ĐI TÌM SINH LỘ CHO AHIER-AWAL 02

Pangdurangga ngàn năm đất nắng

“Văn hóa Champa là văn hóa đùa vui
Chịu chơi cả trong đau khổ”
(Inrasara, Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)

1. Thảo luận về Dự án Nhà máy ĐHN, đầu tiên tôi chưa vội đưa ý kiến “đồng ý hay không đồng ý” (BBC, 10-3-2012), mà tìm cách mang sự việc ra ánh sáng, bên cạnh cung cấp cho bà con Cham, cho chính quyền Việt Nam, và cho thế giới một hiểu biết căn bản về cộng đồng Cham Ninh Thuận. Tôi nhấn vào 3 điểm chính:
– Đây là vùng đất tộc người Cham cư trú lâu đời: hơn 2 ngàn năm,
– Cộng đồng Cham tập trung nhiều và dày nhất: chiếm gần nửa dân số Cham trên toàn quốc, và
– Là miền đất tâm linh với hơn trăm điểm tôn giáo-tín ngưỡng đang được thờ phượng nằm trong vùng bị ảnh hưởng.

2. Khu vực văn hóa-lịch sử Pangdurangga bao gồm cả Ninh Thuận và Bình Thuận, tuy nhiên trung tâm của nó chính là “Phun Darang”. Ariya Glơng Anak:
Ra caik Ulik dauk ppakhik Phun Darang
Di grơp tapien ra ppawang, ppabbuk pajaih nan ka drei

Họ cất chức quan trấn giữ trung tâm Panrang
Khắp bến bờ họ bao vây, [họ nói] là để giữ nòi giống cho mình
“Phun Darang” (phun: gốc; Darang hay Panrang, Prang Darang) chính là trục Chakleng – Ram – Hamu Tanran, ba palei lớn bao quanh thủ đô Virapura tk XII – là điểm nóng xảy ra nhiều biến cố và chịu nhiều biến động nhất. Cả xưa và nay.
70 năm sau đại biến thời Minh Mạng, thống kê của Annuaire Général de L’Indochine 1907-1908 cho biết, Cham Phan Rang có 6.000 người, Bình Thuận 9.000 người, Bình Định – Phú Yên gần 10.000 người. Nhớ, đầu tk XX Cham Ninh Thuận vỏn vẹn 6.000 người, để đúng trăm năm sau, con số tăng gấp 12 lần: 72.000 người, trong khi các vùng khác hoặc dừng lại, hoặc tăng khá chậm.
Đói khát, Cham vẫn làm lễ, đủ loại lễ hội. Đau khổ, Cham vẫn ca hát, nhảy múa và làm thơ – mênh mông thơ được viết ra trong giai đoạn này. Chưa qua kĩ thuật in ấn, Cham chép truyền tay nhau thứ chữ “con giun” đầy mĩ thuật, để lưu giữ kí ức dân tộc.

3. Bốn câu hỏi
Panrang là vùng đất nắng nóng với lượng mưa kém nhất Việt Nam, tại sao nó có thể dung nạp Cham từ miền khác lại được?
Dung nạp, sinh sôi nẩy nở và phát triển mà vẫn bảo tồn được truyền thống văn hóa dân tộc? Hay nói theo kiểu bây giờ: truyền thống mà vẫn hiện đại.
Tại sao nó có thể hóa giải và hòa giải được hai tôn giáo từng đối kháng trong lịch sử [Champa, và cả Ấn Độ], để tạo thành một hệ thống tôn giáo-tín ngưỡng mới mang đậm bản sắc Cham?
Cuối cùng, 200 năm sống xen cư và cộng cư với người Việt, dù nhanh chóng hòa đồng nhưng tại sao Cham chưa bao giờ đánh mất tính cách Pangdurangga cũng như bản sắc độc đáo của văn hóa dân tộc?
Trả lời được 4 câu hỏi cốt tủy này, vấn đề sẽ tự mở ra…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *