THỬ TÌM SINH LỘ CHO CHAM AHIÊR-AWAL 56.

Thái độ trí thức 08. Thế nào là tìm & hiểu?

Để hiểu thấu đáo một vấn đề/ sự kiện lịch sử – xã hội cần đến 3 nguồn: Văn bản Gốc (sử liệu), cái kể của Sử gia, ghi chép của Người trong cuộc; riêng Hậu hiện đại thêm: phản ứng từ Nhân dân, là người chịu đựng sự kiện [lịch sử] đó. Thế nhưng con người luôn bị Vô minh chi phối, nên cái kể của “lịch sử” đã thành rất khác…

SÂN [hận] làm ta mờ mắt thành [ngu] SI. Từ đó ta hành động nóng vội, phát ngôn bộp chộp. Chỉ để thỏa tâm sân hận của ta [bibak janük ka mưng njaupAriya Glang Anak].Chẳng cần biết lời lẽ ta tác hại thế nào, tác hại đến ai, cả tác hại đến chính thân ta nữa [drei tacei wơk ka drei – AGA].
Làm thế nào để hóa giải chúng? Vẫn Ariya Glang Anak:
Padơh tak nan ün ka, jôi bilei ka urāng: Tịnh tâm nơi ấy nhường nhịn đã, chớ vội chùng lén người.
Tịnh tâm tìm hiểu. Tìm & hiểu. Dưới dấu hiệu sous le signe de Ariya Glang Anak:

1. Cham với nhau. Sự việc giữa thầy NVT và anh TP, trước và sau khi nổ ra, tôi biết rất rõ. Tôi là người thứ hai nhận “thư” từ một người quen, trước cả nó được phát tán ở Xug Yơng Boh Dang. Tôi xin “thư” đó, và giấu đi [như cô Nín bạn tôi đã giấu đi; hiện tôi giữ 3 bản ở 3 lần chỉnh sửa khác nhau]. Sau sự cố, tôi gặp ít nhất mỗi palei 4-5 vị, để nghe phản ứng đa chiều từ các vị, cả chức sắc, thân hào nhân sĩ, lẫn bạn trẻ.
Dù đã qua 2 cấp “hiểu” như trên, trên FB tôi chỉ đưa tin [vì có liên quan đến đề tài tôi đang bàn] mà tránh phê phán.
Theo đúng những gì Ông Glang Anak đã dạy.

2. Cham với Việt. Chuyện Ghur Bini bị xâm hại chẳng hạn, để hiểu sự vụ, tôi đã dành hai tháng đi khắp Panrang-Krong-Parik-Pajai: thực địa các Ghur, gặp, và ráo riết đặt câu hỏi với nhiều đối tượng khác nhau. Cả bên xâm hại: một số gia đình người Việt. Khi đã thực sự HIỂU, tôi mới lên tiếng.
Từ tốn mà không thiếu quyết liệt. Trên web Inrasara.com, ở RFA, trên báo trung ương, và cả tại Hội trường Ninh Thuận nữa…

3. Chuyện đại sự hơn: Dự án ĐHN chẳng hạn. Muốn hiểu, tôi đã làm gì?
Tôi tổ chức cho anh Luyến [người được Nhà nước phân công “chạy” Dự án] gặp 30 thân hào nhân sĩ Cham tại nhà mẹ tôi ở Chakleng. Sau đó, tôi còn mươi lần gặp anh trao đổi riêng nữa. Đến nay chúng tôi vẫn là “bạn”, dù tôi không đồng tình với anh.
Sau đó tôi gặp, và thảo luận với hơn mươi trí thức lớn VN. Còn thế giới, tôi liên hệ thư từ thường xuyên với các chuyên gia hàng đầu khác. Khi đã hiểu, tôi mới có tiếng nói.

Cẩn tắc vô ưu. Ariya Glang Anak còn cụ thể hơn nữa: Padơh tak nan ün ka, jôi bilei ka urāng: Tịnh tâm nơi ấy nhường nhịn đã, chớ vội chùng lén người.
Thế nên, tôi mới viết:
Nếu bạn thực sự muốn hiểu câu chuyện, chớ nghe theo bất kì ai khác: cá nhân, nhóm, “thư” lẫn “biên bản” [tất cả chỉ mang tính tham khảo], mà hãy đến gặp thầy NVT, sau đó anh TP [hoặc ngược lại] – đặt câu hỏi ráo riết với 2 vị: thu nhận mọi thông tin, sử dụng trí thông minh, để HIỂU.
Biết đặt câu hỏi là điều rất quan trọng [Đại học VN không dạy cho sinh viên đặt câu hỏi]. Nếu không biết hỏi để vấn đề vỡ ra, ta sẽ nắm sự việc rất manh mún, từ đó phản ứng manh mún. Khi đã hiểu, các bạn nói hay không – tùy.
Kajap karô – Thug siam!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *