NGHĨ TỪ FORMOSA 5- CHÍNH TRỊ VIỆT NAM & VÔ MINH

“Từ khi chúng ta là hội thoại, và có thể nghe ra nhau” – Hoelderlin.

Con người là con vật chính trị. Riêng ở Việt Nam hiện nay, chính trị gần như quấn chặt lấy con người trong từng hành vi nhỏ nhất, ngôn từ vu vơ nhất, theo sinh linh VN từ trong giường chiếu cho đến trên mạng lưới internet.
Trong các bài “Nghĩ từ Formosa 1-3”, tôi đã thử phân tích “tham” dẫn đến “si”, “si” dẫn qua “sân [hận]” của con người hiện đại VN, đến nỗi mọi ý hướng tìm cầu “hòa giải” đều thất bại. Rồi khi “vô minh” kia bị bóng ma chính trị thời cuộc hôm nay ám, nó càng đẩy con người VN rơi vào vòng xoáy của thù hận và chia xé không lối thoát. Từ sinh linh ít học cho đến người được cho là trí thức. Cả ở cộng đồng bé tí, là Cham.

Tuần trước, bạn trẻ Cham KD tố cáo tôi hết hùa Cộng Sản chống Champaka, lại chạy theo tàn dư Cộng Hòa chống Cộng Sản. Hôm qua, trao đổi về Formosa, nhà thơ TTTh khi không gán cho tôi cái nhãn “Cộng sản Champa”. Một cán bộ trên thì kêu “sao chuyện gì của Nhà nước ta Sara cũng viết chống thế”. Không lạ, khi bạn thơ thâm tình đã rất thiện chí khuyên tôi: Anh Sara nên chọn hẳn một bên đi.
Nhưng làm sao mà chọn? Tại sao cứ phải phe này hay phái kia, mới được?
Nếu chọn, tôi chỉ có thể chọn vị thế Đường Biên, ý hướng Nhân Văn, tâm thế Đối Thoại, thái độ Phản Biện và hành vi Bất Bạo Động. Không thể khác, vì tôi biết tôi sinh linh CHAM, “một mạng cùi Cham” – như tôi hay tự đùa thế.

1. Nếu viết “giải minh”, “đính chính”, phản biện mà gọi là “chống”, thì tôi đã chống Cộng Sản từ 40 năm trước rồi. Năm 1981, tôi và thầy Tỷ viết thư giải trình để đòi lại Trường Pô-Klong cho Cham. Năm 2006, lên tiếng về Vụ Kiều Minh Vũ; năm 2007: về Đất đai Văn Lâm. Rồi Dự án Điện Hạt nhân, Ghur Bini, Vụ Tiêu cực ở Trường Nội trú Dân tộc Ninh Phước, và mới nhất: “Đòi người” qua vụ biểu tình.
Trong lúc đó mãi 2007, tôi mới “chống” CPK qua bài viết “Đính chính Champaka”, sau đó là bài “Nói giúp thầy Tỷ” tháng 3-2014 nhân vụ Ghur Bini, và mới nhất: phản bác bài viết Ja War Palei vào cuối năm 2015.
Mà Sara mới “chống” CPK 3-4 bài thôi, trong khi tôi chống Hội Nhà văn [một tổ chức của Đảng CS] đến 30 bài, bài đầu tiên vào năm 2007 và bài mới nhất vừa post lên web cá nhân tháng 6-2016. Như vậy, tính về thời điểm, tôi nhất quán trong viết, chứ đâu phải cơ hội, từ đầu này chạy sang đầu nọ.
Vậy mà có bạn FB được xem là hiểu biết kêu bài tố cáo kia có mấy điểm có lí. Khi tôi hỏi có lí ở chỗ nào, anh em mình trao đổi, để giúp nhau giải minh vấn đề, anh im re! Thì làm sao có thể “nghe ra nhau”.

3. Về nhãn “Cộng sản Champa”, khi đọc thấy tôi mới nói: Do chưa đọc Sara về sự cố FMS nên anh mới nghĩ thế. Anh reply: “Mâm nào mà ông chả có xôi có thịt”, một trả lời khiến tôi bất ngờ. Tôi “xin hỏi anh bạn “mâm” nghĩa là gì nhỉ?”, rồi tôi đề nghị trao đổi để hiểu nhau, nếu không tiện trên FB, thì có thể ở “chat”. Anh nín luôn. Tại sao?
Mỗi năm tôi viết trăm bài dài ngắn khác nhau. Đâu mời thì tôi viết, không từ chối, vô phân biệt. Nếu gọi đó là mâm, thì đây…
Báo Cham, từ năm 2004 tôi viết nhiều nhất cho Chamyouth, sau đó là Ilimochampa.
Báo Việt hải ngoại, tôi viết đậm cho Tiền Vệ, Talawas, Hợp Lưu, Thơ, Da Màu. Báo nước ngoài: BBC, RFA
Trong nước, tôi viết nhiều cho Văn Chương Việt, sau đó là Tia Sáng. Lạ, báo Văn nghệ của Hội Nhà văn tưởng là chỗ mình, ai dè tôi hiếm khi đăng ở đó. 10 năm qua, vỏn vẹn 2 bài! Sau này Văn Việt mời, tôi cũng viết, chứ không ngại dù có mấy lời nhắc nhở.

Còn nếu gọi Giải thưởng các loại là “mâm”, lại là ngộ nhận lớn.
Tác phẩm tôi viết xong, tôi in thành sách hay đăng báo, họ đánh giá tốt, họ cho giải thì tôi nhận mà không cần biết chính kiến của họ. Giải Hội Nhà văn của Nhà nước hay Giải Phan Châu Trinh phi chính thống, Giải CHCPI của Pháp tư bản hay Giải Văn học Đông Nam Á của Thái Lan phong kiến, Giải Hội đồng LLPB VHNT TW của Đảng CS hay Giải Văn Việt của BVĐ Văn đoàn Độc lập [bị xếp vào] phản động.
Tiền giải thưởng, khi túng thiếu thì tôi tiêu pha riêng, còn đa phần tôi dùng nó vào việc công ích ở các palei Cham. Tôi nghĩ chả vấn đề gì trầm trọng cả.

4. Riêng chuyện viết “chống chế độ” mới buồn cười.
Có thể nói tất tần tật chuyện liên quan đến cộng đồng Cham, khi biết, tôi đều lên tiếng. Mênh mông chuyện. Thế nhưng, lịch sử Cham dạy cho tôi quá nhiều bài học. Ông nội tôi bị Việt minh đập đầu chết oan khi chưa tới 40 tuổi. Sau 75, chú ruột tôi, 2 anh họ tôi lên núi bị bắn chết. Sống chế độ này, tôi quá hiểu mạng mình. Hai lần mở cuộc trao đổi trên Inrasara.com về Dự án ĐHN, tôi vài bận bị nhắc nhở. Giải thưởng Văn Việt, tôi cũng nhận được mấy lời khuyên “chí tình”.
Nhưng lẽ nào nhà văn không có tiếng nói! Dẫu sao, phản biện dù quyết liệt gây cấn tới đâu, tôi vẫn giữ thái độ bình tĩnh, phân tích với chứng cứ rõ ràng, cùng ngôn từ ôn tồn nhất có thể. Để hai bên có thể “nghe ra nhau”. Vậy mà nhìn quanh, người cũ thưa dần, cứ xa dần. Cả bên này lẫn bên kia. Cô đơn xiết bao.

5. Rồi bất ngờ, hôm qua bàn về Formosa, [sau khi cắt dán bài viết của Di Li như là vật chứng cần thiết] dù tôi đưa lời bình rất ngắn và rất rõ, mà đã thành chuyện. Rằng: Sau khi quy trách nhiệm, bắt bồi thường, xét xử FMS và người liên quan, có 2 phương cách giải quyết:
– lâu nay đa phần đòi: “Formosa phải cút đi!”.
– nhưng cạnh đó có một số người nghĩ KHÁC: “FMS vẫn có thể ở lại” [sau khi phạt vạ nặng, và buộc họ tuân thủ nghiêm phép nước].
Tôi bình về ý thứ nhất: “Nhìn ở bình diện thuần kinh tế là như thế, đó là nhận định đúng và hay”. Tôi bình tiếp cho ý thứ hai: “NHƯNG Formosa không thuần kinh tế, mà quan hệ VN-TQ thì khác, rất khác. Và thậm nguy.” Tôi đồng ý với hướng này.
Đó là bình ngắn của tôi, còn bài viết của Di Li thì nhà văn này tự chịu.

Vậy mà, qua diễn đạt của Chu Mộng Long [tôi không trách Chu đâu, Hậu hiện đại tôi quá hiểu về nỗi bất toàn của chữ nghĩa, và bấp bênh của tiếp nhận], rất nhiều bạn FB [tôi thử lướt qua khoảng 200 còm, trong đó lối 1/3] một hai cho tôi nói tiếng nói “lề Đảng” đồng lõa với FMS, nghĩa là đồng lõa với tội ác hại dân hại nước. Đó là lối suy diễn mang tính quy chụp, đồng hóa tôi với phe “đồng ý cho FMS ở lại” để phê phán, như thể “ông không ở bên này thì dứt khoát là bên kia, chứ không thể khác”. Có vài bạn FB còn dẫn tôi lạc xa đề (1 ý duy nhất với 2 phương thức giải quyết khủng hoảng), để làm gì không biết nữa.
Thì làm sao có thể “nghe ra nhau”?

Sự thể xuất phát từ nỗi vô minh chung của con người. Để khi bị bóng ma chính trị [kì quặc] VN ám, nó đẩy ta rơi vào vòng xoáy của chia xé và hận thù. ĐẾN NỖI TA KHÔNG PHÂN BIỆT ĐÂU LÀ TIẾNG NÓI ĐỒNG ĐIỆU HAY THIỆN CHÍ NỮA.
Đó chính là điều đáng sợ hơn mọi điều đáng sợ khác của xã hội hôm nay.
Cá nhân tôi – lâu nay cứ ngỡ mình đắc đạo rồi, đã sang ngồi tít bờ bên kia rồi – ai dè, không phải: tôi vẫn sợ. Sợ cho cái mạng cùi của mình.

*
PS riêng Chu Mộng Long.
Bàn về FMS, bạn tạt sang “nghi ngờ việc anh chủ trì hội nghị bàn tròn bàn méo gì đó về văn chương. Sẽ thiên vị lắm đấy!”. Bạn không biết, không hiểu thì hỏi, đâu cần mỉa mai nhau như thế. Để tránh các bạn văn khác có thể nghi ngờ [bậy], xin nói rõ một lần cho trót như sau.
– BTVC là sáng kiến của nhà văn PT Vàng Anh (Ủy viên BCH Hội), và tôi. Là hoạt động ngoại biên của Hội Nhà văn Việt Nam, kéo dài 2007-2008.
– Chủ trì: là do PT Vàng Anh đề nghị tôi, vì lúc đó chị đang Hà Nội. Bên cạnh chủ trì, đều có phó chủ trì [trẻ tuổi] cho mỗi kì. Nhiệm vụ của chủ trì: gợi ý nếu BTVC túng ý, gợi hứng nếu chán, và cắt nếu lạc đề. Chủ trì không được quyền nói nhiều.
– Ở Sài Gòn và tỉnh lân cận: 8 kì; ở Bắc [không liên quan đến BTVC ở Sài Gòn]: 4 kì, và…
– Chủ đề tự do, người tham dự tự do, thảo luận tự do.
– Tất cả chủ đề đều do BTVC kì trước đề nghị cho kì tới, 15 kì tôi tuyệt đối chưa có đề nghị nào.
– Quy ước BTVC: không đọc tham luận, không lạc đề và ngoài lề, không khen không chê.
– Sau mỗi kì đều có thư kí ghi Biên bản BTVC: đúng, cụ thể, chi tiết và đầy đủ.
+ BTVC làm việc theo tinh thần dân chủ chưa từng có trước đó, thế nên nó mới hấp dẫn các cây bút đến với nó, dù mỗi kì Hội Nhà văn cho 300 ngàn đồng, đúng mỗi người 1 li trà đá. Biên bản BTVC chính là tang chứng cho nỗi dân chủ kia, không chạy vào đâu được. Cạnh đó, hầu hết những người tham dự vẫn còn sống.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *