DỄ & KHÓ, PHỔ THÔNG & CAO CẤP

[hay Tại sao tôi viết về Cham thì DỄ hiểu, làm văn chương hay bị kêu là KHÓ hiểu?]

1. Về Cham
Thành thực mà nói, người hiểu biết ở trình độ cao trong cộng đồng Cham không nhiều.
Ví dụ về phiên âm [chuyển tự] chữ Cham, người đọc-hiểu lối chuyển tự của anh em ở Malyasia không nhiều, chỉ có thể chiếm 1% [khoảng 200 người], còn lối phiên âm mới [ở 4.650 từ Việt Cham thông dụng, hay của Quang Cẩn] cộng đồng Cham rất dễ tiếp nhận để NÓI được tiếng Cham.
Ví dụ: “rimōng” hay “rimoong” thì dễ đọc hơn rimaong (con cọp), “habiên” dễ đọc hơn “habién” (bao giờ), “mưng” (từ) dễ hơn “mâng”, “par” (bay) với “per” cũng vậy.
Lí do: người Cham ở VN rành tiếng Việt hơn tiếng Cham, cũng không có nhiều người rành ngoại ngữ.

Đó là về ngôn ngữ, các vấn đề khác cũng vậy. Hiểu biết về văn hóa Cham của người Cham khá hạn chế, thế nên tôi chủ trương phổ cập văn hóa Cham bằng phương pháp và ngôn từ dễ tiếp nhận nhất có thể.
Riêng viết về các vấn đề thực tế xã hội, tôi càng cố gắng làm sao cho dễ hiểu hơn nữa: Rõ ràng, cụ thể, ý tưởng sáng rỡ, ngôn từ đơn giản nhất. Tôi đánh số, rồi “thứ nhất là”, “thứ hai là”, ngoài ra sử dụng rất nhiều gạch đầu dòng… là vậy.
Làm khó anh chị em hay bà con, họ sẽ bỏ cuộc thôi.

2. Về sáng tạo văn chương
Văn chương thì khác. Tôi PHẢI sáng tạo. Còn việc người đọc tiếp nhận nó thế nào không quan trọng với tôi.
Sáng tạo là làm mới: thủ pháp mới, cách nói mới, nhịp điệu hay ngôn từ cũng mới. Đã mới thì nó phải xa lạ với những gì đã và đang diễn ra. KHÓ HIỂU là đương nhiên.
Khó/ dễ ở đây không thuộc về trình độ học vấn, mà ở cấp độ tiếp nhận của người đọc.
Ví dụ, năm 1996 tôi đưa bài thơ “Ngụ ngôn của Đất” cho một tiến sĩ văn chương [xin nhấn: tiến sĩ văn chương chứ không phải tiến sĩ lĩnh vực nào khác] ở ĐH Tổng hợp đọc. Xong, anh hỏi tôi: “Sara chưa sửa phải không”. Ý anh muốn nói: thơ còn thô ráp, chưa hay.
Trong khi tôi chủ trương làm cho nó càng sần sùi, càng thô ráp càng tốt. Nếu không thế, thì tôi đã đi theo lối mòn của thiên hạ. Và đã lối mòn, thì làm gì còn sáng tạo!
12 năm sau, Đinh Linh – nhà thơ song ngữ Mỹ-Việt chọn nó là bài thơ hay của Sara để dịch ra tiếng Anh. Khác là vậy. Khó là vậy.
Mà bổn phận của kẻ sáng tạo là làm KHÓ mình, qua đó – làm khó bạn đọc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *