(Trích tuyển tập “THI NHÂN VIỆT NAM 1986-2016”)
FB Tranvietha, 14-4-2017
Không ai có thể hát thay chúng ta
nơi đây và lúc này
cả hôm sau, có lẽ.
Đó chính là một tuyên ngôn đầy tự tin, mạnh mẽ và ngạo nghễ về tiếng nói của thế hệ mình từ “đứa con của Đất” Inrasara, một nhà thơ người Chăm nổi tiếng của Việt Nam hiện nay. Điều này đặc biệt hấp dẫn đối với tôi, bởi sau tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên (bông hoa lan trong khu vườn nhà họ Chế – dòng họ vua chúa của dân tộc Chăm ở nước Chiêm Thành xưa) hoài vọng những phế tích đổ nát và không kém phần kinh dị thần bí ở với tháp Chăm của thời Điêu tàn với xương, máu, sọ người gợi nhắc hình bóng của một vương quốc hùng mạnh thời vàng son… thì chỉ đến Inrasara, hồn cốt văn hóa dân tộc Chăm mới thực sự được cất lên mạnh mẽ, sâu sắc và ngân nga, trọn vẹn nhưng cũng không kém phần đau đáu khắc khoải đến như vậy.
Thơ của ông là chuỗi những khúc quê khi nồng nàn say đắm mang hơi thở man dại khỏe khoắn khi man mác canh cánh đầy trăn trở thổn thức theo nhịp hồn của một dân tộc cố gắng níu giữ lại những giá trị cốt lõi đang dần bị mai một, lạc điệu giữa cuộc sống nhanh, thực dụng và xu thế toàn cầu hóa. Khát vọng tìm về nguồn cội đó được thể hiện khá rõ trong “Đứa con của Đất”, bài thơ tri nhận đời người.
Tôi, đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao
đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét
và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao
Những câu thơ tự giới thiệu về quê hương mình của Inrasara thật mộc mạc, gãy gọn, rõ ràng. “Đứa con của Đất” ấy đã được hội tụ đầy đủ những gì đặc trưng nhất của thiên nhiên miền Nam Trung Bộ man hoang, gai góc, dữ dội, mãnh liệt và đầy phóng khoáng. Những hình ảnh thơ nồng nã cái khắc nghiệt đến tàn nhẫn của tiết trời khô nóng, cát trắng nhức mắt, ngày nắng đốt, đêm gió khan và khét cháy đầy ám ảnh: “ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp”,“nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao”, “biển khơi trùng trùng bão thét”. Chỉ những ai đã từng sống vật vã, khắc khổ đủ lâu trên mảnh đất ấy mới thấm thía hết những thách thức bạo liệt của tự nhiên và hiểu thấu sức chịu đựng bền bỉ đến kì lạ của những con người truyền đời đánh vật với đất đai.
Cần nói thêm rằng, ngay từ hồi còn trẻ, thi sĩ Chăm ấy vốn đã lập dị. Inrasara từng tuyên bố trước mọi người rằng mình là người nông dân chính hiệu, và cũng chẳng hề giấu giếm rằng, mình bỏ học giữa chừng để về quê làm ruộng. Vừa cày ruộng kiếm tiền sinh sống và để lấy tiền mua sách, rồi làm thơ và dành không ít thời gian cho việc nghiên cứu, sưu tầm kiến thức về văn hoá Chăm, tại chính quê hương mình. Cho nên trong ông luôn mang nỗi niềm trằn trọc day dứt của “đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao”. Chỉ một câu thơ mềm dịu với hình ảnh nhân hóa đậm tính mẫu “mắt… mất ngủ xanh xao” như nốt lặng của tâm hồn đủ cân bằng lại với cả ba câu thơ vang khan, mênh mang hừng hực cuộn trào trước đó. Người thơ Chăm đó đã được nuôi dưỡng trong nguồn mạch văn hóa Chăm đậm đặc giữa những buôn làng còn vô số những phong tục cổ xưa:
Mẹ nuôi tôi bằng bầu sữa ca dao buồn
cha nuôi tôi bằng cánh tay săn Glang Anak(1)
ông nuôi tôi bằng vầng trăng sương mù truyền thuyết
plây(2) nuôi tôi bằng bóng diều, hồn dế, tiếng mõ trâu
Mỗi câu thơ làm sống dậy những hoài niệm vừa gần gũi lại vừa bí ẩn thiêng liêng. Những câu “ca dao buồn” của một dân tộc từng bị thất bại trong lịch sử xa xưa và ngày càng thu mình trong những hoài vọng văn hóa cứ bị lụi tàn dần, bị lãng quên… cứ ám ảnh tâm hồn suốt tuổi thơ Inrasara. Những huyền sử Glang Anak gieo vào lòng ông những giấc mơ quả cảm, khát vọng đấu tranh mạnh mẽ và tinh thần thượng võ, yêu chuộng tự do để hướng tới việc đi tìm một sinh lộ, một cái phao hay ngọn đuốc soi đường cho người Chăm hôm nay bám lấy, để cho họ khỏi chìm hẳn hay mất dạng trong đêm tối. Những “vầng trăng sương mù truyền thuyết” giúp ông biết thành kính, ngưỡng vọng những giá trị tâm linh thiêng liêng của tổ tiên. Đứa con của Đất đã có một tuổi thơ hồn nhiên lành vững với “bóng diều, hồn dế, tiếng mõ trâu” trong bình yên, tâm hồn ông được kết tụ cả một bề dày văn hóa truyền thống trọn đầy với những khát khao hướng thiện nhân văn. Thế nhưng cuộc sống hiện đại đã cuốn những “cái tôi Chăm” ấy vào một vòng xoáy vô thường:
Lớn lên,
tôi đụng đầu với chiến tranh
tôi cụng đầu với cơm áo, hiện sinh, hiện tượng
tôi chới với giữa dòng ngữ ngôn hoang đãng
rồi cuộn chìm trong thung lũng tình yêu em
Chiến tranh tàn khốc rồi áp lực mưu sinh hay những khủng hoảng trong tình yêu và hôn nhân khiến những “cái tôi Chăm” ấy bị tổn thương cả thể xác lẫn tâm hồn, rơi vào khủng hoảng “chới với”. Bản thân Inrasara dù đã từng gặt hái nhiều vinh quang, cũng đã từng trải qua những ngày tháng khủng hoảng, không như ý trong cuộc hành trình sáng tạo con chữ của mình vì những lí do khách quan. Một phần cũng bởi sự ngầm va chạm văn hóa, ý thức hệ Chăm và Việt, không dễ tìm được tiếng nói chung. Cách nói “tôi chới với giữa dòng ngữ ngôn hoang đãng” hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Rời khỏi mảnh đất quê hương, lao vào dòng chảy bất tường của cuộc sống hậu hiện đại, để rồi khi sực tỉnh nhà thơ đã nhận thấy những gì mình đánh mất:
Tôi đánh rơi thế giới và tôi lạc mất tôi
tôi lạc mất điệu đua buk, câu ariya+, bụi ớt
trái tim đui tôi như người bị vứt
rớt giữa cánh rừng hoang trụi lá mùa xanh
Những từ ngữ gợi đầy nhót buốt xót xa “đánh rơi, lạc mất tôi, lạc mất điệu, trái tim đui, bị vứt, rớt…” gợi nên nỗi mặc cảm và thất vọng tràn trề. Những cái tôi hăm hở, ham hố cuồng nhiệt của ngày ra đi, giờ chợt nhận ra trái tim đầy thương tích chẳng dễ lành. Còn gì đau đớn hơn khi tự nhận thức ra mình đã đánh mất chính mình, để đánh đổi lại những thứ cũng tầm thường phù phiếm trong “vòng xoáy áo cơm”. Cái tâm trạng cô đơn của kẻ lạc loài, bị loại thải vứt bỏ còn gì cay đắng hơn.
Mỗi câu thơ của Inrasara thổn thức, trùng trùng tâm trạng chua chát, đắng đót như đang nức nở nghẹn ngào “phía khổ đau linh thánh”. Đó không đơn thuần là cái buồn tủi khi thừa nhận mình thất bại, mà hơn thế là nỗi đau đớn khi nhận ra tự mình đã rời xa, ít nhiều phản bội lại quá khứ và truyền thống. Chính nhà thơ cũng từng thừa nhận về những khủng hoảng thế hệ ấy: “Thi sĩ là kẻ dự cảm về sinh mệnh dân tộc. Tầm vóc thi sĩ càng lớn, thì dự cảm càng sâu, xa, và tính bao quát càng rộng. Tôi ở tầm vừa vừa, chỉ thấy mấy điều này. Thế hệ Cham mất lửa và ly tán: Tôi đã nhìn thấy nó từ trước tuổi 30 (1985). Cham phân hóa, tranh cãi không lối thoát như mươi năm qua: Tôi dự cảm từ năm tôi 34 tuổi”
Trong nỗi đau bải hoải ấy, bản năng sống mãnh liệt của những cái tôi Chăm đã qua thử thách không dễ gục ngã khiến đứa con của Đất đã:
…ngóc đầu dậy và tôi trườn lên
rồi tôi rướn mình khỏi hố hang quá khứ
như kẻ bị thương mò tìm lối ra khỏi đống tan hoang thành phố
Cái sức mạnh Chăm tiềm tàng, tiếng gọi về nguồn cội tha thiết đã giúp cho “tôi” có đủ sức mạnh để đứng lên bằng đôi chân của mình, không đắm chìm mãi trong đau khổ, để đánh thức bản thể, tìm về với sinh quyển tâm linh quen thuộc tự ngàn đời của dân tộc. Nhà thơ đã diễn giải cuộc hành trình tâm hồn trên con đường hành hương về nguồn cội đó thật khó khăn nhưng không gì ngăn cản nổi:
tôi tìm lại tôi
tìm thấy nắng quê hương!
Còn gì vui hơn, xúc động hơn khi đứa con của Đất lại tìm về được với đất mẹ, lại được hồi sinh và ngụp lặn trong dòng chảy văn hóa bất tận diệu kì của quê hương. Nhà thơ đã nói về điều đó thật say mê và sáng láng như một sự bừng ngộ của tâm hồn, thật thăng hoa và xúc động:
Lại xanh trong tôi – dù rừng đã cháy
lại chảy trong tôi – dù sông đã chết
chợt hanh lại cát – chợt buồn lại ru
chợt duyên lại em – chợt hoang lại tháp
Thật là hồ hởi, và say mê, và dễ chịu như chỗ thiếu được bù, chỗ thừa được san sẻ, đất đai cỗi cằn được hồi sinh. Trong “Khúc quê”, nhà thơ đã từng nhắc lại cái cảm giác thật ngộ nghĩnh và đáng yêu đó:
Tuổi bốn mươi bỗng thành thơ nhỏ
chợt là khách lạ giữa làng quen
một rá khoai bùi đã làm quý.
Thèm nghe thơ hơn gặp người thương
(tình đậm ngại gì một hôm chậm)
ấm nào bằng ấm tiếng quê hương.
Nhìn mặt đây lòng chưa thôi nhớ
không uống – li đầy vẫn muốn nâng
đất cằn mà hồn người cứ rộ.
Cái cảm giác của sự trở về, sum họp đã khai thông được bao bế tắc, bức xúc, khó xử. Trở lại với chính mình thuần thành trọn vẹn trong sự bình yên là cảm giác hạnh phúc viên mãn nhất sau bao mất mát, buồn thương. Inrasara đã ví von thật đẹp và gợi thấu được tình nghĩa tình thiêng liêng đó: “Giọng mẹ xa vời dỗ giấc thiên thu”.
Trong nhiều bài thơ khác của Inrasara thường rất giàu ý tưởng và mang nặng tính ẩn dụ. chất triết luận được nghiệm sinh, được chắt lọc từ trải đời, hướng đến những hoài nghi, đối thoại và biện giải cuộc sống, cho nên hơi khó hiểu. Thế nhưng với “Đứa con của Đất”, cái mộc mạc, man hoang, mãnh liệt, chân thành, trực ý của lời thơ chính là chất vàng mười quý giá để giúp người đọc dễ dàng nhận ra được bức chân dung tâm hồn khỏe khoắn của người nghệ sĩ Chăm. Có thể từ góc nhìn này, người đọc sẽ thấy yên tâm và dễ dàng hơn khi thâm nhập vào thế giới nghệ thuật còn nhiều bí ẩn của nhà thơ nói riêng, và tiếp cận, trân trọng nét văn hóa Chăm nói chung trước khi ít nhiều bị mai một.
Viết xong ngày 14 tháng 4 năm 2017
————————————————————————————
1. Glang Anak – Ariya: tên một thi phẩm cổ Chăm, đúc kết lại các diễn biến thời cuộc của một vị lão thành người Chăm, trước hoàn cảnh đất nước Champa bị Đại Việt (Việt Nam) thôn tính và bị tàn phá dưới thời Minh Mạng vào những năm 1832-1835.
2. Plây: buôn, làng
3. Đua buk: một điệu múa; ariya: thơ, trường ca