TÔI & BẠN VĂN NGHỆ 4-5-6

04. Nguyễn Viện & Tôi

Nguyễn Viện thích chơi chữ, nên bị chữ chơi lại, đáng lắm.
Đẻ xong tập thơ để đời, vội kêu là tập duy nhất, sẽ không thêm bài nào nữa – lại làm.
Xong vài tiểu thuyết bất hủ, hứa không viết nữa – lại ra tiếp mấy cuốn.
Hứa chi để mà thất hứa chứ. Thà như Nguyễn Duy, một lần hứa là hạ quyết tâm giữ lời. Muốn chơi lại thì kêu Vietnam Airlines chở cả đống thúng mủng rổ rá đính kèm thơ ra Hà Nội với quê nhà triển lãm cho thiên hạ xem chơi.
Nói đùa vậy chớ, có lẽ do Nguyễn Duy xài hết trơn trọi đạn. Còn anh, sung ống còn đầy ra, sao lại nín! Nín gì thì được, ai dại đi nín chữ. Nguyễn Viện là một trong vài tác giả [văn xuôi] ruột của tôi.
Kể một kỉ niệm hơi dài với anh [liên quan tới tấm ảnh].

*
Katê 2007, các bạn văn Nguyễn Viện, Thận Nhiên, Lynh Bacardi, Nguyễn Quang Tấn cùng ba nhà báo tự do từ Sài Gòn về Chakleng chơi. Có cả nhà nghiên cứu Mỹ gốc Ấn: Sam Sinha nữa. Thêm: cô sinh viên Kim Ngân theo Jaka cùng về.
Bạn văn chơi sang thuê khách sạn ở, các nhà báo ba cùng trú nhà tôi. Ông Sam sau hai đêm ngủ tại TP Phan Rang-TC, tối hôm đó nổi hứng trọ lại làng Cham để thưởng thức cho trọn vẹn không khí Katê. Nên mới có chuyện kể…

Sống quê nhà hơn nửa đời hư, tôi chưa hề bị gây phiền hà. Thế mà…
Canh chừng mẹ đang hấp hối ở nhà từ đường, tôi nhận cú điện thoại bảo qua gấp Nhà Trưng bày Inrahani, bởi “công an sắp xuống làm việc về vụ ông người Mỹ”. Mới 9 giờ rưỡi. Mắt nhắm mắt mở, tôi hộc tốc chạy tới.
Tôi mới biết Sam qua email, và tiếp ông hai tiếng ở Phan Rang, nghĩa là không biết gì nhiều về khách lạ này cả. Ông qua Chakleng, thì tôi bàn giao cho Jaka phục vụ như vị khách đặc biệt.
Tôi phone cho Taxi đến đón ông trở lại khách sạn. Khi Taxi dừng trước cửa, thì hai chiếc xe công an vừa tới. Toàn khuôn mặt quen! Anh an ninh dưới Tỉnh ngắt tôi vào nhà trong nói nhỏ: Anh Trạm thông cảm, mấy chú lính mới chẳng hiểu gì cả.
Thế là lập biên bản. Điếu Cày đi qua đi lại bấm mấy pô.
Đặt bút kí vào biên bản thì đồng hồ chỉ đúng 10 giờ 25 phút. Người thì được cho ở lại, còn Passport bị thu đi. Sáng sớm Jaka đưa Sam lên Huyện làm việc.
Cuộc “làm việc” kéo dài gần ba tiếng đồng hồ. Có cả bộ phận xuất nhập cảnh Tỉnh dự cuộc giải quyết. Chắc rắc rối tới nơi rồi, tôi nghĩ và lo cho người bạn từ nửa vòng trái đất đầu tiên về quê Cham. Điếu Cày tính làm căng, quyết đưa sự vụ lên báo. Tụi nó sai nguyên tắc: chưa tới 11 giờ, anh kêu.
Tôi nói: Mình dân Sài Gòn, quay đi, ở đây nó chơi mấy em có nước ngọng!

Bạn văn tôi đùa: Nhà văn lớn nhất Cham chưa đủ chất lượng ISO-2000 bảo đảm an ninh cho chiến hữu! Tôi đành cười mếu.
Passport đã lấy lại. Phạt tiền không, kiểm điểm chủ nhà cũng không nốt. Dẫu sao, sự vụ cũng để lại vết sẹo.
Chiều, cả đoàn được mời ghế danh dự tham dự Khai mạc Lễ hội Katê Mỹ Nghiệp, long trọng. Tréo ngoe! Ngài Sara được Ban tổ chức giới thiệu cũng rất hoành tráng. Xong, cả bọn kéo thêm ca sĩ Chế Viên sang nhà anh Bá Văn Bẩm, nhậu nhẹt, hát hò suốt 4 giờ đồng hồ.

05. Nguyễn Đăng Thường & tôi

Nguyễn Ðăng Thường có tác phẩm Thơ & Thơ dịch do Trình Bầy Sài Gòn in năm 1971, thì chưa là gì. Anh nhập cuộc Tienve.org ngay khi web này xuất hiện, cũng chưa là gì. Phải đến Thơ Bất Tận do nhà xuất bản NXB Giấy vụn ấn hành năm 2014, rồi Một Mùa Thiên Đường cũng do nhà này in năm 2015, mới ghê!
Đích thị dân chơi… thơ thứ thiệt. Trần đời dễ có mất tay…

Năm 2008, tôi đăng thông báo sắp làm: Nghiên cứu, Phê bình và Tuyển Thơ Việt, Từ Hiện đại Đến Hậu hiện đại, anh ủng tôi hết mình. Đó cũng là một cách chơi: Tôi chơi, rủ rê mọi người chơi, và anh nhập cuộc chịu chơi. Thử đọc:

Nguyễn Đăng Thường: “NỞ NGÀY, 11” (Tienve.org, 20-9-2008).
Inrasara – bạn đọc Tiền Vệ biết anh ta chứ? – Inrasara dự tính cho ra mắt một tập tiểu luận về các cây bút thơ hậu đổi mới, gởi meo mời bạn bè tham gia và yêu cầu mỗi trự tiếp tế mười bài thơ kèm theo tiểu sử của tác giả gấp để chàng kịp viết giới thiệu và phê bình. Chắc chắn rằng nó sẽ không là tiểu luận mà là đại láo để tung vào khâu kinh tế thơ ca xã hội chủ nghĩa theo định hướng thị trường nên tui rất hồ hởi muốn nhào vô ăn cỗ xắn cao tay áo lội nước trước thiên hạ. Nhưng khổ một nỗi là chiếm đất làm sân gôn vẫn dễ hơn là đạo thơ tạo thi nghiệp, chuyện ấy trừ ngài Sara có ai mà chẳng rõ. Do vậy, vị nào còn thừa thơ xỉn thì xin mần ơn cho thiên tài này vay tạm hai trăm gờ-ram.

Bầu cử Mỹ vừa qua, tôi biết, anh ủng Trump. Nhà tôi hiện ở Sài Gòn có 3 đứa, bà xã ủng bà Clinton, thằng Út ủng Trump; tôi lòng dự cảm Trump thắng, nhưng không dám ở phe chống bà xã, đành đứng trung lập với lời an ủi bà: Hillary là thứ dữ, chớ có đùa.
Tôi chưa gặp anh Thường, nên không có hình chung anh, nhưng tôi thân anh như đâu từ vài kiếp trước. Tạm đăng vài ảnh lấy từ FB anh như là một cách giao cảm.

Khoe thêm bài nữa ông anh “Viết tặng Inrasara”.
Nguyễn Ðăng Thường: THƠ NGÂY (FB 2017)

Khi ấy anh còn thơ ngây
Ðôi mắt chưa vương bụi đời
Cười đùa qua muôn tiếng ca
Nhớ quê cha xưa hồng thắm
Anh ngắm quê Chàm trong hòn đá rong
Thấy lòng vẩn vơ như tìm một bóng ai

Kìa đôi tháp đứng trơ cùng hoa
Và trong nắng anh nhìn đôi chim
Nắng hôn tháp Chàm cánh chim
Tiếng đàn bóng thông gió ngàn lòng càng say sưa

Rồi một hôm
Có nàng thơ trẻ tới nơi này
Ðời anh có một lần
Là lần tim anh thấy yêu nàng
Khi lòng yêu thơ
Tìm dầy ngàn trang
Hết sầu nhớ lang bang
Mến văn chương có thơ vương
Ngước mắt trông lên hết lúc thơ ngây…

06. Dạ Ngân &… tôi

Quan hệ với văn giới khác phái, tôi hay bị hỏng hóc. Không chỗ này thì khúc nọ, không lúc này thì khi kia, không bởi họ thì cũng tại tôi. Kẹt vậy đó. Thề rút kinh nghiệm: Phải giữ khoảng cách mới đặng, để rồi chính cái rút này lắm lúc khiến hỏng nặng hơn.
Dĩ nhiên vẫn tồn tại dăm ngoại lệ. Trong đó, chị Dạ Ngân là biệt lệ.

Xin kể chuyện hai lần chị cứu bồ.
Lần đầu vào mùa Hè 2011, Đại học An Giang mời tôi nói chuỵện. Thường thì tôi kéo theo Nhật Chiêu, hay ngược lại. Hai tôi hạp nhau cả về tính khí lẫn mĩ học. Bận này họ đòi nữ, mà phải là văn xuôi, đi cùng.
Gặp Vũ Lập Nhật, cây bút trẻ viết truyện ngắn cực kì. Thôi, em còn măng lắm, chưa nắm được vấn đề. Vả lại không quen.
– Chị Dạ Ngân nhé? Họ OK ngay.
Tôi chạy xe qua nhà chị ở Thanh Đa. Chị ừ.
Trưa tháng 10, xe trường xuống đón Dạ Ngân rồi tạt qua Tân Phú rước tôi bon bon trên đường cao tốc thỉnh thoảng xốc hai nhà văn Sài Gòn bằng mấy ổ gà, ổ voi. Cao tốc Việt Nam mà, thế mới đặc trưng.
Trước buổi tối giao lưu, là nguyên buổi Tọa đàm với 50 vị khách gồm sinh viên tuyển, các cây bút trong tỉnh với giảng viên trường.
Tôi nói về “Cham ở đâu? Cham mấy loại?” mất đến một phần ba thời gian, còn lại là về hậu hiện đại và giải đáp thắc mắc xung quanh đề tài nóng bỏng này. Về Cham, không hứng thú lắm. Rất ít người biết, biết thì lại rất sơ lược. Riêng về thơ Việt Nam đương đại và sáng tác hậu hiện đại, hấp dẫn hơn. Tôi tập trung vào hai chủ đề này.
Chị Dạ Ngân tâm tình về nghề và về mình là chính. Chuyện vui, ở buổi tọa đàm chị nhắc tên Dương Thu Hương, thế là sau khi tiễn khách, Nhà trường bị trên xuống nhắc nhở. Ai bảo!

Tháng 9-2014 ở Cà phê thứ Bảy Văn học, tôi tự ra đề khá hóc búa: “Văn học né tránh hiện thực, tại sao?”. Thông báo đã đưa, nhưng mời diễn giả 5 thì có đến 7 vị bận. Nhà văn Nguyễn Đình Chính dũng hơn: Anh sẽ bay vào với em! Rồi trước hôm diễn 3 ngày, anh phone cho biết, anh vừa nhận giấy mời qua Pháp gấp.
Tôi lại nhớ đến chị Dạ Ngân, và chị ừ tiếp.
Chả ngán, – chữ cửa miệng của dân Nam Bộ, đích thị là Dạ Ngân.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *