Thái độ trí thức 07. Nguyễn Văn Tỷ, công & “tội”
[Sara, Bá Trung Phụ, Thầy Tỷ, Thành Phần, Thành Chiểu tại Hội trường Ban Dân vận – TPHCM 2006]
Xin mạn phép Thầy Tỷ nhắc lại câu chuyện không đáng nhắc nhưng rất cần thiết này, để “trí thức” Cham ngày nay có thể rút ra bài học cho ngày mai. – Karun Thầy & các bạn!
– Thầy Tỷ, công và “tội”?
– Có nên ứng xử với Thầy cạn tàu ráo máng như vài người làm không?
– Chúng ta học gì từ bài học ô Châu Văn Mỗ để lại?
1. Tôi không kể công Thầy Tỷ, khi…
– ông là Hiệu trưởng Trường Pô-Klong với không ít thành tích.
– ông là Trưởng Ban BBS Sách chữ Chăm [lúc NVT làm Trưởng Ban, việc chuẩn hóa chữ Cham đã kết thúc].
– ông đã in 2 tác phẩm đầy ưu tư về cộng đồng: Giáo dục toàn diện và sự phát triển xã hội (2009), và Đời sống Văn hóa – xã hội người Chăm Việt Nam (2010).
– ông là tác giả bài thơ tiếng Cham dài nổi tiếng: “Thu-ôn Bhum Cam” được rất nhiều Cham thuộc, có người còn dùng để pôic jal.
Theo tôi, nếu sinh linh Cham nào trong đời mình làm được mấy chuyện như thế thôi, cũng đã là “trí thức” sáng giá rồi. Nhưng tôi KHÔNG kể nó vào thành tích trí thức của ông.
Trí thức là kẻ LÀM CHO CỘNG ĐỒNG các công việc NGOÀI CHỨC VỤ của mình, và làm một cách TỰ NGUYỆN và VÔ VỊ LỢI. Thầy Tỷ đã làm gì?
2. “Khôn ngoan đối đáp người ngoài”. Thầy Tỷ đã đấu tranh với NGOÀI như thế nào? Xin tuần tự …
– năm 1980, Thầy Tỷ và tôi viết Thư giải trình, thư riêng mỗi người để phản bác các ngộ nhận về Cham; rồi thảo Thư chung lấy chữ kí của mươi nhân sĩ nữa. Về Nhà Vãng lai Sắc tộc; Về Trường Pô-Klong không phải Mỹ mà do Cham góp tiền làm; Về Trung tâm Văn hóa Chàm, ngoài công lao Moussay còn có công sức bà con Cham. Thư xong, chúng tôi cho học sinh chép nhân bản gửi đi các nơi có thẩm quyền.
[nhớ, ấy là thời mà việc kiểm soát tư tưởng của “bên thắng cuộc” còn rất gắt gao!]
– năm 1993, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tỉnh tố rằng, hiện có 8 trí thức Cham “phản động”. Tố tại hội trường Tỉnh trước hàng trăm người, có cả Cham ở đó. Vậy mà không ai phản ứng cả, ngoài Thầy Tỷ. Ông đứng lên phản bác, sau đó viết thư gửi Trung ương, và ông Y Ngông – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc – bay vào tỉnh nhà giải quyết.
[Chú ý, có 1 dân khoa bảng Cham cũng nằm trong danh sách, khi Thầy Tỷ thảo xong thư đưa cho kí, anh chàng vội rụt cổ, nói: “thôi, họ đã cho qua là tốt rồi”].
– năm 2002, khi cuốn Mấy vấn đề lí luận và thực tiễn… do Phan Hữu Dật chủ biên gồm 23 vị khoa bảng viết rất tai hại về Cham, Thầy Tỷ thảo đơn Thư phản đối [có 18 nhân sĩ trí thức Cham cùng kí tên] gửi các nơi, buộc nhà xuất bản phải về tỉnh giải trình.
– năm 2006, tôi và Thầy Tỷ lên tiếng đấu tranh về vụ Kiều Minh Vũ. Tôi có 4 bài trên Chamyouth, Thầy viết thư lên Trung ương [Mã Điền Cư] đề nghị vào giải quyết.
– năm 2009, ở “Sự cố Văn hóa Nguyễn Thành Thống”, Thầy Tỷ có 2 bài phản biện mạnh mẽ, cạnh đó Thầy còn thách NTT đấu “trực tiếp” tại một “sân trung lập” do “đối thủ” chọn!
– năm 2013-2015, lên tiếng về Ghur Bini, Thầy Tỷ là một trong 4 vị sát cánh cùng tôi từ đầu đến cuối. Chú ý: Ở đây, tôi không “làm” mà chỉ lên tiếng với tư cách trí thức, trên RFA, các báo Trung ương và Inrasara.com.
+ Riêng việc xây dựng Hội đồng Sư cả Cham Bà-ni, chính Thầy Tỷ là người đặt nền móng. Ngay từ khi lập nên Hội đồng Liên chùa và Ban Planla (Ban Đại diện) vào năm 1970.
Sau 1975, qua sự đấu tranh liên tục của Thầy Tỷ, đến năm 1990 Ban ấy mới được phục hồi do ông Từ Công Phú làm Trưởng Ban.
Năm 1993, Thầy gặp Bí thư Tỉnh Nguyễn Trung Hậu xin thành lập Hội đồng Phong tục cho cộng đồng Cham để sinh hoạt tôn giáo Cham đi vào nề nếp [vì trước 75 Cham đã có]. Ý tưởng này được ông Hậu ủng hộ, nhưng do TW không đồng ý, bởi cho là Cham chỉ có tín ngưỡng chứ không có tôn giáo, nên công việc đình trệ.
Rồi từ năm 2007 Thầy Tỷ là người năng nổ nhất trong sinh hoạt của Hội đồng Sư cả Cham Bà-ni, sau đó ít năm vì lí do sức khỏe, Thầy đã xin nghỉ.
[tất cả sự việc trên đều có đầy đủ chứng từ, và vật chứng].
3. Các câu hỏi
– Có bao nhiêu trí thức Cham TRONG NƯỚC hôm nay làm nên 6+1 cuộc đấu như thế? Đấu với NGOÀI, đấu TRỰC DIỆN, đấu đa phần THÀNH CÔNG và buộc đối thủ NHẬN LỖI?
[1. Khác với trao đổi khoa học, đây là trực diện với vấn đề nóng của cộng đồng, 2. Nếu bạn biết trong Cham có người nào khác nữa như thế, xin cho tôi hay kèm những chứng từ, để tôi ca ngợi. Sara rất thèm thấy Cham thành công để ca tụng].
– Các bạn có biết đầy đủ công trạng ấy không? Không biết, hay biết nhưng ta không cho đó là công? Nếu vậy thì cần làm thế nào nữa, mới gọi là công?
– Một trí thức làm được bao công trạng, chưa một lần mang tiếng ảnh hưởng xấu đến xã hội, nhưng chỉ vì một “sai lầm” [tôi để chữ “sai lầm” trong ngoặc, vì vấn đề chưa được quyết]; con người như thế có đáng cho ta đối xử tệ hại không? Nếu thế, còn ai có tinh thần “đấu tranh” cho cộng đồng nữa?!
Cuối cùng, trí thức Cham hôm nay học được gì từ bài học ô Châu Văn Mỗ để lại? Rằng: “Ông Mỗ kính nể người đã từng “chống mình”, từng cấm mình! Chỉ có người tâm lành, có tầm nhìn xa mới có lối nghĩ, lối nói đó”.
+ Lưu ý thêm:
– Phân biệt trong/ ngoài nước, vì như nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc nói: Cũng hành vi và lời nói đó, nếu ở trong nước đó là anh hùng, ở ngoài nước nó chỉ là một ý kiến “tham khảo”.
– Không phải ông/ bà có công thì có quyền làm sai. Sai, cộng đồng có quyền phê phán, Nhưng ta chỉ phê phán chính ĐIỀU ĐÓ thôi, và phê thế nào để người ta còn sửa được.