THỬ TÌM SINH LỘ CHO CHAM AHIÊR-AWAL 68.

Tìm KINH Ahiêr-Awal ở đâu?

Lạ, người giữ nhiều sách trong Cham không phải là các vị thuộc chức sắc tôn giáo Ahiêr-Awal, cũng không phải Ông Mưdôn, mà là Gru Kalöng (thầy pháp) hay Gahêh (dân Áo Đen) là người có khả năng thay mặt thầy pháp hành lễ nhỏ.
Cạnh đó là cấp Kadhar, nhưng có lẽ Ông Kadhar lưu văn bản để chép phục vụ cho các cấp khác là chính.

Sau 75 rỗi việc, với tuổi trẻ nhiệt tình và mơ mộng, tôi lang thang qua các palei Cham đọc, và chép sách.
Ở Chakleng, nhà có sách nhiều nhất là Ông Hào Piửng – bố Jaya Mrang. Sách ông đến 4 ciêt pōng lớn. Tôi bạn anh Trăng, nhiều ngày qua nhà anh nằm đọc và chép. Chữ ông chép vào khoảng thập niên 1960, phía dưới ghi rõ ngày tháng chép. Tiếp đến là Ông Kadhar Gammūk, chép vào khoảng thập niên 1950. Cả hai thủ đắc lối viết bay bướm, đẹp, rõ.
Ở palei Hamu Crōk, bạn học Trượng Ngọc Toán dẫn tôi qua nhiều nhà có sách cho mượn đọc tại chỗ, hoặc mang qua nhà yut đọc. Ở đây cũng thế, không phải sách mượn từ cấp Paxeh, mà từ dân Gahêh. Chính tại làng này tôi biết Cham có lối phân biệt chữ “bước lên” và “khôn ngoan”. Rất nhiều văn bản Cham ở đây viết chữ “khôn ngoan” JAK với poh G+T = JA[T+G], nghĩa là vòng cong tròn nhỏ hơn “poh T” nhưng lớn hơn chữ “G kéo dài xuống”. Lạ, mà siêu!
Văn bản do ông Bá Văn Có người Hamu Tanran lấy vợ Padra cũng luân lạc nhiều palei khác nhau mà tôi được đọc. Chữ ông chép vào thập niên 1970. Sau đó là chữ của ông Thanh Long người Pabblap (?) lấy vợ Boh Dana, mới nhất – thập niên 1980, tôi đọc từ nhạc sĩ Tantu.
Ông ngoại tôi – cha của cha tôi – là thầy cao đạo, và là tác giả của trường ca Ariya Rideh Apui khá nổi tiếng, sách cả kho – nghe nói, vậy mà 4 con trai ông không ai thủ hưởng nó. Nó luân lạc qua tay Xêh ông, rồi Xêh của Xêh ông. Đến nỗi hôm nay tôi không có miếng nào do ông mình để lại.

Cả ngàn văn bản với hàng vạn trang sách chép tay, nhưng…
Tôi tìm không thấy KINH CHAM. Tôi có hỏi về kinh AhiêrPô Dhya Hán Bằng là bác họ tôi: không có. Hầu như các cấp này chỉ giữ những gì mang tính “thực dụng” cần thiết cho lễ lạt.
Ông Mưdôn Sủ dân Bal Riya đồn là Samri [người Rừng] cuối năm 75 hay ghé nhà Mưdôn gru Dương Dọng ở chung khuôn viên nhà mẹ tôi, chép sách cho dượng, tôi có mang chuyện ra hỏi ông Samri này cũng chịu.
Tôi nghĩ có lẽ nó chỉ có ở Ông Phok Dhan Cơk. Tại sao?
– Ông có hai vali sách không ai dám đụng tới,
– Ông được truyền dạy bí truyền gần như là mật truyền,
– Hành cử ngày thường quái dị của ông, như ta đã biết.
Nhưng tất cả đã tiêu mất theo ông lên giàn lửa rồi. Uổng không!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *