ĐI TÌM SINH LỘ CHO AHIER-AWAL. 01

Tinh thần Pangdurangga qua tâm linh Ahier-Awal

[Lẽ ra chuyên đề “Cham Ahier, thử tìm giải quyết vấn đề” được tiếp tục với phần bình luận, qua đó vấn đề sẽ tự vỡ ra cách giải quyết. Tuy nhiên, đến đây tôi muốn chuyển hệ sang một hướng khác, tích cực hơn. Để mở đầu câu chuyện, xin trích bài viết đề dẫn cho Thảo luận Dự án Nhà máy ĐHN đăng 5 năm trước: “Cham Pangdurangga – ngang bướng, đau khổ, kiêu hãnh và bất an”]
*
Pangdurangga là khu vực địa lí lịch sử cực nam trong 4 khu vực thuộc vương quốc Champa. Suốt chiều dài lịch sử đầy biến động của vương quốc, khu vực này luôn chịu thiệt. Về mọi mặt. Xa trung tâm văn hóa lớn là vùng Amaravati thời Champa hưng thịnh, nó ít được ưu ái; không biết bao lần bị đoàn quân Khmer xâm lăng mà nó phải đơn thương chống cự, rồi sau đó khi vương quốc suy yếu, Pangdurangga đã đứng trụ chính chịu trận để thay mặt cả dân tộc mà tồn tại. Tồn tại theo đúng tính cách của người Pangdurangga. Vị trí địa lí cùng hoàn cảnh sống buộc nó tự trang bị tinh thần độc lập. Tinh thần độc lập cùng sự đề kháng được tôi luyện thế hệ này qua thế hệ khác làm nên sức chịu đựng đến lì lợm. Do đó chẳng ngạc nhiện khi không ít lần, nó gây phiền hà cho chính triều đình trung ương. Bi kí trên tháp Po Klaung Girai (tk XI):
“… vì người ở vùng Pangdurangga này ngang bướng, ngu ngốc, hung ác luôn chống lại hoàng đế tối cao. Cuối cùng ngài phải thân chinh đến. Những kẻ chống đối muốn tôn người Pangdurangga lên ngôi vua. Nhưng bằng trí thông minh khôn khéo của mình, ngài đã chinh phục được tất cả…”

Chính sự “ngu ngốc, ngang bướng” đó đã tôi luyện dân Pangdurangga để nó được là chính nó. Thế nên, thế kỉ XVIII, khi Chúa Nguyễn cai quản phần phía nam và Tây Sơn thống ngự phần đất phía bắc Pangdurangga, người Pangdurangga vẫn trụ vững. Hai nhà đã phải dành cho người Cham khu vực quyền tự quản và tự quyết. Rồi khi Gia Long thống nhất đất nước, người Cham vẫn phần nào còn làm chủ mảnh đất quê hương mình. Để đến khi vua Minh Mạng quyết định hủy bỏ quy chế tự trị của Champa vào năm 1832, Champa mới mất hẳn.
Khởi nghĩa và bị càn quét. Chết chóc và chạy loạn đến không còn sinh linh nào trụ lại. Nhưng đất Pangdurangga vẫn thở, dưỡng nuôi mầm sống chờ đứa con trở về.
Trở về, chịu đựng và dung nạp tất cả cư dân các nơi khác chạy loạn thiên di tới, thổi vào họ tinh thần Pangdurangga tạo nên một cộng đồng cố kết, vừa đậm chất dân tộc vừa mang đặc trưng vùng miền. Quyết liệt và bao dung, ngang bướng mà vẫn nhún nhường, chính người Pangdurangga đã hóa giải và hòa giải hai tôn giáo từng đối kháng là Ấn Độ giáo và Islam để tạo nên tôn giáo-tín ngưỡng Ahier-Awal có một không hai trong lịch sử loài người.
Chính tính cách ấy của Pangdurangga qua thể tính tâm linh Ahier-Awal vừa đối cực vừa hòa hợp tạo nên tinh thần văn hóa Cham và tâm hồn con người Cham hôm qua, sẽ là nền tảng cho xã hội Cham ngày mai.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *