[sau Stt này “quan trọng” này, tôi tạm nghỉ FB một thời gian]
“Tư duy biển lớn làm nên Văn hóa biển Cham trong toàn cảnh văn hóa Việt Nam” là tham luận gửi Hội thảo Việt Nam học tại Hà Nội trong 2 ngày: 15&16-12-2016. Ở đây Ban tổ chức không nhắc gì đến chi phí đi lại lẫn khách sạn. Đi, là MẤT TIỀN.
“Sứ mệnh văn nghệ – sứ mệnh công dân” là tham luận khác ở Hội thảo bên Dân tộc Thiểu số, cũng tại thủ đô ngày 21-12-2016. Tại đây khách mời phải đi tàu lửa, chứ không còn leo máy bay như xưa. Phải 2 ngày đêm ngồi tàu: MẤT GIỜ.
Ôi, bao giờ cho tới… ngày xưa?
Tôi dân tự do, làm lính đánh thuê dự hội thảo các loại chả đòi hỏi chi cao sang, huề vốn là được; chứ chịu lỗ thì lấy đâu mà bù? – Tội không? Dân biên chế thì khác, họ linh động quang quảng, có khi còn được nhiều thứ nữa.
15 năm qua, dù cư trú ngoại biên, và dù hội thảo thuộc chính thống, phi chính thống hay nước ngoài, tôi chưa từng đụng phải tình thế này. Hôm nay ẹ thế – đành nghỉ chơi thôi.
Ở nhà: Viết, đọc sách, suy tư, mơ mộng và xem Arsenal đá. Cũng sướng chán!
NÓI CHUYỆN ĐẦU TIÊN (ảnh 1)
Là diễn từ nhận Giải thưởng Hội Nhà văn cho tập thơ Tháp nắng, tại Hà Nội: 2-1998 (trích đoạn cuối):
“… Trước 1975, một vài khuôn mặt văn nghệ Cham ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã có một số bài thơ, truyện ngắn đăng rải rác trên các báo, tạp chí ở Sài Gòn. Dẫu còn lẻ loi, mờ nhạt cũng cần ghi nhận cố gắng hòa nhập của các cá nhân này vào đời sống văn chương tiếng Việt nói chung. Nhưng rồi một phần vì thời cuộc, phần nữa do đời sống khó khăn cộng thêm gánh nặng trách nhiệm với con cái, các tiếng nói này cũng đã mất hút trong vòng xoáy áo cơm thường nhật. Và từ đó đến nay, người Cham im hơi lặng tiếng.
Hai mươi năm đi qua.
Trong hai mươi năm ấy, Tháp nắng dẫu vẫn lặng lẽ hoài thai nhưng không hy vọng chào đời vào một ngày đẹp trời nào đó. Thế rồi qua hai mươi năm lận đận, nó cũng được in, như dạng nó đang có, nghĩa là bớt sần sùi đi, tươm tất hơn. Và may mắn đoạt luôn Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.
Do đó, tôi muốn xem giải thưởng này do Hội Nhà văn dành cho Tháp nắng – sản phẩm đầu tay của tác giả Cham đầu tiên – là phần thưởng vừa dành cho cá nhân tôi đồng thời cho các bạn Cham mà những bài thơ, trang văn còn nằm ở dạng bản thảo. Giải thưởng này sẽ như là một khích lệ, một chất kích thích thôi thúc họ sáng tác và xuất hiện.
Riêng cá nhân tôi, với niềm hãnh diện và tinh thần trách nhiệm, tôi không xem giải thưởng như mức đến mà như một bước khởi đầu mới trên con đường nghệ thuật dài dặc, nhọc mệt nhưng không kém vinh quang này”.
THUYẾT TRÌNH [CÓ LẼ] CUỐI CÙNG (ảnh 2)
Là bài nói chuyện về Văn học miền Nam 1954-1975, tại Sài Gòn (trích đoạn cuối):
“… Không phong trào nghệ thuật nào phát sinh từ hư vô. Hoặc nó “tiếp nhận và sáng tạo”, để từ nền đất cũ làm ra những cái mới hơn; hoặc nó phản kháng, chống lại cái đang có để làm khác đi.
Dù thế nào đi nữa, muốn đánh giá nghiêm túc một sự kiện, một tác giả hay một dòng văn học, cần phải có cái nhìn toàn cảnh. Hơn 40 năm sau khi đất nước thống nhất, nền văn học hiện đại Việt Nam [trong đó có Văn học miền Nam 1954-1975] vẫn chưa được nhận diện toàn vẹn. Ta vẫn còn mang tâm phân biệt đối xử cả trong văn học, dù thời gian đã đi qua non nửa thế kỉ. Trong lúc, chỉ khi nào ta có cái nhìn toàn cảnh tiến trình phát triển văn học Việt: trước và sau 1975, Bắc và Nam, trong nước và hải ngoại, chính thống và phi chính thống… các tác giả [vốn bị cho là] ngoại vi mới hi vọng có được sự đánh giá công bằng. Chỉ khi ấy, ta mới có thể biết được đâu là toàn cảnh văn học Việt Nam trong giai đoạn khốc liệt nhất của lịch sử đất nước, từ đó trả lại sự công bằng cho mọi đóng góp dù nhỏ nhất vào sự phát triển văn học và ngôn ngữ dân tộc”.