ trên dưới hai tiếng. Rồi về.
Mùa hè 2016, dự Hội thảo Thơ Đổi mới xong, tạt qua anh, tôi phone:
– Có hai bạn thơ nữ ở miền Nam nữa cùng tháp tùng nhé.
– Phải thơ hay mới được! – Anh kêu.
– Đi với Sara thì từ hay trở lên, – tôi cười lớn qua điện thoại.
Anh nói: Thế thì được!
Vũ Thiên Kiều, Kiều Maily, Du Nguyên, thêm: Phạm Minh Đăng. Thế là suốt buổi chiều và tối ấy, anh bay. Như mỗi lần cho in tập thơ mới, Trần Anh Thái bay là là suốt tháng đó. Thơ thì phải hay mới làm; thơ phải là thơ hay, mới đọc – anh tuyên.
Vẫn giọng đắm đuối mê ly, như cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Yêu bạn mình là vậy.
Riêng vụ “bạn phải một lần về quê Thái Bình tôi chơi mới trọn vẹn”, thì mãi hẹn.
Bao giờ?

08. Nguyễn Hoàng Tranh &… tôi

Tôi với Nguyễn Hoàng Tranh có với nhau cái kỉ niệm cũng đáng để kể.
Lần đầu gặp Tranh ở Cà phê góc đường Lý Tự Trọng-Đồng Khởi, cùng 6-7 bạn văn tự do ở đó. Tôi cầm tờ Tiền phong Chủ nhật (số 1-2004) theo, chìa ra khoe mọi người bài viết của Nguyễn Hoàng Sơn: “Inrasara, lần thứ hai nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam”.
Nguyễn Quốc Chánh khích: – Sara từ chối đi, ông sẽ nổi như cồn đó.
Tôi liếc sang Tranh, Tranh bảo: – Cần thiết gì đâu, nhận chứ.
Xong cuộc, bạn thơ trẻ định chạy qua bùng binh Nhà Hát Lớn đổi đô Úc, tôi nói: – Mình có đây. Cà phê với vài miếng bánh mà giá kêu trên trời, may thuở ấy tôi đại gia chứ không đói như bây giờ, nên rút ví không chút run tay, chả thua kém chi Việt kiều.

Vài hôm sau, tối – Nhóm Mở Miệng tổ chức trình diễn thơ tại một Quán Cà phê đường Nguyễn Văn Trỗi, anh chị em văn chương vỉa hè tụ tập khá đông, thêm dăm văn nhân hải ngoại nữa. Chưa vào cuộc thì bị an ninh ốp. Mọi người nhặm lẹ tản qua quán ăn gần đó, định tiếp tục chương trình. Đã hơn 8 giờ tối, sắp giờ ngủ, tôi dzọt về.
Sáng mở mắt, tin vài thành viên trụ cột Mở Miệng bị tó. Anh chị em mạnh ai tứ tán nấy. Vài bạn văn còn bỏ thi hữu chạy lấy thân. Đó là thời điểm đánh dấu Văn chương vỉa hè Sài Gòn rã đám đợt đầu tiên. Thêm xích mích nội bộ lẻ tẻ.
Bùi Chát thì đang ở đồn, nghe đồn thế. Tôi phone kêu Lý Đợi qua gặp ở đường Vườn Lài, khuyên bạn trẻ nên thoát về quê vài tháng. Nhưng Mở Miệng mà, ngán gì!
Riêng Tranh thì tếch về Phú Yên…

Vào Sài Gòn, anh em gặp nhau lai rai. Cũng khoái, cũng rung đùi, thay kệ đời tới đâu thì tới [ảnh].
Nguyễn Hoàng Tranh ra hai tập thơ, cả hai tôi đều viết về. Năm 2003 in THỞ, năm 2005 in CHỮ. Năm 2006 (?), chàng thi sĩ tài hoa dẫn vợ về Việt Nam, phone rủ tôi qua cà phê Dấu Ấn Quận nhất, chia tay. Chia tay tôi, Tranh chia tay cả thơ luôn, có lẽ. Bởi hơn mười năm rồi còn gì…
Buồn không!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *