Vấn đề Đất gửi Tanưh paywa của Cham Ahiêr
[bài cũ đăng lại]
Vài câu hỏi…
– Với Đất gửi của người Cham Ahiêr, khi hai tộc Cham Việt sống gần nhau hay cộng cư cùng palei, làm thế nào để tránh bị lấn chiếm dẫn tới tranh chấp và xung đột không đáng có?
– Sống chung palei Cham, thi hài người Việt có được cho vào làng là điều phong tục Cham kiêng kị không?
– Chakleng và palei khác đã giải quyết ra sao? Còn khía cạnh nào chưa thỏa đáng?
1. Kut Cham Ahiêr
Mỗi palei Cham Ahiêr có nhiều Gaup (họ), mỗi họ có một Kut (nghĩa trang tộc mẫu), thế nên nếu ở Cham Awal mỗi palei chỉ có một Ghur (nghĩa trang) thì palei Cham Ahiêr có nhiều Kut khác nhau. Trước khi đưa “thi hài” vào Kut, tất cả đều được chôn chung một nghĩa trang. Gọi là nghĩa trang theo nghĩa thông thường thì chưa chuẩn xác, chữ Đất gửi (Tanưh/ Libik Paywa) thì đúng hơn.
Sinh linh Cham Ahiêr mất được chôn tạm (ba nau paywa) ở Đất gửi này. Khi thi hài chỉ còn cốt, bà con cải táng mang về làm Đám tang. Trong buổi hỏa thiêu, 9 miếng xương trán được cắt và mài tròn như đồng xu để giữ lại trong cái Klong (lọ nhỏ). 20-25 năm sau, dòng họ tập hợp tất cả Klong này lại làm lễ Nhập Kut.
Vấn đề Đất Kut đã được giải quyết từ 20 năm trước: người Cham Ahiêr đã biết xây tường thành để Vāng karơk, từ đó Đất Kut không còn bị xâm hại nữa. Hôm nay, Đất gửi đang trở thành vấn đề. Nhất là khi palei Cham sống cạnh làng Việt, hay làng có cả hai tộc Cham Việt cộng cư.
Tại sao?
2. Đất gửi của Cham Ahiêr mỗi palei chỉ cần một sào là đủ. Bởi Cham không có mộ phẩn, thi hài được gửi tạm vài năm là giở lên làm đám thiêu, đất thành đất trống. Người Việt thì khác: luôn chiếm giữ làm của riêng. Do đó, đất nghĩa trang mở tới đâu cũng không đủ. Mộ phần cộng đồng Việt sống gần hay sống chung palei với Cham Ahiêr dễ xảy ra chuyện lấn sang phần đất trống này.
Chakleng thì không vấn đề, người Việt sống chung palei Cham có phần đất riêng và xa. Palei Cōk Hiếu Lễ ngại bên làng Việt Trường Sanh, Trường Thọ lấn nên đã “lo trước” và xây tường thành rào lại: ổn. Boh Dana có thời gian gay, rồi đã ổn! Hamu Tanran người Cham gửi [tạm] bên kia đồi, người Việt chôn [cố định] bên này đồi; và dù người Việt chỉ chiếm 5% dân số Hamu Tanran, nhưng nếu không “lo trước”, 20 năm nữa sẽ gay.
Đó là 4 trường hợp điển hình. Làm gì?
Cham tinh thần mở, không rào là đúng truyền thống. Nhưng thế giới hiện đại cần “sổ đỏ” và cần bảo vệ, tại sao không làm trước như palei Cōk? Làm thế, được mấy cái lợi: thứ nhất, Đất gửi không sợ bị xâm lấn, thứ hai khuôn viên không bị uế tạp [do trâu bò, hay con người], và điều không phải không cần thiết: người chết và người đưa tang có bóng mát trú thân.
3. Cuối cùng là chuyện Mưtai lihīn Chết không lành
Người Cham chết ngoài palei thì không được mang vào palei làm lễ. Lễ phải được thực hiện bên ngoài palei. Đó là luật tục. Nhưng nếu người Việt sống chung palei Cham thì sao? Bởi họ cần mang thi hài vào nhà làm các thủ tục cần thiết. Lâu nay, ở Chakleng có xảy ra vài trường hợp trớ trêu đó, gia đình Việt đã phải “giấu” bài bằng cách cho người đã chết chơi oxy! Và tạm nhắm mắt cho qua… Nhưng không ít người đã áy náy: mình sống nhờ palei Cham mà mình lại phạm phong tục người ta thế là không phải tí nào cả.
Chakleng giải quyết thế nào? Vẫn cho người Việt đưa thì hài vào nhà [làng] làm lễ, nhưng sau đó chịu tẩy uế balih palei. 4-5 triệu đồng. Đôi bên hòa hảo, vui vẻ.