Đứa con của Đất

Báo Thanh niên, 1.7.1996;

Báo Lao động, 8.7.1997, và Tài hoa trẻ, số 40. 1998.

Trọng Hiểu: Được biết anh là một nhà nghiên cứu có những công trình khoa học giá trị, nhưng thật bất ngờ thú vị anh còn là một thi sĩ tài hoa nữa. Anh có thể cho biết hai con người hiện diện trong anh.

Inrasara: Không có gì ghê gớm đâu. Tôi yêu dân tộc mình và tôi nghĩ văn chương là phương tiện thể hiện toàn diện nhất sự bí ẩn của tâm hồn dân tộc có định mệnh kỳ lạ này. Các công trình nghiên cứu của tôi đều xoay xung quanh ngôn ngữ và văn chương Chăm, cả văn chương bình dân lẫn bác học. Bởi vì không thể hiểu sâu sắc và đầy đủ nền văn chương dân tộc nếu chưa tinh tường ngôn ngữ của dân tộc đó. Dĩ nhiên trong mỗi lĩnh vực, tôi cũng phải giữ sự say mê và thái độ làm việc khác nhau.

Thao tác nghiên cứu là các thao tác khoa học: tra cứu, đối chiếu, so sánh, trích dẫn… nghĩa là phải cần thật nhiều tư liệu, càng nhiều càng tốt. Một công việc nặng nhọc, suốt ngày lật và lật. Tôi phải vác chữ nghĩa như vác gánh nặng của đời mình. Nhưng khi cần thiết, tôi biết… vứt bỏ tất cả. Khi máu thi sĩ trong tôi réo gọi, tôi nhẹ nhõm lên đường, với chỉ cây bút với tập vở học sinh.

Trọng Hiểu: Thế là sau Văn học Chăm I, II, tập thơ Tháp nắng được trình làng. Anh có thể cho biết hoàn cảnh ra đời của nó.

Inrasara: Thật bất ngờ. Dường như mọi sự đều có cái cơ duyên của chúng. Làm thơ gần 20 năm với khoảng 200 bài dài, ngắn, nhưng chưa bao giờ đăng báo và không khi nào có định tập hợp chúng lại để in. Tình cờ một hôm, anh bạn bác sĩ có máu nghệ sĩ đọc bản thảo. Anh thấy thích và hứa sẽ giúp đỡ cho nó ra đời. Bản thảo được gửi cho Nxb. Văn hóa Dân tộc để rồi nằm đó suốt 2 năm ròng. Cơ duyên thứ hai là ở Trại sáng tác Đại Lải do Nxb. Văn hóa Dân tộc và Hội Nhà văn tổ chức vào mùa hè năm 1996, Tháp nắng được các bạn thơ đọc, góp ý, chọn lọc lại để cuối năm được Nxb. Thanh niên duyệt in.

Trọng Hiểu: Và anh đã bằng lòng với đứa con đầu lòng này?

Inrasara: Thật ra, lúc đầu tôi muốn Tháp nắng được in dưới hình thức song ngữ, nhưng bất thành. Một điều nữa là phần cuối của tập thơ (III. “Con đường”) tôi thật sự chưa ưng ý lắm. Mặc dù vậy, tôi cũng đưa vào tập thơ vì dẫu sao nó đã đánh dấu những bước dừng chân trong một cuộc hành trình tinh thần của tôi.

Với tôi sự đi quan trọng hơn cái đến. Và cái đến dang dở thì đáng giá hơn cái đến toàn bích (nhưng làm gì có toàn bích). Vì chính nó lại thôi thúc chúng ta đi tới. Trong nghệ thuật, đó là sự tìm tòi không ngưng nghỉ.

Trúc Thông: Đọc Tháp nắng, tôi nhận ngay ra cảm xúc trữ tình đầy chất trí tuệ. Xin phép có một nhận xét như thế này: các bài thơ anh viết vào những năm 70 và đầu thập niên 80 xem ra – theo tôi – có những nét còn chưa thanh thoát, bởi có nhiều dằn dọc, ngôn ngữ có phần dày rậm, ý thơ có lúc chơi vơi, chìm lặng. Nhưng kể từ những năm sau đó, thì anh viết rất khỏe, rất trường sức. Có thể nói hồn thơ của anh đã sáng mở, hứa hẹn còn nhiều bất ngờ. Nếu Inrasara đồng cảm với nhận xét đó của tôi thì anh cho biết nguyên nhân.

Inrasara: Không biết do may mắn hay do rủi ro tôi được tiếp cận với ba dòng văn hóa khá khác lạ nhau: đó là văn hóa Champa và văn hóa Ấn Độ, văn hóa Việt và Trung Quốc cùng văn hóa Tây phương. Tôi được tiếp cận chúng từ rất sớm lại không theo một bài bản gì cả. Vừa bước sang tuổi 20, tôi như bị chìm nghỉm giữa bòng bong của bao nhiêu trào lưu nghệ thuật và hệ tư tưởng, nên có thể nói trước tuổi tam thập, tôi viết giữa sự rối mù của các luồng tư tưởng ấy, và phần nào dưới sức đè nặng của thời cuộc. Thực ra tôi không có ý tìm tòi mang tính hình thức. Nói một cách hình tượng là từ vực thẳm vô thức, tôi đã ngóc đầu dậy và ngoi lên để tìm diện mạo của mình.

Rồi tôi ngóc đầu dậy và tôi trườn lên

Rồi tôi rướn mình khỏi hố hang quá khứ

Như kẻ bị thương mò tìm lối ra khỏi đống tan hoang thành phố

Tôi tìm lại tôi – tìm thấy nắng quê hương.

Trọng Hiểu: Trong thơ anh, người đọc rất nhiều lần bắt gặp hình ảnh Đất. Đó có phải là nguồn cảm hứng chủ đạo trong thơ anh?

Inrasara: Ai chẳng phải là đứa con của Đất. Trong Tháp nắng, từ Đất, Nhà và Quê hương được dùng gần như đồng nghĩa. Nó vừa hiện thực vừa là một biểu trưng nghệ thuật và tính triết lý.

Nó quấn quyện vào nhau đến không thể chia tách. Còn hiện thực, đó là đất Cakleng – Ninh Thuận khô khốc và tràn nắng này. Những lúc lang thang các thành phố, cô độc và lạc lõng hay lắm khi rơi vào cuộc khủng hoảng tinh thần tại các miền đất lạ hoặc bao lần không còn thiết tha nghĩ, thiết tha làm hay sống nữa, tôi luôn làm cuộc trở về Cakleng. Để sạt lại bình sống. Sau đó Cakleng lại phóng tôi đi với một nhiệt tình mới, ý hướng mới quyết liệt hơn, táo bạo hơn.

Trọng Hiểu: Trường ca “Quê hương” được xem là nổi trội nhất trong cả tập thơ. Có phải là gu của anh hợp với trường ca không?

Inrasara: “Quê hương” vẽ lại cuộc lang thang hai mươi năm của con người đi tìm miền đất thanh bình cho tâm hồn cô đơn, mất mát. Cảm thức xao xuyến thường trực ám ảnh chúng ta. Nó thôi thúc chúng ta đi tìm. Đi tìm lại mình đồng thời một quê nhà để an cư. Các nhà tư tưởng lớn của nhân loại xác quyết rằng một khi chúng ta chưa chinh phục được nỗi xao xuyến nền tảng này, chúng ta sẽ không bao giờ đạt tới bến bờ toàn phúc. Trường ca “Quê hương” ít có sự sáng tạo ngôn ngữ và nghệ thuật hơn những bài thơ ngắn như: “Tháp nắng”, “Tháp hoang”, “Apsara – Vũ nữ Chàm”…Nó lôi cuốn được người đọc bởi chính nguồn cảm xúc trào dâng. Còn hợp gu ư? Nên chăng đính chính lại: đó chỉ là những bài thơ dài … dòng (cười).

Trọng Hiểu: Tại sao độc giả ít thấy bài thơ tình của anh?

Inrasara: Thơ tình chiếm một lượng không đáng kể trong sáng tác của tôi. Nó sẽ không có mặt trong Tháp nắng nếu tôi đã không nghe lời một bạn thơ, không gì hơn là làm lắng dịu không khí quá nghiêm nghị của tập thơ đầu tay này.

Trọng Hiểu: Trở lại với Tháp nắng, tập thơ đầu tay mà đã đoạt giải cao như vậy, có phải đó là một tiền đề tốt để thơ anh thăng hoa?

Inrasara: Dù tôi không nộp quyển dự thi (sau này tôi mới biết chính nhà thơ Nông Quốc Chấn đã tiến cử tập thơ lên Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam – bản duy nhất tôi tặng ông, nên Ban chấm giải phải nhân bản nó lên để xét duyệt), nhưng thú thật, lúc nghe tin tôi không bất ngờ lắm. Cũng như tôi đã không hân hoan ra mặt (dù khá ngạc nhiên) với giải thưởng CHCPI – Sorbonne một năm trước đó. Vì có lẽ đây đã là lần thứ ba tôi nhận được cái tin vui lớn như vậy. Vả lại, cũng đã vào cái tuổi “tứ thập” rồi. Nếu còn trẻ thì chắc phấn khích lắm. Nói vậy không phải là không hãnh diện đâu. Thành quả này coi như là một bước khởi động, chẳng chỉ cho riêng tôi mà cho người Chăm ở mảnh đất Ninh Thuận nắng gió và đầy thơ này nữa.

Trần Vũ Khang: Được biết anh làm cả thơ tiếng Chăm lẫn tiếng Việt. Có trở ngại gì không, khi mỗi ngôn ngữ dân tộc có cấu trúc nội tại khác nhau, từ đó kéo theo lối tư duy khác nhau?

Inrasara: Vâng. Tôi sáng tác trực tiếp bằng tiếng Việt, hoặc bằng tiếng Chăm rồi sau đó chuyển ngữ sang tiếng Việt. Tôi thấy chúng bổ sung cho nhau thật thú vị. Và tôi không thấy một khó khăn nào cả. Tôi nghĩ sáng tác bằng hai thứ tiếng cũng là truyền thống của các nhà thơ Đông Nam Á xưa kia. Như Chăm vừa bằng tiếng Phạn vừa bằng tiếng dân tộc. Hôm nay Chăm cũng lại đang sống trong một hoàn cảnh đặc thù khác. Đặc biệt hơn nữa là thế hệ chúng tôi. Vào đầu thế kỉ, nhà thơ Chăm viết bằng tiếng mẹ đẻ là chính. Sang thập kỉ 60 – 70, một số người viết tập tành sáng tác bằng tiếng Việt, trong đó có vài người đã có bài đăng báo. Đến thế hệ tôi, tiếng phổ thông hoàn toàn lấn lướt so với tiếng Chăm. Và tôi nghĩ có lẽ sang đầu thế kỉ thứ XXI, người Chăm sẽ chỉ dùng tiếng Việt để diễn tả suy nghĩ của mình. Dù đau xót, nhưng có thể đấy là một thực tế phải chấp nhận.

Riêng cá nhân tôi, tôi luôn viết bằng hai thứ tiếng. Và có lẽ hay như nhau (cười). Bởi tôi yêu tiếng Chăm và thích âm vang của nó.

Trúc Thông: Xin cho biết, anh quan niệm như thế nào về thơ hiện đại?

Inrasara: Tôi chỉ có thể nói rằng, dù là một trong những người đi đầu trong việc sưu tầm và giới thiệu văn học cổ điển Chăm, và trong tương lai, tôi còn dự định đi vào nhiều lĩnh vực khác nữa, nhưng tôi từ chối sự tự giam mình trong quá khứ, từ chối phức cảm tự ti – tự tôn dân tộc. Hãy trút bỏ mọi gánh nặng ưu phiền ở sau lưng. Chúng ta đối thoại với quá khứ là để sống hiện tại và dự phóng vào tương lai. Tôi và anh dù Việt, Chăm, hay Êđê… chúng ta ngồi đây vào lúc này, một lần, chỉ một lần thôi ( đây là dụng ngữ của nhà thơ lớn người Đức R.M. Rilke). Chúng ta hãy học cách tận dụng nó. Riêng về thơ ca Việt Nam đương đại nói chung, của các tác giả dân tộc thiểu số nói riêng tôi có cảm nhận này: ngoài các nhà thơ đã định trong lãnh địa của mình, còn lại không ít người đang đi khai phá vùng đất mới. Và họ rất táo bạo và tự tin. Hãy khuyến khích công cuộc này. Nhưng cũng chớ nên sa đà vào nó. Ở Trại sáng tác Đại Lải, có một nhà thơ bảo là thơ tôi Việt quá, tôi nói: không cần thiết phải ngây ngô dân tộc mới có chất dân tộc. Bởi trong thực tế không ít người đã sa lầy vào cái ngây ngô đó. Riêng về Chăm, tác phẩm được trí thức Chăm đánh giá cao lại là một thi phẩm mang đầy tính trí tuệ và khá khó hiểu, được viết từ gần hai thế kỷ nay. Tôi may mắn thuộc lòng nó từ khi còn chưa cắp sách tới trường. Và có thể nói, các sáng tác của tôi ít nhiều đều mang dấu ấn của nó.

Trúc Thông: Đó là tác phẩm gì, anh Inrasara?

Inrasara: Một trường ca có tên là Ariya Glang Anak.

Trọng Hiểu: Dường như thơ anh có chịu ảnh hưởng của trường ca Chăm cổ?

Inrasara: Đúng hơn là chỉ mang âm hưởng, âm hưởng về mặt tư tưởng Chăm. Đâu phải mình học lục bát để chỉ làm thơ lục bát. Dù Chăm có bao nhiêu cái cần phải học. Từ thể thơ đến cấu trúc truyện, từ lối suy nghĩ rất đặc trưng cho đến cấu trúc ngôn ngữ đặc thù, từ văn học dân gian đến sáng tác bác học… Giới trẻ Chăm có thể lặn sâu xuống dòng sông giàu sang đó để múc về nguồn dinh dưỡng nuôi sống tâm hồn mình và làm mới lạ sáng tác mình. Cần phải biết đối thoại với truyền thống để học tập nó, đồng thời cần hơn nữa là học cách sáng tạo cái mới từ nền tảng truyền thống.

Trọng Hiểu: Anh coi sáng tác như là cái nghiệp của mình?

Inrasara: Không hẳn thế đâu. Trước hết, tôi chỉ muốn rồi mọi thứ đều tuôn chảy qua thơ. Tôi tìm hiểu ngôn ngữ Chăm cũng chỉ muốn đọc các tác phẩm văn học Chăm xưa thôi. Nhưng đã sáng tác thì phải ý thức cánh minh nhiên công việc của người nghệ sĩ. Dù thi ca không là gì, không vì đâu, không mang lại lợi ích rõ ràng trước mắt, nhưng nó có khả năng ghì níu tâm hồn con người đau khổ ở lại bên bờ hy vọng. Nó như là một cuộc chơi nhỏ và lớn, nhỏ như nghiệp của tôi và lớn như M. Heidegger nói là trò chơi của thế mệnh.

Trần Vũ Khang: Người Chăm vốn có truyền thống và bề dày văn học nghệ thuật. Vì sao cho đến bây giờ, ngoại trừ Inrasara, vẫn chưa có thêm một tác giả Chăm nào xuất hiện trên văn đàn? Sống tách biệt là không được rồi, ngừng sáng tác văn chương thì càng không thể. Như vậy, đâu là yếu tố cho Chăm làm một hội nhập văn chương, từ đó hòa hợp dân tộc?

Inrasara: Đó là một câu chuyện dài. Đội ngũ sáng tác Chăm thế hệ trước chưa thật sự hòa nhập vào cuộc sống văn học của cộng đồng cả nước, có lẽ do trở ngại về ngôn ngữ là chính. Sau đó, thế hệ tiếp nối lại lần nữa đứt quãng trong thời gian dài bởi biến động thời cuộc (1975 – 1995). Chỉ có thể tin vào thế hệ sinh sau hòa bình lập lại. Dù họ đang mất hút khá xa với hơi thở văn chương dân tộc nên khó đón nhận trọn vẹn nó, nhưng bù lại, tâm hồn trẻ dễ đón bắt cái mới hơn, dễ hòa nhập hơn.

Trong đoạn kết cuốn Văn học Chăm – khái luận, tôi có viết:

“Hi vọng rằng, trong thời gian tới, một tạp chí văn hóa – văn học dành riêng cho dân tộc Chăm sẽ ra đời. Hay ít ra, người Kinh sẽ có một cái nhìn rộng mở hơn, người Chăm cũng sẽ bỏ bớt mặc cảm đi, để qua và bằng sáng tạo văn học, chúng ta sẽ tìm thấy nhau trong một mái nhà của cảm thông thực sự”.

Như vậy, ngoài sự giải tỏa trở ngại về tâm lý và điều kiện sinh hoạt, cần cải thiện môi trường hoạt động văn chương như mở các lớp nghiệp vụ và sáng tác văn chương. Cần đẩy mạnh sáng tạo văn chương trong các cộng đồng dân tộc thiểu số để tạo sự hiểu biết và cảm thông nhau giữa các dân tộc trên đất Việt Nam, từ đó làm phong phú hơn nền văn học chung của chúng ta.

Trọng Hiểu: Câu hỏi cuối cùng: dự định của anh trong tương lai?

Inrasara: Cái mới, cái xa lạ, cái chưa biết luôn vẫy ta ở trước mặt. Với tôi, nó có sức lôi cuốn không thể cưỡng, đòi hỏi những bước phiêu lưu mới. Cả cái mới – mới lẫn cái mới – cũ. Ví dụ âm nhạc Chăm: chưa có một công trình nào thâm hậu về nó, dù cảm giác chung chung của tất cả mọi người rằng nó phong phú lắm, đặc sắc lắm. Nhưng khi bắt tay vào làm, hầu hết đều lớt phớt vành ngoài: sưu tầm lớt phớt, viết lớt phớt, biểu diễn lớt phớt. Có lẽ sắp tới tôi thử dấn mình vào lãnh vực này như tự đặt cho mình một thách thức mới. Bên cạnh cố gắng thành lập nhà trưng bày mini về văn hóa – nghệ thuật Chăm tại quê nhà như là tạo không gian thu hẹp cho tuổi thơ tôi rong ruổi.

Còn lại là: sáng tạo, mãi mãi sáng tạo.

Trúc Thông, Trọng Hiểu, Trần Vũ Khang thực hiện


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *