THỬ TÌM SINH LỘ CHO CHAM AHIÊR-AWAL 73

Cham và Tháp, vài hiểu biết cơ bản

1. Tháp Cham được phân làm hai khu vực chính:
– Khu vực bảo tàng gồm các tháp hoang (Bimông bhao) là các tháp đã lâu không được thờ phụng, cúng tế, cho dù thời gian gần đây chúng đã được phục chế. Hầu hết cụm tháp ở miền Trung không có cư dân Cham sinh sống được cho là tháp hoang. Riêng Thánh địa Mĩ Sơn, Cham xem đây là đất thánh để hành hương, khi có dịp.
– Khu vực bảo tồn, ở đó trong các mùa lễ, Cham đến cúng tế.
Nha Trang có tháp Bà Pô Inư Nưgar.
Ninh Thuận có tháp Pô Klōng Girai, tháp Pô Rômê, và Đền Pô Inư Nưgar ở palei Hamu Tanran [còn Ba Tháp, truyền thuyết cho rằng do người Khmer lập nên Cham không cúng tế].
Bình Thuận có tháp Pô Xah Inư ở Phan Thiết, tháp Pô Dam ở Tuy Phong; cạnh đó có kalan Pô Nit ở thôn Thanh Hiếu, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình – Bình Thuận, kalan Pô Klōng Mơnai, ở Tịnh Mĩ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, và kalan Pô At ở thôn Hậu Quách, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình.

2. Tên tháp
Hầu hết tháp ở miền Trung từ Phú Yên trở ra đều do người Pháp, hay các nhà nghiên cứu người Việt đặt tên: tháp Bạc, tháp Đồng, tháp Bánh Ít, tháp Cánh Tiên, tháp Đôi, tháp Dương Long, vân vân.
Riêng tháp từ Nha Trang trở vào do người Cham lấy tên vị vua Cham mà người Cham thờ cúng đặt tên: tháp Pô Inư Nưgar, tháp Pô Klōng Girai, tháp Pô Rômê, tháp Pô Xah Inư Thiết, tháp Pô Dam…

3. Cham kính và sợ tháp
Khác với Sang Mưgik hay Masjid, tháp Chàm được xây dựng ở rất nhiều địa hình khác nhau: Trong thung lũng kín đáo, cạnh sông lớn hay giữa đồng bằng; tháp cũng có thể dựng trên trên ngọn đồi gần cửa biển, ven sông hay trên ngọn đồi biệt lập; được dựng bên sườn núi, trên bờ biển, trên đỉnh núi cao, trong hang động… Dẫu sao tất cả đều giống nhau ở sự tách biệt với khu dân cư. Chỉ sau này khi dân cư phát triển, nhiều khu tháp mới bị vây bọc hay bị nhà dân lấn chiếm.
Tại sao? Bởi sinh hoạt cộng đồng nào bất kì luôn xảy ra bao nhiêu chuyện, trong khi tháp là khu vực linh thiêng chỉ dành cho việc thờ phụng. Người Cham kính và sợ tháp. Vài thập niên trước, đi gần khu vực tháp, không người Cham nào dám nói lời sằng bậy hay chửi thề, là vậy.

4. Việc thờ cúng tháp và vai trò Baganraic
Pô Dhya là cấp cao nhất thuộc bangxa Paxeh giới tu sĩ, là chủ lễ một đền, tháp. Các lễ chính thực hiện trên tháp có: Katê được tổ chức vào những ngày đầu tháng Bảy Cham lịch, tế trời thuộc Cha, Cabbur vào ngày 16 tháng chín Cham lịch, tế đất thuộc Mẹ và Pơh Babbang Yāng Lễ Mở cửa tháp diễn ra vào tháng Giêng.
Trường hợp loạn lạc, khi bà con không thể trở lại ngôi tháp để cúng tế, Pô Dhya sử dụng Baganraic để thay thế tháp, hành lễ. Baganraic là dụng cụ thắt bằng sợi lát dài 50-30-30 cm, có dáng thánh đường, như ciêt pōng mà người Cham dùng đựng sách. Baganraic chứa tất tần tật đồ dùng hành lễ của Pô Dhya như ganrom mão, giày, boh jap tràng hạt, nhẫn… Với một gai mông cây trượng, vị Cả sư Cham ôm Baganraic theo và hành lễ. Chạy giặc, qua bao nhiêu đường rừng, băng sông, suối, cánh đồng, đồi, núi. Baganraic là biểu tượng của tháp và được dùng thay cho tháp. Baganraic với Cham như thể một tháp thờ di động.
Baganraic là vật bất li Danōk nơi ở của Dhya. Nó chỉ rời nhà khi ông cần làm lễ Tẩy uế nhà cửa Balih sāng hay lễ Tamư kut Nhập kut.
Có giặc, người Chăm trốn vào rừng sâu, tìm một bóng cây cao, giở Baganraic ra hành lễ với vài trăm thậm chí, vài chục tín đồ sót lại. Cúng vái, lâm râm cầu nguyện thần Yāng sao cho Katê sang năm được bình an trở lại ngôi tháp họ vừa rời bỏ.

5. Khác
Tháp không chỉ được Cham Ahiêr, mà cả Cham Awal cúng tế, và chỉ mở cửa mỗi năm 2-3 lần. Katê, người Raglai từ miền núi xuống múa phục vụ lễ. Cham không đốt nhang mà đốt nến trong lòng tháp trong thời gian hành lễ…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *