Thái độ trí thức 09. Vấn đề trí thức DTTS [hay Nhà báo Cham đang ở đâu?]
“Tôi nghĩ các cán bộ là người dân tộc thiểu số hay người Kinh đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc, cần nắm vững chính sách dân tộc của Chính phủ. Nắm vững và dũng cảm thực hiện mà không ngại bất kì thế lực nào, miễn là mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng” (Inrasara, Tạp chí Văn hóa Dân tộc, số 1, 2006.)
1. Chớ gọi họ là trí thức…
Việt Nam có truyền thống trọng khoa bảng, nên hay ngộ nhận kẻ có học vị là trí thức. Bằng cấp càng cao thì càng trí thức. Thế nhưng, các nhà khoa bảng, chuyên gia và nhà khoa học, họ làm nghề của họ. Trí thức ngược lại, không là một nghề, mà là dám và biết tỏ thái độ mang tính trí thức trước thời cuộc.
Bạn là nhà văn, bạn viết văn: đó là một nghề; bạn là giảng viên Đại học, đó là một nghề; bác sĩ, nông dân hay nhà nghiên cứu cũng thế.
Khi bạn chưa bước ra khỏi ngành nghề của bạn để giáp mặt với các vấn đề xã hội, bạn vẫn cứ là kẻ làm nghề không hơn không kém. Chỉ khi bạn hiểu thời cuộc, dám lên tiếng, dám đòi hỏi là bạn có thái độ trí thức. Những “dám” này vượt ra ngoài lợi ích cá nhân hay đảng phái của bạn.
Gọi kẻ có học vị cao, cả người làm nghề trí óc là trí thức, là lầm to. Ta từng mang ảo tưởng về họ, và khiến họ tự huyễn. Thật vô ích.
Trí thức không chủ ở nghề nghiệp, mà là thái độ.
2. Trí thức dân tộc thiểu số ở đâu?
Ta hay nói đến chữ “đào tạo”. Làm sao mà đào tạo trí thức! Đào tạo họ về phục vụ mình thì có, trong khi sứ mệnh trí thức là phục vụ nhân dân, phục vụ chân lí thôi.
Trí thức không là một đội ngũ hay tầng lớp. Trí thức là một cá nhân, những cá nhân.
Nhìn vào thực trạng dân tộc thiểu số, không ít dân tộc có nhà văn của mình, nhưng trước vấn đề của cộng đồng, họ đã làm gì? – Không gì cả! Với Cham, Thái hay Tày đã thế, các dân tộc khác, tình hình càng tệ hơn. Hiếm ai có khả năng giúp chính quyền và người ngoài tộc hiểu vấn đề dân tộc mình, hiếm ai thẳng thắn nói lên ý nguyện của bà con hay góp tiếng nói xây dựng cộng đồng. Trong khi đó, trách nhiệm xã hội và tinh thần khát khao công bằng là yếu tố quyết định để hình thành vị thế trí thức.
Cán bộ dân tộc thiểu số đa phần làm việc tại cơ quan nhà nước ở các trung tâm văn hóa lớn, sợi dây liên hệ với bản làng bị cắt đứt, họ lạc lõng giữa người đa số và, rất ít cơ hội phát biểu chính kiến về cộng đồng mình. Những người làm việc tại các tỉnh và địa phương, do điều kiện vật chất và sự tòng thuộc cấp trên, càng không dám nói thật, dù họ phải chứng kiến chuyện chướng tai gai mắt, hàng ngày. Ai, tổ chức nào tạo không gian trí thức cho họ?
3. Trường hợp Cham
Người có học vấn cao trong cộng đồng Cham có mặt hầu hết các ngành, các cấp. Một lực lượng đáng kể. Thế nhưng, trước sự biến xã hội, tiếng nói được [Nhà nước và nhân dân] chờ đợi nhất lại hiếm khi được cất lên, vì sao? Đơn giản: đại đa số họ chưa là trí thức đúng nghĩa hoặc, chưa có thái độ trí thức.
Tại sao Cham có quá nhiều nhà khoa bảng, mà không có nhà báo đích thực nào?
Trong khi ở thời hiện tại, tiếng nói của nhà báo chắc chắn dễ đến với quần chúng hơn cả. Họ…
– có mặt tại các điểm nóng sớm nhất
– điều tra để đưa thông tin chính xác nhất
– lên tiếng kịp thời và mạnh mẽ nhất…
Họ đang ở đâu, hôm nay?