Krishnamurti: Nhân loại đã tiến bộ từ đi chân đất đến máy bay siêu thanh, từ lửa vò đến điện hạt nhân, vân vân nhưng tâm lí con người muôn đời vẫn thế.
Tôi thế nào thì thế giới như thế. Muốn thay đổi thế giới, trước hết tôi phải thay đổi chính tôi. Cuộc chuyển hóa tâm thức là yếu tố quyết định cho cách mạng toàn diện.
Tôi có thể nói: Tôi không quan tâm đến cách mạng xã hội. Ừ, đúng lắm.
Vậy khi cách mạng nội tâm đã giải quyết, nhỡ thân tôi rơi vào [hay sinh ra dưới] chế độ độc tài [chính trị, tôn giáo…] thì sao?
Dalai Lama đã đạt đạo, vâng. Nhưng khi Tây Tạng bị Trung cộng thống trị, ông vẫn phải lang thang “tìm đường cứu quốc”, không thể khác. Sau đó liên tục xảy ra trận tự thiêu của hàng loạt nhà sư.
Tôi đã giải thoát, đã đáo bỉ ngạn sang tận bờ bên kia, ừ – hay lắm. Thế khi mỗi ngày tôi phải chứng kiến bạt ngàn bất công xảy ra xung quanh, tôi có thể ngồi vắt chân phiêu diêu nhìn trời mây được chăng?
Cần thay đổi cơ chế là vậy.
Con người bất toàn, những sinh linh đáo bỉ ngạn có được là bao! Và ngay cả khi họ đã giải thoát, không ít người đã nguyện ở lại khai ngộ chúng sinh, hay lên đò quay về lại cõi nhị nguyên để giải quyết vấn đề nhân gian. Họ là Bồ tát.
“Bồ tát” từ nhiều vùng đất khác nhau, bằng nhiều kiểu khác nhau, họ nỗ lực đẩy bánh xe lịch sử lăn tới. Tự do cho sinh linh chẳng hạn:
Phong kiến Trung Quốc: tự do cho một người.
Ấn Độ: tự do tiêu cực.
Hi La tự do cho giới tinh hoa, còn lại là nô lệ.
Cộng sản: tự do cho một giai cấp [đúng hơn một nhóm lợi ích].
Dân chủ: tạo cơ hội cho mọi người. Cơ hội về giáo dục, việc làm, lãnh đạo… để cá nhân phát huy tối đa năng lực của mình.
Dĩ nhiên, Dân chủ không phải không khuyết điểm. Nhân loại còn phải tiếp tục làm cuộc hành trình tìm kiếm.