THỬ TÌM SINH LỘ CHO CHAM AHIÊR-AWAL 75

Bà-la-môn & Phật, chùa & tháp

MT-Po Xah Inư 04
MT-Po Xah Inư 05
Trong lịch sử, Cham đã làm lễ cưới kì lạ giữa Ấn giáo với Phật giáo để tạo dựng nên ngôi nhà hạnh phúc, và đẹp. Cứ đọc lại lịch sử Phật viện Đồng Dương cũng đủ biết.
Nghĩa là cặp đôi Brahmin-Boddhisattva đã có truyền thống. Nay truyền thống đó đang bị hủy phá, không phải hủy phá để sáng tạo, mà là một tiền lệ ăn theo hơi bị… thô lậu.

1. Hiện tượng ngôi chùa được dựng lên trong khu vực tháp Chàm không là chuyện lạ. Ở Bình Định, trước mặt tháp Bình Lâm mươi bước chân là một ngôi chùa nhỏ. Ngôi chùa nhỏ khác cũng được dựng bên cạnh Tháp Đôi ngay trung tâm thành phố Qui Nhơn. Tháp Bánh Ít, tháp Khương Mỹ… cũng sở hữu cái chùa “của” mình. Tôi đã có lần hỏi sư trụ trì về hiện tượng này, sư bảo “để yểm cái linh của tháp”. Đây là một quan niệm rất lạ. Lạ và khó nghe.
Thường các ngôi chùa này khá nhỏ, ít người đến cúng kiếng. Chỉ có sư trụ trì với vài chú tiểu phục vụ nhang khói. Lắm lúc vắng gần như là chùa hoang.
Ngôi chùa nằm ngay sau lưng tháp Pô Xah Inư cũng nằm trong trường hợp tương tự. Nó tồn tại từ trăm năm qua. Người Cham hành hương lên tháp có nhìn thấy nó, họ tưởng người ta dựng lên tạm bợ rồi dời đi, ai dè lại làm thật. Càng ngày càng thật hơn. Từ đó sự hiện diện của ngôi chùa thành lệ, sau đó đã thực sự thành… vấn đề.
Ngày xưa, khoảng giữa thế kỉ XX trở về trước, mỗi mùa Katê, chưa tới trăm người Cham lên tháp cúng tế, rồi vội vã đi về. Bà con vẫn xem ngôi chùa xây ké vào khu đất tháp kia chỉ là tạm bợ, ngày nào đó nó sẽ dời đi. Trong sinh hoạt thường ngày giữa hai dân tộc Cham Việt, bà con Cham cũng sẵn lòng “cho” người Việt một vuông đất ngay trong khuôn viên nhà mình để dựng quán, vài năm sau là đi, đi hẳn hay dời qua nhà khác dựng quán tiếp. Rất êm thắm.

2. Ở đây thì khác. Dù “đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân”, và khuôn viên “đất tháp” vốn không được qui hoạch rõ ràng, và dù tháp Pô Xah Inư thuộc di tích quốc gia, nhưng bà con Cham [và bất kì ai đi qua cũng] nhận thấy đất tháp của ông bà đang bị chèn lấn. Nhất là khi Cham nghe tin cơ quan Nhà nước đã chính thức cấp giấy phép hợp thức hóa dẫn đến việc xây cất chùa. Vấn đề trở thành nghiêm trọng hơn, bởi – không giống như các cụm tháp khác ở miền Trung – đây là cụm tháp “sống”, nghĩa là hằng năm, bà con Cham lên tháp hành lễ vào những dịp Katê Cabbur với hàng ngàn người tham gia lễ hội. Họ thấy “chướng” mắt. Đã có không ít tiếng ta thán. Ai chịu trách nhiệm trả lời cho bà con Cham về nỗi này?

3. Một điều nữa quan trọng không kém trong thời đại văn hóa du lịch phát triển, đó là tính thẩm mĩ đối với cảnh quan khu di tích lịch sử nào bất kì, chứ không riêng tháp Chàm. Khi không giữa không gian kiến trúc cổ kính, đột ngột nổi lên một ngôi chùa mới toanh, lạ lẫm. Ngôi chùa dù đã chịu “lui một bước” để dời xuống sáu mét, một khi được mở rộng và tôn tạo, nó sẽ phá vỡ không gian tháp cổ. Từ con lộ nhìn lên, toàn cảnh đồi tháp như vừa mọc cái mụn nhọt với mảng màu chói mắt, phá vỡ sắc màu nguyên thủy của đồi và tháp. Từ đồi nhìn về thành phố Phan Thiết, ngôi chùa bỗng dưng trở thành hậu cảnh bất đắc dĩ, điều hiếm khi xảy đến với kiến trúc tháp, nhất là với các cụm tháp ngự trên đồi cao. Đó là chưa kể bao nhiêu chi tiết kiến trúc khác của ngôi chùa, hoàn toàn không ăn nhập gì với cấu trúc tháp cổ Champa.
Cho rằng chùa và tháp đang làm cuộc hiệp thương kinh tế, có đi có lại, từ đó tăng doanh thu cho cả hai. Lối nhìn đó có thiển cận không? Bởi ở tương lai không xa, các nhà đạo diễn phim, nhà nhiếp ảnh, du khách hiểu biết hay nhà nghiên cứu nước ngoài sẽ nói gì về “mụn nhọt” này? Đó là câu hỏi dành cho cơ quan trách nhiệm bên ngành Văn hóa tỉnh Bình Thuận và Cục Di sản.
Câu hỏi lớn, chắc chắn thế.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *