Đứa con của Đất

Cám dỗ bởi cái nhìn rất cổ điển, tôi bước theo
Người thiếu phụ có dáng đi của loài chim sa mạc
Hai mươi năm rồi tôi chưa dừng lại bước lãng du
.

*
HNC: 40 tuổi mới in tập thơ đầu tiên, nhưng chỉ sau gần 10 năm ông đã giành hai giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và nay là Giải thưởng văn học ASEAN 2005. Thành công của ông đến từ đâu vậy?
Inrasara: Tôi chậm ra mắt, chuyện rất tự nhiên: không cố ý sắp đặt chi chi cả. Làm thơ từ 15-16 tuổi, nhưng tôi chưa bao giờ có ý định gửi thơ đăng báo. Tập thơ đầu tay được in cũng là chuyện ngẫu nhiên ngoài tính toán: là người Chăm, trước nguy cơ văn học dân tộc bị thất truyền, tôi ưu tiên cho việc sưu tầm-nghiên cứu.
Với sáng tạo, thật khó phân địch rạch ròi đâu là thành công với không thành công. Lấy “giải thưởng” để làm thước đo chắc gì đã chuẩn. Bởi giải thưởng nào bất kì có thể chỉ là mốc ghi nhận một nỗ lực, phần nào đó: tài năng bên cạnh không thể không kể đến một xuất hiện đúng lúc và cả yếu tố may mắn nữa. Với tôi, không khiêm tốn đâu, may mắn luôn có mặt để dự phần.

KP: Trước khi đến với thơ, anh đã là một người nghiên cứu văn hóa và văn học. Nhưng hình như nhu cầu biểu hiện bằng sáng tác của anh là mạnh mẽ, thường xuyên hơn cả? Con người nghiên cứu khôn ngoan trong anh có giúp gì cho việc làm thơ không? Con người nhà thơ có khi nào thật sự bất bình với con người nghiên cứu, cứ phải theo lề luật, vòng chỗ nọ, tránh chỗ kia không?
Inrasara: Con người phiêu lưu và kẻ giữ kho trong tôi dường như nẩy ra cùng lúc, và song hành. Tôi yêu âm vang của lời từ thuở cấp một đến tận hôm nay, không hề thuyên giảm. Cả tiếng Việt lẫn tiếng Chăm. Các từ như: mặt đất, cái nhà, mùa mưa…(là chữ tôi thường dùng thử ngòi bút hay vẽ lên cát – “Câu thơ đầu đời tôi kẽ bằng que khô lên vòm cát”, Sinh nhật cây xương rồng) có độ vang kì lạ, với tôi. Nhất là tiếng Chăm của mẹ tôi, của vài cụ già Chăm nữa. Trong nói chuyện, tôi lắng nghe và lượm lặt, các từ vương vãi trong gió cát trước hờ hững của con người. Và có nguy cơ mất hút. Yêu thương chúng, tôi đã lặn thật sâu vào tiếng nói hàng ngày của quần chúng lao động lam lũ, lùng sục vào bản chép tay cổ mà tìm. Cuộc miệt mài sưu tầm ngôn ngữ-văn chương bắt đầu từ đó.
Nhưng lẽ nào sống mà mãi ngoái sau lưng như loài tôm ấy!? Kẻ sáng tạo trong tôi bắt đầu nổi loạn. Hơn một lần tôi cho đi những gì thu thập ghi chép được, theo đúng nghĩa đen. Chỉ giữ vài cái nhẹ nhàng. Rồi khi bắt tay vào việc, tư liệu thiếu, tôi phải làm lại. Co kéo dằng dai, không thể giải quyết cho đến quá tam thập. Cuối cùng tôi cũng dàn hòa được chúng: sưu tầm-nghiên cứu là để trả nợ cha ông, và biết đâu nó còn giúp tôi xả hơi sau kì sinh nở vất vả nữa!

KP: Đọc thơ thì thấy một Inrasara thật thà, bộc trực, luôn phải kìm lại trên môi những lời hoặc đau xót hơn hoặc phũ phàng hơn. Đó có phải tâm trạng của anh không? Nếu đúng, thì điều gì đã giúp Sara tự dừng lại ở ranh giới đó?
Inrasara: Vâng, luôn có cuộc bỏ đi, dù tận thẳm sâu tôi biết mình lại trở về. Thuở cư xá Trung học Pô-Klong xa quê 10 cây số, những ngày cuối tuần, trong lúc các bạn háo hức về nhà, tôi luôn theo bạn làng xa đến các plây khác. Lang thang: hơn 30 làng Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận, các tỉnh thành lớn nhỏ trên 3 miền đất nước, cả trăm hẻm phố Sài Gòn …
Giai thoại nhà sư Không Lộ nửa khuya lên tận ngọn núi cao kêu một tiếng làm lạnh cả bầu trời sẽ ám ảnh mãi mỗi người thi sĩ, có lẽ. Tôi cũng muốn làm thế lắm. Nhưng tôi không là thiền sư, bên tôi còn đó cha mẹ, anh em bạn hữu, vợ con … những người yêu thương tôi, đã từng tin tưởng và hi vọng (hão) vào tôi. Chính nó ngăn không cho phép tôi “vượt biên” – nếu bạn muốn dùng từ này.

Có đôi mắt tròn nâu thật lành
hơn bước chim non ngơ ngác
vụt lớn trong tôi chiều không đất
níu tôi ở lại bến quê hương
.
(Inrasara, Các bài thơ lẻ, chưa xuất bản)

NHHM: Ông nghĩ như thế nào về năng lượng của nhà thơ? Hình như vẫn có hồn vía, một tinh thần Chăm bất khuất nào nào đó theo đuổi và phù trợ cho ông?
Inrasara: M.Heidegger nói đại khái là nhà tư tưởng chỉ suy tư một tư tưởng, khó, là làm sao giữ được nó như là cái để suy tư. Tôi nghĩ nhà thơ cũng thế. Hắn bị một/một vài ám ảnh, hắn cố gắng nói lên ám ảnh đó đến mọi người, bằng ngôn ngữ giản đơn có thể. Kẻ làm thơ phải học giú mình dài lâu trong bóng tối vô danh, cưu mang và chịu đựng, những gì mình yêu ghét, mình đọc, cảm nhận hay trải nghiệm. Sự trống rỗng chẳng hạn. Đừng chạy trốn nó bằng lẩn vào đám đông, bằng tán gẫu bạn bè hay dẫu một mình với chén rượu. Làm thơ thì cần cưu mang và chịu đựng mươi lần hơn. Đó là lối nạp năng lượng. Không vội xuất hiện, cũng là cách trau dồi bản lĩnh thơ.
Nói như Ranicki; “Thơ là hình thức nhiều rủi ro nhất trong các thể loại văn chương”. Thuở 20, tôi đã sản xuất cả trăm bài thơ-triết lí, may lúc đó đất nước chưa mở cửa, may nữa tôi đương kì mê mẩn đời nương rẫy, không thì tôi đã thành một hiện tượng thơ rồi. Một hiện tượng rất đáng cho trôi xuống sông Lu!!!
Còn hồn vía hay tinh thần Chăm nó trú ngụ ở đâu và có phù trợ tôi không thì thật lòng tôi không được biết.

KP: Lễ tẩy trần tháng Tư thực sự là cuộc giác ngộ trong thơ anh, đó mới đích thực là Sara: thoát khỏi ràng buộc khôn ngoan của câu chữ, khỏi thứ mỹ cảm chung chung quanh quẩn đâu đó trong Tháp nắng, Hành hương em … Nổi bật trong tập thơ là tâm trạng của con người tha hương ngay trên mảnh đất của mình, xa lạ với chính ngôi nhà mình, với những hình ảnh đã ở độ chín …”cuốn sách không bao giờ được mở”…, “từ làng xa xôi đi về làng xa xôi”…, “cơ nghiệp hôm nay ta dựng nên/ta không thuộc về”… mà phía sau đó là ham muốn tha thiết trở về bản ngã, về cái tốt đẹp khởi đầu. Anh đã chuẩn bị cho tập thơ này (về tư tưởng cũng như nghệ thuật) ra sao? Hay đơn giản chỉ ghi lại cái đến một cách ngẫu nhiên?
Inrasara: Mỗi kẻ sáng tạo luôn thiểu số, dù anh sống ở đâu, trong tập thể lớn/bé nào, dù anh muốn hay không; và luôn tâm trạng tha hương (cả phạm trù siêu hình lẫn xã hội), tha hương khỏi văn hóa dân tộc, khỏi đấu tranh thường nhật, nếp nghĩ cũ mòn … để đi tìm hạt mầm mới trở về làm giàu sang quê hương, bên cạnh kích thích bạn đồng hành truy tìm lối đi mới lạ hơn. Không dừng lại ở thành tích xưa, cơ nghiệp cũ, hắn luôn giữ tư thế của kẻ sắp lên đường.

Rồi tha hương ngút mắt tha hương
rồi thiểu số giữa lòng thiểu số

(Inrasara, Sinh nhật cây xương rồng)
Sau Tháp nắng, tập thơ Sinh nhật cây xương rồng là quyết toán cái cũ. Lẽ ra Hành hương em bao quát cả tư tưởng của Lễ tẩy trần tháng Tư, nhưng khi đối mặt với phía tối của vấn đề, tôi đã làm một bước nhảy lùi. Lễ tẩy trần tháng Tư là hành hương xuyên bóng tối và ánh sáng, quá khứ/hiện tại, cá nhân/cộng đồng, thiện/ác, thanh khiết/nhơ nhớp …
Tất cả đều đi đến Lễ tẩy trần để lửa đốt cháy và nước làm trong sạch …

KP: Anh tự học tiếng mẹ đẻ của mình sau khi đã được “nuôi dưỡng” bằng tiếng Việt, bằng nhà trường người Kinh, cộng với lòng yêu mến một sự thật lớn hơn điều người ta vẫn nói. Tôi dám nghĩ rằng nhờ đó anh hiểu sâu sắc được dân tộc mình. Sáng tác bằng tiếng Việt đã làm giàu lên hay xói mòn tiếng Chăm anh vô cùng yêu quý không? Anh có phải dịch lại thơ mình …?
Inrasara: Tôi học tiếng Chăm và Việt gần như đồng thời. Lớn lên mày mò học thêm tiếng Chăm ở nhiều gru với mục đích đọc loại chữ viết tháu, các văn bản khó. Học thơ và làm thơ cũng thế: tôi thuộc một lượng khá lớn ca dao Việt trong giai đoạn tác phẩm vỡ lòng tôi là trường ca cổ Chăm rất khó hiểu: Ariya Glơng Anak. Tôi thường trực cư trú ở đường biên giữa hai dòng chảy: nông thôn/thành thị, bình dân/bác học, Việt/Chăm, nghiên cứu/sáng tác. Nó đặt tôi vào thế chông chênh nguy hiểm, tôi biết. May! Cho đến lúc này, chưa có cái nào làm xói mòn hay lấn sân cái nào cả. Đôi lúc nó còn đỡ đần nhau một tay nữa! Có thế chăng mà tôi không phải dịch thơ mình từ tiếng này sang tiếng kia hay ngược lại? Tôi đã vài lần thử, nhưng chúng ẹ lắm.

NHHM: Thơ ca và kinh tế hình như từ trước đến giờ vẫn thường đối nghịch nhau. Với ông thì lại khác. Càng nổi tiếng về thơ thì lại càng thành đạt trên thương trường. Ông có bí quyết gì vậy?
Inrasara: Đó là bạn nghĩ, chứ chắc chi đã vậy. Thực tế, trong Công ty, tôi đóng vai trò rất phụ. Nhiều, là trước đó. Chẳng có bí quyết gì đâu. Tôi đọc sách dạy làm giàu cũng say sưa không kém thi phẩm của Y.Bonnefoy, R.M.Rilke… Tôi đã từng đánh bạn với nhiều món: dạy học, đốn củi, chích heo, làm ruộng, gánh phân bò, đứng quán càphê, đi buôn lẻ, nghiên cứu đại cà sa … nhưng chưa lúc nào chúng ngáng trở công việc làm thơ của tôi cả. Tình yêu tốt lành đủ mang đến cho chúng ta niềm vui. Không nên vì cái gì khác ngoài nó. Câu cá hay chế tác mẫu mã thổ cẩm cũng cần lòng yêu thích, tinh thần học hỏi. Nghiên cứu văn học dân tộc cũng vậy, đừng vì mục tiêu cao cả bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc chi chi cả. Yêu và làm việc hết mình thôi cũng đủ rồi.

TNTV: Theo anh, “Lễ tẩy trần tháng Tư còn dang dở”. Nhưng đứa con sinh non của anh nhận được rất nhiều sự ưu ái từ độc giả cho đến các giải thưởng trong và ngoài nước. Vậy đâu là sự cố gắng đâu là cái rủi may? Trong tập thơ Lễ tẩy trần tháng Tư có seri về “Những ngày rỗng”: “Đừng đợi khuôn mặt nào bất chợt lấp đầy khoảng rỗng anh”(Ngày 5). Khi nào anh nhận ra mình đang “rỗng” và anh thường làm gì để lấp đi “khoảng rỗng” ấy?
Inrasara: Tôi nói rồi, việc đoạt giải thưởng nào đó, yếu tố may rủi luôn luôn có phần. Đừng nói các giải trong nước hay khu vực, ngay cái Nobel văn chương lớn là thế vẫn còn bao ý kiến ngược nữa là! Nhưng đó là chuyện ngoài lề.
Không ai làm khoa học hay sáng tạo nghệ thuật để trông chờ giải thưởng. Cứ nỗ lực đi, rồi cái gì đến hãy để nó tự nhiên đến. Có giải thì vui, nhưng đừng để nó ảnh hưởng hay thao túng mình. Ngay việc xuất bản công trình mình, tôi cũng không lấy gì mặn mà, nói chi chuyện tái bản. Bộ Văn học Chăm (3tập) đã hết sau một năm phát hành, có vài Nhà xuất bản đề nghị in lại, tôi mãi lượng lự, dù nhu cầu từ người đọc là có. Tập thơ Tháp nắng cũng vậy. Cái mới hấp dẫn tôi hơn.
Lễ tẩy trần tháng Tư như nó đang lưu hành vẫn còn là dang dở. Bản thảo có mươi “Những ngày rỗng” nữa, Nhà xuất bản đề nghị lấy ra, để tránh suy diễn ngoài lề. “Rỗng”, đó chính là sự Cô đơn, chính là Tự do, chính là Sáng tạo. Đó là những giờ phút rất hiếm khi xảy ra. Tiếc rằng, khi duyệt in, ban biên tập Nhà xuất bản không hiểu ý tưởng ấy, đã nhất mực đề nghị tôi thay từ “rỗng” bằng từ “trống”, để thành “Những ngày trống”. Trời đất! Các khoảng rỗng ấy rất cần thiết cho sáng tạo nghệ thuật, chính nó làm nên cái mới. Nên, tuyệt đối không được để cho thứ gì từ ngoại cảnh đột ngột hiện đến “lấp đầy” nó. Hãy cứ để nó “rỗng”. Tất cả sáng tạo là ở đó.

KP: Tìm tòi một lối thể hiện mới cho thơ được thể hiện khá thuyết phục trong thơ anh: không hũ nút, không cố tình khác người, và dường như có một qui chuẩn chung: không thoát ly khỏi cảm xúc thật của tác giả. Anh có thể nói rõ hơn cho bạn đọc con đường tìm tòi đổi mới của thơ mình?
Inrasara: Tạng tôi thích nhiều loại thơ khác nhau, đến hôm nay tôi vẫn giữ thói quen lùng tìm các tập thơ trong hiệu sách cũ. Đọc và ghi chú. Tôi còn học làm thơ bằng cách dịch tác phẩm tôi ưa thích ở thời điểm khác nhau: trường ca Chăm sang tiếng Việt, thơ Việt hiện đại sang Chăm; cả trăm bài thơ của J.Prévert, R.Char, R.Pinsky … nữa. Dịch chơi vậy thôi, chứ không có ý mang in. Rồi quên tất. Tôi nghĩ mỗi tập thơ, thậm chí mỗi bài thơ cần mang một hình thức mới (lạ càng tốt), để diễn tả ý tưởng, sự việc thích hợp. Nghĩ thì vậy. Bài thơ đều bắt đầu bằng từ đầu tiên, câu đầu tiên; sau đó nhịp điệu nội tại sẽ cuốn kẻ sáng tạo theo đi, đến không thể cưỡng lại. Quá trình đọc lại là soi mói tìm xóa bỏ các sáo mòn về câu chữ, ước lệ … Theo tôi, nhịp điệu là rất quan trọng, bài nào cảm thấy thiếu vắng nó, tôi sẵn sàng vứt. Câu ít giá trị nhất đối với nhà thơ là: tôi có kinh nghiệm.

BTM: Một nhận xét chung: thơ Inrasara dân tộc mà rất hiện đại. Anh nghĩ thế nào về thơ Việt Nam hôm nay, về các nhà thơ cùng thời với anh, ảnh hưởng của anh, và những gì liên quan đến nghề thơ? (được biết anh đang có loạt bài: “Để thơ đến với người đọc“)
Inrasara: Đưa một nhận định tổng quát về thơ Việt hôm nay là điều khó, dường như bất khả. Ngạc nhiên là hầu như không nhiều lắm thi sĩ chúng ta chịu học làm thơ (Chế Lan Viên về già vẫn còn học làm thơ). Thơ Y.Bonnefoy được Huỳnh Phan Anh dịch rất đạt và in khá bề thế, có cả bản tiếng Pháp, 1500 bản sau 4 năm vẫn chưa bán hết. Nữa! Tác giả trong nước: Nguyễn Quang Thiều, Trần Tiến Dũng… được xem là kẻ cách tân đáng chú ý, tác phẩm vẫn nằm chịu bụi phủ dài ngày trên giá sách. Nền thơ chúng ta chưa thực sự chuyên nghiệp. Không nên hiểu khái niệm này như là sản phẩm sản xuất nhanh và bán được. Tính chuyên nghiệp thể hiện rõ ở: đề cao yếu tố kỹ thuật (ít tùy thuộc vào cảm hứng), có tinh thần nghiên cứu (khác yếu tố kinh nghiệm), và tính tự giác cao (không buông thả theo thói quen). Có lẽ bởi lí thuyết văn chương chúng ta chưa phát triển chăng!
Ảnh hưởng của tôi ư? Dường như tôi bị ảnh hưởng bởi triết gia nhiều hơn là nhà thơ. Heidegger chẳng hạn. Tôi luôn trở lại với ông, đầy mới lạ và hứng khởi. Dĩ nhiên cạnh đó không thể thiếu các ariya Chăm.

HNC: Hiếm ai bộc bạch được lòng mình như ông khi đề cập đến những mối tương quan giằng xé giữa tự do sáng tạo của nghệ sĩ và trách nhiệm công dân, cá nhân và cộng đồng, bản sắc dân tộc và tính hiện đại. Vậy theo ông, chân dung nhà thơ Inrasara sẽ được phác họa như thế nào; và ông đứng ở đâu trong dòng chảy của thơ hôm nay?
Inrasara: Tự phác họa chân dung là điều quá khó rồi, nói chi đến chuyện xem thơ mình đứng ở đâu giữa bạt ngàn thơ đương đại. Nếu biết mình đứng ở đâu đó thì còn đâu cái vui thú làm thơ nữa?!
Một nhà phê bình cho rằng chỉ khi nào vượt bỏ cái tôi-văn hóa sang bến bờ cái tôi-sáng tạo, nhà thơ mới nói đến chuyện làm ra cái mới. Bởi dù gì thì gì, viết luôn là viết trong vướng kẹt, vướng kẹt cha ông, người cùng thời và cả phong cách, giọng điệu trước đó của chính mình. Nhà thơ phải làm nhiều cuộc dứt áo khó nhọc và đau đớn. Với tôi, sự giằng xé vẫn còn đó, thường trực. Hàng ngày tôi phải dự phần vào cuộc chiến. Và, mỗi khi có mảnh đất xung đột nào được chinh phục, tôi cắm cột mốc bằng thơ. Đó có thể là một cây gậy, một nhánh lá hay thậm chí một cục đất. Và tôi lại tiếp tục…

KP: Cảm nhận của con người ít nhiều xa lạ, lạc lõng với thứ văn minh vật chất, với thứ trí tuệ trục lợi … là xuất phát của dòng cảm hứng thơ Inrasara? Các nhà thơ người Kinh có độ hòa nhập khác. Có lẽ chính từ xuất phát điểm này, Sara đã đến với cái chung, cái đồng điệu trong tâm hồn người đọc khá nhanh? Và anh không chỉ là nhà thơ “dân tộc miền núi “mà là của nhiều loại độc giả? Cuộc đời thực anh ra sao để có thể làm thơ như vậy?
Inrasara: Tôi sinh năm con Gà. Gà thường chịu bươi, ông bà ta nói thế. Tôi cũng vậy. Có chăng là gà tôi nòi phiêu lưu trong bươi. Bươi vãi tung lên rồi bỏ đi, dù được hay không hạt thóc/nhiều hạt thóc. Nói cách văn vẻ: tôi sẵn sàng cởi bỏ mọi vướng bận cho cuộc đi. Tôi là kẻ lang thang, vào nhiều miền đất, nhiều nền văn hóa, qua vài ngôn ngữ. Ngẫu nhiên, bất ngờ, từ khá sớm và, không theo bài bản nào cả. Nên có thể nói, tôi rất ít “bản sắc”. Tôi cảm nhận và viết như con người hôm nay trước cả như đứa con dân tộc miền núi cảm nhận và viết. Như “dân tộc và miền núi”, ngoài cái thuần phác đáng quý, còn lại là thói làm biếng hay lối làm dáng khá lạc thời.
Còn đời thực của tôi ư? Để xem thử có gì khác đời không nhé? Chả có gì cả. Nói như Bùi Thi Sỹ: “tôi sinh ra bình thường như mọi người giữa cây cỏ li kì, và chết đi cũng bình thường như mọi người, giữa cỏ cây li kì, gây cấn”.

HNC: Ông cho rằng “nhà văn không đại diện cho dân tộc, nhà văn chỉ đại diện cho chính họ”. Nhưng ông lại nói “thi sĩ là kẻ cư trú trong ngôn ngữ dân tộc”. Hai ý này dường như có tiềm ẩn mâu thuẫn?
Inrasara: Không có gì là mâu thuẫn cả. Nhà thơ là kẻ cư trú trong ngôn ngữ dân tộc đồng thời canh giữ ngôn ngữ dân tộc. Ăn nhờ ở đậu và chịu đựng cùng lúc. Còn anh/chị ta có đại diện cho tiếng nói cộng đồng đó không là chuyện hoàn toàn khác. Theo tôi, nhà thơ không đại diện cho dân tộc, đại diện theo cách “nhà thơ đại biểu” như các nhà phê bình thường gán cho tôi. Nhà văn là kẻ cố gắng nói lên suy nghĩ của mình, đáp ứng câu hỏi từ thời đại họ ta đang sống bằng lối hành ngôn giản đơn nhất có thể, qua ngôn ngữ dân tộc. Có thể người đọc tìm thấy trong tác phẩm của anh/chị ta tâm cảm hay cách suy nghĩ của dân tộc, bởi bổn phận buộc anh/chị ta phải học và hiểu ngôn ngữ dân tộc mình hơn bất kì một sinh phận nào khác. Nhưng tuyệt đối anh/chị ta không đại diện.

KP: Anh có bao giờ tìm những người cùng chí hướng với mình trong các bạn thơ không? Nếu có, điều gì là sự đồng cảm của anh với bạn viết trẻ và không trẻ thì nó là gì? Thơ là lãnh địa cực kì riêng tư, nhưng nó cũng dễ bị xâm nhập nếu như người viết không có nội lực bứt khỏi tâm lí, cảm xúc bầy đàn. Anh có nghĩ nhiều đến điều này?
Inrasara: Con người mang tinh thần sáng tạo luôn hướng vọng cái mới, phiêu lưu vào vùng chưa biết. Có thể trong phiêu lưu nặng chất cá thể này, họ gặp nhau ở vài điểm, từ đấy phát sinh trường phái văn nghệ. Không nên biến trường phái thành phe phái. Phe phái luôn cực đoan, thiên lệch hoặc cào bằng. Trong khi nhà thơ cần giữ tinh thần độc lập tuyệt đối, đồng thời khoan hòa trong thái độ với cộng đồng (khoan hòa – hãy thử hiểu từ này bằng tinh thần Trang Tử). Bởi chỉ thế thôi, chúng ta mới hi vọng hóa giải được xung đột muôn đời giữa con người-nghệ sĩ sáng tạo với con người-công dân cư trú trong mỗi chúng ta.

TNTV: Anh có viết: “Giữa giàu sang vô độ này, cả nền thơ không thể cứu chuộc được chúng ta / Trong thế giới nghèo túng cùng cực này, một câu thơ cũng có thể cứu vớt chúng ta” (“Ẩn ngữ Pauh Catwai”). Liệu anh có “nói quá” không về vai trò cũng như sự cứu rỗi tâm linh của thơ ca trong xã hội “ra ngõ gặp nhà thơ” như hiện nay?
Inrasara: Đấy chỉ là cách nói “to con” một chút. Vui đấy mà! Văn chương, hay cả khoa học cũng thế, số đông không là gì cả. Một nền thơ tầm tầm thì nó cứ dậm chân mãi ở phong trào thôi, trong khi lối hành xử của nhà thơ chuyên nghiệp đã rất khác. Còn vụ người người làm thơ hay tình trạng lạm phát thơ, như có vài báo động [giả] thì không có gì đáng trách cả. Khu rừng có cỏ thấp có cây cao, thậm chí có cả dây leo kí sinh. Tất cả đều cần thiết có mặt. Cứu rỗi linh hồn con người đâu phải đặc ân dành riêng cho thi ca:

Một đóa dại đung đưa trên vách tường nhà tù
Và một tiếng chim hót lên với đóa hoa
Cũng đủ cho tù nhân chiêm niệm
.
(Sinh nhật cây xương rồng)

HNC: Ông đã từng nhắc tới “tâm thế tự yêu” của các nhà thơ khi họ chỉ loanh quanh đọc chính tác phẩm của mình. Rằng thơ chúng ta dậm chân tại chỗ, đang lạc hậu với thế giới. Ông có thể nói rõ hơn…
Inrasara: Vâng. Không nói chuyện các nhà thơ vướng kẹt trong mạng lưới hệ thẩm mĩ cũ, trong đó không ít người xem “vướng kẹt” như là bản sắc; ngay các thi sĩ mang tinh thần cách tân hôm nay (không loại trừ Inrasara) cũng luôn là kẻ nhỡ tàu. Nhỡ tàu với các khuynh hướng văn chương thế giới. Cũng đừng nên nghĩ các khuynh hướng văn chương thế giới bao giờ cũng là chuẩn mực chúng ta hướng tới. Ý tôi: ít ra chúng ta cần kịp thời tiếp cận biến động và phát triển của các nền văn chương lớn. Và, tại sao cứ sợ cái mới từ phương Tây? Có được thành tựu oanh liệt của Thơ Mới, chúng ta chẳng phải thế hệ ấy đã học từ các trào lưu văn học Pháp trước đó là gì?

Tôi là kẻ vừa sáng tác đồng thời suy nghĩ về việc làm của mình, và người đồng hành. Tôi rất hào hứng theo dõi sự phát triển thơ trẻ giai đoạn qua, theo dõi và viết giới thiệu (tôi tạm gọi là: lập biên bản, nghĩa là chỉ ghi nhận như nó là thế chứ không khen chê): có vài khuôn mặt rất đáng nể. Không giả vờ khiêm tốn đâu: tôi đã học ở họ rất nhiều! Thế nhưng, đa phần thơ trẻ hôm nay mới dừng lại ở phát ngôn về/cho cái Tôi chủ quan, chưa vươn ra ngoài. Nỗ lực phát ngôn mới ở “thời kì quá độ”, gồng mình phá vòng vây. Xem “gồng mình” như là cách tân thơ là ảo tưởng. Chính ngộ nhận này đã dẫn tới vài hiện trạng đáng buồn là: nhóm nhà thơ chỉ yêu thích sáng tác của kẻ cùng phe, hay thậm chí có kẻ chỉ khoái mỗi thơ mình.

BTM: Hãy nói qua về giọng phê bình của Inrasara. Dù chỉ qua vài bài, nhưng người đọc cũng dễ dàng nhận được cái chất riêng: không chấp nhận dễ dãi, không khen đẩy đưa, không chê chụp mũ…
Inrasara: Ồ, có đâu mũ mà chụp chứ! Thường thì giá trị của nhà phê bình là phát hiện cái mới của một tác phẩm, một tác giả, một hay nhiều trào lưu. Phát hiện và nói lên được cái mình thấy đến người đọc cùng thưởng thức chúng như mình, hơn mình. Hoài Thanh đã thế với Xuân Diệu, Huy Cận… và cả phong trào Thơ Mới của Trường Lãng mạn. Nhưng sang Trường Tượng trưng hay Siêu thực với Hàn Mặc Tử, Bích Khê … ông bất lực. Đây không là ý kiến của tôi, nhắc lại tôi chỉ muốn nói rằng không chỉ nhà thơ mà ngay cả nhà phê bình cũng phải dám thay đổi mới có cơ may theo kịp phát triển của văn học.
Với tôi, cái tôi muốn bày ra là cái mòn sáo, cái cũ, cũ tiêu biểu, đậm đặc của một tác giả (các bạn thơ – đúng hơn, cả Inrasara), dây chuyền qua nhiều tác giả, nhiều thế hệ tác giả. Không gì hơn nhằm phá bỏ ảo tưởng về vài thành tích bé nhỏ lâu nay chúng ta nâng như nâng trứng. Đó là chứng ỳ trong sáng tạo, không ít thì nhiều, ở bạn, ở tôi, nơi tất cả mọi người. Viết phê bình như một cảnh báo, trước hết cảnh báo mình, trong công cuộc sáng tạo vừa vô ích đồng thời vừa cấp thiết nhất là thơ.

NHHM: Câu hỏi cuối cùng: ông có quá nhiều mặc cảm cũng như quá nhiều kiêu hãnh trong thơ. Có bao giờ ông nghi ngờ chính những câu thơ của mình không? Nó được dội lên trong ông từ cổ họng của một nền văn minh đã chết?
Inrasara: Nghi ngờ? Không đâu, dù tôi biết thi ca là thứ bệnh. Nhưng tôi tin, như Ranicki, đó là căn bệnh lạ lùng, có thể nói một căn bệnh đẹp nhất của nhân loại. Thi sĩ chính là kẻ “mang bệnh” thèm được bệnh!
Còn mặc cảm ư? Có lẽ đây là lần đầu tôi nghe được từ này, về tôi hay về thơ tôi. Không, bạn ạ. Kiêu hãnh thì có (không ít vị còn cho Sara kiêu ngạo nữa đấy), mặc cảm thì chưa hề. Giàu/nghèo, Việt/Chăm, nông thôn/thành thị, bằng cấp hay không bằng cấp. Giữa thủ đô Hà Nội xa lạ hay trong lòng plây Chăm thân quen hoặc phum Miên khỉ ho cò gáy, tôi đều thở thoải mái như nhau. Ngay từ bé, tôi có thể đánh bạn với người nghèo hay giàu nhất làng Chăm mà vẫn “sự sự vô ngại”. Ở Viện nghiên cứu hay Trường đại học, tôi nói chuyện với các ngài giáo sư, tiến sĩ như thể họ chưa từng có bằng cấp hay học hàm, như tôi đang nói chuyện với bạn đây thôi.
Cõng quá khứ trên lưng, ai mà chả! Có khi quá khứ đó kéo lê từ thời tổ tiên ta còn tập đi trên hai chân kia. Bởi thế mới có Lễ tẩy trần, lễ linh thánh với mỗi người Chăm, mỗi làng và cả cộng đồng Chăm: tống khứ cái xấu xa nhơ nhớp ra khỏi plây, tẩy rửa cái cũ cho nó ở lại, đón cái mới vào làng. Tất cả sinh thể lẫn vật thể, tự tác hay được tạo tác. Cả những con chữ, thứ được loài người đẻ ra nhưng lại bị chính họ làm ô uế nhiều nhất. Lễ tẩy trần, chúng ta tắm cho thân xác, linh hồn chúng ta và cả cho ngôi nhà ngôn ngữ của chúng ta nữa! Một lễ linh thánh và đầy tràn hân hoan.
Tuổi nhỏ tôi đã nhiều lần chen lấn xem điệu cuồng vũ (múa đạp lửa) của Ong Ka-ing trước cửa Kajang, được mẹ dẫn qua sông Lu tham gia cuộc tẩy rửa tập thể. Hôm nay, tôi muốn đặt các tác phẩm của mình trước đống lửa kia, sau đó lôi xuống sông Lu, nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một. Để cái còn lại phải là tinh ròng, đáng cho nhân loại cầm tay (đó là bắt chước Chế Lan Viên mà nói to con thế).
Biết đâu Sara sẽ không còn lại một mảnh nào cả!!

Thực hiện bởi:
Bùi Thúy Mơ, báo Văn hóa-nghệ thuật Tp. HCM, số 25.2003.
Khánh Phương, báo Thể thao-văn hóa, 1.8.2003.
Nguyễn Hữu Hồng Minh, VnExpress, 22.9.2003.
Từ Nữ Triệu Vương, báo Thể thao-Văn hóa, số 86,19.08.2005
Hoàng Ngọc Châu, báo An ninh Thủ đô, 21.08.2005

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *