NHÀ VĂN & Ở NƠI KHỐN CÙNG CỦA CỘNG ĐỒNG

[hay: Chúng ta là những kẻ có tội]
Ngan4
1. Từ khách sạn 5 sao Thái Lan qua Resort 4 sao Cambodia, đón xe đò xuôi Sài Gòn rồi về thẳng đất nắng Phan Rang, tôi dành nguyên tuần đi vào và đi sâu xuống cộng đồng ở đáy xã hội. Qua 7 palei Cham ba cùng với non trăm sinh linh Cham khốn khổ.
Hôm qua vừa tiếp nhận nỗi lòng của một mệnh phụ nửa tỉ đôla, thì hôm nay nghe bà mẹ Cham vô sản tâm sự; hai sinh linh cách nhau cả vực thẳm thế giới sống, nhưng cái KHỔ của họ giống nhau xiết bao.
Tương cận với cái khổ của giáo sư Thái Lan nhà lầu xe hơi với vợ con đủ đầy khi đặt bên cạnh thảm cảnh của một đàn ông Cham không nhà, vợ bỏ, hai đứa con đang cho ở đợ.
KHỔ, đó là mẫu số chung của cộng đồng Cham [lớn hơn – cộng đồng nhân loại].
Tôi đã vỡ ra nỗi này từ lâu lắm, nay NÓ hiện ra lần nữa: mồn một.

2. Hiện tôi đang dõi theo thảm trạng [và hỗ trợ] một gia đình Cham cực nghèo ở quê. Nghèo và mất cái eo. Mất cái eo còn đỡ, có thể dẫn đến mất mạng. Chuyện tế nhị chưa tiện post lên đây, đợi có kết quả, tôi sẽ thông báo [và cảnh báo] chung đến mọi người.
Tôi cũng vừa tìm gặp một chị ở một tình cảnh hoàn toàn khác: cô đơn với một quá khứ đau buồn không biết tỏ cùng ai. Họ là những sinh linh vô danh. Sống vô danh và chết vô danh.
Tôi nguyện với lòng mình sẽ ghi nhận dấu vết đời sống hèn mọn với quá khứ vô tăm tích đó. Những sinh linh mà Ariya Glơng Anak mô tả: “Haniim ayuh jang oh hai, nưm angan jang o hu/ Phúc thọ đâu chẳng hay, tuổi tên đâu không có”.
Chớ nói cho to: Nhà văn là thư kí thời đại. Với tôi: Nhà văn là kẻ lưu giữ kí ức dân tộc. Làm được chuyện cỏn con này thôi, bạn đã phần nào hoàn thành sứ mạng rồi.

3. Ngộ cái KHỔ đó, rồi nhìn liếc qua bao lăng xăng phởn chí qua mấy thành tích bé con của vài nhân vật ở cõi người, tôi thấy chúng tội nghiệp xiết bao.
Thế nên về đất Cham, tôi hiếm khi tìm đến các nhân vật “nổi tiếng”. Không phải tôi ghét gì họ, mà thấy tội cho họ. Nên, viễn chi là hay nhất.
Vụ “thanh niên Cham tự thiêu”, gia đình người bị nạn hai bận từ Phan Rang vào Sài Gòn tìm gặp tôi, tôi đã không giúp gì được họ. Tôi thấy mình có lỗi, thậm chí có tội.
Hôm nay, ở thảm cảnh trên, nếu tôi không giúp gì được, tôi cũng nghe mình có tội.
“Sống có nghĩa là mang tội – tội lỗi bày ra
không cho ta sám hối, càng không để sẻ chia
nó xóc ta cô đơn sòng bạc cuộc đời” (Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002).

Nhà văn, làm gì?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *